Saturday, July 15, 2023

CHỚ CÓ VƯỚNG PHẢI LỐI "TƯ DUY NHỊ NGUYÊN" - CẠM BẪY KHÓ LƯỜNG CỦA TƯ DUY NÃO BỘ

Con người chúng ta thật sự rất kì lạ. Chúng ta ủng hộ sự sáng tạo, chúc mừng thành công và tưởng nhớ các thiên tài, vĩ nhân nhưng lại không hề quan tâm hay chú ý tới những yếu tố dẫn đến lý do tại sao ta lại làm như vậy. Chúng ta thường nghĩ rằng, chúng ta linh hoạt, là những người biết suy nghĩ ứng biến, nhưng thật ra, ta chỉ thường đi theo một hướng tư duy - luôn phân tích mọi sự trắng-đen rạch ròi. Cách tư duy này còn được gọi là tư duy nhị nguyên.


Quay ngược lại vào thời tiền sử, về loài người vào thời đồ đá, chúng ta thường phải nhanh chóng đưa ra các quyết định. Chúng ta bắt buộc phải đánh giá tình hình một cách vội vàng, và đưa ra các quyết định ngay lập tức. Vì thường thì mạng sống của chúng ta phụ thuộc hoàn toàn vào sự nhanh nhẹn đó. Và, thật sự, chỉ có vài trường hợp trong cuộc sống hiện tại mới yêu cầu ta phải nhanh chóng đánh giá tình hình và quyết định nhanh chóng mình sẽ làm những gì (ví dụ như, có người vượt đèn đỏ và đang lao thẳng đến chúng ta) để có thể bảo tồn tính mạng. Đôi lúc thì ta lại muốn có những giải pháp đơn giản cho các vần đề phức tạp.

Nhưng cuộc sống chúng ta không hoàn toàn phụ thuộc vào các phân tích, quyết định chớp nhoáng và các câu trả lời đơn giản (như “hãy đi ra khỏi đây”). Ta có thể dành chút thời gian để đi chậm lại và quan sát cặn kẽ bản chất của sự việc, đánh giá tình hình theo góc nhìn khác, và phản hồi theo cách của một thế giới đầy phức tạp. Liệu Albert Einstein có thể đưa ra thuyết tương đối khi ông tự giới hạn suy nghĩ của mình bởi những ý tưởng đơn giản? Thật ra, ông đã suy nghĩ và chọn lọc hàng trăm, hàng ngàn lựa chọn và thí nghiệm vô số lần mới có thể tìm được đáp án.

Chúng ta không buộc phải đưa ra một học thuyết như Einstein đã làm, nhưng ta có thể từ quá trình ấy mà so sánh được lối tư duy của ông so với tư duy nhị nguyên.

NHƯNG TRƯỚC HẾT, TƯ DUY NHỊ NGUYÊN LÀ GÌ?

Tư duy nhị nguyên là cách tư duy mà ta chỉ nhìn nhận, đánh giá mọi sự vật, sự việc (các tình huống, các mối quan hệ và trải nghiệm) chỉ theo hai hướng tốt và xấu. Thường thì điều này sẽ dẫn chúng ta đến với việc, ta chỉ đạt được một là thành công, hai là thất bại. Với lối suy nghĩ đó, ta thường cảm thấy rất mệt mỏi vì lúc nào ta cũng có cảm giác như sẽ không tìm được nhiều câu trả lời khác cho một vấn đề vậy. Nếu nhìn sự việc theo một chiều hướng khác, bất chấp việc chấp nhận kết quả có thể làm suy giảm khả năng tự chủ, đồng thời cảm giác như ta không thể quyết định được kết quả đầu ra. Đôi lúc, lối tư duy này tự diễn ta trong tiềm thức mà có khi ta còn không biết được.


Đáng buồn thay, chúng ta có thể vô tình hoặc cố tình học được thói tư duy này qua nhiều cách thức, nhiều đến nỗi mà tư duy nhị nguyên trở thành một kiểu tư duy mặc định của chúng ta.

Chúng ta đã thường xuyên dạy con mình so sánh bản thân với các bạn học khác bằng các điểm số trong các bài kiểm tra, hoặc đưa ra đánh giá dựa trên điểm số, chúng có thể sẽ nghĩ rằng, "Mình không đủ thông minh" hoặc "Mình chỉ không giỏi toán." Đôi khi, học sinh được khen ngợi chỉ cần cố gắng, bất kể kết quả. Mặc dù điều này có vẻ là một ý kiến ​​hay, nhưng việc được khen ngợi vì chỉ cố gắng không giúp học sinh rút kinh nghiệm, không thúc đẩy chúng thiết lập chiến lược để học tập tốt hơn. Khi một nỗ lực đã được thực hiện mà không có kết quả, thay vì khen thưởng chúng thì hãy đưa ra lời khuyên “Hãy xem lại những gì con đã thử và suy nghĩ thêm về những gì con có thể thử làm ở bài kiểm tra kế tiếp.”

CÒN VỀ CÁC THÓI QUEN KHỎE MẠNH THÌ SAO ?

Khi nói đến các thói quen lành mạnh như ăn kiêng và tập thể dục, nghiên cứu cho thấy rằng cách tư duy nhị nguyên thường cản trở nỗ lực của chúng ta để đạt được mục tiêu của mình.

Ví dụ: chúng ta hãy thử phân tích chuyên sâu những gì có thể xảy ra khi một người quyết định tập thể dục nhiều hơn vì đó là một ý kiến ​​hay. Có lẽ bác sĩ của họ đã nói với họ về những lợi ích, hoặc có lẽ họ đang có vấn đề về sức khỏe nên cần phải tập thể dục. Có lẽ họ chỉ biết rằng họ “nên làm thế”.


Cách tiếp cận của lối tư duy nhị nguyên sẽ trông như thế này:

“Tôi sẽ không bao giờ nhìn như những người mẫu thể hình đó được, vậy tại sao phải cố gắng làm gì?”

“Mấy bài tập đó nhìn đau đấy, và tôi đã có đủ những cú đau và tê nhức rồi.”

“Tôi đã thử bài tập đó hồi trước rồi, và nó không thật sự phù hợp với tôi.”

“Tôi không rảnh.”

“Tôi đã nghỉ ngang một chương trình tập tuần trước, có lẽ do tôi không có đủ động lực.”

“Tôi không thể đến phòng gym được. Ở đó có quá nhiều người nhìn đẹp hơn tôi.”

Cuối cùng, nếu nỗ lực không thành công, người đó có thể coi chính bản thân họ như một thiếu sót. Thậm chí có thể xảy ra trường hợp người đó đoán trước được kết quả thất bại và thậm chí không thèm cố gắng. Trong cả hai trường hợp này, người đó bị "khóa chặt" trong suy nghĩ nhị nguyên, khó có thể nhìn thấy bất kỳ sự lựa chọn nào khác. Trong ví dụ về tập thể dục ở trên, và trong nhiều trường hợp khác, kết quả chính là, sức khỏe của người đó sẽ bị ảnh hưởng.

VẬY LÀM SAO ĐỂ TA CÓ THỂ THAY ĐỔI ĐIỀU ĐÓ?

Một tin tốt là ta vẫn còn lối tư duy “xám”. Tư duy “xám” thường được gọi là tư duy cầu tiến trong cuốn sách Tư duy (Mindset) của thạc sĩ Carol S. Dweck. Cô đã dành phần lớn sự nghiệp của mình để nghiên cứu cách tư duy liên kết với hành vi và đã xác định được tư duy “cố định” (còn gọi là nhị nguyên) và “cầu tiến”. (Lưu ý: cố định so với cầu tiến có sự khác biệt lớn! cách tiếp cận tư duy cũng có thể phụ thuộc vào tùy tình huống.)

Tiến sĩ Dweck đã chỉ ra nhiều lần và trong các bối cảnh khác nhau rằng, có nhiều cách để học cách nhìn nhận nỗ lực hoặc các tình huống mới là cơ hội để phát triển chứ không phải là để thất bại hoặc bối rối.


Tóm lại, đây là một vài cách để ta có thể học được từ lối tư duy cầu tiến:

1. Chấp nhận rằng không ai trong chúng ta là hoàn hảo. Không ai có thể đứng mãi trên "đỉnh núi" của niềm vinh quang mỗi ngày. Hãy chấp nhận rằng bạn không “thiếu xót”, mà chỉ đang dao động lên xuống, giống như những người khác.

2. Hãy cảnh giác với những dấu hiệu của lối tư duy cố định, tỉ như sự phòng thủ, bất an với mọi thứ xung quanh hoặc liên tục so sánh bản thân với người khác. Những suy nghĩ này có thể được lọc bỏ dần. Chúng có thể được thay thế bằng sự nhận thức rằng, bạn luôn có thể học điều gì đó mới, tìm ra chiến lược và tìm kiếm ý kiến ​​đóng góp từ những người khác.

3. Viết ra một suy nghĩ nhị nguyên mỗi ngày và sau đó viết lại nó bằng cách sử dụng tư duy cầu tiến. Ví dụ: Bạn đã bỏ qua phòng tập thể dục vào tuần trước. Điều đó có nghĩa là bạn không có động lực và sẽ luôn như vậy ư? Thay vào đó, hãy nhìn vào những lý do đã khiến bạn làm như vậy. Nếu phòng tập ở quá xa, hãy tìm cách khác để tập thể dục. Nếu thể dục thể thao đối với bạn có vẻ chiếm quá nhiều thời gian, hãy chia bài tập của bạn thành các buổi tập nhỏ. Nói chuyện với người có thể giúp bạn tìm ra cách để đạt được thành công với mục tiêu tập thể dục nhiều hơn.

Thường thì kết quả cuối cùng của lối tư duy cố định hoặc tư duy nhị nguyên là thiếu sự thành công lâu dài. Ta khó có thể nhận ra lối tư duy đó cho đến khi gặp phải một số khó khăn và thiếu xót trong kết quả đạt được. Đây có thể là cơ hội để thay đổi sang cách tiếp cận hiệu quả và mang tính hy vọng hơn.

Nguồn tham khảo
1. Dweck, Carol S., Ph.D. Mindset: The New Psychology of Success. Balllantine Books, 2006, 2016.


Tác giả: Kristen A Carter M.s
Link bài gốc : Black and White Thinking Can Affect Your Health
Dịch giả: Trần Ngọc Oanh - ToMo - Learn Something New


No comments: