Thấy bà ngoại đổ bánh thuẫn, lũ trẻ xúm xít xung quanh
Tối qua, khi bà ngoại lụi cụi lôi khuôn bánh thuẫn từ góc bếp ra lau chùi, lũ trẻ đã chộn rộn chạy tới chạy lui, phần vì tò mò, phần vì nghịch ngợm. Đến trưa nay, vừa tan học về, thấy bà bày nào là thau bột trứng đã đánh sẵn, nào khuôn, nào nia đựng bánh cùng hương thơm ngào ngạt của những chiếc bánh thuẫn có màu vàng nhạt là lũ trẻ lại ào đến...
Bà cười móm mém, vui mà lo. Vui vì lũ trẻ thích, lo vì lò than đang nóng, sơ sẩy một tí là mất tết. Bà bảo đứa lớn gom đứa nhỏ lại, rồi chia cho mỗi đứa một cái bánh "thầy tu" (bánh không nở bung phần đầu mà chỉ là phần bột nhô lên). Lũ cháu ngồi bên hàng hiên, vừa ăn vừa hít hà hương thơm từ bánh.
Tùy tỉnh mà tỷ lệ các thành phần trong món bánh có đôi chút thay đổi
Bánh thuẫn là một trong những món gần như phải có trong mâm bánh hay bàn thờ ngày tết của người Quảng Ngãi và một số tỉnh của miền Trung. Món bánh này có nguyên liệu chính là trứng (gà hoặc vịt), đường, bột mì (bột năng) hay bột bình tinh và nước cốt gừng. Tuy nhiên, tùy tỉnh mà tên hay tỉ lệ các thành phần này trong bánh cũng có sự thay đổi.
Bà ngoại người Quảng Ngãi, nên công thức của bà theo tỉ lệ 1:1:1 (một ký trứng, một ký đường, một kí bột năng), đánh đều, thêm ít nước cốt gừng là hoàn thành. Xưa, không có máy đánh trứng, để có thể có hỗn hợp này, các anh chị trong nhà phải thay phiên nhau dùng nắm đũa đánh dậy trứng (dậy bột); sau có máy xay sinh tố, thời gian và công sức đánh trứng được thu ngắn đáng kể với thao tác cho tất cả vào cối, bật nút. Giờ thì có máy đánh trứng, mọi thứ càng đơn giản hơn.
Bánh thuẫn muốn ngon thì hai luồng nhiệt phải đều
Khác với các món bánh khác, bánh thuẫn muốn đổ chín, nở, đẹp cần có hai luồng nhiệt ở lò và trên nắp. Nếu một trong hai luồng nhiệt này không đạt yêu cầu, bánh hoặc cháy xém phần đáy, hoặc sống ở giữa hoặc không nở (bánh thầy tu) hay cháy phần trên. Hai luồng nhiệt trên - dưới, cái nào thừa hay thiếu, mẻ bánh đều không ngon nên dù có kinh nghiệm đổ bánh bao nhiêu lần thì thể nào 1, 2 mẻ bánh đầu vẫn thường không đạt chuẩn. Bánh xấu lại được bà "tẩu tán" tại chỗ bằng cách cho lũ cháu háu ăn.
Được làm từ bột, trứng, đường và nước cốt gừng, bánh thuẫn nóng có vị mềm, xốp của bột trứng nướng, thơm của gừng... Ăn hết một cái lại muốn ăn tiếp cái nữa. Người lớn dừng ăn vì sợ mập, sợ tiểu đường. Lũ trẻ cứ ăn đến no cho đã miệng. Mà ăn đến no, ăn đến đã thèm thì... không thể chỉ dừng lại ở những mẻ bánh bị lỗi.
Bánh thuẫn muốn ngon thì hai luồng nhiệt phải đều
Bánh nhà làm, yên tâm về chất lượng và thấy lũ trẻ thích nên bà ngoại thường không ngăn cấm. Hậu quả là lũ trẻ ăn đến no, bỏ cơm và kết thúc đợt đổ bánh hôm đó, số bánh dư lại không quá nửa trăm, bà ngoại lại phải làm thêm mẻ nữa. Vài lần như thế thì lũ trẻ ngán, bà ngoại đủ bánh cho tết, lại cất khuôn đi, chuẩn bị nồi và đường cho các món mứt.
Uyên Lâm / Theo: PNO
No comments:
Post a Comment