Friday, July 14, 2023

CÁCH XƯNG HÔ CỦA CÁC HOÀNG ĐẾ TIẾT LỘ SỰ THẬT BỊ HIỂU LẦM LÂU NAY

Nhìn về thời kỳ các vua, chúa xa xưa, người thời nay thường cho rằng các vị Hoàng đế đều đề cao quyền lực bản thân và bắt mọi người phải cung phụng, kính sợ. Nhưng khi hiểu rõ ý nghĩa của các danh xưng mà các vị vua tự nói về mình qua từng thời kỳ lịch sử, đó là một sự thật hoàn toàn khác.


Có người tự xưng là “cô (gia)”, lại có người tự xưng là “trẫm”, là “quả nhân”. Và tại sao người xưa lại gọi Hoàng đế là “bệ hạ”? Những danh từ này có nguồn gốc gì và có ý nghĩa như thế nào? Theo Dũng Ca độc sử, dưới đây là nguồn gốc và ý nghĩa của các danh xưng này.

Quả nhân: Người ít đức

Cách xưng ‘quả nhân’ xuất hiện sớm nhất trong lịch sử từ thời Xuân Thu Chiến Quốc. Trong Tả Truyện kể về Tống Mục Công (trị vì: 728 TCN-720 TCN) quyết nhường ngôi cho cháu thay vì con trai. Năm 720 TCN khi Tống Mục Công ốm nặng, ông cho truyền Đại Tư Mã Khổng Phụ Gia, nói muốn lập con của Tuyên công là Dữ Di lên nối ngôi, trong khi các quần thần muốn lập công tử Phùng, con của Tống Mục Công lên làm vua.

Lúc đó Tống Mục Công nói: “Hãy phò tá phụng sự Dữ Di lấy xã tắc làm trọng, như vậy dù quả nhân có chết cũng không hối hận”. Ông còn bắt con trai là công tử Phùng sang nước Trịnh làm con tin, nhường ngôi cho cháu, con của vua anh Tuyên công là Dữ Di chứ không phải con mình. Dù có ý kiến phản đối, ông vẫn quyết định như vậy để báo ơn anh đã nhường ngôi cho mình.

Nhìn nhận về chữ nghĩa bề mặt, “quả nhân” (寡人) là từ dùng để chỉ “Người ít đức” — tiếng tự xưng khiêm nhường của vua, tự cho mình là người ít đức, hay là người “về phương diện đạo đức vẫn làm chưa được tốt”.

Các bậc đế vương xưa đều nhìn nhận, vương vị của mình là Thần Phật trao tặng. Thần Phật chỉ giao nhiệm vụ này cho những người có đủ phẩm đức cao quý. Nếu một vị vua thiếu đi đức hạnh, vương vị tất cũng sẽ mất đi. Vì vậy, các bậc đế vương tự xưng như vậy để thể hiện sự khiêm nhường. Một điều đáng chú ý là vào thời cổ đại, mặc dù các Hoàng đế tự xưng mình là “quả nhân” ít đức hạnh, nhưng không có ý nói muốn lũng đoạn, ngông cuồng.


Cô: Người cô độc

Cách nói này cũng bắt đầu xuất hiện từ thời kỳ Xuân Thu Chiến Quốc. Theo khảo cứu của học giả Triệu Dực đời nhà Thanh, trong các nước chư hầu thời Xuân Thu Chiến Quốc, vua của những nước có thực lực mạnh đều tự xưng mình là “quả nhân”, và những nước có thực lực yếu vua thường tự xưng là “cô”.

Tại sao họ tự xưng như vậy? Nguyên nhân vì, mặc dù là nước yếu nhưng họ vẫn là vương của một nước. Đó là những người có quyền lực tối cao trong nước khiến người bình thường không dám gần gũi. Do đó, vương của các nước chư hầu này tự xưng là “cô” với ý nghĩa “người cô độc, cô đơn”. Sau thời Tần Hán vẫn có Hoàng đế tự xưng là cô. Cuối thời Đông Hán, thiên hạ đại loạn, quần hùng dấy khởi, một số vị Hoàng đế của các nước chư hầu chia cắt một phương như Tôn Quyền thời Đông Ngô cũng cũng tự xưng là “cô”.

Trẫm: Bắt đầu đề cao quyền lực tuyệt đối

Là từ gốc Hán, được viết là 朕, đọc là /zhèn/, nghĩa là “ta đây”. Trong “Ly Tao”, câu thứ hai Khuất Nguyên viết “Trẫm hoàng khảo viết Bá Dung” và được dịch là “Cha đã mất của tôi tên là Bá Dung”. Trên thực thế, trong thời kỳ tiền Tần và thậm chí vào thời cổ đại, “trẫm” chỉ là một từ ngữ bình thường và bất kỳ ai cũng có thể sử dụng. Không có sự phân biệt cao thấp, giàu nghèo. Theo ghi chép trong cổ văn Thượng Thư. Thương Thư, Y Doãn, nhà chính trị và tư tưởng đầu thời nhà Thương đã 3 lần dùng từ “trẫm” để tự xưng.

Hoàng đế đầu tiên dùng cách xưng hô này là Tần Thủy Hoàng Doanh Chính. Trước thời Tần Thủy Hoàng vua chúa xưng là “cô” (hay “gia” – tiếng tự xưng) hoặc “quả nhân”. Sau khi thống nhất lục quốc, tể tướng Lý Tư đã đề nghị Tần Thủy Hoàng không tự xưng mình là “cô (gia)” hay “quả nhân” mà xưng là “trẫm” để giữ gìn uy nghiêm của Hoàng đế. Hơn nữa, chỉ có Hoàng đế mới được xưng là trẫm. Sau thời Tần Thủy Hoàng, “trẫm” trở thành từ tự xưng độc quyền của Hoàng đế. Bất cứ ai đều không được phép tự gọi mình là trẫm, nếu không sẽ bị nghi ngờ muốn lạm quyền cướp ngôi nhiếp chính.

Tần Thủy Hoàng Doanh Chính thì tự xưng là “Trẫm”, thực ra là cách phát âm chệch đi của từ “Chính”. Sau này Lưu Bang lật đổ Tần, lập nhà Hán, do vốn là người ít học, không biết nguyên do trong đó, chỉ biết Tần Thủy Hoàng xưng là “trẫm” nên cũng học theo tự xưng “trẫm”. Có quan lại biết báo cáo lại tuy nhiên vì sự đã rồi, người dân đều biết Lưu Bang tự xưng là “trẫm”. Vì thế về sau các vua đều tự xưng như vậy. Các Hoàng đế Trung Hoa tự xưng mình là trẫm, văn hóa truyền thống này cũng ảnh hưởng tới các quốc gia như Nhật Bản, Việt Nam, Triều Tiên… Các thiên hoàng Nhật Bản luôn tự xưng mình là trẫm.


Bệ hạ: Thể hiện sự cung kính của người dưới

Thời cổ đại, chữ “bệ” ra đời sớm nhất quả thật là để chỉ bậc thang từ phía bên dưới đi lên đỉnh đài. “Bệ” có thể được làm bằng đất, có khi bằng gỗ với rất nhiều kiểu dáng từ đơn giản đến uốn lượn cầu kỳ. Vào thời cổ đại cũng chỉ có vua hoặc chư hầu mới có tư cách xây dựng đài làm nơi ở của mình. Dần dần, “bệ” trở thành bậc thềm trong cung điện của quân chủ.

Theo ghi chép trong các tài liệu lịch sử, Hoàng cung thời cổ được thiết kế tương đối kỹ lưỡng. Bảo tọa của Hoàng đế được đặt ở trên cao, từ dưới nhìn lên bảo tọa có một hệ thống bậc thềm. Những bậc thềm này được gọi là “bệ”. Để bảo vệ sự an toàn của Hoàng đế, các thị vệ được chia ra đứng ở hai bên bậc thềm. Lúc thiết triều, các đại thần đứng ở phía dưới. Khi các đại thần muốn dâng lời bẩm báo điều gì, không dám gọi trực tiếp thiên tử, cho nên gọi “bệ hạ”, ý tứ là bản thân muốn nói với Hoàng thượng, nhờ thị vệ dưới bậc thềm chuyển lời. Qua đó cũng để biểu thị người có địa vị thấp hướng đến người có địa vị tôn quý (Hoàng thượng) để góp ý.

Trong Thuyết văn giải tự, Hứa Thận có nói: “Bệ, thăng cao giai dã. Tùng phụ, bỉ thanh”, ý nói, “bệ” là bậc cấp đi lên cao. Trong từ điển Hán ngữ hiện đại giải thích về chữ “bệ” đơn giản là bậc thềm, bậc thang trong cung điện. “Bệ hạ” là phía dưới của bậc thềm.

Điều này có thể tìm thấy trong các tư liệu lịch sử. Danh sĩ Thái Ung triều Đông Hán viết: “Gọi là bệ hạ, tức quần thần khi nói với thiên tử, không dám chỉ đích danh thiên tử, cho nên nói với người dưới bệ để chuyển lời, ý là người có địa vị thấp hướng đến người có địa vị tôn quý”. Vì thế, “bệ hạ” trở thành danh từ chỉ Hoàng đế, chỉ việc đại thần đợi ý chỉ dưới bệ, Hoàng đế ngồi ở trên bệ cao chờ người chuyển lời lên.


Ngoài từ “bệ hạ” thì các từ như “các hạ”, “điện hạ”, “tại hạ”, “tất hạ”… cũng là có hàm ý chỉ sự tôn kính của người bề dưới đối với người bề trên như vậy.

Từ sau triều đại nhà Tần, từ “Bệ hạ” chuyên dùng để chỉ Hoàng đế đã được sử dụng một cách phổ biến. Như trong Sử ký. Tần Thủy Hoàng bản kỷ, Tư Mã Thiên viết: “Từ thời thượng cổ không có ai uy đức bằng bệ hạ”. Từ bệ hạ ở đây là chỉ Hoàng đế Tần Thủy Hoàng.

Qua sự thay đổi của danh xưng các vị vua trong các thời kỳ lịch sử khác nhau, có thể thấy ban đầu vua chúa ý thức được về sự khiêm nhường, nhận rằng mình cũng chỉ là người vâng mệnh Trời để dẫn dắt, giúp đỡ dân chúng, nên cách tự xưng cũng không phô trương. Càng về sau, quyền lực tuyệt đối và sự uy nghiêm của người đứng đầu triều đại mới càng được đề cao hơn.

Kiên Định / Theo: NTDTV