Friday, June 9, 2023

CHUYỆN KINH DỊ VỀ ĐOẠN QUẢNG CÁO BỊ NGUYỀN RỦA CỦA KLEENEX

Vào cuối thập niên 80, một đoạn quảng cáo khăn giấy của Kleenex lên sóng đã khiến người Nhật hoang mang sợ hãi vì những lời đồn rùng rợn xoay quanh nó.


Năm 1986, hãng Kleenex Nhật Bản đã cho lên sóng một đoạn quảng cáo khăn giấy. Chỉ dài xấp xỉ 30 giây, đoạn video là cảnh một người phụ nữ mặc đồ trắng rút khăn giấy đưa cho đứa bé hóa trang thành yêu tinh ngồi bên cạnh. Đứa trẻ ấy có làn da màu đỏ, mái tóc xanh và trên đầu có chiếc sừng nhỏ.

Tuy nhiên đoạn quảng cáo cứ ngỡ bình thường này lại trở thành một câu chuyện kinh dị, truyền thuyết đô thị nổi tiếng được lưu truyền cho đến tận ngày nay.

Sau khi được phát sóng, nhiều người xem đã than phiền rằng đoạn quảng cáo gây khó chịu, thậm chí có nhiều thông tin lan truyền rằng một số người đã tìm đến cái chết sau khi xem nó. Sự việc gây xôn xao và khiến công chúng hoang mang, kinh sợ. Thế nên, hãng Kleenex đành phải gỡ đoạn quảng cáo khăn giấy bị nguyền rủa này.

Mọi chuyện tưởng đã rơi vào quên lãng thì vào năm 2006, mẩu quảng cáo lại tái xuất trên Youtube và thu hút hơn triệu lượt xem, rồi những truyền thuyết đáng sợ về nó lại tiếp tục xuất hiện trở lại. Vào ngày 26/03/2013, Youtuber Shrouded Hand đã đăng tải lại đoạn video này và đã thực hiện một số chỉnh sửa.

Đoạn quảng cáo của Kleenex Nhật Bản. Ảnh: Ranker

Thời điểm đó, có một câu chuyện lạ lùng xảy ra. Nhiều người dùng Youtube đã lên tiếng về việc nền tảng thường đề xuất xem đoạn quảng cáo vào lúc giữa đêm. Bên cạnh đó có rất nhiều cư dân mạng chia sẻ rằng họ bị đau đầu, rối loạn tinh thần khi xem các hình ảnh được phát trên video. Thậm chí có một số báo cáo chỉ ra rằng có những người xem đã phát điên và tìm cách tự sát. Thế rồi video quảng cáo khăn giấy của Kleenex “bị cấm” ngày ấy dần trở thành chuyện kinh dị phổ biến trên mạng xã hội.

Những lời đồn đáng sợ về đoạn quảng cáo của Kleenex

Tin đồn bắt nguồn từ bài nhạc nền được sử dụng trong đoạn quảng cáo. Bài hát có tên là It's a Fine Day do ca sĩ Jane Lancaster trình bày và được viết lời bởi Edward Barton. Nhưng nhiều người lại cho rằng lời của ca khúc khá u ám, nặng nề và không thể hiện sự tươi sáng như tựa đề. Người ta truyền tai nhau rằng bài nhạc nền đã sử dụng thực chất là lời nguyền bằng tiếng Đức cổ với lời ca mang nghĩa: “Chết đi, chết đi, tất cả mọi người đều bị nguyền rủa và sẽ bị giết”. Vì vậy, từ đây tin đồn cho rằng bất cứ ai xem đoạn quảng cáo này cũng bị nguyền rủa hoặc chết đã dấy lên trên các diễn đàn internet.

Chưa dừng lại ở đó, để tăng mức độ đáng sợ của lời đồn, dân tình còn truyền tai nhau rằng các diễn viên, nhân viên tham gia quá trình sản xuất đoạn quảng cáo đã lần lượt qua đời kể từ khi nó được phát sóng trên truyền hình.

Nữ diễn viên Keiko Matsuzaka. Ảnh: discogs

Bắt đầu chuỗi sự kiện quái dị này là một nhân viên quay phim đã gặp tai nạn và qua đời trong phòng xông hơi. Tiếp đến đứa trẻ xuất hiện trong đoạn quảng cáo cũng đột ngột ra đi mãi mãi và nữ diễn viên Keiko Matsuzaka đóng vai người phụ nữ mặc đồ trắng thì bị đồn là đã sinh ra ác quỷ, rồi sau đó do quá đau khổ mà tự tử.

Người ta còn lan truyền thông tin về việc em bé trong đoạn video chính là hiện thân của ác quỷ, và nó sẽ chuyển màu cơ thể nếu như khán giả tua ngược đoạn quảng cáo. Thậm chí những ai xem vào ban đêm thì sớm muộn gì cũng hóa điên và tìm cách tự vẫn để giải thoát khỏi số mệnh bị nguyền rủa.

Lời nguyền hay chiêu trò marketing?

Tất cả những lời đồn liên quan đều không có bất cứ ghi chép, báo cáo cụ thể nào xác nhận sự thật. Diễn viên Keiko Matsuzaka bị đồn đã mất mạng thực ra vẫn còn sống và gặt hái được những thành công trong sự nghiệp diễn xuất, thậm chí nổi tiếng hơn sau khi xuất hiện trong đoạn video quảng cáo.

Không có trường hợp tử vong nào được ghi nhận liên quan đến TVC khăn giấy của Kleenex lên sóng vào thập niên 80 ngày ấy. Mọi chuyện đều chỉ là những lời đồn thất thiệt, không có dẫn chứng.

Hình ảnh đáng sợ được lan truyền trên Youtube. Ảnh: Youtube

Sau tất cả, câu chuyện xung quanh đoạn phim quảng cáo Kleenex đã bị “thổi phồng”, thêm thắt các tình tiết kinh hoàng tựa như cốt truyện của bộ phim Ringu - bất kỳ ai xem sẽ bị nguyền rủa hoặc thậm chí có thể chết. Điều này được nhiều người cho là một chiêu trò truyền thông để làm tăng thêm sự ma mị, hấp dẫn và lôi kéo công chúng tò mò tìm hiểu về đoạn video đó.

Như năm 2006, đoạn quảng cáo này trở thành một câu chuyện kinh dị và “gây bão” khi Youtuber Shrouded Hand đăng tải lại. Youtuber này còn tăng thêm tính rùng rợn khi thêm vào ngữ cảnh chú ý khi xem là: “Tất cả đèn điện trong nhà đều đột ngột tắt đi và laptop cũng bị tắt ngóm. Điều này khá quái lạ vì laptop nếu bị ngắt nguồn điện vẫn có thể hoạt động bằng pin".

Cư dân mạng khi theo dõi tăng thêm cảm giác tò mò, sợ hãi và những lời đồn cứ thế lan xa dù vẫn chưa được chứng thực. Tuy nhiên nhiều người sau khi xem video không thấy hiện tượng gì lạ lùng, quỷ dị xảy ra, cuộc sống của họ vẫn trôi qua êm đềm. Họ cho rằng đây là cách thức “câu view” của Shrouded Hand.

Dẫu vậy, quảng cáo ở Nhật thực sự luôn ẩn chứa những điều kỳ dị, bao quanh bởi những truyền thuyết đô thị đáng sợ, một khi tìm hiểu, chúng ta sẽ bị cuốn vào loạt chuyện gây ám ảnh, nổi da gà.

Ái Thương / Theo: kilala
Link tham khảo:


Cảnh báo: Đừng bấm xem nếu bạn cảm thấy sợ!