Mùa hè oi bức, thịt cá nào bằng chút rau quê
Nhớ hoài mấy dĩa rau sam luộc
Lần đầu nhìn thấy mớ rau thân đỏ tía lấp ló những chiếc hoa vàng xinh xắn trong một chậu sành to trước cổng căn nhà trọ giữa Sài Gòn, tôi đã rất ngạc nhiên. Thì ra thành phố này coi thứ rau mộc mạc đó là cây cảnh. Tôi cứ ngờ ngợ tự hỏi chẳng biết mình nhớ đúng tên chúng không hay đã nhầm lẫn với loài cây khác. Nhưng, chính xác là nó - cây rau sam mà ngày nhỏ tôi từng mê tít.
Tôi chẳng tìm được rau sam ở các chợ phố nên khi vừa về nhà là cắp rổ ra vườn bấm ngọn mớ rau sam non mơn mởn. Rau sam bò lan mạnh mẽ như loài cỏ dại không chê đất khô cằn, ưa ẩm nhưng chịu hạn tốt, thân mọng nước trơn nhẵn với màu đo đỏ. Từ gốc, những nhánh rau tủa ra với hằng hà vô số chiếc lá nhỏ xinh nảy tròn mập mạp, màu xanh viền hơi hồng đỏ. Cây rau sam nở hoa vàng năm cánh mỏng manh, đậu quả xanh nhỏ xíu chứa hạt đen li ti sẽ rơi bung khắp mặt đất, giúp cây lan nhanh.
Rau sam hái vào rửa sạch, luộc chín với một ít muối để giữ được độ xanh rồi vớt ra để ráo. Má tôi mở thẩu mắm cái, giã ít tỏi ớt, thêm chút đường. Mùi mắm mặn mòi lan tỏa khắp căn bếp. Rau sam luộc chua nhè nhẹ chấm mắm cái, tuy đơn giản mà ngon đậm đà. Thi thoảng, má cũng làm nước mắm tỏi ớt để chấm rau sam. Hồi đó nhà nghèo, mâm cơm luôn thiếu thịt cá, chúng tôi đã lớn lên nhờ những dĩa rau luộc như thế.
Rau sam
Những ngày chay, má chần rau sam qua nước sôi rồi cho thêm đậu phộng rang giã nhỏ, muối và bột ngọt, rưới ít dầu mè là được một món rau trộn cực ngon. Dĩa rau vừa mềm lại hơi giòn, vị chua thanh đó đã nằm trong mâm cơm nhà tôi từ những ngày xưa xa, mãi tới giờ vẫn không đổi.
Phần nước luộc rau sam không bao giờ bị đổ bỏ vì má tôi bảo bao nhiêu tinh túy đều ở đó. Má thêm vào thứ nước hồng nhạt đó chút muối, bột ngọt, nước cốt chanh, thế là có ngay tô nước canh thanh mát cho bữa cơm.
Sâm đất xào tỏi thơm mềm vị quê
Cũng trong chậu kiểng trước nhà tôi trọ ở Sài Gòn, tôi tìm thấy một loài rau khác cùng họ với rau sam, là cây sâm đất, còn gọi là sâm mồng tơi. Những bông hoa nhỏ nhắn màu hồng tím nở rộ ở phần ngọn của thân, nhánh. Có lẽ chính vì thế mà người thành phố nhầm lẫn cây rau quê là thứ hoa cảnh xinh yêu.
Có lần, tôi tiện tay ngắt vài lá sâm đất non trong chậu kiểng cho vào tô mì gói nóng hổi. Gắp đũa rau lên miệng mà tôi da diết nhớ dáng lưng khòm khòm má tưới rau ngày nào. Tới khi về giữa khu vườn, nghe bao nhiêu yêu thương mùa cũ tràn về.
Ngay cả khi ở quê, ta cũng ít khi tìm được rau sâm đất ngoài chợ. Thế nhưng cây luôn có sẵn trong vườn nhà tôi, xanh tốt cả một vạt đất trước hiên. Lá sâm đất dáng thuôn dài, phiến lá dày và trơn nhẵn cả hai mặt. Dưới cái nắng hè rát mặt, nhìn khoảng sâm đất xanh mướt tự tay trồng, thấy mát mắt, dễ chịu vô cùng.
Rau sâm đất
Ngày còn bé, mỗi khi anh em chúng tôi nổi mụn nhọt hay bị ghẻ lở, ba thường bứt một ít lá sâm đất giã nhuyễn rồi đắp lên vùng da bị tổn thương. Cái thời trẻ con thì làm gì biết được rau sâm đất là loại thảo dược. Chúng tôi chỉ thấy vết ngứa rát dịu đi một cách thần kỳ và nhanh lành như được bôi thuốc tiên.
Cây sâm đất cho rau quanh năm, hái xong đợt này liền ra đợt khác, có khi chưa kịp ăn hết thì lá đã già. Rau sâm đất nấu canh thịt bằm ăn ngọt mát hệt như rau mồng tơi, giải nhiệt mùa hè cực tốt, chỉ khác là sâm đất không nhớt nhầy như lá mồng tơi.
Món ruột mà tôi khoái là rau sâm đất xào tỏi. Phi thơm mấy tép tỏi ta trong dầu phộng, rồi cho rổ rau sâm đất đã rửa sạch vào đảo đều, nêm ít gia vị và tiêu cho vừa miệng, đảm bảo sẽ có dĩa rau xào thơm nức gian bếp, ngon không kém rau muống xào tỏi. Tôi có thể ăn rau sâm đất xào tỏi quanh năm, hết sạch dĩa mà vẫn còn thòm thèm.
Ngọt mát bát canh rau lủi tôm đồng
Xuất phát từ vùng núi Trà My thuộc tỉnh Quảng Nam và một số nơi ở Tây Nguyên, rau lủi là loại rau rừng được trời phú cho vị hơi cay ngọt và mùi thơm đặc trưng. Rau lủi còn được gọi là rau lúi, lũi hoặc rau bầu đất. Bà con miền núi thường dùng rau lủi trị bệnh thấp khớp, an thần, điều hòa khí huyết… Những món ăn bài thuốc cứ thế được truyền tai nhau từ năm này qua năm khác.
Đợt dịch COVID-19 năm ngoái, đồng bào Ca Dong đã cõng hàng tấn rau củ rừng xuống ủng hộ thành phố Đà Nẵng như một cách “Hướng về đồng bằng - san sẻ yêu thương”. Trong số sản vật của núi rừng đem về xuôi có những bó rau lủi xanh mướt được bọc trong lá chuối. Đôi khi nghĩa tình gói gọn đơn giản chỉ trong vài bó rau xanh.
Tôi làm bạn với rau lủi từ nhỏ. Sống cheo leo nơi sườn dốc đá hoặc chơ vơ nơi bãi hoang ven suối, rau lủi theo người về vườn nhà. Được cắm xuống vạt đất bằng phẳng với nhiều nước và chất dinh dưỡng, phiến lá trở nên dày và bớt cay.
Rau lủi (rau bầu đất)
Khác với họ nhà sam ở trên, rau lủi ưa nơi râm mát. Những chiếc lá to bầu, đầu nhọn, mép khía răng cưa, bề mặt hơi nhám cứ núp bóng mà tốt tươi.
Ngày trước, má tôi thường nấu canh rau lủi cho bữa cơm trưa. Dạo một vòng quanh chợ, má lựa đầy giỏ tôm đồng (tôm đất hoặc tôm sông) còn đang sống nhảy tưng tưng. Tôm sông khi sống tanh hơn tôm biển hay tôm nuôi nhưng nấu chín lại rất thơm ngon, ngọt thịt. Những con tôm nhỏ xíu được làm sạch, cắt râu và đuôi, để nguyên vỏ, ướp gia vị cho thật thấm. Phi thơm ít củ nén đập dập trong dầu phộng, má cho tôm sông vào xào chín đỏ. Sau đó, má đổ thêm một chén nước, nấu sôi và cho rau lủi vào nấu mềm. Canh rau lủi nấu tôm sông thanh ngọt, ăn cực mát. Hương rau lủi thơm dịu vương nơi đầu lưỡi, vị rau lủi mát lành đọng nơi cổ họng, ai đã từng một lần thử qua đều sẽ luyến nhớ. Quả thật, bữa cơm nhà quê phải có tô canh rau húp xì xụp mới đúng điệu.
Những ngày lao theo guồng quay mưu sinh nơi phố thị, ăn vội hộp cơm mua bên quán ven đường, chan nhanh miếng canh “toàn quốc” nhạt thếch, tôi mới thấm thía nỗi nhớ những khoảnh khắc thư thả cùng má nhặt rau, làm cá, nấu tô canh rau dại với cá rô đồng. Phải tới khi rời xa vòng tay gia đình, ta mới thêm trân quý khoảng thời gian bên cạnh những người thân yêu, càng mong mỏi những bữa cơm sum họp gia đình, tuy giản đơn mà luôn đầy ắp tiếng cười.
Cho dù xa nhà ở phố bao lâu, cái chất quê vẫn nằm mãi trong tôi để ngày qua ngày tôi cứ thèm mãi những món canh rau sau vườn.
Ny An / Theo: PNO