Tuesday, July 25, 2023

MÙA CƯỚI VÀ CHIẾC BÁNH PHU THÊ XỨ HUẾ

Huế không phải là vùng đất duy nhất trên cả nước có bánh phu thê (hay còn gọi là su sê) lá dừa. Bánh phu thê có ở nhiều nơi, nhưng bánh phu thê Huế lại mang một ý nghĩa và có một hương vị rất riêng. Nếu như ở miền Bắc, bánh hình tròn được bọc trong lớp giấy ni- lông màu vàng, đỏ, bánh miền Nam là cặp vuông hoặc tròn, thì tại Huế lại được đặt trong chiếc hộp vuông vắn chế tạo bằng lá dừa giản dị. Hình vuông mang ý nghĩa vuông tròn, tượng trưng cho sự viên mãn, trăm năm hạnh phúc của đôi lứa, vì ý nghĩa nhân văn đó bánh phu thê là một lễ vật không thể thiếu trong lễ đám cưới, lễ ăn hỏi hay trong ngày lễ Tết của người Huế .


Bánh phu thê Huế không sản xuất công nghiệp ồ ạt mà làm hoàn toàn từ thủ công, điều đó cho thấy sự tinh tế và trân trọng chiếc bánh cổ truyền. Cầm chiếc bánh phu thê trên tay mới thấy được sự khéo leo của người co gái Huế. Bánh có hai lớp vỏ, trong ngoài đều được bọc bằng lá dừa. Lá dừa được xếp nếp thành hình vuông, tận dụng răng lá làm nẹp cố định cho chiếc hộp, lớp trong lớp ngoài ôm sát nhau rất dễ đóng lại hay mở ra. Bên trong hộp được thêm một khúc lá dứa, đây chính là bí quyết giúp bánh có mùi thơm tự nhiên, cuốn hút. Có gia đình khi chế biến loại bánh này, họ rất kỳ công để tạo nên các khuôn bánh có hình sáu cạnh hay có khi chỉ là 3 cạnh hình tam giác làm cho hình ảnh của những chiếc bánh này càng thêm phong phú và bắt mắt.

Nhẹ nhàng mở nắp hộp là chiếc bánh vuông vắn trong suốt. Sau lớp bột trong suốt là nhân bánh màu vàng của đậu, màu trắng của những sợ dừa i. Khi ăn, bánh có vị hơi dai và giòn, vị ngọt thanh thơm dịu, thật không có gì thanh tao hơn !


Làm bánh phu thê không khó nhưng đòi hỏi nhiều công đoạn và thời gian. Các nguyên liệu đều phải sơ chế qua nhiều bước và được chọn lựa kĩ, nhờ đó mới có được những chiếc bánh đem lại cho người thưởng thức cảm giác vừa giòn vừa dai của cái chất bột lọc đặc trưng của Huế. Cảm giác sần sật của những cọng dừa non, cái vị ngầy ngậy béo của nhân đậu xanh, hương thơm dịu nhẹ của lá dứa và cái vị ngọt thanh mát của đường cát trắng đã tạo nên một cảm giác rất đặc trưng của Huế.

Để làm nên những chiếc bánh phu thê xinh xắn ngọt bùi đó thì trước hết, bột lọc tươi tán nhuyễn, hòa với nước và đường theo tỉ lệ thích hợp. Cho dừa tươi đã thái thành từng sợi nhỏ vào hỗn hợp đó khuấy đều rồi cho lên bếp đun nhỏ lửa. Bước này, được gọi là giáo bột. Trong khi giáo phải quan sát kỹ vì bột rất dễ cháy phía đáy nồi. Giáo bột sao cho nửa chín nửa sống là được, tức bột sẽ kết dính lại và có màu trắng đục. Đậu xanh nấu chín, xay mịn và nấu thành hỗn hợp dẻo mịn với đường cát trắng.


Khi đã hoàn tất khâu sơ chế, cho một lớp bột vào khuôn, rồi nhân đậu xanh và đổ tiếp một lớp bột phía trên nữa. Đem hấp chừng 15 – 20 phút là chín. Khi hấp bánh phải canh sao cho bột không chín quá, sẽ làm mất đi độ dai. Canh lửa vừa phải để bánh chín đều. Khi chín, bột trở nên trong vắt và dễ dàng nhìn thấy lớp nhân màu vàng óng cùng những sợi dừa ngang dọc bên trong.

Bánh phu thê hấp dẫn người ăn không chỉ vì sự ngon miệng mà khi nhìn vào trông rất đẹp mắt. Tuy ngày nay có nhiều loại bánh thay thế nhưng bánh phu thê Huế vẫn được nhiều người ưa chuộng. Nhiều người Huế xa quê dù đi đến đâu cũng không thể quên được hương vị rất đặc trưng của loại bánh thân thương này.


Cùng với các mâm cau trầu rượu, bánh phu thê là phẩm vật không thể thiếu trong các mâm quả cưới với ý nghĩa kết duyên vợ chồng, ước vọng trăm năm hạnh phúc. Lễ vật hàng đầu của người Huế, thường nhà trai đi mâm bánh này rất trịnh trọng, bánh đặt trên mâm phải là 105 cái, mang ý nghĩa Trăm Năm Hạnh Phúc, (100 cái bánh tượng trưng cho con số một trăm, 05 cái bánh còn lại tượng trưng cho năm, ý chỉ thời gian), suy nghĩ này có thể không hợp lý cho lắm, nhưng ngẫm cho cùng thì cũng thật tình cảm và dễ thương, nghe qua thì đơn sơ mà lại rất đậm đà. Tất cả cũng bắt nguồn từ tên gọi rất ý nghĩa và hình thức phù hợp của bánh: hai mảnh hộp ghép lại khắng khít ôm gọn bánh bên trong, như muốn nói lên sự gắn bó bền lâu của các đôi uyên ương, như muốn thay cho một lời chúc mừng đến các cặp vợ chồng tương lai mãi mãi bền vững, nồng thắm bên nhau trọn đời…

Tôn Thất Thọ / Theo: dangnho



No comments: