Khi Bankei mở mùa an cư kiết hạ, đệ tử từ nhiều nơi trên đất Nhật về tham dự. Trong một buổi thiền định, một đệ tử bị bắt gặp đang ăn cắp. Vấn đề được bẩm báo lên Bankei, với yêu cầu là người đệ tử ăn cắp bị đuổi. Bankei lờ vụ này.
Sau đó đệ tử này lại bị bắt gặp ăn cắp như vậy, và một lần nữa Bankei lờ vấn đề. Chuyện này làm các đệ tử khác tức giận; họ viết một thỉnh nguyện thư yêu cầu kẻ cắp bị đuổi, nói rằng nếu không thì họ sẽ rời bỏ.
Sau khi đọc lá thơ, Bankei gọi mọi người đến. “Các anh em rất thông thái,” thiền sư nói với họ. “Anh em biết cái gì đúng và cái gì không đúng. Anh em có thể theo học nơi khác nếu muốn, nhưng người anh em khốn khó này chẳng biết đúng sai. Ai sẽ dạy anh ta nếu tôi không dạy? Tôi sẽ giữ anh ta lại đây dù là tất cả các anh em rời bỏ.”
Một suối lệ chảy dàn dụa trên mặt người đệ tử ăn cắp. Tất cả mọi ham muốn trộm cắp đã tan biến.
• Thường thì những người tự cho mình là đạo đức, hay ít nhất là mình không xấu, thì thường tìm cách lánh xa và xua đuổi những người họ cho là xấu.
Tuy nhiên, “Người mạnh khỏe không cần y sĩ, nhưng người bệnh thì cần.” (Kinh thánh Thiên chúa giáo, Matthew 9:12)
• Hơn nữa, đồ tể buông đao thành Phật. Không thể nói ai sẽ thành Phật trước—người ăn cắp hay người không ăn cắp.
• Thiền là “vô tâm”, không phân biệt học trò giỏi dở tốt xấu. Lo cho mọi học trò như nhau.
• Thực ra thì ai đúng ai sai? Kẻ cắp đương nhiên biết rằng trộm cắp là sai (chỉ là do yếu đuối vì lý do nào đó mà làm bậy). Các đệ từ khác thiếu trí tuệ, thiếu từ tâm, nhưng lại vẫn nghĩ là mình đúng đến nỗi áp lực cả thầy.
Thế thì ai hiểu biết, và ai si mê?
Trần Đình Hoành dịch và bình