Có một nghiên cứu thú vị như thế này:
Nhóm nghiên cứu sinh học tiến hóa tại Đại học Hokkaido, Nhật Bản đã thực hiện một thí nghiệm trên đàn kiến đen gồm 30 con để quan sát sự phân chia nhiệm vụ trong quá trình kiếm ăn của chúng.
Các nhà sinh vật học phát hiện ra rằng: hầu hết các con kiến đen đều hoạt động một cách liên tục và siêng năng để tìm kiếm thức ăn về tổ, trong khi đó, số ít còn lại chỉ biết quẩn quanh tổ kiến cả ngày mà không làm gì cả. Họ đánh dấu số kiến ở lại tổ này và đặt tên cho chúng là "những chú kiến lười".
Điều thú vị là khi các nhà sinh vật học triệt bỏ nguồn thức ăn cũ của chúng, các chú kiến thường ngày siêng năng bỗng trở nên ngơ ngác chẳng biết làm gì, còn các "chú kiến lười" lại xuất đầu lộ diện "tiến bước" dẫn đàn kiến đến nguồn thức ăn mới mà trước đó chúng đã sớm phát hiện ra.
Hiệu ứng kiến lười đề cao một người làm việc thông minh, hiệu quả hơn những người làm việc chăm chỉ nhưng không có định hướng rõ ràng. Ảnh minh hoạ
Hóa ra những "chú kiến lười" lại không hề lười biếng, chúng có vẻ nhàn rỗi nhưng thực chất dành phần lớn thời gian cho việc do thám và nghiên cứu, quan sát được điểm yếu của bầy đồng thời đảm bảo rằng cả đàn liên tục có được nguồn thức ăn mới. Trong một đàn kiến, "chú kiến lười" này lại rất quan trọng mà chúng ta thường gọi đó là "hiệu ứng kiến lười" - không chỉ sự chăm chỉ hay nỗ lực quyết định tương lại của một người. Mà chiều sâu trong suy nghĩ của một người mới là thứ quyết định tầm cao của cuộc đời người đó.
1. Chăm chỉ và nỗ lực một cách máy móc chưa chắc tạo ra kết quả tốt nhất
Haruki Murakami trong tác phẩm "Rừng Na Uy" có đoạn đối thoại thế này:
"Tôi kinh ngạc nhìn chằm chằm vào khuôn mặt của Nagasawa. Theo tôi, mọi người trên thế giới đều đang làm việc chăm chỉ. Tôi nói có sai không?"
"Đó không phải là sự nỗ lực, nó đơn giản là lao động." Nagasawa nói. "Làm việc chăm chỉ nỗ lực mà tôi đang nói không phải là như thế này. Cái gọi là làm việc chăm chỉ thực sự là phải có chủ đích và mục tiêu."
Năm 2005, Google thành lập chi nhánh tại Trung Quốc. Sau một thời gian, họ phát hiện ra rằng hiệu suất công việc của 3 - 4 kỹ sư ở Bắc Kinh không bằng một kỹ sư ở trụ sở chính tại Mỹ. Điều đáng nói là, các kỹ sư Google ở Bắc Kinh đều làm việc rất chăm chỉ, thậm chí cày ngày cày đêm.
Sau đó, sau khi phân tích nguyên nhân, người ta thấy rằng nhóm kỹ sư Bắc Kinh mặc dù bận rộn nhưng họ không nắm bắt được những điểm chính của công việc mà họ đang làm, vì vậy hiệu suất công việc không cao.
Ảnh minh hoạ
Chúng ta nghĩ rằng bận rộn là làm việc chăm chỉ, và làm việc chăm chỉ sẽ mang lại kết quả cao, nhưng thực tế lại không như vậy, nó không những không mang lại kết quả cao, mà còn lãng phí thời gian, rút cạn sức lực và năng lượng của bạn.
Nói về siêng năng, nỗ lực thì hầu hết ai cũng làm được, nhưng biết suy nghĩ thấu đáo và nhìn xa trông rộng thì không phải ai cũng có thể. Trong một công việc nào đó, nhiều khi chúng ta chỉ để ý đến "99% mồ hôi" mà bỏ qua 1% sự thông minh mới là yếu tố quyết định sự thành bại. Vì vậy, hãy chăm chỉ một cách thông minh, cho phép bản thân chậm lại để suy nghĩ và quan sát, điều chỉnh hướng đi kịp thời, như vậy mới đạt được thịnh vượng lâu dài.
2. Chiều sâu trong suy nghĩ của một người quyết định tầm cao của cuộc đời người đó
Maureen Chiquet - cựu Giám đốc điều hành toàn cầu Chanel từng nói: "Cái gọi là "suy nghĩ sâu sắc" thực chất là một hành động không ngừng tiếp cận bản chất của vấn đề, càng đào sâu vấn đề, bạn càng đến gần với cách để làm tốt vấn đề đó".
Một người muốn cuộc đời mình sang trang, ở một vị trí cao hơn hiện tại thì tư duy sâu sắc chính là yếu tố quyết định cuộc đời của người đó. Để làm tốt một việc, điều quan trọng là phải nghĩ cách để đạt được giá trị lớn nhất với chi phí, thời gian, sức lực thấp nhất.
Trong phim "The Godfather" (Bố già) có một câu thoại kinh điển: "Người nhìn ra bản chất của sự vật trong nửa giây và người cả đời không thể nhìn ra bản chất của sự vật, số phận của họ đã được định sẵn là hoàn toàn khác nhau".
Chăm chỉ không phải là vô ích, chỉ là bạn đang nỗ lực nhưng không hiệu quả. Đừng dành nhiều thời gian và năng lượng vào một công việc có tính lặp lại cao mà không giúp bạn phát triển, thay vào đó hãy tích lũy năng lượng để tìm ra hướng đi khác giúp bạn tiến xa hơn. Những người làm việc một cách thông minh có thể nhận được giá trị gấp mười lần so với những người nỗ lực.
Đừng làm việc chăm chỉ hơn, hãy làm việc ít và thông minh hơn. Ảnh minh hoạ.
Cao Dewang - nhà sáng lập Fuyao Glass - công ty sản xuất đồ thủy tinh hàng đầu Trung Quốc: "Khi đi làm, bạn phải nhớ tích lũy được hai khoản: một là "tiền cứng", là tiền lương mà sếp gửi cho bạn hàng tháng, bao nhiêu không quan trọng; quan trọng nhất là kiếm được tiền. Hai là "tiền mềm", đó là học cách suy nghĩ, tích lũy kinh nghiệm và trau dồi thế mạnh từng ngày".
Khoảng cách lớn nhất giữa giá trị mỗi người không phải là mức độ nỗ lực, mà là chiều sâu của suy nghĩ. Đánh giá năng lực của một người đừng bao giờ dựa vào việc họ bận rộn như thế nào, mà là họ có thể đạt được bao nhiêu.
Nỗ lực là quan trọng, nhưng suy nghĩ có chiều sâu còn quan trọng hơn rất nhiều lần. Cùng một quãng đường, có người sẽ cắm đầu chạy bằng chân, trong khi đó có người sẽ suy nghĩ và chọn cách sử dụng phương tiện đi lại để đạt được giá trị lớn nhất với chi phí thấp nhất.
Hãy thoát ra khỏi sự cần cù "máy móc", thoát ra khỏi khuôn mẫu tư duy rập khuôn. Đừng làm việc chăm chỉ hơn, hãy làm việc ít và thông minh hơn.
Tiểu Lam / Theo: PNVN
No comments:
Post a Comment