Nhà tâm lí học Alfred Adler
Từ sau 1975 tôi (và chắc nhiều bạn khác) rất ngạc nhiên với cách nói mới mang tính hô khẩu hiệu. Hô theo giới lãnh đạo. Hễ nói đến Việt Nam là phải có thêm ‘anh hùng’; hễ viết về lãnh đạo thì phải ‘vĩ đại’; hễ Hà Nội là ‘ngàn năm văn hiến’; hễ chiến thắng là phải ‘vinh quang’; hễ viết về đối phương là ‘bè lũ’, là ‘bán nước’, v.v.
Lúc đó tôi không biết những cách nói thậm xưng đó xuất phát từ đâu. Khi ra nước ngoài thì mới biết đó cũng là cách nói rất phổ biến ở bên Liên Xô, Tàu, Bắc Hàn, v.v. Ở Bắc Hàn, hễ Kim Jong-Il là phải kèm theo ‘lãnh tụ kính yêu’, ông già là Kim Nhật Thành là phải ‘lãnh tụ vĩ đại’, và ông cháu Kim Chính Ân thì phải là ‘Người thừa kế vĩ đại’.
Khi những chữ này được lặp đi lặp lại nhiều lần, người ta cứ nói theo như là quán tính. Mà, quán tính thì không cần suy nghĩ. Người nghe tưởng đâu đó là sự thật. Nhưng khi ra nước ngoài, tôi không thấy lãnh tụ hay báo chí họ dùng những chữ thậm xưng đó. Suy nghĩ kĩ thì cách nói đó có khi là một hình thức che giấu sự yếu kém mà thôi, tức là Hội chứng mặc cảm thấp kém.
1. Hội chứng thấp kém
Hội chứng mặc cảm thấp kém là một phát kiến của nhà tâm lí học trứ danh người Áo Alfred Adler. Năm 1907, Adler bàn về hội chứng này lần đầu tiên, mà trong đó ông nêu lên một số đặc điểm có tác động đến cuộc sống hàng ngày. Ông xem hội chứng mặc cảm thấp kém là một rối loạn thần kinh (neurosis).
Adler nghĩ rằng yếu tố căn bản của rối loạn thần kinh là cảm giác thấp kém, và những người mắc chứng này tiêu ra thì giờ để cố gắng đối phó và chiến thắng cảm giác đó mà không biết gì đến thực tế.
Adler cho rằng tất cả trẻ con đều có mặc cảm thấp kém ngay từ khi họ được sanh ra. Trẻ con làm tất cả để được ba má chú ý tới. Những nỗ lực đó của họ (trẻ con) dần dần theo thời gian giúp chúng hình thành những mục tiêu tưởng tượng trong tiềm thức. Những mục tiêu này giúp đứa trẻ phấn đấu chỉnh sửa mặc cảm thấp kém và phát triển khả năng. Khi đứa trẻ được chăm sóc tốt, nó sẽ chấp nhận những thách thức và học cách vượt qua. Ông gọi đó là Quá trình Compensation (Đền bù).
Tuy nhiên, Quá trình Đền bù đôi khi không diễn ra một cách bình thường, và cảm gíac thấp kém trở nên căng thẳng hơn. Đứa trẻ bắt đầu cảm thấy nó không có khả năng kiểm soát môi trường chung quanh. Họ phấn đấu để được đền bù, nhưng không đạt được hiệu quả. Tình trạng này dẫn đến hiện tượng mà Adler gọi là ‘Overcompensation’ (Đền bù thái quá). Đứa trẻ bắt đầu tập trung vào việc đạt được những mục tiêu ngoài khả năng của nó.
Chứng Overcompensation có thể dẫn đến hội chứng mặc cảm thấp kém. Đây là mặc cảm thiếu tự tôn (self-esteem). Theo Adler, đặc điểm chánh của người bị chứng mặc cảm thấp kém là người đó lúc nào cũng phấn đấu tìm một tình huống để chứng tỏ mình nổi trội. Động cơ làm người nổi trội là một triệu chứng của mặc cảm thấp kém.
Theo sách tâm lí học, người có hội chứng thấp kém thường có những biểu hiện sau đây:
• cảm giác bất an, không xứng đáng;
• rụt rè trong các giao tiếp xã hội;
• hay so sánh mình với người khác;
• cảm giác thù ghét, nản lòng, bồn chồn, nóng nảy;
• mất ngủ;
• không có khả năng hoàn tất công việc;
• dấu hiệu trầm cảm, lo lắng.
Chẳng hạn như lần tiếp xúc Tập Cận Bình, một ông lãnh đạo VN làm mọi người ngạc nhiên khi ông so sánh trà Tàu ngon hơn trà Việt Nam! Ngạc nhiên là vì ông ấy ở vị trí lãnh đạo quốc gia mà lại thốt ra một câu không cần thiết.
Sau này ông ấy và đồng nghiệp còn có nhiều câu phát biểu mang tính so sánh Việt Nam như là một ‘cường quốc’ trên thế giới. Có thể đó là cảm nhận cá nhân, nhưng cảm nhận đó chắc chắn xuất phát từ tiềm thức hay mặc cảm nào thấp kém.
Thỉnh thoảng, người mắc chứng mặc cảm thấp kém còn tỏ ra tự tin thái quá hay ái kỉ (narcissist) mặc dù trong thực tế họ rất thiếu tự tin. Những biểu hiện này bao gồm:
• tự trình diễn mình như là một người tài năng;
• tỏ ra là người hoàn hảo, và do đó rất nhạy cảm với những phê bình;
• tìm lỗi của người khác;
• thích được chú ý và tìm sự chú ý của người khác;
• không có khả năng nhận ra sai sót của mình.
2. Hội chứng nổi trội
Nhưng Adler còn chỉ ra một hội chứng mặc cảm nổi trội (superiority complex). Người mắc chứng này cảm thấy lúc nào cũng có nhu cầu để chứng minh rằng mình hơn chính mình (để nổi trội hơn người khác). Adler chỉ ra rằng trẻ con cũng hay mắc chứng này, và chúng lúc nào cũng tỏ ra xấc láo, phách lối, và thích gây hấn. Đứa trẻ mắc chứng này chỉ vì nó cảm thấy nó thấp kém hơn người khác.
Thật vậy, mặc cảm nổi trội được phát sanh từ mặc cảm thấp kém. Nó (mặc cảm nổi trội) là một cách thức mà bệnh nhân hay dùng để thoát khỏi sự khó khăn và thấp kém của chính họ.
Những biểu hiện của Hội chứng nổi trội bao gồm:
• tự đề cao mình hay tự đánh giá mình quá cao;
• tuyên bố những điều khoác lác không đúng với thực tế;
• chú ý đến bề ngoài;
• tự xem ý kiến của mình là quan trọng;
• cố gắng trình diễn mình như là một người ưu việt và có thẩm quyền;
• không lắng nghe người khác;
• hay so sánh mình với người khác để ngầm cho thấy mình hơn họ;
• nhưng tự trong lòng thì thiếu tự tôn và cảm thấy mình thấp kém.
Nguyên nhân của Hội chứng nổi trội thì có nhiều. Nhiều tình huống dẫn đến Hội chứng nổi trội. Chẳng hạn như họ đã bị thất bại nhiều lần trong quá khứ, nên họ cố gắng ‘nổ’ để bù đắp cho những thất bại đó. Cũng có thể họ đang bị căng thẳng nên giả bộ rằng mình đã vượt qua sự căng thẳng. Nói tóm lại, nguyên nhân chánh của Hội chứng nổi trội là họ tìm cách thoát khỏi thực tế và giả bộ rằng họ hơn người khác.
_____
[1] https://www.psychologytoday.com/au/blog/fulfillment-any-age/201507/why-we-feel-insecure-and-how-we-can-stop
[2] https://www.healthline.com/health/mental-health/superiority-complex
[3] https://www.bbc.com/vietnamese/forum-56946839
Hôm trước, tác giả Nguyễn Hữu Liêm viết một bài rất hay nhưng rất đụng chạm, trong đó anh nhận định rằng người Việt Nam như là một quần thể đang ở tuổi thiếu niên. Đoạn bạn Liêm viết về mặc cảm thấp kém như sau [3]:
“Nguyễn Trãi là một trường hợp điển hình. Dù là tác giả của Bình Ngô Đại Cáo oai phong, tuyệt vời cả về văn ngữ lẫn tinh thần nội dung, nhưng khi đọc Trung Quân Từ Mệnh Tập mà Nguyễn Trãi đã viết thay mặt Lê Lợi gởi cho nhà Minh, chúng ta cũng không khỏi ngậm ngùi cảm nhận được cái nhục nhã, cái thái độ khom mình cúi đầu thần phục đối với phương Bắc. Thế nhưng dần dần chiến thuật nhún nhường cần thiết với nghi thức phong kiến và ngôn ngữ của kẻ yếu đã trở nên một bản chất cá tính của tầng lớp chính trị Việt.
Bản sắc cá tánh muốn được công nhận ảo này còn thành ‘yếu tố di truyền’ trong văn hóa bằng cấp, học hàm , học vị của người Việt. Với truyền thống thi đỗ thì được làm quan để cho cả họ được nhờ, học vị khoa bảng đã trở thành chìa khóa cho thực tại tiến thân trong xã hội – cũng như cho tâm ý được coi trọng và công nhận giá trị nhân bản bởi tha nhân và đại thể khách quan. Ta chỉ là một công dân khi được có bằng cấp, hay chức vị trong triều đình. Ta chỉ hiện hữu khi Ta được công nhận bởi tha nhân. Từ đó, cái Ta được định hình bằng cái không-Ta, mà bản chất là một biện chứng tiêu cực có gốc rễ từ một tâm ý nô lệ. Bệnh cầu cạnh khoa bảng danh vọng còn đang rất thịnh hành trong xã hội Việt Nam hiện nay.
Bạn hãy suy nghẫm về kinh nghiệm bản thân khi tiếp xúc, giao tiếp, làm ăn, sinh hoạt với người Việt ta. Không ít người lớn tuổi, bằng cấp học vị, học hàm, chức vụ, nghề nghiệp, kể cả giới tu sĩ các tôn giáo hay lãnh đạo chính trị, nhà nước, trong hay ngoài nước, vẫn mang tính tình niên thiếu.
Nếu bạn có dịp giao tiếp hay làm việc với người Âu Mỹ thì sẽ thấy rằng họ – người phương Tây – chững chạc, trưởng thành hơn chúng ta nhiều, kể cả khi họ không có bằng cấp cao, hay khi còn rất trẻ tuổi. Dĩ nhiên là cũng có những thành phần quần chúng lao động Mỹ chẳng hạn, vẫn còn mang nặng tính tình trẻ con.
Thế nhưng tôi dám nói rằng nhìn tổng thể, đại đa số dân Việt khắp thế giới, vẫn là một tập thể chưa chín chắn, rất bồng bột, hơi ngây thơ và nhiều hoang tưởng. Nhìn vào các cộng đồng mạng xã hội mấy năm nay để thấy được cái tệ hại của sự thiếu trưởng thành và tính trẻ con thích cãi lộn. Có người đã nhận xét rằng hãy lên Facebook để thấy cái bản mặt xấu xí của dân Việt – the truly ugly side of Vietnameseness – với tính tình nặng chất trẻ con của họ là như thế nào.”
Tôi nghĩ anh ấy viết quá đúng.
Có thể lấy cách viết danh thiếp của giới có học Việt Nam ra làm một ví dụ. Chẳng biết từ khi nào mà người ta có cách viết như “PGS TS BS” trước tên một người. Tôi tự hỏi có cần thiết dài dòng như vậy không? Có lẽ đối với họ mấy chữ viết tắt đó là bùa cá nhân chăng? Nếu tôi mắc bệnh, tôi đi gặp BS, chớ chưa chắc tôi đi gặp mấy vị TS, còn PGS là chức vụ mấy bác ấy tôi không quan tâm.
Đôi khi chính tôi cũng vì mặc cảm dân tộc nên cũng có vài phát ngôn có thể xem là mặc cảm thấp kém. Hôm trong một hội nghị ở Singapore năm 2019, thấy mọi nước chung quanh phát biểu về những việc làm của nước họ làm tôi cũng tự ái dân tộc và nói rằng “Việt Nam tuy là nước nghèo, nhưng chúng tôi đã làm những nghiên cứu mà các nước trong vùng chưa làm.” Đêm về khách sạn, nằm suy nghĩ lại thấy phát biểu của mình có chỗ không cần thiết và trẻ con. Tại sao phải so đo với các nước khác? Nói vậy là mình đã thiếu tự tin. Đó cũng là thể hiện của hội chứng mặc cảm nổi trội vậy. Tôi tự điều chỉnh mình sau đó.
Câu chuyện nó cũng giống như trải nghiệm thời trẻ con ở dưới quê. Nếu chú ý cách đối thoại của bọn trẻ con, chúng ta dễ thấy chúng có cách nói ‘cương’, chúng hay tìm một điểm nào đó để làm điểm tựa. Chẳng hạn như nếu bị chê là học dở, thì y như rằng chúng sẽ nói ‘Nhưng nhà tao lớn hơn nhà mày.’ Khi bị chê là nghèo, chúng sẽ nói ‘Anh tao học giỏi hơn anh mày.’ Rất trẻ con.
Quay lại những mệnh đề như ‘Việt Nam anh hùng’, ‘Việt Nam không kém ai’, ‘Việt Nam vinh quang’, ‘Thủ đô ngàn năm văn hiến’, ‘Dân tộc ta vĩ đại’, v.v. tôi nghĩ không cần thiết có mặt trong các nghị luận công chúng. Những kiểu gân cổ hay phùng mang trợn mắt bằng ngôn ngữ như thế chỉ là biểu hiện của tâm lí thiếu tự tin, của hội chứng nổi trội và hội chứng thấp kém. Lãnh đạo đáng lí ra là người trưởng thành, nhưng cách nói của họ thì không phù hợp với giả định đó. Người phương Tây biết là trò trẻ con, nhưng họ không nói ra, còn ta thì chỉ tự ru ngủ mình.
Tuan V. Nguen AM
Nguồn; nguyenvantuan.info