Nhãn xuồng cơm vàng
Giống nhãn xuồng cơm vàng có nguồn gốc ở TP Vũng Tàu, đến nay đã có mặt ở hầu hết các tỉnh Nam Bộ. Cây nhãn xuồng được trồng bằng hạt, thịt quả dày, màu hanh vàng, ráo, giòn, rất ngọt, được thị trường ưa chuộng.
Đặc điểm dễ nhận diện là quả có dạng hình xuồng. Quả chưa chín gần cuống có màu đỏ, quả chín có vỏ màu vàng da bò. Xuồng cơm vàng thích hợp sống trên vùng đất cát.
Nhãn xuồng cơm vàng.
Hiện nay, có hơn 200 hộ gia đình tập trung tại TP Vũng Tàu và các huyện Long Điền, Đất Đỏ, Xuyên Mộc, Tân Thành đang tham gia trồng, chế biến và kinh doanh sản phẩm nhãn xuồng cơm vàng.
Ngày 15/9/2006, Cục sở hữu trí tuệ, Bộ khoa học Công nghệ đã cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hàng hoá cho sản phẩm "Nhãn xuồng cơm vàng" của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Bánh khọt Vũng Tàu
Nhiều du khách ở miền Tây đi du lịch Vũng Tàu không chỉ để thoả mãn nhu cầu tắm biển và thưởng thức hải sản mà còn phải sắp xếp thời gian tìm đến các quán bánh khọt ở đường Nguyễn Trường Tộ để thưởng thức bằng được món lạ này.
Ở Vũng Tàu người ta coi bánh khọt như là một thứ điểm tâm nhưng cũng có thể như là một bữa ăn chính hay một món ăn chơi vào buổi tối.
Bánh khọt Vũng Tàu.
Cũng làm từ bột gạo nhưng điểm đặc biệt của bánh khọt Vũng Tàu là bột phải xay từ tối hôm trước để qua đêm, hôm sau đổ bánh mới giòn, không bị nhão chảy.
Rượu đế Hoà Long
Xã Hoà Long (thuộc thị xã Bà Rịa) là xã có truyền thống về nghề nấu rượu từ rất lâu đời. Nếu ở Long An có rượu Gò Đen, Đồng Nai có rượu đế Bến Gỗ Long Thành, Đà Lạt có rượu vang thì nhắc đến Bà Rịa - Vũng Tàu người ta nghĩ ngay đến rượu đế Hoà Long.
Rượu Hoà Long.
Rượu đế Hoà Long có thể nấu từ gạo hoặc nếp. Người dân xã Hoà Long thường chọn nếp Long Điền và men Bà Đập để làm nguyên liệu nấu rượu.
Có một điều đặc biệt nữa , đó là dụng cụ nấu rượu của người Hoà Long chửa đủ yếu tố ngũ hành: Kim, Mộc, Thuỷ, Hoả, Thổ. Kim là nồi đồng nấu rượu. Mộc là cần tre dẫn rượu. Thổ là khạp sành làm lạnh rượu. Thuỷ là nguồn nước giếng khơi trong mát, được nấu trên một ngọn lửa (Hoả) vừa phải không quá to, cũng không quá nhỏ...
Rượu nấu ra trong vắt, nồng nàn mùi của gạo, của nếp, khi nhấp rượu ở đầu môi thấy ngọt mềm, uống vào thấy cay nồng, có vị ngọt thơm quyến rũ.
Bí quyết rượu ngon do nguồn nước ở Hoà Long được thẩm thấu từ lớp đất bazan nên nước rất ngọt và mát, nhân dân dùng nguồn nước này để nấu cơm rượu và làm lạnh trong quá tình chưng cất rượu.
Ốc vú nàng Côn Đảo
Ốc vú nàng từ xa xưa đã được xem là loài ốc quý hiếm, là một trong những đặc sản trứ danh ở vùng biển Côn Đảo. Theo các nhà khoa học, ở Việt Nam, ốc vú nàng sinh sống tại các vùng biển từ miền Trung trở vào, nhưng đặc biệt có rất nhiều ở vùng biển Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Tại vùng biển Côn Đảo, ốc vú nàng xuất hiện quanh năm, nhưng nhiều nhất là những ngày trăng tròn giữa tháng. Ốc vú nàng thường bám chặt vào các ghềnh đá trên mặt biển, chúng mở vỏ cho nước biển lùa vào mang theo các loài vi sinh vật.
Đó cũng là cách thức tiếp nhận nguồn thức ăn giàu chất dinh dưỡng của ốc vú nàng. Bởi thế, người đi bắt ốc vú nàng phải ngâm mình trong nước biển, len lỏi vào các hốc đá, lấy mũi dao nhọn cứng tách miệng ốc ra khỏi chỗ bám vào ghềnh đá.
Ốc vú nàng.
Côn Đảo là môi trường sinh sống lý tưởng của các loài ốc vú nàng. Ở đây, ốc vú nàng có chất lượng đặc biệt thơm ngon, có thể chế biến thành nhiều món ăn độc đáo, vừa hợp khẩu vị của thực khách bình dân, vừa thỏa mãn nhu cầu của những người sành ăn.
Món thông dụng nhất được chế biến từ ốc vú nàng là luộc. Ốc chín tới vớt ra để nguội, rồi dùng mũi dao nhỏ cạy nhẹ, lấy thịt ốc ra khỏi vỏ, rửa sạch ốc rồi tưới thêm một lần nước sôi. Thịt ốc từ màu trắng ngà chuyển sang màu vàng là ăn được. Gia vị chấm không quá cầu kỳ, chỉ cần muối, tiêu, chanh, ớt là trở thành món ăn khoái khẩu vừa giòn, vừa thơm, vừa ngọt.
Ốc vú nàng luộc không béo ngậy như thịt, không dai như sò, không nhuyễn như hàu. Nếu được thưởng thức những con ốc vú nàng ở thời kỳ ngậm sữa sẽ thấy vị thơm ngậy không lẫn với bất cứ món đặc sản nào.
Thành Trung / Theo: doanhnhan