Bánh ú bá trạng - tinh hoa ẩm thực người Hoa vào dịp Tết Đoan Ngọ. Nhưng không phải cùng khẩu vị đâu nhé, họ sẽ chia ra theo từng vùng địa lý để chiếc bánh đúng với xực phàn của mình.
Có thể khác nhau về hình dạng nhưng bánh ú bá trạng đều được làm từ nếp dẻo và đậu phộng bên ngoài, trong nhân có trứng muối, đậu xanh, hạt điều, thịt heo và một số nguyên liệu khác.
Nhân bánh ú bá trạng rất đa dạng và ngày càng được biến tấu với nhiều nguyên liệu khác nhau tùy theo sở thích.
Vỏ ngoài của bánh sẽ là nếp và đậu được tuyển chọn từng hạt căng tròn. Nếp và đậu đều được ngâm qua một đêm cùng với các vị thảo dược cho ngấm và mềm trước khi làm bánh. Khi ăn, ngoài vị bùi của đậu bạn còn cảm nhận được vị mặn của thuốc bắc và mùi thơm thảo dược.
Người Hoa ở Chợ Lớn - Sài Gòn sẽ thường ăn bánh bá trạng theo khẩu vị của vùng: Quảng Đông, Triều Châu, Hải Nam, Phước Kiến, Nyonya, Kee.
Khẩu vị bánh bá trạng Quảng Đông
Bánh bá trạng của người gốc Hoa Quảng Đông ở Chợ Lớn nguyên liệu thường có đậu xanh cả hạt hoặc đậu xanh nghiền. Cách gói thường là dạng gói dài ít hình chóp nón như bánh ú.
Phần nhân bao gồm nếp (nêm muối, dầu tỏi), mỡ heo, thịt nạc, đậu xanh, lạp xưởng. Hương vị của bánh này thơm ngon và nếp tơi không dính. Bánh bá trạng của người Quảng Đông theo truyền thống chiếc bánh được gói đều 5 góc. Nhưng người gốc Quảng ở Chợ Lớn bây giờ họ thường gói gần giống hình vuông theo kiểu bánh chưng của người Việt.
Bánh bá trạng Phước Kiến
Bánh bá trạng của người Phước Kiến nhân và bánh có màu thẫm do ngũ vị hương, nước tương. Bánh có vị thơm ngon đậm đà.
Bánh bá trạng của người Phước Kiến thường có thêm bào ngư. Tất cả từ nhân đến nếp đều được xào lên trước khi luộc, hấp bánh.
Phần nhân bao gồm: Nếp rang sơ với ngũ vị hương và nước tương, thịt bụng heo, hạt dẻ, lòng đỏ trứng muối, tôm khô, không có đậu xanh và đậu phộng như bánh của người Quảng Đông. Hương vị của bánh bá trạng Phước Kiến thơm ngon riêng biệt, vị ngọt của nấm, hạt, cùng vị thơm của ngũ vị hương, nước tương.
Bánh bá trạng Tiều Châu
Đặc trưng của bánh bá trạng người Tiều là nhân bánh có cả mặn, ngọt hòa vào nhau. Bánh ú của người Tiều Châu và Phước Kiến thường được gói theo hình dạng 4 góc.
Nhân bao gồm: Nếp, nấm đông cô, thịt bụng, tôm khô, đậu đỏ hoặc hạt sen, mỡ chài, khoai môn. Hương vị bánh thơm ngon do sự pha trộn giữa nhân mặn, ngọt khiến bánh mềm và bùi hơn.
Bánh bá trạng Hải Nam
Bánh bá trạng Hải Nam với đặc trưng bề ngoài là loại bánh to nhất trong các loại bánh bá trạng.
Nhân bánh bao gồm: Nếp xào với tiêu đen, nước tương, thịt bụng, mỡ, hạt dẻ, nấm. Mỗi vùng có đặc điểm về văn hóa cũng như ẩm thực khác nhau nên cách gói bánh cũng khác nhau, nhưng tựu chung lại nguyên liệu chính vẫn là nếp, nấm đông cô, thịt heo hoặc mỡ heo.
Hương vị của bánh bá trạng Hải Nam thơm, ngọt hơn khi dùng với đường cọ.
Ở TP.HCM, nếu bạn muốn ăn bánh bá trạng size nhỏ làm nóng sẵn thì có thể ghé các cửa hàng bánh của người Hoa trên các con đường: 575 Nguyễn Trãi, Q.5 với hương vị Phước Kiến, 1133/44A đường Ba Tháng Hai, Q.11 theo kiểu truyền thống Triều Châu, NH Dim Tu Tac, NH Ngân Đình, NH Li Bai - theo phong vị Quảng Đông...
Ảnh: Quang Minh, Đại Phát, Tatlerasia
Theo: Thời Trang Trẻ
No comments:
Post a Comment