Duyên phận là điều gì đó rất kỳ lạ, khó ai có thể nói rõ về nó. Có thể hữu duyên vô tình quen biết nhưng lại hiểu thấu nhau. Có thể hòa hợp với nhau nhưng lại không thể gần nhau. Không cố ý theo đuổi thì lại được, bỏ tâm cố gắng lại chẳng thành. Cũng như câu nói: “Có lòng trồng hoa, hoa chẳng nở, vô tình cắm liễu, liễu lại xanh”.
Có những duyên phận, chẳng thể nói, chẳng thể nghĩ, nhưng lại chẳng thể quên. Nó gieo cho bạn sự tiếc nuối, nhưng cũng khiến bạn cảm thán mãi không thôi. Có những phút giây say đắm như mật ngọt, cũng có những khoảnh khắc lệ ướt bờ mi. Vậy nên, điều đã mất cũng đừng tiếc nuối, điều đã lựa chọn thì phải đặt tâm, thứ đã có lại càng phải trân trọng. Duyên phận chính là hành trình gió mưa của sinh mệnh.
Mối tình dang dở của Hải Thượng Lãn Ông
Nói đến hữu duyên vô phận, chúng ta có thể kể đến mối tình dang dở của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác – một đại danh y có đóng góp lớn cho nền y học cổ truyền Việt Nam.
Hồi nhỏ, gia đình Lê Hữu Trác có dạm hỏi cho ông một cô gái, là con gái quan Thừa ty Tham chánh ở Sơn Nam. Đã làm lễ vấn danh và ăn hỏi rồi, nhưng có việc trở ngại, khiến ông phải từ hôn và về ở Hương Sơn.
Năm, sáu năm sau, ông lên kinh thì nghe tin vị quan trên đã qua đời, còn cô gái đau khổ kia đã thề suốt đời không lấy ai nữa. Người con gái nói rằng: “Đã có người hỏi mình làm vợ thì mình đã có chồng rồi, chẳng qua vô phận mà chồng bỏ, nay còn mặt mũi nào mà lấy chồng khác”.
Hải Thượng Lãn Ông luôn day dứt mối tình dở dang thuở xưa (ảnh: Pinterest)
Lê Hữu Trác biết tin này thì trong lòng hoảng hốt: “Do mình thu xếp công việc không chu đáo, có trước chẳng có sau, khiến cho cô ta ôm hận. Mình thực là người bạc hạnh! Tội này đeo đuổi lấy mình, không biết có cách nào gỡ được”.
Về sau khi ông trở lại kinh thành để chữa bệnh cho Thế tử Trịnh Cán, thì một ngày nọ có hai vị sư bà đến chỗ ông trọ nói rằng, ở chùa Huê Cầu đang đúc chuông lớn nhưng công quả chưa thành nên họ lên kinh thành để khuyến hóa (quyên góp ủng hộ). Một trong hai vị sư bà xưng mình là con gái quan Tả thừa ty ở Sơn Nam, người làng Huê Cầu – chính là người có ước hẹn với Lãn Ông ngày trước.
Cả hai bất chợt nhận ra nhau, sư bà làng Huê Cầu có ý thẹn không dám trò chuyện thêm. Còn Lãn Ông cầm lòng không đặng, hình bóng người cũ vốn trong tâm tưởng nay trở lại ngay trước mắt, ông gọi người học trò tên Tài đến, thuật lại mọi chuyện và nhờ giúp đỡ:
“Nay chỉ còn một cách: nuôi dưỡng bà cho trọn đời, để mong chuộc cái tội ngày xưa. Hiện nay, ta đang ở kinh thì việc phụng dưỡng, chu cấp còn dễ. Nhưng nay mai ta trở về nơi núi cũ, đường sá xa xôi, làm sao giúp đỡ được nữa.
Ví bằng, bà bằng lòng về Hoan Châu với ta, thì trong vườn của ta cũng có một nơi thanh u tịch mịch, có một ngôi chùa do ta dựng, có thể cung phụng đèn nhang. Còn việc lo lắng ăn mặc thì ta xin chịu hết. Như thế là một phần mong báo đáp cái tiết hạnh cao quý của bà, một phần để chuộc cái tội của ta. Anh hãy hỏi chuyện xưa rồi nói vậy xem bà có thuận không để ta định liệu”.
Trọn vẹn nghĩa tình
Người học trò tìm đến ngôi chùa sư bà ở và thuật lại lời Lê Hữu Trác nói. Sư bà nghe xong sụt sùi khóc mà rằng:
“Cám ơn cụ có lòng tốt. Tôi không có chồng, phải cô độc, khổ sở như thế này cũng bởi số mệnh của tôi, chứ có dám trách ai đâu? Cái thân tàn này nào có tiếc gì! Chỉ hiềm một nỗi, nhìn quanh nhìn quẩn, thân thích chẳng còn ai, phần mộ của cha ông không có người coi sóc. Tôi dám đâu tìm đường ấm no một mình. Xin ông về thưa với cụ: ‘Tôi chưa được cái ân huệ của người, nhưng tấm lòng của người đã hiểu cho như thế, cũng là đủ an ủi cái cảnh lênh đênh cô độc của tôi rồi’”.
Từ đó hai người thường đi lại hỏi thăm lẫn nhau. Trong những ngày tháng ấy, Hải Thượng Lãn Ông có cảm khái mà làm một bài thơ:
“Lầm người, bởi sự vô tâm,
Nhìn nhau, nay những luống thầm thở than!
Một cười, giọt lệ chứa chan,
Mắt trông, xuân hết hoa tàn thương thay.
Anh em kết nghĩa kiếp này,
Kiếp sau cầm sắt bén dây họa là,
Trót vì người phụ lòng ta,
Ôi thôi, đành vậy, biết là làm sao?”
(Bản dịch thơ của Phan Võ)
Quả là hữu duyên vô phận! Người hữu duyên không hẹn mà gặp, kẻ vô duyên ước hẹn khó thay! Làm được như Hải Thượng Lãn Ông cũng đã là trọn vẹn tình nghĩa rồi.
Bỏa Ngọc (t/h) / Theo: nguyenuoc