Friday, January 12, 2024

KHẢO SÁT TOÀN CẦU: GIẢ VỜ BẬN RỘN PHẦN LỚN NHÂN VIÊN LÀ NGƯỜI CHÂU Á

Bất cứ ai từng đi làm một thời gian đều nhận thấy rằng một số người luôn tỏ ra bận rộn chốn công sở, đặc biệt là trước mặt cấp trên của họ. Một cuộc khảo sát gần đây với hàng chục nghìn nhân viên trên khắp thế giới cho thấy, nhân viên của 3 nước đứng đầu danh sách “giả vờ bận rộn” đều là người châu Á.

(Ảnh: WESTOCK PRODUCTIONS/ Shutterstock)

Theo báo cáo của trang web CNBC, công ty phần mềm Slack của Mỹ và nền tảng khảo sát đám mây Qualtrics đã tiến hành khảo sát hơn 18.000 nhân viên văn phòng và giám đốc điều hành trên khắp thế giới. Quốc tịch của những người được khảo sát gồm Hoa Kỳ, Úc, Pháp, Đức, Anh, Ấn Độ, Singapore, Nhật Bản và Hàn Quốc.

Cuộc khảo sát cho thấy nhân viên văn phòng ở châu Á dành nhiều thời gian nhất để làm “công việc mang tính biểu diễn”, hoặc khiến bản thân “trông có vẻ bận rộn” tại công sở, chứ không thực sự đang làm việc.

Ông Derek Laney, chuyên gia kỹ thuật khu vực châu Á-Thái Bình Dương của Slack, cho biết hiệu quả công việc được đánh giá liên quan đến việc dành nhiều thời gian cho các cuộc họp, và cách thể hiện hiệu quả công việc của nhóm, hơn là đưa ra quyết định hoặc giải quyết vấn đề.

Ông Laney cho biết, sở dĩ nhân viên làm vậy là do ảnh hưởng trước những phương thức mà các nhà lãnh đạo công ty đo lường năng suất công việc. Các nhà lãnh đạo đánh giá năng suất của nhân viên dựa trên các hoạt động có thể nhìn thấy hơn là tập trung vào kết quả thực tế.

Ông nói, điều này khiến nhân viên lãng phí năng lượng để cố gắng biểu hiện tốt trước mặt cấp trên.

Nhân viên cảm thấy áp lực khi sếp của họ luôn đánh giá năng suất làm việc theo những gì họ thể hiện hàng ngày (Ảnh minh họa: CNBC)

Theo kết quả nghiên cứu, những nhân viên hay “giả vờ bận rộn” nhất đến từ Ấn Độ, họ dành 43% thời gian cho việc thể hiện. Vị trí thứ hai là nhân viên Nhật Bản, với 37% thời gian, Singapore đứng thứ ba, với 36% thời gian.

Nhân viên ở cả 3 quốc gia này dành thời gian làm việc nhiều hơn mức trung bình toàn cầu là 32% cho những công việc không thực chất. Ngược lại, nhân viên ở Hoa Kỳ và Hàn Quốc ít “giả vờ bận rộn” nhất, tỷ lệ thời gian giả vờ làm việc của họ là 28%, thấp hơn mức trung bình toàn cầu.

Dưới đây là thứ hạng của 9 quốc gia và tỷ lệ phần trăm thời gian nhân viên dành cho những công việc chỉ mang tính hình thức:

(1) Ấn Độ – 43%.
(2) Nhật Bản – 37%.
(3) Singapore – 36%.
(4) Pháp – 31%.
(5) Anh – 30%.
(6) Úc – 29%.
(7) Đức – 29%.
(8) Hoa Kỳ – 28%.
(9) Hàn Quốc – 28%.

Theo cuộc khảo sát, trên toàn cầu, cách mà các giám đốc điều hành công ty sử dụng để đo lường năng suất của nhân viên là quan sát và chỉ tiêu hoạt động, như thời gian nhân viên online hoặc số lượng email họ gửi.

Điều này có thể khiến nhân viên cảm thấy áp lực, nên phải kéo dài thời gian làm việc nhiều giờ hơn, trả lời email nhanh chóng, hoặc tham dự mọi cuộc họp.

Cuộc khảo sát cho biết, hầu hết nhân viên được khảo sát muốn năng suất của họ được đo lường theo những cách khác với hiện tại, chẳng hạn như các chỉ số hiệu suất công việc KPI, đối thoại với cấp trên, và thời gian dành cho các loại công việc cụ thể, v.v.

(Ảnh: fizkes/Shutterstock)

Ngoài ra, hơn một nửa số người được hỏi cho biết, cách tốt nhất để người sử dụng lao động tăng năng suất là sắp xếp công việc linh hoạt. Trong số đó, 36% chọn địa điểm làm việc linh hoạt, 32% chọn những lợi ích công việc độc đáo và cải tiến thiết bị văn phòng.

Ông Laney kiến nghị rằng các công ty có thể áp dụng những cách làm việc mới để việc cộng tác hiệu quả hơn, như làm việc không đồng bộ thay cho các cuộc họp.

Công việc không đồng bộ có nghĩa là giờ làm việc của các thành viên trong nhóm không nhất thiết phải nhất quán. Điều này không chỉ phá vỡ giới hạn về không gian, mà còn phá vỡ giới hạn về thời gian, đây có thể được coi là một bước tiến mới trong lĩnh vực làm việc từ xa.

Theo: Tuấn Thôn / Epoch Times
Nguồn: trithucvn