Nếp bè Chợ Gạo
Theo một số lão nông thì khoảng đầu thập niên 80, ông Tư - một nông dân ấp Lương Phú B, xã Lương Hoà Lạc, huyện Chợ Gạo đã lặn lội đến vùng sâu của huyện Lai Cậy mua được giống nếp ngon. Không có xuồng qua sông, ông phải đốn chuối kết thành bè, sau đó để nếp giống lên trên rồi đẩy bè qua sông.
Sau đó thấy nếp ngon, ông chia cho bà con trong vùng trồng. Khi được hỏi giống nếp, ông không biết tên, lại nhớ chuyện để nếp lên bè chuối chở qua sông nên ông gọi tên là "nếp bè" và cái tên đó được truyền lại từ đó đến nay.
Cây nếp bè Chợ Gạo.
Nếp bè có hình dạng đẹp, thân cứng, không đổ ngã, chiều cao trung bình từ 90-100cm, nở bụi nhanh, bông lúa dài, hạt to dài, tỉ lệ hạt chắc cao, gạo đục đều. Nếp bè có thời gian sinh trưởng từ 105 - 120 ngày.
Cơm nếp dẻo, ngon, có hương vị đặc trưng không lẫn với các loại nếp nơi khác. Một đĩa xôi nếp bè để lâu, mặt ngoài khô ráo, không bị cứng. Bánh tét, bánh chưng ngày Tết gói bằng nếp bè thì để lâu vẫn mềm dẻo như lúc bánh mới luộc.
Mắm Gò Công
Đất Gò Công muôn đời nay đã nổi tiếng với sản vật mắm. Vùng này có nhiều loại mắm nổi tiếng như: mắm còng, mắm tôm chà, mắm tôm chua nguyên con,...
Mắm còng Gò Công.
Mắm còng Gò Công làm từ con còng trong chu kỳ vừa lột vỏ nên con mắm rất mềm và có mùi thơm đặc biệt. Chu kỳ còng lột chỉ xảy ra đồng loạt vào ngày mùng 5 tháng 5 âm lịch hàng năm. Người già Gò Công còn kể, cách đây không lâu, tới mùa này, từ cù lao Tân Thới, từng bao còng lột chất đầy xe ngựa dập dìu chở về các lò mắm quanh vùng ngoại ô chợ Gò Công.
Nổi tiếng nhất nghề mắm Gò Công là mắm tôm chà. Chữ chà ở đây là chà xát. Tôm tươi khi vừa được đánh bắt được rửa sạch, để ráo nước, cắt bỏ phần đầu từ mắt trở lên, ướp rượu muối rồi quết nhuyễn, đem phơi nắng 3 ngày.
Sau đó chà qua rây (loại lưới có lỗ bé li ti) để ép lấy phần thịt tôm, cho gia vị vào, đem phơi nắng tiếp độ nửa tháng, lại để tiếp trong mát chừng nửa tháng nữa thì ăn được. Nhưng muốn thật ngon, phải để từ hai tháng trở lên. Từ 3,5 - 4 kg tôm thì sẽ làm ra được 1kg nước cốt nguyên chất.
Mắm tôm chà được đem phơi nắng.
Thực chất mắm tôm chà là một món thức chấm cao cấp được làm từ thịt tôm. Khi ăn chỉ cần cho vào một chút chanh, tỏi, ớt trộn đều lên (không cần bột ngọt). Thịt luộc, tôm luộc hay cá nướng với rau muống, xoài chua bằm cuốn bánh tráng, chấm mắm tôm chà là ngon nhất. Không ngoa khi nói rằng, mắm làm nên danh tiếng đất Gò Công.
Ốc gạo Tân Phong
Xã Tân Phong thuộc Cai Lậy, Tiền Giang, là một cù lao do phù sa bồi đắp, nổi tiếng với sản vật ốc gạo. Chúng sinh sản nhiều ở khu vực sông Cồn Bầu, Cồn Tre, Cồn Tròn, Ba Rái,... Đặc biệt ốc gạo ở Cồn Tre là ngon nhất nhờ sống ở vùng cát sa. Ốc to, vỏ màu xanh ngọc, ruột đầy.
Ốc gạo Tân Phong - Sản vật Tiền Giang.
Người dân nơi đây kể lại, có tên gọi ốc gạo vì dân nghèo ở đây được trời đất thương ban cho thứ ốc ngon, họ ngược xuôi trên sông bắt ốc đổi gạo nuôi con, nuôi gia đình. Cũng có người cho rằng trông ruột của ốc gạo thường có nhiều con nhỏ như hạt gạo, nhất là mùa sinh sản ốc càng béo, ngọt, khi nhai giòn rụm nên được đặt tên như vậy.
Ốc gạo đẻ vào khoảng tháng 7 âm lịch năm trước. Qua năm sau, vào khoảng tháng 4-5 âm lịch là đến mùa thu hoạch. Mùa này ốc đã lớn bằng hột mít. Vào mùa ốc rộ, lưu vực Tân Phong, xuồng ghe tấp nập. Hàng trăm chiếc giăng mắc đan xen nhau như cái chợ nổi náo nhiệt cả một vùng.
Lợn Thuộc Nhiêu
Xuất xứ từ vùng Thuộc Nhiêu, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang. Được hình thành từ lai tạo giữa heo Bồ Xụ và Yorkshire.
Lơn Thuộc Nhiêu.
Lợn Thuộc Nhiêu có sắc lông màu trắng hoặc có vài đốm đen nhỏ, đầu vừa phải, tai nhỏ, cổ ngắn, lưng thẳng, bụng gọn. Lợn nái đẻ từ 9-10 con/lứa, nuôi con khéo, có khả năng chống chịu đựng được nhiều điều kiện chăn nuôi kham khổ, có khả năng sử dụng tốt thức ăn nghèo protein, có khả năng chống chịu bệnh tốt.
Nhìn chung, lợn Thuộc Nhiêu là nhóm giống lợn được hình thành từ việc tạp giao giữa nhiều giống, qua nhiều thế hệ và thời gian rất dài, tầm vóc lợn Thuộc Nhiêu thuộc loại khá. Tỷ lệ thịt nạc đạt 32.03%, tỷ lệ thịt mỡ đạt 38.20%. Do tính chất giống lai và phương thức nuôi nên lợn Thuộc Nhiêu có phần nhiều mỡ hơn.
Sam biển Gò Công
Vùng biển Vàm Láng, Tân Thành (Gò Công Đông, Tiền Giang) có sản vật khá hiếm là sam biển. Sam có vỏ cứng như mai cua, mình tròn dẹt, đường kính độ gang tay, tám chân càng nhỏ dưới bụng, phần đầu là mũi nhọn ba cạnh dài khoảng 20cm.
Sam cái nặng chừng 1kg, sam đực chỉ bằng một nửa. Khoảng từ tháng 10 tới tháng 2 âm lịch, sam bắt cặp phối giống và sau đó sam cái mang bụng đầy trứng nhỏ như hạt tiêu đợi ngày cho ra đời sam con. Sam đực đeo cứng lưng sam cái không rời, đó cũng là lý do dân gian truyền khẩu "đeo như sam".
Sam biển Gò Công.
Người ta thường bỏ con đực bởi ít thịt, chỉ bắt sam cái lấy trứng. Khánh sành ăn thường khoái món sam trứng nướng. Đốt bếp than gáo dừa, đặt ngửa sam rồi trở lên tới khi chín vàng. Lật ngửa con sam nóng hổi, tách yếm bỏ ruột, dùng dao bén rạch bụng sẽ thấy trứng đầy ắp, vàng ươm bắt mắt.
Phần thịt sống lưng và sát đuôi dai, ngọt. Trứng sam béo, thơm, nhiều đạm và rất bổ dưỡng. Rau ăn kèm gồm củ cải thái nhỏ, bưởi chua tách múi, húng, răm, đậu phộng rang đập dập, hành phi, nước mắm chanh tỏi ớt,...
Thành Trung / Theo: doanhnhan