Ý thức chủ quan khác nhau tạo ra ảnh hưởng khác nhau
Con người hễ ý thức chủ quan mạnh mẽ thì sẽ cho rằng bản thân luôn luôn đúng. Thế nên, họ không thể nghe lọt những điều không vừa ý, từ đó mà ảnh hưởng đến cách đối nhân xử thế của bản thân.
Có một câu chuyện như sau: Tại một vùng nọ từng xảy ra một vụ tai nạn lớn khiến rất nhiều người phải nhập viện. Ngay sau đó trang mạng của bệnh viện đã đăng tải bài viết với tiêu đề: “Điều động các bác sỹ khoa ngoại phổ thông đến hỗ trợ cứu chữa những người bị nạn”.
Tin bài trên đã vấp phải lời công kích của khá nhiều cư dân mạng: “Lúc nước sôi lửa bỏng thế này mà còn điều động bác sỹ khoa ngoại phổ thông sao? Tại sao không điều bác sỹ khoa ngoại cao cấp?”.
Sau này có người giải thích: “Khoa ngoại phổ thông còn gọi là ‘khoa ngoại tổng hợp’ là chuyên khoa lớn nhất trong hệ thống ngoại khoa. ‘Phổ thông’ nghĩa là chữa các ca bệnh và thương tật ngoại khoa thông thường, chứ không phải là ‘bác sỹ bình thường’ hay bác sỹ có cao cấp hay không…”.
Vậy đấy, người có tầng thứ khác nhau thì nhận thức cũng khác nhau, vậy nên không thể dùng nhận thức của bản thân mỗi người để làm tiêu chuẩn đánh giá người khác.
Chớ tranh cãi với người bất đồng tầng thứ
Cuối tuần, tôi cùng nhóm bạn tới một vùng quê du ngoạn. Sau chuyến vui chơi dài, chúng tôi quyết định ra về khi mặt trời vừa tắt nắng. Lúc ấy, người trông xe đến thu phí và cho biết: Phí trông xe là 100 nghìn! Tôi buột miệng than phiền: “Các ông thu phí vô lý quá”.
Ông ấy trừng mắt nhìn tôi, không nói năng gì mà chỉ khóa cổng bãi đỗ xe lại rồi bỏ về căn phòng nhỏ cạnh đó, ngụ ý rằng: “Hôm nay không trả tiền thì đừng lấy xe nữa”.
Tôi định xuống xe cãi lý thì cậu bạn ngồi cạnh vội ngăn lại, rồi cậu bình tĩnh đi trả tiền. Sau khi rời khỏi đó, tôi làu bàu trách bạn: “Rõ ràng họ thu trái quy định, tại sao chúng ta phải thỏa hiệp chứ?”.
Cậu bạn cười và nói: “Cậu vẫn còn trẻ người non dạ quá, nhận ra được một lý lẽ liền không tiếc thân mình mà đối đầu đến cùng. Rõ ràng họ thu phí bừa bãi, nhưng không nên vì chút tiền mà lãng phí thời gian, nhỡ mất những việc tiếp theo trong kế hoạch”.
Quả thật, không phải ai ai cũng ở cùng một tầng thứ. Trong cuộc sống, không nên chỉ vì một chút lợi nhỏ mà tranh thắng thua, bởi vì không phải ai ai cũng mở lòng nghe một lời giải thích.
Chúng ta không thể thay đổi người khác
Thế giới rộng lớn, con người chia làm rất nhiều đẳng cấp. Chúng ta không thể thay đổi được bản tính và tố chất của những người xung quanh, nhưng chúng ta có thể chọn cách lùi một bước, không tranh luận những điều vô vị và không cầu được-mất, hơn-thua với họ.
Đây chính là sự bảo hộ lớn nhất đối với bản thân mỗi chúng ta. Nói rằng ‘bảo hộ’ không có nghĩa là lùi bước trong nhu nhược, mà là bởi bạn biết rằng dù có vắt kiệt tinh thần và sức lực cũng không thể tiêu trừ được khoảng cách về nhận thức giữa người với người.
Cuối cùng bạn sẽ phát hiện ra rằng: Cách biểu đạt tốt nhất chính là nói ít đi và tập trung làm tốt hơn những việc mình cần làm.
Kết giao với những người có thể thấu hiểu nhau
Trên đời này có những nỗi đau thương không thể nhỏ lệ, cũng không thể nói thành lời, bởi dù có giải thích thì người khác cũng không lý giải được.
Với những người không cùng tầng thứ, chúng ta không cần phải cố ý hòa hợp, cũng không cần phải cố gắng thay đổi họ, mà chỉ nên kết giao ở trong tầng thứ của mỗi người.
Kết giao với những người có khí chất tương đồng, có giá trị quan giống nhau, tâm đầu ý hợp, như thế cuộc đời đã đầy đủ, đã mãn nguyện lắm rồi.
Có những lời chỉ nên nói với người thấu hiểu, có những giây phút chỉ nên sẻ chia với người đồng cảm. Thế nên:
Rượu ngon uống cùng người tri kỷ,
Thơ hay ngâm với bạn yêu thơ.
An Nhiên / Theo: đkn