Xoài cát Hòa Lộc
Nguồn gốc của xoài cát Hòa Lộc là ở xã Hòa Lộc, quận Giáo Đức nay thuộc huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang nên được mang tên là xoài cát Hòa Lộc. Đây là vùng đất phù sa ven sông nên giàu chất dinh dưỡng, rất thích hợp cho xoài cát Hòa Lộc sinh trưởng và phát triển.
Trong các loại xoài nội, xoài cát Hòa Lộc được nhiều người ưa chuộng nên giá cao. Cách trái xoài chín 3-4m đã ngửi thấy mùi thơm thoang thoảng. Ăn vào, sẽ cảm nhận như có những hạt đường cát nhỏ - hơi cồm cộm trong miệng, ngọt thanh tao đó mới là xoài cát Hòa Lộc chính gốc.
Xoài cát Hoà Lộc
Xoài cát Hòa Lộc có đặc điểm riêng: phần chóp trái hơi lõm xuống. Dưới bụng trái xoài cát Hòa Lộc có một rãnh nhỏ, thẳng tắp từ cuống đến chóp trái, thấy rõ nhất là đoạn giữa bụng. Giống này chính gốc, trái vừa già đã tỏa mùi thơm đặc trưng.
Khi dùng dao bén, xẻ đều tay trái xoài cát Hòa Lộc chín sẽ có cảm giác bị hơi sượng tay. Bởi trong thịt trái xoài có nhiều sớ ngắn, rải đều.
Vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim
Vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim chính gốc được trồng bởi người Vĩnh Kim, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang. Người Vĩnh Kim đặt tên đó là để ghi nhớ công ơn của ông thợ rèn đã nhân giống vú sữa ngon cho vùng đất này.
Vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim.
Vú sữa ở đây quả tròn, trắng, mỏng vỏ, nhỏ hột, dày ruột. Lúc chín quả phơn phớt vàng hồng, thoảng thơm, mát dịu, ngọt thanh,...
Vào những buổi trưa hè nắng nóng, trèo lên cây vú sữa tìm hái trái chín, vừa vo tròn vừa bóp đều tay cho mềm trái, rút cùi, ruột trái dâng cho phần nước trắng đục như dòng sữa mát lịm. Lõi ruột trắng trong, mềm dịu, thanh ngọt. Thịt mềm lưu lại hương vị đặc biệt.
Đó là cách ăn dân dã, còn khi đãi khách, người ta thường vạt núm trái vú sữa, dùng muỗng múc ăn dần hoặc xẻ trái thành 6 miếng, dùng dao tách phần vỏ giữ nguyên phần ruột để trên đĩa, dùng nĩa ghim ăn từng miếng.
Còn có cách ăn cầu kỳ hơn là gọt bỏ vỏ, thái nhỏ từ trên núm xuống (bỏ hạt và cùi) cho vào máy xay sinh tố, thêm đường hoặc sữa, ca cao, cho vào khuôn đá để tủ lạnh, ăn như sữa chua hoặc trộn với đá bào sẽ được một ly sinh tố đặc biệt.
Sơ ri Gò Công
Sơ ri hay còn được gọi là cherry là một quả giàu vitamin C. Ở Việt Nam, sơ ri được trồng từ rất lâu đời, tập trung chủ yếu ở khu vực Gò Công, tỉnh Tiền Giang. Có 2 giống sơ ri là giống sơ ri chua và sơ ri ngọt.
Sơ ri Gò Công.
Giống sơ ri ngọt dùng để ăn tươi và tiêu thụ nội địa. Giống sơ ri chua là giống đang được ưa chuộng vì có năng suất cao, có vị chua ngọt thích hợp với thị hiếu của người tiêu dùng, được tiêu thụ nội địa và xuất khẩu sang các nước như Singapore, Hong Kong,...dưới dạng đông lạnh quả tươi.
Quả sơ ri được dùng làm nguồn bổ sung vitamin C cho người ăn kiêng cũng như nhiều nguồn thực phẩm khác. Một ly nước ép sơ ri 180ml có hàm lượng vitamin C có thể bằng 14 lít nước cam ép. Sơ ri là loại cây thân gỗ nhỏ hoặc cây bụi, ngoài lấy quả, sơ ri còn được trồng làm cảnh. Cây có thể cao đến 3-5m, có nhiều cành nhỏ.
Quả sơ ri có dạng hình dáng bắt mắt.
Quả sơ ri có dạng hình tròn, dẹt ở 2 đầu, có 3 múi. Vỏ quả nhẵn bóng, mỏng, mềm và rất dễ bị dập. Quả khi chín chuyển từ màu xanh sang màu đỏ tươi, có khi vàng cam, thịt quả có màu vàng nhạt, hột màu trắng ngà. Phần ăn được chiếm khoảng 80% trọng lượng quả tươi. Trung bình trọng lượng quả từ 3,8 - 5,5g.
Thanh long Chợ Gạo
Thanh long được người Pháp đưa vào Việt Nam trồng hơn 100 năm nay. Thanh long được trồng chủ yếu ở 3 tỉnh miền Nam Việt Nam: Bình Thuận, Tiền Giang và Long An. Tuy nhiên, thanh long được trồng ở các xã Đăng Hưng Phước, Mỹ Tịnh An, Thanh Bình, Trung Hòa,... thuộc huyện Chợ Gạo là thơm ngon và nổi tiếng khắp cả nước.
Thanh long Chợ Gạo.
Trái thanh long hình tròn và thuôn ở hai đầu, vỏ quả có màu đỏ đều bóng. Thịt quả màu trắng, nhiều hạt đen nằm rải rác trong phần thịt quả. Thanh long là loại trái cây giàu dinh dưỡng, phẩm chất ngon, vị chua. Trọng lượng quả từ 250 - 500g.
Thanh long cho hai vụ trái, vụ thuận từ tháng 4-9 dương lịch, vụ nghịch từ tháng 11-3 âm lịch. Thời gian từ khi ra hoa đến mùa thu hoạch khoảng 25 ngày. Tuy nhiên nếu để thanh long trên cây 10-15 ngày nữa sẽ tăng độ ngọt của trái.
Khóm (thơm, dứa) Tân Lập
Khóm hay còn được gọi là dứa, thơm. Là loại cây trồng cạn có khả năng chịu phèn và chịu hạn rất tốt.
Khóm (dứa, thơm) Tân Lập.
Quả khóm Tân Lập từ lâu được coi là một loại quả ngon, dùng ăn tươi hoặc chế biến, đóng hộp, tiêu thụ nội địa và xuất khẩu. Khóm rất được nhiều người tiêu dùng trong và ngoài nước ưa chuộng.
Khóm Tân Lập có thịt quả màu vàng đẹp, có đầy đủ các loại vitamin (trừ vitamin D). Khóm có mùi thơm mạnh, có vị ngọt, hơi chua.
Khóm được trồng ở tất cả các vùng nhiệt đới. Ở miền Nam, khóm được trồng phổ biến là giống Queen. Ở Tiền Giang, khóm được trồng tập trung ở huyện Tân Phước với hơn 8.000ha, sản lượng hàng năm khoảng 150.000 tấn.
Cùng với khóm Bến Lức (Long An), khóm Tân Lập được coi là một sản vật nổi tiếng của miền Nam, xứng danh là nữ hoàng hoa quả Việt Nam.
Thành Trung / Theo: doanhnhan
No comments:
Post a Comment