Thursday, January 25, 2024

"SÁT NHÂN THẦM LẶNG" Ở AUSTRALIA

Nắng nóng được gọi là “sát nhân thầm lặng” của Australia vì nó nguy hiểm hơn tất cả thảm họa thiên nhiên khác cộng lại nhưng không để lại dấu vết dễ nhận thấy.


Đối với gia đình Sanaa Shah, mùa hè ở Australia là một thế giới khác hẳn với lối sống phóng khoáng ven biển được miêu tả trong các tờ rơi quảng cáo (brochure) du lịch.

“Không có chuyện nằm dài trên bãi biển gần nhà nào cả”, cô gái 20 tuổi nói.

“Nắng nóng bủa vây chúng tôi ở đây”.

Nắng nóng oi ả khiến Shah “phải cố thủ trong nhà” cùng cơn đau nửa đầu tê tái trong khi em gái cô hay bị chảy máu cam.

Nhà của gia đình Shah nằm trong khu vực nội địa của Sydney, nơi nhiệt độ có thể cao hơn 10 độ C so với vùng ngoại ô ven biển - do vị trí địa lý, thiếu không gian xanh và nhiều bề mặt giữ nhiệt.

Khu vực này - phía tây Sydney - là một trong những nơi có dân số đô thị phát triển nhanh nhất cả nước, cũng như tỷ lệ người nghèo ngày càng tăng.

Và dữ liệu thời tiết cho thấy cứ 10 ngày hè thì có một ngày nhiệt độ vượt quá 35 độ C.

Nắng nóng được gọi là “sát nhân thầm lặng” của Australia vì nó nguy hiểm hơn tất cả thảm họa thiên nhiên khác cộng lại nhưng không để lại dấu vết dễ nhận thấy nào về quy mô tàn phá, theo BBC.

Sanaa Shah và em gái. Ảnh: BBC.

Tuy nhiên, theo một công ty mô hình khí hậu, tác động của nắng nóng có sự bất bình đẳng, trong đó hơn 60% số ca tử xảy ra ở các cộng đồng có hoàn cảnh khó khăn như của Shah.

Các chuyên gia nói rằng nếu không có sự can thiệp của chính phủ, “bất bình đẳng xã hội” sẽ định đoạt ai có thể sống sót trong thời tiết ngày càng nóng bức của Australia.

“Đảo nhiệt đô thị”

Australia định nghĩa sóng nhiệt là ba ngày liên tiếp trở lên ghi nhận nhiệt độ ngày và đêm cao bất thường.

Sóng nhiệt có thể khiến cơ thể khó có thể hạ nhiệt, gây ra một loạt bệnh tật, bao gồm cả say nắng, có thể gây suy nội tạng nếu không được điều trị.

Người già, người khuyết tật hoặc có bệnh nền là những đối tượng có nguy cơ cao nhất - nhưng kể cả những người khỏe mạnh nhưng không thể tìm kiếm điều kiện làm mát kịp thời đều có thể phải đối mặt với hậu quả chết người.

Là lục địa có người sinh sống khô hạn nhất thế giới, Australia đặc biệt dễ bị tổn thương bởi nắng nóng cực đoan.

Theo dữ liệu chính thức, nắng nóng đã cướp đi sinh mạng của gần 300 người Australia và khiến 7.000 người phải nhập viện trong thập kỷ qua.

Nhưng một nghiên cứu của Đại học Quốc gia Australia chỉ ra rằng con số đó thực sự chưa phản ánh đầy đủ thực trạng bởi giấy chứng tử chỉ ghi lại một số thông tin nhất định. Các nhà nghiên cứu phát hiện nắng nóng đã góp phần gây ra 36.000 ca tử vong ở Australia từ năm 2006 đến năm 2017.

Phần lớn mối nguy hiểm đến từ hiện tượng được các nhà khoa học gọi là “đảo nhiệt đô thị”.

Đó là những khu vực bao phủ bởi vật liệu khuếch đại nhiệt, chẳng hạn như bê tông, nhựa đường và những dãy nhà mái tối thu hút ánh nắng Mặt Trời và làm tăng nhiệt độ trong nhà.

Tây Sydney - nơi có 2,5 triệu cư dân sinh sống - là một ví dụ điển hình.

Vị trí ở chân dãy núi Blue Mountains của Sydney khiến nó bị chắn gió mát ven biển và nhiều cư dân sống trong những tòa nhà không đủ cách nhiệt sẽ thấm thía sức nặng của chi phí sinh hoạt.

Shah cho biết khoảng thời gian mùa hè giống như bị “cô lập”, vì nhiều người trong cộng đồng buộc phải “trú ẩn trong nhà” hoặc phải trói mình vào máy điều hòa không khí.

Cô giải thích: “Bản thân điều đó đã là một đặc quyền vì nhiều người không sắm được điều hòa, họ có thể tìm cách thư viện hoặc trung tâm mua sắm địa phương để trốn nóng”.

Giờ đây, khi nghiên cứu tác động của biến đổi khí hậu ở trường đại học, Shah đặt câu hỏi tại sao vùng ngoại ô của gia đình như thể được xây dựng để “chống lại môi trường địa phương”.

“Nhiều ngôi nhà chật hẹp với mái tối màu được xây dựng nhanh chóng và rẻ tiền với khả năng cách nhiệt kém. Và nếu lái xe quanh đây, bạn sẽ không nhìn thấy bất kỳ cây cối hay không gian xanh nào”, cô nói.

“Tôi không nghĩ rằng tính bền vững lâu dài từng được tính tới ở những ngôi nhà đó”.

Và đó không phải mối lo ngại của riêng Shah.

Nằm cách Sydney 45 phút lái xe về phía tây bắc, vùng ngoại ô của Shah được xây dựng vào năm 2007 để đáp ứng nhu cầu dân số ngày càng tăng của thành phố.

Gần 50% cư dân được hỏi trong cuộc khảo sát lớn nhất của Australia về tác động sức khỏe của sóng nhiệt cảm thấy vùng ngoại ô của họ được xây dựng theo cách khiến nhiệt độ gia tăng.

Nhiều người ở vùng ngoại ô Australia cho rằng nhà của họ được xây dựng theo cách khiến nhiệt độ gia tăng. Ảnh: BBC.

Cuộc khảo sát toàn quốc do tổ chức từ thiện Sweltering Cities thực hiện năm ngoái cũng cho thấy gần 70% người dân cho biết họ cảm thấy không khỏe trong những ngày nắng nóng.

Sweltering Cities cung cấp thông tin cho những người sống ở các đảo nhiệt đô thị về nơi tránh nóng trong điều kiện nhiệt độ khắc nghiệt hoặc cách sử dụng các kỹ thuật làm mát rẻ hơn như tấm che cửa sổ tự chế hoặc mái hiên ngoài trời.

Phải làm sao?

Cơ quan chức năng đã có nhiều nỗ lực để giải quyết vấn đề này. Cục Khí tượng Australia gần đây triển khai hệ thống cảnh báo đợt nắng nóng để cảnh báo cộng đồng về thời tiết nắng nóng sắp tới và các nguy cơ sức khỏe liên quan.

Chính quyền tiểu bang và địa phương trên khắp đất nước đang đầu tư vào các dự án tái tạo thảm thực vật để cung cấp thêm diện tích xanh cho đô thị. Tại Melbourne, hai “giám đốc cơ quan quản lý nhiệt” thậm chí đã được bổ nhiệm để tìm cách giúp thành phố có khả năng chống chọi tốt hơn với thời tiết.

Tuy nhiên, bà Emma Bacon, người sáng lập Sweltering Cities, nhận định rằng những bước tiến thực sự sẽ đòi hỏi những thay đổi chính sách lớn hơn.

Bà đề xuất điều chỉnh bộ luật xây dựng liên bang để đảm bảo rằng dữ liệu khí hậu cập nhật cung cấp thông tin cho sự phát triển; xem xét lại các kế hoạch khẩn cấp về đợt nắng nóng ở mọi bang; và phát lệnh cấm lợp mái tối màu trên toàn quốc.

Năm ngoái, New South Wales đã cố gắng thực hiện yêu cầu sử dụng mái nhà có màu sáng hơn cho tất cả ngôi nhà xây mới để cải thiện hiệu quả sử dụng năng lượng.

Tuy nhiên, chính sách này đã bị hủy bỏ trong bối cảnh các nhà phát triển bất động sản lo ngại rằng những thay đổi này sẽ khiến việc cung cấp nhà ở giá phải chăng ở nơi vốn đã là một trong những thị trường đắt đỏ nhất toàn cầu trở nên khó khăn hơn.

Đối với bà Bacon, đây lại là một ví dụ “sát sườn” khác về việc các nhà lập pháp không coi trọng mối nguy hiểm của nắng nóng.

Bà nói: “Cách chúng ta quy hoạch các thành phố hôm nay sẽ quyết định số người chết trong các đợt nắng nóng vào ngày mai”.

“Không giống như các thảm họa khác, việc bạn có được an toàn trong điều kiện nhiệt độ khắc nghiệt hay không phụ thuộc vào nguồn lực của bạn cũng như cấu trúc nhà ở và nơi làm việc”.

Hỏa hoạn, hạn hán và sóng nhiệt khắc nghiệt hơn sẽ tấn công Australia trong những thập kỷ tới.

Quạt phun sương làm mát là vật dụng phổ biến ở Australia. Ảnh: AP.

Ngoài ra còn có những lời chỉ trích về việc Australia phụ thuộc vào than và khí đốt để củng cố mạng lưới điện và nền kinh tế.

Kể từ khi nhậm chức vào năm ngoái, Thủ tướng Anthony Albanese đã cam kết sẽ cắt giảm lượng khí thải nhanh hơn nhiều so với những người tiền nhiệm, nhưng chính phủ của ông cũng đã phê duyệt một số mỏ than mới.

“Chúng ta đang trao đổi trung thực hơn nhiều về biến đổi khí hậu so với vài năm trước, nhưng chúng ta cũng đang bắt đầu phát triển nhiên liệu hóa thạch và theo đúng nghĩa đen là đổ thêm dầu vào lửa”, ông Bradshaw, nhà nghiên cứu thuộc Hội đồng Khí hậu, nhấn mạnh.

Ông cảnh báo rằng trừ khi Australia “loại bỏ than, dầu và khí đốt” trong thập kỷ này, “rất nhiều người sẽ sớm phải đối mặt với cái nóng chết người”.

“Thời tiết sẽ ngày càng nóng hơn, nhưng mỗi tấn carbon chúng ta để lại trong lòng đất sẽ giúp tương lai bớt sóng nhiệt hơn”.

Tuy nhiên, các chuyên gia nói rằng việc cắt giảm carbon cũng sẽ phải diễn ra ở cấp độ hộ gia đình - điều đó có nghĩa là cần hướng dẫn mọi người những cách khác nhau để đối phó trong những ngày ngột ngạt, thay vì ngay lập tức mở máy điều hòa nhiệt độ.

Giáo sư chuyên về vấn đề sóng nhiệt Ollie Jay từ Đại học Sydney giải thích: “Chúng ta không thể bị mắc kẹt trong vòng luẩn quẩn này, đó là ứng phó với thời tiết nắng nóng bằng cách sử dụng điều hòa không khí hàng loạt, chạy bằng điện chủ yếu từ các nhà máy điện sử dụng nhiên liệu hóa thạch”.

Giáo sư Jay đang kêu gọi người dân Australia áp dụng cách làm mát “ít tài nguyên” vào mùa hè này.

Những cách hiệu quả nhất bao gồm dùng quạt làm mát cho cơ thể chứ không phải môi trường rộng lớn hơn trong nhà, làm ướt da hoặc nhúng chân vào xô nước, hoặc chườm đá vào khăn và đặt sau gáy..


Ông cho biết đây là những phương pháp được khoa học chứng minh và có thể tạo ra tác động lớn đến lượng sử dụng carbon. Nhưng điều quan trọng là chi phí vừa túi tiền và thiết thực - điều này rất quan trọng.

“Chúng tôi sẽ làm mọi thứ có thể để có mặt ở những vùng ngoại ô nóng bức và giữ cho cộng đồng mà chúng tôi làm việc cùng được an toàn”, bà Bacon với BBC.

“Nhưng chúng ta cũng không nên sống trong một đất nước mà nhiều người chết vì nắng nóng vì nghèo túng hoặc dễ bị tổn thương”.

Hạnh Lam / Theo: zingnews
Link tham khảo: