Bánh canh Trảng Bàng
Trảng Bàng là một trong những địa phương có nhiều làng nghề, phố nghề thủ công truyền thống. Nổi tiếng nhất vẫn là bánh canh Trảng Bàng với nhiều lò bánh thủ công gắn liền với các hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch. Trên tuyến TP HCM - Tây Ninh, bánh canh Trảng Bàng đã trở thành một sản phẩm du lịch, một điểm dừng chân thân thuộc đối với du khách gần xa.
Bánh canh Trảng Bàng trở nên nổi tiếng nhờ tên gọi dễ nhớ bởi nó gắn liền với tên hành chính địa phương. Chính nhờ sự cạnh tranh gay gắt giữa các lò bánh ở địa phương nên bánh canh Tràng Bàng không những không bị mai một mà ngày càng ngon hơn và hấp dẫn hơn, quen thuộc hơn.
Mỗi lò đều cố gắng thu hút du khách bằng bí quyết riêng của mình trong từng con bánh, từng loại gia vị và cách pha chế gia truyền của mỗi lò. Để có bánh canh Trảng Bàng ngon phải qua nhiều công đoạn làm bánh canh rất công phu.
Bánh canh Trảng Bàng.
Đầu tiên bánh canh phải được làm bằng một loại gạo quý, đắt tiền như Nàng Thơm (Chợ Đào). Gạo phải được ngâm thật kỹ qua một đêm để hạt gạo đủ độ mềm cần thiết. Sau đó, gạo được đem xay nhuyễn để lấy tinh bột.
Công đoạn cuối cùng là tinh bột được đem hấp chín trước khi ép thành những con bánh canh trắng muốt. Điều đặc biệt dễ nhận thấy ở làng nghề Trảng Bàng này là các lò làm bánh hoạt động rất nhịp nhàng, ăn khớp với các tiệm ăn. Bột bánh canh được giao tới tiệm ăn rất đúng giờ, đúng buổi không quá sớm và cũng không quá trễ, tránh trường hợp con bánh bị chua, mất đi hương vị độc đáo.
Bánh tráng phơi sương Trảng Bàng
Thị trấn Trảng Bàng cách thị xã Tây Ninh vài chục cây số - nơi nổi tiếng với món bánh canh và bánh tráng phơi sương.
Người Tràng Bảng rất tinh tế khi chế biến loại bánh chỉ dành cho món cuốn ăn liền truyền thống. Bánh phải được làm toàn bằng bột gạo "Nàng Miên" - một loại gạo trồng vùng biên giới giáp Campuchia.
Bánh tráng phơi sương Trảng Bàng
Bánh tráng có chút muối để khi ăn có vị đậm hơn và tráng dày hơn các loại bánh tráng khác. Bánh vừa chín còn ướt sẽ được đem ra ngoài nắng phơi cho khô để chuẩn bị cho công đoạn tiếp theo.
Nướng bánh là công đoạn quan trọng tạo nên màu sắc đặc trưng của bánh tráng phơi sương. Bánh tráng sau khi phơi khô đem vào nướng ở một chiếc lò nướng đặc biệt được sử dụng nhiên liệu đốt bằng "vỏ đậu phộng", điểm đặc biệt lưu ý là bánh không được nướng quá chín và quá phồng nên chỉ nướng sơ trên mặt lửa cho đến khi thấy bánh tráng nổi những hạt bong bóng nhỏ trên mặt và ngã sang màu trắng đục thì dừng lại.
Bánh nướng xong đem phơi sương vào khoảng tờ mờ sáng hoặc từ đêm. Bánh tráng sau khi nướng xong được xếp lên giàn và chờ đến sáng hôm sau chờ đến lúc sương xuống thì đem bánh ra phơi, và chỉ phơi bánh trong khoảng thời gian ngắn, nếu phơi lâu bánh sẽ bị mềm và ẩm ướt và không ngon.
Đây là công đoạn quyết định thành công của bánh tráng, vì thế đòi hỏi người làm bánh phải có chút công phu và chịu khó. Người phơi bánh phải "thức" cùng bánh, đợi bánh vừa thấm sương đủ mềm là xếp lại ngay bỏ vào trong bao, lót lá chuối để giữ độ mềm, xốp.
Ăn kèm với bánh tráng ngoài các loại rau quen thuộc như: cần nước, tía tô, rau răm, rau diếp cá, rau húng, rau hẹ,...còn có các loại rau đặc trưng của vùng Đông Nam Bộ là: lá lụa, rau cóc, lá săng máu, lá vừng, lá bứa, lá trâm ổi, lá mặt trăng, lá ô dước, lá sung dè, quế vị.
Nước chấm cho món ăn này cũng pha chế khá cầu kỳ gồm nước mắm ngon, chanh, đường, bột ngọt, ớt lát xay nhuyễn hoà cùng nước dừa tươi, tạo nên các vị mặn, cay, chua, ngọt,...
Muối ớt Tây Ninh
Xuất hiện trên thị trường chưa lâu nhưng đặc sản muối ớt Tây Ninh cũng nhanh chóng khẳng định "tên tuổi" và không kém phần nổi tiếng so với những sản vật khác ở Tây Ninh như: mãng cầu Bà Đen, bánh tráng Trảng Bàng, bánh tráng phơi sương.
Không biết muối ớt Tây Ninh bắt đầu xuất hiện từ lúc nào. Nhưng khoảng hơn 10 năm gần đây, món muối ớt tôm, muối ớt chay Tây Ninh đã trở thành món quà không thể thiếu đối với khách du lịch đến với Tây Ninh.
Muối ớt Tây Ninh.
Để làm món muối ớt ngon không phải dễ. Người làm không chỉ biết kết hợp liều lượng muối, tôm và bột nêm sao cho vừa ăn, mà còn biết cách rang muối sao cho vừa độ chín, biết phơi muối sao cho đúng thời gian, đúng nắng. Muối ngon là muối không dùng những phẩm màu, có độ cay, mặn, thơm vừa ăn.
Rất nhiều người sau khi dùng muối Tây Ninh đã thắc mắc vì sao muối có mùi vị đậm đà như thế. Thật ra cách chế biến cũng đơn giản, vị mặn nhạt khác nhau tuỳ thuộc vào người nêm nếm gia vị. Vị nồng cay của muối ớt Tây Ninh mỗi trưa theo gió thoảng lại trở thành một phần hương vị của quê hương Tây Ninh.
Mãng cầu Bà Đen
Trái mãng cầu còn được gọi với tên là quả na. Hiện tại trên thị trường Việt Nam, nổi tiếng nhất là mãng cầu Bà Đen. Đây cũng chính là món đặc sản độc đáo của tỉnh Tây Ninh. Trái có kích cỡ lớn, ngoại hình lạ, thịt dai, thơm, hương vị ngọt sắc là đặc điểm nổi trội của mãng cầu Bà Đen.
Núi Bà Đen vốn là một vùng khí hậu có những yếu tố rất đặc trưng nên nơi đây những vườn mãng cầu có thể cho ra trái hai vụ một năm, không phải nơi nào cũng có được kết quả này.
Cộng với việc những người dân ở đây chọn thời vụ canh tác, áp dụng kĩ thuật xử lý hoa nên mãng cầu Bà Đen có trái gần như quanh năm, đặc biệt là mùa vụ Tết, khi nhiều nơi không thể có mãng cầu bán thì những vườn ở chân núi Bà Đen vẫn cung cấp rất nhiều mãng cầu. Hiện tại, nơi đây chiếm tới 40% sản lượng mãng cầu của cả nước.
Mãng cầu Bà Đen.
Để thưởng thức mãng cầu, chúng ta có thể bổ ra thành từng múi để thưởng thức (bỏ hạt). Bên cạnh đó, mãng cầu cũng có thể dùng làm mứt vào dịp Tết. Ngoài ra, mãng cầu có thể chế biến nó bằng cách xay thành sinh tố, làm kem, làm sữa chua… để tủ lạnh ăn dần. Nhiều người cũng chọn làm mãng cầu dầm (dầm với sữa tươi và đường) hoặc nấu chè mãng cầu.
Gần đây, mặt hàng mãng cầu Tây Ninh được các doanh nghiệp tại TP HCM thu mua, xuất khẩu sang Mỹ, Australia, Trung Quốc và hiện đang xâm nhập vào thị trường EU. Hàng năm, mặt hàng này đã mạng lại nguồn thu ngoại tệ đáng kể cho các doanh nghiệp và những nhà vườn quanh chân núi Bà Đen.
Thằn lằn và ốc núi Bà Đen
Núi Bà Đen có hai loại động vật quý hiếm là thằn lằn và ốc núi. Hai loại nàu chỉ sinh trưởng ở khu vực núi Bà Đen. Các nhà khoa học xác định đây là hai loại động vật quý hiếm, chưa xác định định tên khoa học. Trong đó, thằn lằn sinh trưởng tập trung ở lưng chừng núi và ốc núi thích nghi ở độ cao khoảng 100m so với mực nước biển.
Do các đặc điểm sinh học, từ lâu thằn lằn và ốc núi được giới sành ẩm thực trong và ngoài tỉnh đặc biệt ưa chuộng. Mặc dù được các ngành chức năng đưa vào danh mục cấm nhưng do lợi nhuận cao nên nạn săn bắt, buôn bán, vận chuyển vẫn diễn ra, dẫn tới nguy cơ khan hiếm và tuyệt chủng hai loài động vật quý hiếm này.
Thằn lằn núi Bà Đen.
Khác với các loại thằn lằn khác, thằn lằn núi Bà Đen chỉ ăn sung chín, chuối và lá thuốc nam nên thịt dai, vô cùng bổ dưỡng. Thằn lằn núi có thể chế biến thành rất nhiều món như: chiên giòn, núi nấu cháo với tiêu xanh và hành tươi, hấp xả, ...
Ốc núi Bà Đen.
Còn vào cuối mùa mưa, ốc núi Bà Đen đặc biệt thơm ngon do chúng đã tích trữ đủ chất dinh dưỡng để chuẩn bị cho cả một mùa khô hạn sau đó.
Khi chế biến ốc núi chỉ cần rửa sạch đất bẩn chứ không phải ngâm xả chất nhớt thường có như các loại ốc khác. Mang ốc về cần chế biến và ăn ngay để giữ được các vị thuốc có giá trị dinh dưỡng mà ốc tích trữ được từ các loại cây thuốc như: vong núi, nàng hai, mã tiền.
Thành Trung / Theo: doanhnhan
No comments:
Post a Comment