Monday, June 12, 2023

SẢN VẬT CÀ MAU

Cà Mau là tỉnh cực Nam của tổ quốc, có nhiều sông ngòi, kênh rạch hướng ra biển lớn. Tuy nhiên, vùng đất Cà Mau từ xa xưa đã rất nổi tiếng với nhiều sản vật phong phú, đa dạng hiếm nơi nào trên mảnh đất hình chữ S này có được.


Ba khía Rạch Gốc

Ba khía Rạch Gốc đã có thương hiệu từ xa xưa vì chỉ con ba khía ở vùng này mới thật sự ngon và hấp dẫn. Khoảng tháng 7, tháng 8 âm lịch hàng năm là vào mùa ba khía.

Ba khía Rạch Gốc.

Để con ba khía sử dụng được lâu người dân thường đem đi muối để làm lương thực dự trữ cho những chuyến đi đánh bắt cá xa bờ hoặc đi vào rừng, từ đó nhà nhà nào cũng làm dần dần hình thành làng nghề muối ba khía và không biết từ bao giờ nó đã là món đặc sản nổi tiếng của xứ Cà Mau.

Loại ba khía này ăn quả mắm đen rụng xuống nên có gạch son, thịt thơm và chắc hơn giống ba khía ở các nơi khác. Ba khía sau khi bắt xong, rửa sạch và muối ngay tại chỗ. Cho muối thấm khoảng 5 - 7 ngày đêm là có thể ăn được. Muối ba khía không nên mặn quá, cũng không nên nhạt quá. Vì nếu mặn thì thịt sẽ săn hết lại, còn muối nhạt quá thì thịt sẽ mau bị hỏng, ăn mất ngon.

Ba khía muối.

Đây là món ăn rất đặc biệt khiến du khách tới Cà Mau không thể quên được. Du khách nên đến tận địa phương vào những ngày tháng 7, tháng 8 âm lịch để được thưởng thức một cách trọn vẹn nhất.

Mật ong rừng U Minh

Rừng U Minh vốn nổi tiếng với mật ong từ xưa đến nay. Toàn bộ rừng U Minh là một cái kho nguyên liệu khổng lồ để ong làm mật - đó là hoa tràm. 

Mật ong hoa tràm U Minh Cà Mau từ lâu đã trở thành thương hiệu nổi tiếng.

Từ lâu, người dân U Minh có nhiều kinh nghiệm "gác kèo" cho ong làm tổ. Gác kèo đòi hỏi sự khéo tay và có nhiều kinh nghiệm. Kèo là một nhánh cây tràm có nhiều cành non tua tủa. Người thợ rừng chặt lấy một đoạn khoảng vài mét, sau đó tìm địa thế thích hợp và một cây tràm cho thật vừa ý. Đó phải là cây tràm vừa kín đáo vừa im ắng, có ít ánh nắng rọi vào.

Gác kèo ong mật rừng U Minh.

Gác kèo xong chỉ việc chờ cho ong kéo đến xây tổ. Người thợ chỉ có việc lui tới kiểm tra, chờ đến lúc lấy mật mang về. Một tổ ong thông thường cho từ 3 - 5 lít mật. Tổ ong được mùa và thuộc lớn to nhất chứa đến 10 lít. Mỗi thợ rừng sau mùa gác kèo thu được đến hàng trăm lít mật ong.

Mật ong rừng U Minh mang hương vị đặc biệt của hoa tràm. Mật ong trong và vàng như nước cam. Mật đặc, rót vào chai không cần phễu. Mật không bị pha trộn, để lâu năm không đổi màu, không biến chất và không bị đọng đường.

Chả trứng mực Cà Mau

Vào khoảng từ tháng 2 đến tháng 5, mực vào mùa sinh sản, những con mực ôm trứng da hồng tím, sáng bóng, mắt đen láy. Lúc này là lúc mực trứng vô cùng ngon, vị ngọt của mực, vị béo của trứng là nguyên liệu giàu chất dinh dưỡng, được chế biến thành nhiều món ăn ngon hấp dẫn như: nướng muối ớt, hấp hành gừng, chiên nước mắm,... nhưng món ăn ngon, lạ, độc đáo và hiếm đó là chả trứng mực.


Mực được bắt trong đêm, ngư dân Cà Mau phủ ướp nước đá. Sáng ra, xẻ mực phơi khô, khéo léo lấy hai bọc trứng nằm khuất bên trong. Cứ 10 - 12kg mực tươi thì mới có được 1kg trứng. Bởi vậy, món chả trứng mực mới trở nên quý hiếm khó tìm, không phải lúc nào có tiền là ăn được.

Trứng mực, nguyên liệu chính để làm nên món chả trứng mực, đặc sản của vùng Đất Mũi.

Để có món chả trứng mực thơm ngon béo bùi, mỗi lần đi biển đánh bắt, ngư dân đều đem theo trứng vịt, thịt và gan heo để làm chả trứng mực ngay ở trên thuyền.

Trứng mực cho vào cối quết chung với trứng vịt, thịt và gan heo cùng một ít gia vị cho đến khi trứng đều và dính đầu chày, dùng tay thấm dầu nắm từng cục vo tròn rồi ép dẹp, phơi khô. Bánh chả sau khi được phơi nắng cho se mặt thì cất vào kho đá, đem về đất liền.

Chả trứng mực, món ngon lạ và độc đáo ở Cà Mau.

Trứng mực chiên thành chả có màu vàng rộm như chả quế. Đẹp mắt và có mùi thơm đặc trưng. Chả cắt từng lát chừng ngón tay, dọn ra bàn cùng rau thơm và bánh tráng. Món đặc sản này đem đến cho người ăn cái mềm mại của rau, cái dai mềm của bánh tráng, cái dẻo xốp, béo bùi của trứng mực, không hề lẫn được với bất kỳ món ăn nào.

Vì số lượng mực trứng không nhiều, thời gian đánh bắt ngắn nên khó tìm món này trong những thực đơn của quán ăn, nhà hàng. Người dân Đất Mũi, U Minh chỉ dành chả trứng mực để tiếp đãi khách quý hoặc làm quà gửi tặng cho những người thân ở phương xa.

Cháo trăn sông Trẹm

Qua thị trấn An Minh, dọc dòng sông Trẹm có khá nhiều quán đặc sản vùng bán đảo Cà Mau chỉ bán một thứ duy nhất là cháo trăn. Theo lời kể của người dân địa phương thì những quán này có cách nấu, cách ăn, cách bài trí còn giống xưa nhất. Quán là căn nhà sàn gỗ nhô ra sông, không ghế, không bàn, xung quanh trống trơn lộng gió, mái lợp lá dừa nước xé đôi, thứ vật liệu xây dựng mà ở đâu trong vùng này cũng có.

Cháo trăn sông Trẹm.

Thịt trăn vàng lựng, chặt miếng vuông xen lẫn mấy thớt mỡ trăn bóng ngần mới trông đã phát thèm. Du khách chỉ cắn một cái đã nghe sừn sựt rồi vị béo, ngọt, là lạ đến tê đầu lưỡi.

Phần bao bên ngoài miếng thịt giòn giòn, ngon nhất mà hình như không phải da. Phần làm cho nồi cháo thơm nhất có lẽ là mỡ trăn, thấy vậy mà không béo.

Cháo trăn sông Trẹm thường ăn kèm với rau rừng đặc biệt là loại dây leo đọt choại và nước mắm biển Kiên Giang thì rất tuyệt. Có thể nấu kèm đậu xanh cùng với cháo trăn ăn cũng có tác dụng giải nhiệt và tẩm bổ rất tốt.

Thành Trung / Theo: doanhnhan