Thursday, June 22, 2023

NGƯỜI CHA BỊ MẤT ĐỒNG HỒ, CON TRAI CHỈ LẲNG LẶNG LÀM MỘT VIỆC ĐÃ NHANH CHÓNG TÌM RA

Nếu biết vận dụng cách tư duy đảo ngược, phóng chiếu và nhìn vấn đề theo một góc độ khác, bạn sẽ tìm thấy “cái được” trong “cái mất” và “lợi ích” trong “khó khăn”.


Trong cuộc sống, chúng ta không thể tránh khỏi những lúc suy nghĩ rối bời dẫn đến âu lo thái quá. Đôi khi, chỉ cần thay đổi cách suy nghĩ và nhìn nhận vấn đề theo một góc độ khác, bạn sẽ tìm ra kết quả một cách dễ dàng không ngờ. Cùng đọc những mẩu truyện ngắn dưới đây và chiêm nghiệm về việc thay đổi góc nhìn:

Câu chuyện chiếc đồng hồ bị mất

Người bố đánh mất chiếc đồng hồ quý giá, ông đi đi lại lại liên tục và rất khó chịu. Người con trai lẳng lặng vào nhà một lúc và đã tìm thấy chiếc đồng hồ. Người bố ngạc nhiên:

- Sao con có thể tìm được?

Người con trai đáp:

- Con chỉ cần ngồi yên lặng, nhờ vậy con nghe được tiếng đồng hồ tích tắc ạ.

Càng lo lắng bất an, bạn càng không thể tìm ra giải pháp thông minh nhất. Chỉ khi bình tâm, bạn mới có thể nghe thấy tiếng nói bên trong mình – sự chỉ dẫn chính xác nhất.

Đôi khi, chỉ cần thay đổi cách suy nghĩ và nhìn nhận vấn đề theo một góc độ khác, bạn sẽ tìm ra kết quả một cách dễ dàng không ngờ.

Câu chuyện giọt nước rơi

Một nhóm nhà nghiên cứu đang đàm luận về vấn đề vật rơi tự do. Bỗng một người hỏi:

- Một giọt nước rơi tự do từ trên cao xuống. Nếu va phải nó thì có bị thương không?

Cả nhóm đồng loạt bàn bạc sôi nổi. Một lát sau, một người lao công vào phòng tình cờ nghe thấy câu chuyện, liền buột miệng:

- Chẳng lẽ các anh chưa từng dính mưa sao?

Chúng ta thường dễ dàng bị giam cầm bởi suy nghĩ thường ngày, mà quên mất bản chất của sự việc một cách đơn giản.

Câu chuyện nắm chặt bàn tay

Ông lão nói với đứa trẻ: “Cháu hãy nắm chặt tay lại và cho ta biết cảm giác của cháu như thế nào”.

Đứa trẻ nắm chặt tay nói: “Hơi mệt ạ”.

Ông lão nói tiếp: “Cố gắng nắm chặt hơn nữa!”.

Đứa trẻ: “Mệt hơn ạ!”.

Ông lão: “Thôi được, cháu buông ra đi, giờ cháu thấy thế nào?”.

Đứa trẻ thở phào: “Thoải mái hơn nhiều ông ạ!”.

Ông lão mỉm cười: “Trong cuộc sống, khi thấy mỏi mệt, càng giữ chặt lại càng thêm mệt. Nếu biết buông đúng lúc, cháu sẽ thấy nhẹ nhõm hơn rất nhiều”.

Buông bỏ, đúng là một bí quyết đơn giản để vượt qua cảm giác căng thẳng khổ sở, nhưng đa số mọi người đều lãng quên.

Khi thay đổi góc nhìn và cách suy nghĩ, bạn sẽ tìm ra phương án tối ưu để giải quyết vấn đề.

Câu chuyện đun nước

Người thiền sư hỏi những người đệ tử của mình: “Muốn đun một nồi nước sôi to mà không đủ củi để đốt lửa thì theo các con, ta phải làm sao?”.

Một số đệ tử nói nên đi tìm thêm củi, một số lại nói đi mua thêm cho nhanh.

Vị thiên sư nói:

- Tại sao không đổ bớt một ít nước trong chậu đi, có phải nhanh hơn không?

Đôi khi chỉ cần thay đổi cách nghĩ một chút (như trong câu chuyện trên: thay vì tìm giải pháp từ củi thì thiền sư đưa ra giải pháp từ nước, bạn sẽ thấy mọi chuyện đơn giản hơn nhiều.


Câu chuyện đi chợ

Một ông lão đến chợ để mua rau củ, ông chọn 3 quả cà chua và đưa cho chủ cửa hàng.

Chủ cửa hàng cân xong nói:

- Một cân rưỡi, 3 tệ 7!

Ông lão đáp lời:

- Tôi làm canh thôi, chắc không cần nhiều đến vậy.

Nói xong, ông liền bỏ ra quả cà chua lớn nhất. Người chủ cửa hàng cân tiếp 2 quả còn lại:

- Một cân hai, 3 tệ!

Khi người ở bên cạnh đang định nhắc ông lão để ý đến cái cân, ông lão chỉ thong dong rút ra 7 xu rồi cầm lấy quả cà chua to nhất mình vừa bỏ ra, ung dung rời đi.

Bạn thấy không? Khi thay đổi góc nhìn và cách suy nghĩ, bạn sẽ tìm ra phương án tối ưu để giải quyết vấn đề. Nếu biết vận dụng cách tư duy đảo ngược, phóng chiếu và nhìn vấn đề theo một góc độ khác, bạn sẽ tìm thấy “cái được” trong “cái mất” và “lợi ích” trong “khó khăn”.

VC / Theo: Visiontimes