Bánh tét ba màu
Bánh tét không có gì lạ lẫm với người dân miền Nam nhưng độc đáo nhất là bánh tét ba màu. Một loại bánh vừa thơm ngon vừa thẩm mỹ, đặc biệt dành riêng cho các ngày lễ hội quan trọng.
Muốn có một đòn bánh tét ba màu chất lượng cao, người gói phải mất rất nhiều công phu. Trước hết, phải chọn cho được nếp dẻo, xào nhân, nấu lá cẩm, xay lá dứa để lọc nước. Màu tím là của lá cẩm, màu xanh của lá dứa và màu vàng của đậu xanh. Mỗi màu toát lên một hương vị đặc trưng không giống với bất cứ loại bánh tét thường ngày.
Bánh tét ba màu trước khi gói, nếp phải vo sạch, để ráo, sau đó đem xào với nước cốt dừa, thêm chút muối. Nước lá cẩm và nước lá dứa phải được làm riêng 2 chảo để không bị lẫn màu với nhau. Đậu xanh được xào chung với nước cốt dừa, nêm nếm gia vị vừa đủ. Nhân bánh có thể là nhân chuối, nhân ngọt, nhân thịt, nhân mỡ hoặc nhân thập cẩm gồm đậu xanh, tôm khô, lạp xưởng, giò heo bắc thảo, trứng, đậu phộng,...
Đặc biệt, bánh tét ba màu chỉ được hấp chứ không nấu như bánh tét thường. Nhờ hấp, hạt nếp mới đạt độ dẻo và thơm ngon. Người có kinh nghiệm lâu năm thường hấp bánh bằng củi và luôn giữ độ nóng thật đều thì bánh khi ra lò mới chuẩn vị.
Bánh cống Cần Thơ
Giống như bánh ống Trà Vinh, bánh cống (hay bánh cóng) cũng được người dân Cần Thơ xem là thứ quà vặt nên họ chỉ ăn lót bụng vào thời điểm chiều hoặc tối. Là món ăn dân dã, vừa rẻ lại vừa ngon khiến ai ăn một lần thì không thể nào quên.
Bánh cống Cần Thơ.
Nguyên liệu chính để làm bánh là bột, đậu xanh và tôm. Bột pha chế là quan trọng nhất. Đầu tiên, người thợ lành nghề sẽ dùng ba phần gạo, một phần nếp, ngâm đủ một đêm rồi xay mịn.
Đậu xanh được đãi vỏ, nấu chín. Thịt heo băm nhuyễn, xào chín, trộn chung với đậu xanh. Tôm tươi rửa sạch, để ráo. Đặc biệt, tôm không bỏ vỏ vì khi lột vỏ đi chiên lên mất độ giòn.
Dầu ăn cho vào chảo phải đủ ngập một cái cống. Chờ cho dầu sôi, người ta cho ít bột vào cống, sau đó cho vào một muỗng đậu xanh và thịt làm nhân bánh. Đổ tiếp thêm một lớp bột và tôm để đặt lên trên. Lửa nhỏ bánh mới giòn đều từ ngoài vào trong. Bánh cống ăn cùng với nước mắm chua ngọt và các loại rau diếp cá, đọt xoài, cải đắng, xà lách, húng quế,...
Cơm cháy kho quẹt
Cơm cháy kho quẹt là một món ăn cực ngon đã tồn tại từ lâu ở Cần Thơ. Trước đây, người dân nơi đây nghĩ ra món ăn cơm cháy kho quẹt với mục đích chống đói. Dần dần, món ăn dân dã này đã trở thành một trong những món ăn đặc sản đặc biệt tại Cần Thơ.
Cơm cháy kho quẹt.
Món cơm cháy kho quẹt ngon rất đơn giản. Tuy nhiên, để có được những miếng cơm cháy vàng ươm, giòn tan, cùng với phần kho quẹt đậm đà hương vị đòi hỏi người chế biến có những bí quyết riêng.
Theo đó, giai đoạn quan trọng nhất để làm nên món cơm cháy kho quẹt Cần Thơ là giai đoạn chiên cơm. Nguyên liệu được lựa chọn kĩ càng, gạo dẻo sau khi được nấu chín sẽ được để nguội.
Để cơm cháy được vàng ươm, giòn tan thì người đầu bếp sẽ dùng một lực vừa phải nhằm ấn cơm xuống đáy chảo trong lúc chiên, để cơm thành miếng mỏng, dẹp. Chiên trong khoảng 10 phút với lửa nhỏ, cơm sẽ đủ độ cháy giòn và có thể lấy ra được.
Tiếp đó là công đoạn nấu kho quẹt . Kho quẹt được nấu từ tôm, thịt ba chỉ, hành khô, mắm, đường,... Phần tôm và thịt sẽ được nấu trước, sau đó thêm hành khô, mắm đường vào sau, nêm nếm gia vị và nấu đến khi sền sệt, đặc quánh là kho quẹt đã hoàn thành. Cuối cùng, đầu bếp sẽ cho thêm hành lá cắt nhỏ, ớt băm,... cho đủ vị ngậy - ngọt - mặn - cay yêu thích của người miền Tây.
Lẩu mắm Tây Đô
Thoạt đầu mắm kho là món ăn gia đình của dân Nam Bộ ở thôn quê. Sau năm 1975, từ ruộng đồng món mắm kho ra thành thị, vào các quán ăn. Tại đây, mắm kho được chế biến thành lẩu và chiễm trệ ngự trong nhà hàng. Cách chế biến này là của người Cần Thơ nên đến nay lẩu mắm Tây Đô lừng danh cả trong và ngoài nước.
Lẩu mắm Cần Thơ.
Đầu tiên, lựa con mắm lóc thật ngon đem nẫu cho rã thịt, lược bỏ xương, đỗ nước cốt mắm qua lẩu rồi nêm nếm thêm đường, bột ngọt, mỡ. Đồng thời cho thêm lươn, cá rô từ 7-8 con, thịt ba rọi 300g xếp vào nồi lẩu. Rau là thành phần không thể thiếu như điên điển, bông lục bình, bông súng, rau tràng, rau dừa, rau mác,...
Lẩu mắm phải ăn lúc thật nóng mới ngon, ít ai có thể cưỡng nổi sự hấp dẫn của nó. Thưởng thức lẩu mắm, du khách sẽ cảm nhận được tất cả hương vị tinh hoa của ẩm thực miền Tây, từ vị mặn mà của mắm, vị ngọt từ thịt cá, tôm, lươn cho đến vị thơm ngon của rau củ miền sông nước.
Thành Trung / Theo: doanhnhan
No comments:
Post a Comment