Wednesday, July 26, 2023

CÂY BẦN Ở MIỀN TÂY NAM BỘ

Theo lời ngoại, bà không biết tự bao giờ dưới mé sông nhà tôi có gốc bần. Thường ở quê, người ta hay trồng bần dưới mé sông để giữ bờ là chính, ăn trái, lá, hoa là phụ. Bần thuộc loại cây ngập mặn, rễ thở, thường mọc ở các vùng rừng ven biển, cửa sông, bãi bồi. Bần chua hay còn gọi là bần sẻ có trái tròn dẹt và bần ổi, trái hơi tròn trông giống như trái ổi. Lúc còn xanh có vị chua, chát, chín có vị chua mùi thơm. Hoa màu trắng, không thơm, ngoại thường hát ru: “Cây bần ơi hỡi cây bần. Lá xanh bông trắng lại gần không thơm”. Mỗi khi mẹ tôi làm cá lỡ phạm đứt tay, bà thường ngắt lá bần nhai đặt nơi vết đứt, quấn vải lại cầm máu.


Hồi nhỏ, tôi nghịch phá, hay cùng lũ trẻ trong xóm, vào vườn hái trộm măng cụt xanh, mò ấu, bị chủ vườn bắt, mắng vốn, mẹ giận dùng roi mây quất lên hai cái mông, hằn lên những lằn bầm đỏ. Tôi còn nhớ ánh mắt ngoại hoe đỏ, rưng rức vài giọt nước mắt, nhưng bà không dám can ngăn. Khi tôi đã nhận đủ số roi, ngoại dắt tôi ra sau hè, bà cầm chén lá bần đâm với muối, đắp lên những vết hằn cho tan máu bầm.

Trái bần luôn theo tuổi thơ tôi, mỗi khi chơi nhà chòi với mấy đứa con gái, tôi trèo cây, hái trái chia nhau ăn. Cậu Út tôi là người chuyên sống bằng nghề cắm câu, nhưng chỉ dính được cá rô, trê, lóc… còn con cá bống sao thì vô phương, nó ít ăn mồi câu. Khổ nỗi, chỉ có nó là nấu món canh chua bần với môn núm ăn ngon tuyệt trần. Cậu dùng mấy cái lon đựng mỡ trừu, bình trà cũ, khạp nhỏ, thùng thiết đem đặt ở một điểm cố định nào đó dưới sông hay lặn mò trong mấy lổ bọng của những cây cầu dừa bắt chúng.

Bông bần trộn gỏi ăn rất ngon, trái bần cũng được kho với cá hay ăn chung với mắm cá sặt, chốt… cùng với một số rau thơm khác. 

“Muốn ăn mắm sặt bần chua,
Chờ cho nước nổi ăn cho đã thèm.” 

Vào tháng 10 đến tháng chạp, lúc này trên đồng lúa sắp chín nên lũ chuột tha hồ tổ chức những bữa tiệc linh đình, chúng ăn no mập ra. Thời điểm này không thể giậm cù mà phải đào hang bắt chúng, vừa bảo vệ cây lúa vừa là món ăn ngon. Thịt chuột xào với đọt bần thì còn nói gì nữa về cái thú thưởng thức ẩm thực của người dân miền Tây Nam bộ.


Có lẽ từ đặc tính sinh sống, khi trái bần chín rụng trôi nổi theo dòng nước, bị sóng đẩy tấp vào bờ, trái rã ra, hạt bám đất nẩy mầm, mọc lên cây bần ở mé sông nhà tôi. Hình ảnh trái bần cũng rất thi vị trong tình yêu, người con gái đã mượn hoàn cảnh trôi nổi của trái bần để than thân trách phận: 

“Thân em như trái bần trôi. 
Sóng dập gió dồi biết tấp vào đâu?”

Cái tên bần, đọc nghe đồng âm với sự nghèo khó của ông cha ta trong những ngày đầu đi khai phá, mở đất phương Nam: 

“Giống chi toàn là giống đực. 
Thiếu tứ bề cam cực chung thân?”

Người ta dí dỏm cho rằng cây bần không có giống cái, vì qua hình ảnh những chiếc rễ đâm từ lớp bùn dưới đáy sông còn gọi là “cặc bần”.

“Nước chảy cặc bần run lẩy bẩy,
Gió đưa dái mít giãy tê tê”

Chính từ đặc tính này nên bần được ưu ái trồng giữ bờ, chống những đợt sóng do gió, động cơ máy tàu, ghe, xuồng, dòng chảy. Nhắc đến “cặc bần nhét nút chai” thì tôi liền nhớ, mỗi khi nhà tôi có ai bị bệnh, ngoại thường mua nước suối Vĩnh Hảo, khi đã hết ngoại lấy chai, nấu nước chín cho vào để dành uống. Nhưng ngoại không dùng cặc bần làm nút mà dùng những chiếc phểu được xếp bằng giấy úp lên miệng chai.

Riêng những chai đựng nước mắm, giấm, rượu thì dùng nút cặc bần, bởi vì nó rất khít giữ không bay hơi, dù cho có lỡ ngả chai các thứ nước cũng không chảy ra. Tôi còn nhớ các chai nước ngọt thời đó, khi khui nắp khoén, bên trong nắp có một miếng ron đệm được làm bằng cặc bần xay nhỏ, ép thành miếng, dùng để giữ hơi gas.


Mẹ tôi kể,vì tôi tuổi thân nên mỗi khi ngoại đưa võng dỗ tôi ngủ hay hát câu; 

“Tuổi thân con khỉ ăn bần,
Thấy ba ông địa ở trần nấu cơm. 
Ông kia xách dĩa lại đơm,
Ông nọ ứ hự nồi cơm mới vần
Bây giờ đói bụng lúc lần ra ăn.”

Hay: 

“Tuổi thân con khỉ ăn bần,
Chuyền cây hái trái lọt ùm xuống sông”

Rồi: 

“Cây bần gie, cây bần ngả, cây bần quỳ, 
Cảm thương con khỉ đột lấy gì mà ăn.”

Do đặc tính của vùng đất miền Tây Nam bộ, có nhiều sông, rạch. Người dân trồng trọt sản xuất, đánh bắt, khi thu hoạch họ chở rau, củ, gia cầm, cá tôm… trên những chiếc ghe, xuồng đi đến các vùng lân cận để bán. Tất nhiên, trong số các ghe đó cũng có các chiếc ghe hàng, bán bách hóa hay các ghe của những thanh niên đi cày, gặt, đào đất thuê.

Khi đã xong phiên chợ, lỡ con nước, họ neo đậu, đàn ca tài tử, hò đối đáp thì trái bần đã đi vào thơ ca, tình cảm của những đôi trai gái. 

“Hàng Dừa soi bóng Hàm Luông,
Bến gie đóm đậu qua buồn nhớ em.” 

hay khi trên xuồng, ghe quăng chài, chàng trai thấy các cô gái đang tắm dưới cầu bèn liếc mắt đưa tình, huýt sáo bị phát hiện phản kháng: 

“Anh kia trốn bụi bần non. 
Không lo chài lưới lo dòm các cô”. 


Cây bần còn có tên thi vị hơn là thủy liễu: 

“Đóm đeo thủy liễu đôi chùm,
Biết ai nhơn đạo chỉ giùm cám ơn.”

Vì bần có nhiều cành giáp mí nhau tạo ra tán lá mát nên bầy đom đóm hay đậu để nắp mưa, hình ảnh này cũng được tỉ dụ cho lời phân trần khi đôi trai gái trắc trở tình duyên: 

“Bần già đóm đậu sáng ngời,
Lỡ duyên tại bậu trách trời sao quên.” 

Khi người con trai đem lòng nhớ thương, tìm đón không gặp người trong mộng mà buồn than, mượn hình ảnh trái bần để nói về mình. 

“Chiều chiều xuống bến ba lần. 
Bóng em không thấy thấy bần xơ rơ.”

Không gặp được nàng buồn tương tư, thầm nghĩ hay là người ấy chưa hiểu nỗi lòng mình. Chiều chiều chàng ngồi nơi sân nhà gửi lời hò theo gió: 

“Bần gieo đom đóm bu quanh, 
Lập lòe sáng tối, lòng anh nhớ nàng.”

Hay: 

“Đem anh treo tại nhánh bần,
Rủi đứt dây mà rớt xuống, anh cũng lần mò kiếm em.”

Khi đôi trai gái yêu nhau thật lòng, họ đồng chia sẻ những buồn vui, gian khó của cảnh nghèo. Người con gái an ủi, động viên để người yêu mình có thêm niềm tin, nghị lực: 

“Cây bần soi bóng ghe nghèo,
Qua sông gặp gió em chèo giùm anh.”

Khuyên chàng vững lòng tin lên đường tìm công ăn việc làm:

“Lẻ đôi, em chịu lẻ đôi,
Hoa tàn em cũng đợi, bần trôi em cũng chờ.”

Nhưng cũng không thiếu các cô gái khi giận dỗi, thay đổi lòng. Dù chàng trai hết lời xin lỗi, cô vẫn chanh chua hờn mát kiểu:

“Ví dầu tình bậu muốn thôi, 
Bậu gieo tiếng dữ cho rồi bậu đi”.

Cô gái đã dùng hình tượng cây bần để từ chối, đuổi xô: 

“Bần gieo, bần liệt, diệc đau chờ mồi. 
Anh với em duyên nợ hết rồi, đi tìm chỗ khác đừng ngồi kế em.”

Cây bần còn đi vào lịch sử, địa danh, như ở Cần Thơ quê tôi ngày xưa có địa danh Cầu Rạch Bần; sau năm 75 thì người ta cho san lắp con rạch này, đập bỏ cây cầu để mở rộng con đường. Giờ mấy đứa trẻ nghe nhắc tên Cầu Rạch Bần, chúng ngơ ngác không biết ở đâu mà lần. Ở Bạc Liêu có địa danh Cây Bần Bạc Liệu, ở Long An có Ngã ba Bần quỳ.


Ngày nay, do điều kiện kinh tế cũng như công nghệ xây dựng vật liệu gạch, đá, xi măng… phát triển, những gia đình khá, họ cho tấn đá xanh, xây bờ kè chống lở. Còn những gia đình khó khăn họ lại chuộng trồng cây mắm, vì gỗ chắc và dừa nước. Bởi vì trái dừa nước đã thành món ăn giải khát vui miệng, không những của người dân nông thôn mà cả người dân thành phố cũng ưa chuộng.

Bên cạnh đó, tận dụng được tàu lá dùng che chòi, rạp trong các ngày lễ cưới, lợp mái nhà, cặp vách, trầm lá, chẻ dây lạt, đan phên phơi bánh tráng… Chính vì vậy cây bần giờ không còn phát triển, dần đi vào may một cũng như tên của nó; “Khoanh tay lo nghèo, là trái bần ôi”. Tất nhiên, từ từ các gia đình khác họ cũng có khả năng xây dựng bờ kè để chống cho bờ đừng sạt lở.

Rồi mai đây khi trở về quê, con đường cập bờ sông sẽ không còn những hàng cây xòe xanh tán lá mát mẻ và thơ mộng. Nắng sẽ rót vàng triền sông cùng sức nóng, nhất là vào mùa hè không còn được nghe giọng ru hời lời hát ca dao hòa cùng nhịp võng dưới tàn lá. Nếu còn chăng là nhắc lại một thời quá vãng.

Huỳnh Duy Lộc / Theo: doanhnhan+



No comments: