Monday, July 10, 2023

PHÉP DƯỠNG SINH TỐI CAO NHẤT NẰM Ở MỘT CHỮ: ÍT

Trong Kinh Dịch có câu: “Phù thiểu giả, đa chi sở quý dã”, ý nghĩa là: lấy “ít” làm quý, ít mới có thể đạt được nhiều hơn. Đời người cũng thế, nhiều không bằng ít, ít trái lại khiến cho cuộc sống càng có chất lượng. Ít là phương thức sống tốt nhất, cũng là phép dưỡng sinh cao cấp nhất.


Ăn ít thì ít bệnh

Người già thường dạy bảo cháu con rằng: “Ăn được tức là phúc”.

Có đúng như vậy không? Thực ra còn câu nói nữa, đó là: “Khéo ăn mới là trí tuệ”.

Đó chính là nói, không lựa chọn đồ ăn, không chọn món ngon, đồ ăn nào cũng ăn được thì đó là phúc. Nhưng hiểu được phép ẩm thực thì mới là người có trí tuệ.

“Tố vấn – Sấu luận” có viết: “Ẩm thực tự bội, trường vị nãi thương”, nghĩa là: “Ăn uống no nê quá thì ruột và dạ dày bị tổn thương”.

Ăn uống quá no trong thời gian dài sẽ khiến ruột và dạ dày bị quá tải, rất dễ dẫn đến nhiều loại bệnh tật như huyết áp cao, đường huyết cao, mỡ máu cao, các bệnh về tim mạch… Vì vậy, bí quyết khiến bệnh tật tránh xa chính là ăn ít, chỉ 7 phần no, và ăn đúng giờ, thì mới tốt cho ruột và dạ dày.

Tống Mỹ Linh, phu nhân của Tưởng Giới Thạch, người sống thọ 106 tuổi, rất chú ý đến phép ẩm thực. Trong ngày, bà ăn 5 bữa, nhưng mỗi bữa chỉ 5 phần no, ăn một chút là dừng, tuyệt đối không ăn nhiều. Thậm chí bà còn cân trọng lượng thân thể hàng ngày, khi thấy lên cân liền đổi bữa chính thành ăn hoa quả và salad, đôi khi ăn chút sườn bò. Chính vì tự giác ước thúc bản thân, tiết chế ẩm thực, không ăn no, nên bà mới khỏe mạnh và trường thọ.


Ăn 7 phần no, 3 phần đói, tiết chế ăn uống thì dạ dày yên ổn. Ăn uống vừa vặn thì mới khỏe mạnh.

Ít ham muốn thì ít lo âu

Học giả Thân Cư Hâm nhà Thanh từng nói: “Vui vẻ phóng túng ham muốn thì lo âu hoạn loạn sẽ theo sau”

Nếu một người phóng túng dục vọng thì ưu sầu và họa hoạn cũng theo đó mà đến. Ham muốn càng nhiều thì phiền toán càng nhiều. Giảm thiểu dục vọng cá nhân thì mới càng hạnh phúc.

Nhà văn Liễu Tông Nguyên có một cuốn truyện là “Phụ bản truyện” viết về một loại côn trùng.

Phụ bản, là một loại bọ thích mang theo. Khi bò, bất cứ điều gì gặp phải, đều nhặt lên và đặt nó trên lưng, dần dần mọi thứ trở nên nặng hơn, nhưng dẫu kiệt sức cũng không chịu dừng lại, cho đến khi ngã và chết.

Nhiều người sống không hạnh phúc, giống như con phụ bản, mong muốn quá nhiều, nhưng quên rằng những gì họ có thể mang theo là hữu hạn.

Mọi người thường nói, tuổi càng cao thì càng nhiều ưu phiền. Thực ra bởi vì dục vọng quá nhiều thì mới càng nhiều phiền não. Mong muốn, truy cầu đối với ngoại vật là bản năng của chúng ta, nhưng lòng người có hạn mà dục vọng lại vô cùng, tìm cầu quá nhiều thì trái lại trở thành bi kịch cuộc đời.

Mạnh Tử nói: “Dưỡng tâm mạc thiện ư quả dục”, nghĩa là “Dưỡng tâm thì không gì tốt bằng ít ham muốn”.


Giảm thiểu dục vọng, nội tâm mới càng phong phú đủ đầy. Ít ham dục, biết đủ, buông bỏ tham niệm, đó chính là phép dưỡng tâm, là đạo dưỡng sinh.

Nói ít thì ít họa

Ngạn ngữ có nói rằng: “Bệnh theo miệng mà vào, họa theo miệng mà ra”. Nếu nói chuyện không biết tiết chế, nói năng tùy ý, thì có thể sẽ tự mình gây ra họa hoạn. Nói ít, không vọng ngôn mới là phúc báo lớn nhất của một người.

Khi Tăng Quốc Phiên mới vào quan trường, cũng không biết giữ miệng, đắc tội không ít đồng liêu cấp trên. Cho đến khi thiếu chút nữa mất đi tính mạng, mới giác ngộ tự kiểm điểm, tự lập quy củ cho mình: Cẩn ngôn, khắc khắc lưu tâm. Từ đó ông nói chuyện cẩn thận, luôn lưu tâm khi nói, mỗi ngày trước khi đi ngủ, còn phải hồi tưởng lại mình có lời nói không đúng hay không. Về sau, miệng không còn nhiều lời, nói chuyện xử sự chỉ cầu một chữ “ổn”. Ngôn ít thì họa ít, Tăng Quốc Phiên am hiểu sâu sắc lý lẽ này, mới có thể bình định thái bình thiên quốc, mở rộng giao thiệp với nước ngoài, cuối cùng thành một danh thần nổi tiến.

Chu Dịch có viết: “Cát nhân quả ngôn ngữ, táo nhân chi từ đa”, nghĩa là: “Người may mắn thì ít nói năng, người bộp chộp nóng vội thì nói nhiều”.

Có thể thấy, nói ít, không nói lời cuồng vọng, là cơ sở lập đức, đạo mang phúc. Thế nên, trước khi mở miệng nói, cần suy nghĩ sâu sắc chín chắn, thà không nói còn hơn nói nhiều. Người thực sự thông minh thì không cần nhiều lời, không nói lời thừa, thì mới tránh xa mầm họa, mới có thể tu đức tích phúc.


Ít suy nghĩ thì ít ưu sầu

Nhà văn Lâm Thanh Huyền nói: “Hôm nay quét lá rụng của ngày hôm nay, lá của ngày mai sẽ không rơi vào ngày hôm nay, đừng lo lắng về chuyện ngày mai, mà hãy nỗ lực sống tốt ở thời khắc hiện tại.” Đạo lý rất đơn giản, nhưng người làm được lại rất ít. Rất nhiều người luôn luôn ưu sầu khổ não lo lắng về những việc chưa xảy ra, suy nghĩ rông dài, khiến bản thân rơi vào những cảm xúc tiêu cực, khó mà thoát ra được.

Trong Hồng Lâu Mộng, Lâm Đại Ngọc là một giấc mộng thiên cổ của biết bao văn nhân, nàng xuất thân đại gia tộc, tài hoa hơn người, một cái chau mày, một nụ cười cũng khiến người rung động. Nhưng cha mẹ cô chết sớm, cô thân thể yếu nhược nhiều bệnh, đường tình trắc trở, cuối cùng ngọc nát hương tàn, khiến người ta không khỏi cảm thông và thương cảm. Thực ra kết cục của Đại Ngọc có mối quan hệ rất lớn với tình tình hay suy nghĩ hay lo lắng của cô.

Chỉ cần một chút gió lay cỏ động cũng khiến cô suy nghĩ lung tung, khiến cho tâm trạng như cơn sóng cuộn, khiến thân tâm đều bị hành hạ. Mà tâm trạng lại ảnh hưởng cực lớn đến sức khỏe, với tính cách như thế thì chú định trước bi kịch cuộc đời rồi.

Người xưa có câu: “phiền não vốn không có rễ, không nhặt tự nhiên không có; nghi hoặc căn bản không có nguồn, không truy cứu tự nhẹ nhõm.”


Ưu sầu có lúc chẳng qua là do bản thân suy nghĩ lung tung loạn bậy, tự đóng gông cùm cho bản thân. Chi bằng ít suy nghĩ, một niệm buông xuống thì tâm vạn lần tự tại. Chăm sóc tốt tâm tình thì thân thể càng khỏe mạnh.

Ít oán trách thì ít bi ai

Đời người, chuyện không như ý thường có 8, 9 phần. Khi gặp chuyện không vừa lòng thì có người cười rồi bỏ qua, có người lại luôn miệng oán trách. Oán trách nhiều, xem có vẻ là để xả bỏ bực dọc, nhưng thực tế không những không giải quyết được vấn đề, trái lại, nó sẽ càng trở thành gánh nặng, càng oán trách thì càng bất hạnh, dẫn đến một vòng tròn luẩn quẩn.

Bạch Cư Dịch sinh ra yếu ớt, tuổi trẻ gặp thời loạn lạc, lang bạt khắp nơi. Con đường làm quan trung niên gập ghềnh, nhiều lần bị chê bai, nhưng ông sống đến 75 tuổi. Bí quyết sống lâu của ông là: ít phàn nàn và cởi mở.

Bạch Cư Dịch sau khi nhìn rõ chân tướng cuộc sống, vẫn trong lòng không oán hận, yêu cuộc sống, cho nên cuộc sống khắp nơi đều là phong cảnh.

Có câu nói rằng: “Nếu oán trách mình ở vào hoàn cảnh đen tối, chi bằng hãy xách đèn tiến bước”.

Giảm oán trách, thay đổi tâm thái, thoáng đạt lạc quan, như thế thì vấn đề sẽ được giải quyết một cách tự nhiên.

Oán trách chẳng có tác dụng gì, càng oán trách thì bi thương càng tiến đến gần, và hạnh phúc càng rời xa. Thay việc oán người trách Trời, chi bằng biến oán khí thành động lực, thiết thực cải biến bản thân, đó mới là vương đạo. Cuộc sống dẫu có khó khăn đến mấy thì cũng chớ quên mỉm cười. Cuộc sống dẫu có gian khổ đến mấy thì cũng đừng thiếu lạc quan.

Ít oán trách, tích cực lạc quan đối mặt với cuộc sống, thì mới trở thành người chiến thắng trong cuộc đời.


Đạo Đức Kinh có câu: “thiểu tắc đắc, đa tắc hoặc.” (Ít thì được, nhiều thì ắt bị mê hoặc)

Thiểu thực, viễn ly tật bệnh, trường mệnh bách tế vô ưu;

Thiểu dục, viễn ly phiền não, nhất niêm thanh tâm tự tại;

Thiểu ngôn, viễn ly họa đoan, mặc mặc tu đức tích phúc;

Thiểu tư, viễn ly ưu sầu, bảo trì thần di tâm tĩnh;

Thiểu oán, viễn ly bi thương, nhất lộ cao ca tiễn hành.

Thảo Nguyên biên dịch
Nguồn: Sound of hope
Link tham khảo: