Bom khinh khí được đế quốc Nhật triển khai để trả đũa Mỹ. Ảnh minh họa: Simply Knowledge.
Với mục sư Archie Mitchell, mùa xuân năm 1945 là khởi đầu của những kỳ vọng khi vợ ông, bà Elsie, mang thai đứa con đầu lòng và ông được nhận chức vụ mới - mục sư của Nhà thờ liên minh Cơ đốc và Truyền giáo, ở thị trấn Bly, bang Oregon, Mỹ.
Để ăn mừng 2 sự kiện ý nghĩa, vợ chồng mục sư Mitchell đã rủ 5 học trò, ở lớp học Chủ nhật mà họ giảng dạy, cùng tham gia chuyến dã ngoại gần núi Gearhart vào một ngày mùa xuân đẹp trời đầu tháng 5/1945. (Mùa xuân ở Mỹ từ tháng 3 đến tháng 5). Nhưng họ không thể ngờ, thảm kịch kinh hoàng đang chờ đón trên núi.
"Nó giống như một loại khinh khí cầu vậy", Elsie nói thêm. Mục sư Mitchell liếc nhìn vợ và nhóm học trò đang đứng cách "vật thể lạ" chừng 45 mét. Khi một trong số các học trò tới gần và chạm vào vật lạ, mục sư cố gắng hét lớn cảnh báo nhưng không còn kịp nữa.
Một vụ nổ lớn làm rung chuyển sườn núi yên bình. Elsie và 5 học trò chết tại chỗ vì vụ nổ. Khi một nhân viên kiểm lâm ở vùng lân cận tới hiện trường, người này phát hiện thi thể các nạn nhân không còn nguyên vẹn và mục sư Mitchell đang đấm liên tục vào mảnh váy của vợ còn sót lại. Ông uất nghẹn vì không cứu được vợ, đứa con đầu lòng và 5 học trò.
Vũ khí phục thù
Phòng thí nghiệm Khoa học quân sự Nhật Bản ban đầu hình thành ý tưởng về bom khinh khí (Fu-Go) vào năm 1933. Chương trình nghiên cứu và phát triển Không vận, do phòng thí nghiệm này đề xuất, đã đưa ra một số ý tưởng, trong đó có bom khinh khí nhưng chưa triển khai ý tưởng về loại bom này.
Sau khi oanh tạc cơ Mỹ dội bom vào thủ đô Tokyo và các thành phố khác ở Nhật Bản trong chiến dịch Doolittle năm 1942, bộ chỉ huy quân sự Nhật muốn trả đũa, nhưng gặp khó khăn vì khoảng cách giữa hai nước là gần 10.000 km.
Viện nghiên cứu Kỹ thuật quân sự số 9 hay còn gọi là Viện nghiên cứu Noborito được giao nhiệm vụ tìm ra cách ném bom nước Mỹ. Các nhà khoa học của viện này quyết định hồi sinh ý tưởng về Fu-Go.
Viện Noborito đã thiết kế bom khinh khí có thể phóng được từ tàu ngầm Nhật Bản tới khu vực bờ tây nước Mỹ. Tuy nhiên, các nghiên cứu chung của lục quân - hải quân Nhật Bản về hoạt động này phải dừng đột ngột vì mọi tàu ngầm được triệu hồi cho chiến dịch Guadalcanal - cuộc tấn công lớn đầu tiên mà Nhật phải hứng chịu từ phe Đồng Minh - vào tháng 8/1943.
Các nỗ lực mới sau đó tập trung vào việc thiết kế khinh khí cầu bay từ Nhật Bản, xuyên Thái Bình Dương và tới được đất Mỹ. Khi phát hiện một luồng khí thổi nhanh ở độ cao hơn 9.000 km - ngày nay gọi là Dòng Tia – vào những năm 1940, nhiều người Nhật lúc đó cho rằng "gió thần" tái xuất để giúp họ. Theo trang Atomic Heritage, người Nhật quan niệm "gió thần" xuất hiện lần đầu tiên vào thế kỷ 13 - khi các cơn lốc xoáy giúp Nhật Bản đánh bại các đội quân xâm lược Mông Cổ.
Mùa đông năm 1943 và 1944, các nhà khí tượng học Nhật Bản thử nghiệm bom khinh khí với Dòng Tia và kết luận loại vũ khí này có tính khả thi.
Phát hiện này "bật đèn xanh" cho việc sản xuất hàng loạt 10.000 quả bom khinh khí chuẩn bị cho chiến dịch "trả đũa" vào mùa đông năm 1944 và 1945.
Vỏ khí cầu được làm bằng washi - một loại giấy làm từ vỏ cây kozo - rất bền. Lực lượng làm những khí cầu này không phải quân đội Nhật mà chính là những nữ sinh. Họ ngày đêm bắt tay vào làm nhưng không hề biết chúng sẽ được dùng làm gì.
Đúng vào ngày kỷ niệm 92 năm sinh nhật Thiên hoàng Minh Trị - ngày 3/11/1944, những quả bom khinh khí đầu tiên được thả đi. Việc thả bom khinh khí cầu đòi hỏi sự tỉ mẩn và tính toán cẩn thận chứ không đơn giản là bật lửa rồi cắt dây buộc.
Nhật Bản cần tới 30 người và mất từ 30 phút đến một tiếng để chuẩn bị cho một quả bom khinh khí sẵn sàng bay. Ngoài ra, khí cầu chỉ có thể được thả khi có điều kiện gió thuận lợi. Trong khoảng thời gian từ tháng 11/1944 đến tháng 3/1945, Nhật Bản chỉ có 50 ngày thuận lợi để thả bom khinh khí. Quân Nhật khi đó kỳ vọng, mỗi ngày có thể thả được 200 quả bom khinh khí từ 3 điểm thả.
Phản ứng của người Mỹ
Hai ngày sau vụ thả bom khinh khí đầu tiên, một đội tuần tra của hải quân Mỹ ở khu vực ngoài khơi bờ biển California phát hiện một số mảnh vải rách trên bờ biển. Khi vớt lên tàu, họ phát hiện thấy tiếng Nhật ghi bên trên và báo cho Cục điều tra liên bang Mỹ (FBI).
Phải tới 2 tuần sau - khi nhiều mảnh vỡ từ bom khinh khí được phát hiện trên biển, quân đội Mỹ mới nhận ra sự tồn tại của bom khinh khí.
Trong 4 tuần tiếp theo, nhiều bài báo đưa tin về những quả khinh khí cầu xuất hiện ở khắp nửa phía tây của nước Mỹ khi nhiều người nhìn thấy vỏ khinh khí hoặc nghe thấy tiếng nổ.
Một quả bom khinh khí được phát hiện ở bang Kansas, Mỹ, năm 1945. Ảnh: US army.
Phản ứng ban đầu của quân đội Mỹ là vô cùng lo ngại. Họ chưa rõ mục đích của những quả khinh khí cầu này. Một số quan chức quân đội lo ngại chúng có thể là vũ khí sinh học của quân Nhật. Quân đội Mỹ nghi ngờ rằng, những quả khinh khí cầu này được phóng đi từ các trại tái định cư cho người Nhật ở Mỹ hoặc các trại tù binh của Đức.
Tháng 12/1944, một dự án tình báo quân sự bắt đầu đánh giá bom khinh khí bằng cách thu thập nhiều bằng chứng khác nhau từ khắp nơi trên đất Mỹ.
Phân tích của dự án tình báo cho thấy lượng cát dính ở bom khinh khí được lấy từ một bãi biển phía nam Nhật Bản. Dự án cũng kết luận rằng, mối đe dọa chính của bom khinh khí xuất phát từ phần bom được gắn với khinh khí cầu.
Bom khinh khí đặc biệt nguy hiểm với các khu rừng ở tây bắc Thái Bình Dương. Mùa đông là mùa khô, vì vậy, cháy rừng có thể bùng phát dữ dội và lan nhanh. Tuy nhiên, quân đội Mỹ khi đó kết luận các vụ tấn công là rải rác và không có mục tiêu cụ thể.
Quân đội Mỹ lo lắng rằng, mọi thông tin về bom khinh khí sẽ khiến người dân hoảng sợ, nên cuối cùng họ quyết định giữ im lặng. Ngày 4/1/1945, Văn phòng Kiểm duyệt thông tin của Mỹ yêu cầu các báo và đài phát thanh không thảo luận về bom khinh khí. Điều này khiến Nhật Bản không có bất kỳ tin tức nào cho thấy mức độ hiệu quả từ chiến dịch bom khinh khí.
Ngày 17/21945, người Nhật sử dụng hãng thông tấn Domei để chuyển tải thông điệp bằng tiếng Anh tới Mỹ, tuyên bố rằng có 500 đến 10.000 thương vong liên quan tới các vụ hỏa hoạn do bom khinh khí của Tokyo gây ra. Động thái này phần lớn nhằm thổi phồng sự thành công của chiến dịch bom khinh khí, cảnh báo Mỹ rằng "bom khinh khí chỉ là khúc dạo đầu cho một điều gì khác khủng khiếp hơn".
Tuy nhiên, chính phủ Mỹ khi đó tiếp tục giữ im lặng cho tới khi thảm kịch xảy ra vào đầu tháng 5/1945 với gia đình mục sư Mitchell và 5 học trò. Họ là nhóm người Mỹ duy nhất thiệt mạng bởi bom Nhật trên đất Mỹ.
Thảm kịch này buộc quân đội Mỹ phải lên tiếng và bắt đầu đưa ra cảnh báo không được đụng tới những thứ giống khinh khí cầu rơi. Quân đội Mỹ nhấn mạnh, các quả bom khinh khí không gây ra các mối đe dọa nghiêm trọng, nhưng cần phải báo lại nếu phát hiện.
Trong khoảng thời gian từ tháng 11/1944 tới tháng 4/1945, quân đội Nhật đã phóng hơn 9.000 bom khinh khí trong chiến dịch Fu-Go. Hầu hết, số bom này rơi xuống Thái Bình Dương, nhưng vẫn có khoảng 300 quả rơi xuống miền tây nước Mỹ và Canada. Tuy nhiên, không gây ra thiệt hại thêm về người.
“Dấu chấm hết” của bom khinh khí
Sau khi Thế chiến II kết thúc, một số nhà khoa học Mỹ đã tới Tokyo vào tháng 9/1945 để thu thập thông tin về các nghiên cứu khoa học trong chiến tranh của đế quốc Nhật.
Nhóm nghiên cứu do Karl T. Compton, cố vấn khoa học lâu năm của chính phủ Mỹ khi đó, và Edward Moreland, nhà khoa học do MacArthur - tướng Mỹ chịu trách nhiệm tiếp quản Nhật Bản hậu Thế chiến II - chỉ định.
Theo báo cáo của nhóm nghiên cứu, họ đã phỏng vấn các quan chức từ Viện Noborito - những người đã làm việc trong chương trình Fu-Go.
Ngày 19/9/1945, 2 chuyên gia Mỹ đã trao đổi với trung tá Terato Kunitake và thiếu tá Inouye. Kunitake và Inouye tuyên bố mọi ghi chép về chương trình Fu-Go đã bị hủy theo chỉ thị của cấp trên vào ngày 15/8/1945.
Các chuyên gia Mỹ còn phát hiện, Nhật Bản khi đó lên kế hoạch sản xuất 20.000 quả khinh khí cầu, nhưng không đạt được mức đó. Họ cũng biết được rằng chiến dịch bom khinh khí được đưa ra để "trả đũa" chiến dịch Doolittle của Mỹ.
Theo cuộc trao đổi với các nhà khoa học ở Viện Noborito, quân đội Nhật biết bom khinh khí không hiệu quả như kỳ vọng nhưng vẫn theo đuổi để giữ thể diện. Các nhà khoa học Nhật cũng xác nhận, Nhật Bản không có kế hoạch sử dụng vũ khí sinh học hay hóa học với các khinh khí cầu.
Theo Kunitake và Inouye, quân đội Nhật phải dừng chương trình Fu-Go vì thiếu nguồn lực. Các cây kozo đã trở nên khan hiếm. Ngoài ra, các máy bay B-29 đã oanh tạc vào nhà máy hóa chất Showa Denko, khiến nguồn cung hydro của Nhật bị hạn chế rất nhiều. Thiếu hydro, các khinh khí cầu không thể bay lên.
Thêm vào đó, việc thiếu các thông tin về hiệu quả của bom khinh khí ở đất Mỹ cũng góp phần vào quyết định dừng chương trình Fu-Go.
Tới năm 2016, nhiều nhà sử học cho rằng, các khinh khí cầu có lẽ vẫn chưa được phát hiện toàn bộ. Dù phần lớn chúng rơi ở biển, nhưng các cư dân ở phía tây bắc Thái Bình Dương vẫn được khuyến cáo nên cẩn thận khi thấy những vật khả nghi tương tự. Năm 2014, một quả bom khinh khí được phát hiện ở Canada, tuy không gây nổ, nhưng về mặt di chuyển, nó đã hoạt động tốt.
Bom khinh khí được coi là sản phẩm của đổi mới khoa học thời chiến. Về mặt kỹ thuật, các quả bom khinh khí đầu tiên tới Mỹ được xem là những tên lửa đạn đạo xuyên lục địa đầu tiên trên thế giới.
Nguyễn Thái (Theo Khám Phá)
Nguồn: Dân Việt
Link tham khảo: