Đầu bếp nổi tiếng người Mỹ Anthony Bourdain "đắm đuối" với ẩm thực Việt Nam - Ảnh: CNN
“Loài người xuất hiện trên trái đất vì nhiều mục đích khác nhau. Còn với riêng tôi, không có gì tuyệt vời hơn việc được đến Việt Nam để thưởng thức những món ăn trứ danh có tên là bún và mì này”, chuyên gia ẩm thực nổi tiếng người Mỹ Anthony Bourdain đã từng thốt lên như vậy.
Thiên đường bún
Người đầu bếp nặng lòng với Việt Nam này đã không tiếc lời khen ngợi các món ăn đường phố của mảnh đất hình chữ S và nhấn mạnh rằng, nếu chưa thử qua thì du khách nước ngoài xem như chưa thật sự đến Việt Nam.
Chính ông đã tháp tùng cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama ghé một quán ăn ở Hà Nội để cùng nhau ăn bún chả và nhâm nhi cốc bia Hà Nội vào một ngày cuối tháng 5/2016.
Bún chả thì rõ ràng là quá nổi tiếng rồi, thế nhưng theo SCMP thì “đây chỉ là một trong hàng trăm, nếu không muốn nói là hàng ngàn, món bún khác nhau được quốc gia có dân số khoảng 100 triệu người này ăn một cách say mê mỗi ngày”.
Cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama ăn bún chả, uống bia Hà Nội cùng Anthony Bourdain tháng 5/2016 - Ảnh: CNN
Bên cạnh phở, bún chả và bún bò Huế thường xuyên được nhắc đến như câu cửa miệng của bất cứ ai khi nói đến Việt Nam, SCMP còn đặc biệt đề cập đến 3 món ăn từ 3 địa phương khác nhau, cùng có bún là nguyên liệu chính: bún cá Hà Nội, cao lầu Hội An và bún quậy Phú Quốc.
Bún cá Hà Nội
Đây là món ăn bình dân được nhiều người lựa chọn cho thực đơn mỗi ngày. Cũng giống như nhiều món ăn có nước khác, nước dùng (nước lèo) - “linh hồn” của món bún cá - được chế biến hết sức công phu bằng cách hầm xương heo (loại xương ống) trong thời gian dài. Sau đó, nồi nước xương hầm này được cho thêm cà chua, giấm, thì là tươi cùng một ít bột nghệ.
Nước dùng có độ ngọt của xương heo, thơm của gia vị, chua nhẹ của giấm và cà chua, giòn rụm của cá chiên và chả cá, ăn kèm với các loại rau thơm như rau mùi và húng quế.
Mặc dù món bún cá Hà Nội có nguồn gốc từ… Hà Nội, đầu bếp người Mỹ gốc Việt Peter Cuong Franklin đã mang món ăn này vào phục vụ thực khách miền Nam với những nguyên liệu được lựa chọn từ vùng biển Nha Trang, nhất là cá viên, cá ngừ tươi và sứa biển.
Món bún cá đặc sản của Hà Nội - Ảnh: Toplist
Cao lầu Hội An
Đèn lồng, chùa Cầu và cao lầu chính là những đặc sản phải thử mỗi khi đặt chân đến phố cổ Hội An ở mảnh đất miền Trung mặn mòi nắng và gió.
“Món Cao lầu tuyệt vời của Hội An gói gọn tất cả mọi hương vị ẩm thực Việt Nam, bao gồm vị ngọt, chua, mặn, cay và đắng”, theo cách mô tả của SCMP.
Dù so sánh cao lầu với mì udon của Nhật Bản, tờ báo nổi tiếng của Hồng Kông vẫn đặc biệt nhấn mạnh đến “cái hồn” của cao lầu vốn được nâng tầm thành tinh túy của văn hóa ẩm thực Hội An.
Điều đặc biệt ở món đặc sản phố cổ Hội An chính là ở công thức chế biến, từ khâu chọn lựa và xử lý nguyên liệu đến nước sốt và rau thơm. Tất cả đã làm nên sự tinh tế cho một tô cao lầu đầy đặn, màu sắc bắt mắt và ngon miệng.
Nước dùng được lấy từ nước giếng cổ Bá Lễ - Ảnh: wnfdiary/Hidden Hoi An
Tinh túy của món đặc sản này là ở sợi mì được làm từ loại gạo dẻo thơm nhất, ngâm bằng nước tro nấu củi lấy từ Cù Lao Chàm, còn nước dùng được lấy từ giếng cổ Bá Lễ.
Ngồi trên lầu gỗ ngắm phố Hội, trước mặt là một tô cao lầu với những sợi mì vàng ươm phủ thịt xá xíu, da heo chiên giòn, tóp mỡ, giá trụng, rau thơm Trà Quế và một ít nước sốt từ thịt xá xíu đem tới cho thực khách một trải nghiệm ẩm thực vô cùng độc đáo, đặc sắc và khó quên mà chỉ khi đến Hội An mới có cơ hội để thưởng thức một cách trọn vẹn.
Cao lầu - đặc sản Hội An - Ảnh: Anan Saigon/SCMP
Bún quậy Phú Quốc
Đến với đảo ngọc Phú Quốc, du khách không thể nào bỏ qua được món đặc sản bún quậy mang hương vị độc đáo và lạ miệng.
Người dân địa phương ở Phú Quốc cho biết, cái tên nghe lạ tai xuất phát từ việc món bún này phải ăn kèm nước chấm tự pha, gồm bột canh, đường, tắc, ớt xay và bột ngọt được cho vào tô và phải quậy thật mạnh để sánh lại, gia vị tan hết, chuyển sang màu đỏ cam.
Bún quậy - đặc sản nổi tiếng của đảo ngọc Phú Quốc - Ảnh: packntote
Điều đặc biệt của món ăn đặc sản Phú Quốc này chính là ở chỗ thực khách sẽ phải tự phục vụ, tự mình thực hiện công đoạn “quậy” các loại gia vị trong tô để cho ra nước chấm của riêng mình, cân đối theo khẩu vị của bản thân với sự hướng dẫn tận tình của nhân viên phục vụ.
Nguyễn Thuận / Theo: PNO