Có một chàng trai trẻ, cứ mãi không được công ty trọng dụng, khiến anh vô cùng khổ não.
Bởi vậy, anh tìm gặp một nhà thông thái và than thở rằng: “Tại sao số phận lại bất công với con như vậy?”.
Nhà thông thái không trả lời anh, chỉ cúi người xuống nhặt một viên đá nhỏ dưới chân ném vào trong đống đá ở đằng xa, rồi nói với chàng trai trẻ rằng: “Cậu hãy đi tìm viên đá mà tôi vừa mới ném về đây”.
Chàng trai trẻ bới tìm trong đống đá cả nửa ngày trời nhưng vẫn không tìm ra. Anh không biết viên đá mà ông lão ném đi rốt cuộc là viên đá nào, bởi vì viên đá nào nhìn vào cũng đều thấy na ná giống nhau.
Anh đành trở về tay không, nhà thông thái tháo chiếc nhẫn trên tay xuống ném vào trong đống đá lộn xộn lúc nãy, rồi bảo anh nhặt về. Lần này, anh không tốn chút hơi sức nào đã tìm được chiếc nhẫn lấp lánh ánh vàng kim đó.
Nhà thông thái kia cũng không nói gì thêm, chàng trai trẻ như chợt ngộ ra điều gì: Nếu như bản thân chỉ là một hòn đá, chứ không phải là thỏi vàng, thì cũng không cần phải oán trách vận mệnh bất công với mình làm gì.
Cảm ngộ:
Vận mệnh của mỗi một người đều nằm trong tay của bản thân mình. Khi bạn không ngừng oán trời trách đất, phải chăng cũng nên bình tâm suy xét lại, từ bỏ tạp niệm, hoàn thiện bản thân, khiến bản thân phát ra ánh vàng kim giống như thỏi vàng.
Thùng gỗ và vương vị
Có một vị quốc vương trao cho hai người con trai một số tấm ván gỗ dài ngắn không đều nhau, dặn hai anh em mỗi người hãy làm một cái thùng gỗ, và hứa rằng thùng gỗ của ai đựng được nhiều nước nhất, thì người đó sẽ được thừa kế ngai vị của ông.
Người anh cố gắng làm ra chiếc thùng gỗ lớn hết mức có thể, khi làm đến vách thùng cuối cùng thì không còn tấm ván nào nữa. Còn người em đã sử dụng đồng đều số ván gỗ này, làm ra một cái thùng gỗ mà nhìn vào thì thấy vách thùng không được cao lắm.
Vị quốc vương bảo hai con dùng chiếc thùng của mình đi đựng nước, và kết quả cuối cùng đương nhiên là cái thùng không được đẹp mắt của người em đã đựng được nhiều nước hơn. Người em cuối cùng đã được thừa kế vương vị.
Cảm ngộ:
Rất nhiều lúc, sự phát triển của chúng ta là được quyết định bởi miếng “ván gỗ ngắn” đó, vậy nên chúng ta nên thường xuyên chú ý lấy dài bù ngắn, biến điều dở trở thành điều hay.
Ba người thợ xây tường
Ba người công nhân đang xây một bức tường ở công trường. Có người đi ngang qua hỏi họ đang làm gì.
Người công nhân thứ nhất hậm hực nói: “Bộ ông không nhìn thấy sao? Tôi đang xây bức tường”.
Người thứ hai nghiêm túc trả lời: “Tôi đang xây một căn biệt thự”.
Người thứ ba vui vẻ trả lời: “Tôi đang làm nên một thành phố xinh đẹp”.
Mười năm sau, người công nhân thứ nhất vẫn là thợ xây, người công nhân thứ hai đã trở thành quản lý công trình kiến trúc, còn người thứ ba thì đã trở thành thị trưởng của thành phố này.
Tư tưởng xa đến đâu, chúng ta có thể đi được xa đến đó. Tại cùng một xuất phát điểm, tuy nhiên thái độ lại quyết định hết thảy. Vậy nên hãy dùng tinh thần lạc quan tốt đẹp để cảm nhận cuộc sống này! Những việc tưởng chừng nhỏ nhặt trong tầm tay của bạn lại chính là khởi điểm của một sự nghiệp lớn, ý thức được điểm này hay không cũng có nghĩa là bạn có thể thành tựu một sự nghiệp lớn hay không.
Nếu như mỗi chúng ta giống như người thứ nhất, nhìn nhận công việc của mình với thái độ sầu khổ, thì công việc cũng theo tâm trạng của anh ta mà thành. Cùng một công việc tầm thường như vậy, nhìn thì thấy khô khan nhạt nhẽo, lặp đi lặp lại; nhưng có người có thể lấy tâm trạng vui vẻ mà đối đãi, cảm nhận được điều tốt đẹp ý nghĩa trong cái tưởng như tầm thường ấy. Họ chính là ở ngay trong cái đơn điệu mà xây dựng ước mơ của mình. Nếu làm được như vậy, thì thiết nghĩ có khó khăn gì là không thể khắc phục được đây?
Cảm ngộ:
Người thành công thường luôn có con mắt nhìn xa trông rộng, có lý tưởng, có mục tiêu phấn đấu của mình, sẽ không chỉ nhìn thấy hoàn cảnh khó khăn trước mắt mà không phấn đấu làm tốt hơn.
Vận mệnh nằm ở đâu?
Một lần kia, tôi đi thăm một người bạn rất có thành tựu trong sự nghiệp. Trong lúc trò chuyện đã bàn về vận mệnh, tôi hỏi: “Trên đời này rốt cuộc có vận mệnh hay không?”. Anh nói: “Tất nhiên là có rồi”. Tôi lại hỏi: “Vận mệnh rốt cuộc là gì? Nếu vận mệnh đã an bài sẵn cả rồi, thế thì phấn đấu còn có tác dụng gì chứ?”.
Anh không trả lời ngay câu hỏi của tôi, chỉ cười nói không ngại thì hãy giơ tay trái ra để anh xem thử tướng tay, bói mệnh xem sao. Sau khi anh giảng cho tôi một tràng lý thuyết về đường sinh mệnh, đường tình yêu, đường sự nghiệp, đột nhiên, anh ấy nói với tôi: “Anh hãy duỗi tay ra, làm một động tác giống như tôi đây!”.
Động tác của anh chính là: giơ tay trái lên, nắm chặt bàn tay lại. Cuối cùng, anh hỏi: “Anh đã nắm chặt hay chưa?”. Tôi có chút khó hiểu, đáp rằng: “Đã nắm chặt rồi”.
Anh lại hỏi: “Cái đường vận mệnh đó nằm ở đâu?”. Tôi trả lời một cách cứng rắn: “Ở trong tay tôi!”. Anh lại vặn hỏi tiếp: “Thế thì vận mệnh nằm ở đâu?”. Tôi như nhận được một gậy cảnh tỉnh, giật mình hiểu ra: “Vận mệnh chính là nằm ở trong tay tôi!”.
Anh rất bình tĩnh nói tiếp:
“Cho dù người khác nói với anh thế nào, cho dù ‘các thầy tướng số’ bói cho anh thế nào, thì hãy nhớ rằng, vận mệnh chính là nằm ở trong tay anh, chứ không phải ở miệng của người khác! Đây chính là vận mệnh.
Đương nhiên, khi anh nhìn lại nắm tay của mình vẫn sẽ thấy đường sinh mệnh vẫn có một phần lộ ra bên ngoài, không được nắm lấy, điều này cho chúng ta gợi ý gì? Phần lớn vận mệnh là được nắm trong tay chúng ta, nhưng vẫn có một phần là được ‘ông trời’ nắm giữ. Vậy nên con người khi sống phải thuận theo tự nhiên, tôn kính trời đất, tấm lòng hướng thiện. Từ xưa đến nay, phàm là những người làm nên việc lớn, ý nghĩa của ‘phấn đấu’ chính là ở chỗ dùng tất cả cố gắng của một đời để ra sức thực hiện”.
Theo: ĐKN
No comments:
Post a Comment