Sunday, July 9, 2023

SẢN VẬT TRÀ VINH

Trà Vinh là vùng đất sinh sống của 3 dân tộc Khmer, Kinh, Hoa nên sản vật nơi đây mang đậm những nét văn hóa đặc sắc của vùng sông nước Miền Tây. Tuy dân dã, mộc mạc nhưng hương vị thì lại vô cùng thơm ngon, quyến rũ khiến bất cứ ai cũng phải mê mẩn.

Dừa sáp Cầu Kè.

Dừa sáp Cầu Kè

Dừa sáp Cầu Kè được trồng nhiều ở xã Hoà Tân, huyện Cầu Kè. Dừa sáp hay còn được gọi là dừa đặc ruột là sản vật quý hiếm, nổi tiếng của tỉnh Trà Vinh. 

Về hình thức, dừa sáp giống như dừa thường nhưng đặc biệt là phần cơm dừa rất dày, phủ kín hết phần ruột. Không giống như cơm dừa bình thường nếu dừa non thì mềm và ngọt, già sẽ cứng, còn dừa sáp thì mềm và dẻo quánh lại.


Ngày trước, người ta thường nạo cơm dừa cho vào cốc, thêm chút đường ăn rất lạ miệng. Ngày nay, cách chế biến dừa sáp trong các loại nước giải khát càng làm cho du khách thích thú hơn. Cơm dừa được nạo cho vào máy say sinh tố, chế thêm sữa đặc có đường, thêm một chút nước lạnh và đá. Tất cả tạo ra một hỗn hợp sền sệt khiến cho người thưởng thức có cảm giác khó quên, vừa béo vừa thơm hương vị của sữa và dừa, vừa lành lạnh tê ở đầu lưỡi.

Dừa sáp Cầu Kè là giống dừa ngon và đắt giá nhất trong các loại dừa của Việt Nam. Tại huyện Cầu Kè hiện nay chỉ có khoảng 1.000 cây dừa sáp.

Quả quách

Ngoài quả dừa sáp thơm nức nổi tiếng, xứ Trà Vinh còn có một sản vật độc đáo khác, đó là quả quách.

Cây quách được trồng nhiều nhất ở Trà Vinh.

Có thể nói khắp Đồng bằng sông Cửu Long rất it nơi trồng được cây quách. Quách là loại cây cao khoảng 7 - 10m, lá nhỏ, thuộc họ bằng lăng, dễ trồng trên vùng không ngập nước, trồng khoảng 4 năm sẽ ra quả. Quả quách hình tròn, da nhám, màu xám trắng, khi chín ruột có màu đen và rất nhiều hạt nhỏ.

Cây quách có một đặc điểm là khi quả chín không cần phải trèo lên cây hái mà quả tự rơi rụng xuống. Vào tháng Giêng, tháp Chạp là mùa quách chín. Dù rơi từ trên cao xuống nhưng quả quách không bị dập vỡ vì vừa chớm chín, quả còn rắn. 

Giá bán quách không quá đắt, khoảng từ 5.000 - 10.000 đồng/quả tùy vào độ lớn, nhỏ.

Khi vừa chín tới, quách tỏa hương thơm quyến rũ khứu giác nhiều người. Quả quách nhìn qua trông như một quả bưởi vỏ bị mốc, không có dáng vẻ hấp dẫn nhưng ruột bên trong lại có vị ngọt chua thanh, hương thơm ngào ngạt.

Để thêm khoảng 3 - 7 ngày thì quách chín rục. Vỏ quả chuyển sang màu bạc trắng, mềm, bên trong có nhiều hạt nhỏ. Lấy ruột quách cho vào ly, thêm đường, sữa cùng nước đá bào, ta sẽ có một loại nước giải khát đặc biệt của miền Tây.


Quách cũng có thể ăn non bằng cách đập, cạy lấy cơm chấm muối ớt. Quách non có vị chát, chua giống như ổi. Hiện nay, cây quách chỉ còn được trồng rải rác trên đất của người Khmer ở Trà Vinh, Sóc Trăng nhưng nhiều nhất vẫn là ở tỉnh Trà Vinh.

Rượu Xuân Thạnh

Dân miền Tây thích rượu "nặng đô" rất hâm mộ rượu Xuân Thạnh. Loại rượu "cháy được" này là đặc sản của vùng Vĩnh Trường - Trà Vinh. Cùng với rượu Phú Lễ Bến Tre và rượu Gò Đen Long An là 3 danh tửu nổi tiếng của đất Nam Bộ. Rượu Xuân Thạnh thuộc loại nặng đô (khoảng 60 độ), sủi tăm trong vắt, hương vị nồng nàn, hấp dẫn và không hề gây đau nhức đầu.

Gạo nếp - nguyên liệu chính làm rượu Xuân Thạnh.

Xuân Thạnh thực ra là tên một ấp thuộc ngôi làng cổ Vĩnh Trường (nay là xã Hoà Thuận, huyện Châu Thành), cách trung tâm thị xã Trà Vinh chưa đầy 3km về hướng Đông.

Nơi đây được thiên nhiên ban tặng cho nhiều loại sản vật được ưa chuộng khắp vùng, trong đó nổi tiếng nhất vẫn là các loại gạo nếp. Rượu Xuân Thạnh chính là sản phẩm tinh chế từ nguyên liệu gạo nếp ấy cộng với bàn tay khéo léo của người dân làng cổ Vĩnh Trường.


Rượu do một số gia đình nắm giữ bí quyết chưng cất và được sản xuất rất cầu kỳ, từ gạo nếp mùa truyền thống cùng với 14 loại men viên và 48 dòng nấm mốc gia truyền có hoạt tính đường hóa cao. Rượu được đem ủ kín suốt 3 ngày, sau đó người ta lấy nước giếng trong làng Xuân Thạnh cho vào hũ cơm rượu đã được ủ men trước đó. Cho nước vào lại tiếp tục đậy và ủ kín suốt 3 ngày nữa.

Để nấu được mẻ rượu ngon, canh đúng độ rượu thì người nấu cũng phải là người có kinh nghiệm. Sau công đoạn nấu cơm rượu, ủ cơm rượu, quá trình nấu cũng mất rất nhiều thời gian. Khi nấu rượu phải để lửa cháy đều, để rượu chưng cất từng giọt, đúng nồng độ.

Bánh ống Trà Vinh

Nói đến Trà Vinh có lẽ ít ai biết được đây là quê hương của bánh ống, một loại bánh "chân quê" đặc sản riêng xứ này.

Bánh ống Trà Vinh.

Bánh ống là một loại bánh có tên gọi theo hình dạng cái ống làm khuôn. Ống này được làm bằng tre nhỏ cỡ đồng xu, cưa ngang một khúc khoảng gang tay. Bột làm bánh là bột gạo được xay nhuyễn, pha trộn thật đều với đường cát trắng và nước cốt dừa hoặc dừa nạo, nêm một chút muối cho mặn mà. Bột đánh tơi, nhồi nhẹ vào trong lòng ống, bên dưới là một miếng thiếc tròn ngăn không cho bột rơi xuống lòng nồi, bên trong ống có một que thẳng đứng. Sau đó nhồi bột đầy ống và dùng một miếng thiếc tròn khác làm nắp đậy kín lại.


Bánh được nấu theo phương pháp hấp cách thuỷ. Khi bánh chín, lấy nắp thiếc ra, kéo chiếc que lên, tay kia cầm sẵn miếng lá chuối áp sát vào thân bánh. Như vậy chúng ta đã có trong tay chiếc bánh ống nóng hổi, bốc khói, nằm gọn trên nền lá chuối xanh. Ngoài ra, để tạo cảm giác khác lạ cho người thưởng thức, người ta còn pha lá dứa để bánh có màu xanh đẹp mắt.


Ăn bánh ống lúc vừa ra lò mới thưởng thức hết hương vị của nó. Cắn nhẹ một miếng, cảm giác chiếc bánh xốp như chiếc bánh bò bông tan dần trên đầu lưỡi. Mùi thơm của nước cốt dừa beo béo hòa trong vị ngọt không thể thiếu của đường cát trắng từ từ thẩm thấu trong vòm miệng.

Thành Trung / Theo: doanhnhan



No comments: