Đôi khi chúng ta có thể nhìn thấy được nỗi sợ hãi của bé xuất phát từ những hành động, lời nói cứng nhắc của trẻ, nhưng các bé ấy thường giữ trong lòng và nói rằng không sợ. Những lúc như vậy, nếu cha mẹ yêu cầu các bé phải can đảm đối mặt, có thể sẽ làm tổn thương các bé, bởi vì điều này tương đương với việc ‘khuyến khích’ trẻ đè nén sự sợ hãi.
Xã hội ngày nay luôn ca ngợi, tán dương những hành động dũng cảm, phủ nhận sự yếu đuối, đặc biệt là với các bé trai. Nếu biểu hiện sự can đảm, sẽ nhận được sự khen ngợi từ mọi người; nếu gặp chuyện mà ủy khuất khóc lóc, sẽ bị chê cười là yếu đuối. Tất nhiên, đối với tinh thần dũng cảm chúng ta cần ủng hộ, nhưng chúng ta cũng cần phải suy nghĩ cho con trẻ, hướng dẫn trẻ đối mặt với sự sợ hãi của chính mình, hai điều này có thể tiến hành song song mà không bị ảnh hưởng.
Tuy nhiên khi chúng ta cổ vũ trẻ hãy cố gắng can đảm, thường quên mất tâm trạng lo sợ của các bé. Trong khi đó, nguồn gốc của sự dũng cảm là kết hợp giữa tình yêu thương và sự chấp nhận. Mỗi người đều hy vọng con cái mình nuôi dạy có được sự can đảm, mạnh mẽ, nhưng trên thực tế, bên trong sự dũng cảm là quá trình nội tâm hóa, không phải ngay từ khi sinh ra đã có sẵn trong lòng trẻ.
Khi trẻ em thiết lập được một mối quan hệ an toàn, nương tựa vào cha mẹ, nội tâm sẽ tự dựng nên “pháo đài an toàn”, chính là cảm giác an toàn mà chúng ta vẫn thường nói tới. Khi các bé cảm thấy sợ hãi, gặp phải khó khăn, sẽ chạy tới tìm sự an ủi, động viên từ cha mẹ; sau khi bé có được sự an ủi cổ vũ, các bé tự nhiên sẽ tràn đầy năng lượng, tự tin tiếp tục đi khám phá, tìm kiếm những thử thách mới. Những trẻ có cảm giác an toàn, sẽ ngày càng rời xa vòng tay cha mẹ, dám can đảm một mình bước đi.
Ai cũng hy vọng con cái sẽ mạnh mẽ, dũng cảm, nhưng chìa khóa của sự dũng cảm phụ thuộc vào các bậc phụ huynh chứ không nằm ở việc “bắt trẻ phải dũng cảm”. Khi các bé cảm thấy tình yêu thương từ cha mẹ, ngay cả khi sợ hãi hơn nữa, cũng có cha mẹ bảo vệ; ngay cả khi có yếu đuối hơn, cũng có cha mẹ yêu thương, như vậy những đứa trẻ lớn lên từ mảnh đất được tưới đầy tình yêu của cha mẹ sẽ có được sự can đảm mạnh mẽ.
Bước 1. Hướng dẫn trẻ, để trẻ nói lên cảm xúc sợ hãi của bản thân
“Căn phòng tối tăm rất đáng sợ, đúng không con?”
“Con muốn nói với bạn là trả đồ chơi lại cho mình, nhưng không dám nói, đúng không?”
“Con không dám đạp xe vì sợ bị ngã phải không?”
“Không muốn cho cha mẹ xem vở bài tập vì sợ sẽ bị quở trách đúng không con?” …
Bước 2. Dùng sự đồng cảm để thấu hiểu nỗi sợ hãi của trẻ, giúp trẻ đối mặt với cảm xúc của chính mình
“Căn phòng tối tăm không thể nhìn thấy thứ gì thực sự rất đáng sợ con ạ”.
“Người lớn cũng có rất nhiều chuyện không dám nói ra.”
“Thực sự thì cái này ngày trước bố mẹ cũng sợ lắm…”
Đừng luôn nói với trẻ kiểu như “cái này đâu có gì đáng sợ đâu”, bởi vì chỉ khi thừa nhận cảm xúc sợ hãi của trẻ, trong lòng trẻ mới không có suy nghĩ “sợ hãi là sai, mất mặt”. Khóc cũng là một cách thức giải tỏa áp lực chứ hoàn toàn không phải là biểu hiện hèn nhát. Cười nhạo những đứa trẻ hay xấu hổ, hay khóc lóc không phải là cách giáo dục tốt dành cho trẻ. Nếu không, sự cười nhạo này sẽ dần dần đi sâu vào ý thức của trẻ, trở thành nguồn gốc của mọi sai phạm mà sau này trẻ phải chịu trách nhiệm, như trẻ trở nên tự ti, trầm cảm, tự kỷ…
Bước 3. Có thể dựa vào độ tuổi của trẻ để dạy dỗ, hướng dẫn trẻ tìm cách khắc phục nỗi sợ hãi của bản thân
“Vậy chúng ta hãy bật đèn, phòng sáng rồi chúng ta lại bước vào nhé con!”
“Vậy chúng ta cùng đi nói chuyện với người bạn đó được không con?”
“Ngày trước mẹ cũng sợ làm cái này lắm, nhưng sau thử làm rồi thì không còn thấy đáng sợ nữa, con thử mà xem!”
Làm cha mẹ, khi thấy bé có những hành động, lời nói yếu đuối, đừng vội yêu cầu bé phải can đảm, hãy dùng sự quan tâm của bạn để bé xây dựng lại cảm giác an toàn, đồng thời dùng một thái độ tích cực để hỗ trợ trẻ.
Cái gọi là tình yêu thương – là thứ tình yêu thương mà các bé thực sự cần – chứ không phải là thứ cha mẹ tự cho đó là “tình yêu”. Nếu không biết các bé thực sự mong muốn điều gì, hãy từ bỏ cái tôi, dũng cảm học hỏi, đây cũng là khóa học bắt buộc để cha mẹ “trưởng thành”.
Yến Nhi / Theo: Trithucvn