Wednesday, June 28, 2023

SẢN VẬT LONG AN

Long An nằm ở giáp ranh giữa hai vùng miền Tây và Đông Nam Bộ. Vị trí địa lý đặc biệt này mang lại cho nơi đây nguồn sản vật vô cùng phong phú.


Gạo Nàng Thơm chợ Đào

Vùng đất chợ Đào, xã Mỹ Lệ, huyện Cần Đước, tỉnh Long An là nơi xuất xứ của nhiều loại gạo có hương vị thơm ngon, đặc biệt nhất là gạo Nàng Thơm chợ Đào.

Từ thế kỷ 19, dưới thời Minh Mạng, gạo Nàng Thơm chợ Đào đã được xếp vào danh mục những sản vật phương Nam để tiến vua. Riêng loại lúa có tên "Nàng" kể cũng đến hàng chục loại như: Nàng Tri, Nàng Rừng, Nàng Chò, Nàng Quất, Nàng Co, Nàng Minh, Nàng Hương, Nàng Rẫy, Nàng Sóc,... nhưng không có "Nàng" nào vượt qua nổi "Nàng Thơm" về chất lượng.

Đặc biệt gạo Nàng Thơm chợ Đào càng quý hiếm hơn hởi lẽ sản xuất ra nó đòi hỏi công phu nhiều hơn. Nó được gieo cấy theo quy trình khá ngặt nghèo: kén đất, đúng thời vụ và kỹ thuật chăm bón, năng suất thường thấp so với các giống lúa khác. Năng suất tối đa chỉ đạt khoảng 3,5 tấn/ha. Nhưng bù lại, giá trị kinh tế của nó lại cao. Riêng đối với thị trường trong nước, thường thì gạo Nàng Thơm đắt giá hơn các loại gạo khác khoảng 30%.

Máy gặt đập liên hợp thu hoạch lúa Nàng Thơm chợ Đào.

Trong những năm qua, loại gạo này là món hàng xuất khẩu có giá trị của tỉnh. Mặc dù gạo Nàng Thơm trồng ở đất khác không ngon bằng ở chợ Đào, nhưng vẫn là ngon nhất trong các loại gạo, cho nên do nhu cầu thị trường, người nông dân Cần Đước đã mở rộng diện tích ra hàng ngàn hecta.

Giống lúa Nàng Thơm đem trồng nơi khác thì hương vị, độ dẻo và ngon của nó sẽ giảm đi đáng kể. Những người có kinh nghiệm còn phân biệt được Nàng Thơm chợ Đào với các loại gạo Nàng Thơm trồng ở nơi khác. Hạt gạo Nàng Thơm chợ Đào nhỏ và dài, đặc biệt là có một khối trắng đục, hơi có ánh hồng nằm ở bên trong mà địa phương gọi là "hạt lựu" và chỉ có duy nhất gạo vùng này mới có đặc điểm như vậy.

Ô môi

Cây ô môi được trồng rất nhiều ven các kênh rạch ở Vàm Cỏ Tây. Từ rất lâu đời, cư dân nơi đây đã trồng ô môi để ăn trái, lấy gỗ dựng nhà, lấy cành làm củi đun.

Nếu được một lần ngồi xuồng máy lướt trên kênh rạch giữa mùa hoa ô môi nở thì sẽ không bao giờ có thể quên. Cánh hoa ô môi mảnh mai, sắc hồng như đào phai xứ Bắc. Mùa hoa nở, những cánh hoa rơi rụng xuống mặt nước dọc hai bên bờ kênh như hai tấm lụa hồng đào trải dài miên man.

Hoa và quả ô môi.

Ô môi là giống cây quý bởi hoa đẹp quả ngon. Quả ô môi thon, vỏ màu nâu sẫm, có đường gân nổi ôm tròn từng khía và chạy dài hai bên từ cuống xuống đuôi rắn chắc như gỗ. Ô môi chín vừa hái xong có mùi ngai ngái. Bởi vậy, khi hái xong không mấy ai ăn ngay mà đem về rải dưới nền nhà cho héo khô. 

Càng để lâu càng có giá trị. Khi đó, ruột ô môi càng thanh ngọt, toả mùi thơm ngan ngát khắp không gian. Ruột ô môi có màu cà phê, cơm hột mịn màng, khi đưa vào miệng tan nhanh theo vị ngọt lịm như mật ong.

Thịt (cơm) và hạt ô môi.

Đặc biệt, hạt ô môi khi ngâm vào nước, bỏ vỏ ngoài, bỏ mầm xanh như tâm sen là có thể dùng được. Cơm hột ăn giòn, béo, ngậy gần giống hạt sen tươi.

Ngoài ra, trái ô môi được dùng để ngâm rượu, trị các bệnh nhức mỏi xương cốt, tiêu chảy, kiết lị,...

Rượu đế Gò Đen

Thị tứ Gò Đen, trung tâm của xã Phước Lợi, huyện Bến Lức, tỉnh Long An, nằm trên quốc lộ 1A, cửa ngõ xuôi về miền Tây, cách TP HCM khoảng 25km. Thị tứ ngày nay là điểm giáp ranh 3 xã Long Hiệp, Phước Lợi và Mỹ Yên thuộc huyện Bến Lức là quê hương của rượu Gò Đen từ xa xưa. Trải qua nhiều đời, nơi đây đã trở thành một vùng sản xuất rượu nổi tiếng cả nước.

Rượu Gò Đen.

Rượu đế Gò Đen có từ lúc nào? Đó là câu hỏi mà chính những nhà lò Gò Đen cũng không trả lời chính xác được. Chỉ biết rằng rượu đế Gò Đen đã xuất hiện cách đây gần một trăm năm.

Gò Đen là một trong những vùng đất được người Việt khai phá sớm nhất, nằm trong khu vực Ba Giồng, là vựa lúa lớn nhất Nam Bộ thời các chúa Nguyễn, từ Tây Nam TP HCM kéo dài đến Gò Công ngày nay. Vì là vùng đất gò cao nên đặc biệt thích hợp với cây lúa nếp, thứ nguyên liệu chính làm nên danh rượu đế Gò Đen. 


Sau khi chọn nếp ngon nấu thành cơm nếp, để nguội thì rắc men và ủ bằng loại men mài rễ thảo mộc hoặc men bí truyền chế từ các vị thuốc bắc: quế khâu, đinh hương, trần bì, quế chi, đại hồi cộng thêm nhãn lồng, trầu hương,...Sau 3 đêm tiếp tục đổ nước rồi để 3 hôm sau nữa nấu.

Chỉ riêng khâu ủ men truyền thống đã mất gần một tuần. Để rượu ra lò thơm ngon đặc biệt, nhiều người thường cho rượu vào hũ sành, bịt kín rồi ngâm xuống ao khoảng 100 ngày mới mang lên uống. Ai đã từng một lần nếm rượu đế Gò Đen đều phải công nhận rằng đó là loại rượu hoàn toàn xứng đáng đứng nhất nhì trong hàng "danh tửu" trời Nam.

Khóm (dứa, thơm) Bến Lức

Đồng bằng sông Cửu Long có hai loại khóm cực kì nổi tiếng khiến du khách không thể nào quên, đó là khóm Cầu Đúc (Hậu Giang) và khóm Bến Lức (Long An).

Bến Lức là một huyện thuộc tỉnh Long An, cách TP Tân An (Long An) 15km và cách TP HCM 30km, là cửa ngõ phía bắc của miền Tây Nam Bộ. Đi dài theo Quốc lộ 1 địa phương nầy, bất cứ lúc nào, khách cũng bắt gặp bên đường nhiều điểm bán khóm.

Khóm Bến Lức - Long An.

Khóm Bến Lức thịt vàng, gọt bỏ vỏ và xây bỏ mắt, ta sẽ có một thức uống giải khát tuyệt hảo trong những ngày nắng gay gắt lửa. Cắn một miếng, ta sẽ cảm nhận cái giòn nhẹ, sau đó là vị ngọt thanh điểm xuyết chút chua nhẹ thoang thoảng dễ chịu cùng mùi thơm khiến tất cả khiến khứu giác, vị giác, thính giác và xúc giác ta hoàn toàn thỏa mãn.


Trong Đông y, khóm tính bình, giúp tiêu hóa, chống viêm, tẩy độc. Để chữa sỏi thận, người ta dùng nước ép của khóm nướng cháy vỏ trộn với trứng gà, đánh nhuyễn hoặc dùng khóm xắt miếng nấu nhừ với phèn chua vừa ăn cái vừa uống nước. Khóm gọt bỏ vỏ, bỏ mắt, ép lấy nước uống nhiều lần trong ngày có tác dụng nhuận trường. Người ta còn cho rằng ăn khóm hằng ngày giúp hạ huyết áp, có lợi cho tim mạch, phòng ngừa tai biến...

Thanh long Châu Thành

Nổi tiếng nhất về trồng thanh long trong tỉnh Long An là huyện Châu Thành. Thanh long Châu Thành có vị ngọt và mát, du khách nếm thử một lần sẽ khó quên được mùi vị khi rời xa mảnh đất Long An. Có một thời gian dài do kỹ thuật canh tác, thị trường và nhiều yếu tố khác khiến thanh long Châu Thành không giữ được vị trí “nữ hoàng” như xưa.

Thanh long Châu Thành.

Trái thanh long ở đây có đặc điểm thịt rất ngọt, mọng nước, rắn chắc, không bở, vỏ mỏng, khi ăn vào thấy sự hòa quyện giữa nét ngọt thanh thao với một ít vị chua đọng lại trong thực quản, rất phù hợp khi dùng để ăn tươi, giải khát trong những ngày hè và càng thú vị hơn khi chế biến thanh long thành các món tráng miệng hấp dẫn như: sinh tố thanh long, nước ép thanh long, thanh long cắt lát ăn với sirô đá lạnh… Với các đặc điểm đó, trái thanh long Châu Thành không chỉ lên ngôi ở đất Long An mà còn trở thành loại trái cây có mặt khắp nơi trên các tỉnh thành Nam Bộ.

Thanh long là loại quả có giá trị dinh dưỡng cao, chứa một hàm lượng vitamin C, carotin, canxi, một số loại vitamin B cùng một số chất dinh dưỡng và chất oxy hóa khác. Ăn thanh long rất tốt cho da và thị lực, đặc biệt với người bị huyết áp cao hoặc mắc bệnh tiểu đường thì ăn thanh long rất có lợi.


Thanh long Châu Thành hiện có 2 loại thanh long chính là thanh long ruột đỏ vỏ hồng hay đỏ và thanh long ruột đỏ vỏ đỏ. Trong đó, thanh long ruột đỏ với màu sắc bắt mắt được nhiều du khách mua về làm quà cho người thân sau chuyến du lịch miền Tây về Long An.

Thành Trung / Theo: doanhnhan



No comments: