Monday, January 22, 2024

LỊCH SỬ 60 NĂM MÓN MÌ CAY HÀN QUỐC

Ramyeon - mỳ Hàn Quốc với vị cay độc đáo ra đời từ thập niên 1960, chuyển mình thành món ăn được yêu thích trên thế giới.


Sau Thế chiến II, mỳ gói phổ biến khắp châu Á do tình hình kinh tế khó khăn cũng như việc thúc đẩy phân phối lúa mỳ hàng loạt vào Đông Á. Cùng thời điểm này, để giải quyết vấn đề thiếu gạo trong nước, chính phủ Hàn Quốc khuyến khích người dân ăn cơm độn ngũ cốc và thức ăn làm bằng bột mỳ để thay thế gạo, theo chính sách "bữa ăn hỗn hợp".

Nhìn nhận được cơ hội kinh doanh, các doanh nhân Hàn Quốc nhanh chóng tham gia vào thị trường và tạo ra những sản phẩm mỳ mang hương vị đặc trưng riêng. Cùng sự hỗ trợ từ nhà nước, ngành sản xuất mỳ và doanh thu bán ramyeon phát triển nhanh chóng.

Loại mì ăn liền đầu tiên của Hàn Quốc.

Ban đầu, mỳ Hàn Quốc không có vị cay nổi bật như hiện nay, sử dụng loại nước dùng trắng, thanh ngọt từ thịt gà. Hương vị này không phải lựa chọn phù hợp với đa số người Hàn - những người vốn dĩ thích ăn cay. Là người ủng hộ và thích ăn mỳ, năm 1966, Tổng thống Park Chung Hee đề xuất các công ty sản xuất mỳ cần thêm ớt bột, nhằm đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng tốt hơn.

Từ đó, ngành công nghiệp mỳ gói Hàn Quốc dần chuyển sang sử dụng nước dùng từ thịt bò và thêm nhiều bột ớt để hương vị cay nồng hơn. Với ảnh hưởng của Tổng thống Park giai đoạn đó, thị trường mỳ Hàn Quốc biến đổi và phát triển mạnh mẽ. Những năm 1980 là thời kỳ phát triển đỉnh cao của ramyeon, với nhiều loại hình được ra mắt, bán và cạnh tranh gay gắt.

Cựu Tổng thống Park Chung Hee

Đến những năm 2000, Hàn Quốc bắt đầu xuất khẩu ramyeon ra thị trường quốc tế. Các doanh nghiệp dần mở rộng thị trường và thiết lập nhà máy sản xuất ở nhiều quốc gia, ra đời nhiều thương hiệu nổi tiếng hiện nay như Paldo, Nongshim, Samyang...

Từ đây, ramyeon trở thành biểu tượng của văn hóa ẩm thực Hàn Quốc. Với đa dạng hương vị, kiểu chế biến trộn và nước, ramyeon mang đến trải nghiệm vị giác đậm đà, nổi bật, đặc trưng với hương vị cay nồng, quyện với sợi mỳ dày dai.

Tại Việt Nam, ramyeon thâm nhập vào thị trường khoảng năm 2014 cùng xu hướng mỳ cay 7 cấp độ, nhanh chóng gây sốt trong giới trẻ. Nhiều quán mỳ cay mở ra tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng... Độ cay của thố mỳ được chia thành 7 cấp. Cấp 1 tương đương độ cay gấp 3 lần tương ớt hoặc 9 thìa cà phê ớt bột, mỗi cấp cách nhau 3 thìa ớt, đến cấp 7 là nguyên 3 trái ớt khô siêu cay Sasin hoặc Naga. Điều này kích thích sự tò mò của người dùng đến trải nghiệm thử thách mỳ cay Hàn Quốc.

Mỳ cay Hàn Quốc trở thành món ăn phổ biến tại châu Á qua nhiều thập niên. Ảnh: Mỳ cay Seoul

Những năm gần đây, Việt Nam vượt Hàn Quốc trở thành nước tiêu thụ mỳ cao nhất thế giới, tạo động lực cho những thương hiệu mỳ tăng trưởng. Theo tờ Koreal Herald, mỗi người dân Việt Nam trung bình sử dụng 87 gói mỳ trong năm 2021, cao hơn mức 73 gói của người dân Hàn Quốc. Trong khi đó, theo Hiệp hội mỳ thế giới, Việt Nam là quốc gia đứng thứ ba về quy mô tiêu thụ với 8,56 tỷ gói trong năm 2021, chỉ sau Trung Quốc và Indonesia.

Koreno của Paldo là một trong những thương hiệu mỳ phổ biến nhất, là nguyên liệu đặc biệt của các nhà hàng: mỳ cay Seoul, Naga, Mr.Pan... nhờ sợi mỳ dày, dai, vàng óng đặc trưng. Với định vị sản phẩm là mỳ chuẩn hương vị Hàn Quốc nên mọi khâu sản xuất, máy móc, công nghệ được bàn giao và đào tạo bởi các chuyên gia đến từ quê hương món ăn.

Để phục vụ người tiêu dùng ưa chuộng món ăn này, thương hiệu ra mắt dòng sản phẩm Koreno Jumbo với 3 cấp độ: cay mạnh (vị hải sản, bò cay), cay vừa (vị kim chi, tôm) và không cay (vị gà, nấm).

Koreno Jumbo là nguyên liệu chính của món mỳ cay tại nhiều cửa hàng Việt Nam. Ảnh: Paldo

Sợi mỳ Koreno Jumbo được làm từ bột mỳ nguyên chất thượng hạng, không tẩm ướp gia vị và nhiệt độ chiên được kiểm soát ở mức vừa tới nên hạn chế gây những biến đổi chất trong quá trình chiên. Khi ăn, người dùng có thể cảm nhận rõ độ dai mềm, đầy đặn, hòa quyện với gia vị đậm đà nhờ quá trình nấu 4 phút. Koreno Jumbo có thể dễ dàng kết hợp với nhiều loại topping để đem lại bữa ăn dinh dưỡng, tiện lợi.

Theo các công ty nghiên cứu thị trường, với sự du nhập ngày càng nhiều của văn hóa Hàn Quốc, từ âm nhạc tới phim ảnh, tiềm năng tăng trưởng của các thương hiệu mỳ gói Hàn Quốc sẽ được củng cố khi mức độ nhận diện cao hơn.

Thanh Thư / Theo: VNExpress