Ảnh minh họa: Trần Thắng
Ơ hay! Thằng này láo, dám chế nhạo ba mình, trước mặt mình! Nhưng, nghĩ lại thấy nó không cố ý, chỉ ngẫu hứng tức cảnh sinh tình chứ đâu biết ba mình gặp nạn suýt “chết chìm” mà chế nhạo.
Ba tôi đã ngoài sáu mươi, cao ráo, rắn chắc, sinh lực dồi dào. Mũi thẳng, trán rộng, vẫn còn khá đẹp lão. Mái tóc chưa có cọng bạc, bồng bềnh như tài tử xi nê. Qua hình ảnh và nghe má kể lại, thời sinh viên và khi chưa lập gia đình, ba tôi lắm bạn gái do khá hào hoa phong nhã, ăn nói lưu loát và giỏi nịnh đầm. Chính vì giỏi nịnh đầm nên á khôi một trường nữ trung học ở Sài Gòn mê tít thò lò và… trở thành má tôi.
Ba má tôi có bốn con, hai trai hai gái. Tôi là con út. Trong gần bốn mươi năm chung sống với má, ba tôi luôn luôn là người chồng chung thủy, người cha mẫu mực, có trách nhiệm với gia đình vợ con.
Chị em tôi được ăn no mặc ấm, học hành đàng hoàng, thành đạt trong cuộc sống là nhờ ba tôi quan tâm chăm sóc, dạy dỗ và dẫn dắt tận tình. Sau khi làm ăn khấm khá, tụi tôi mua bảo hiểm nhân thọ cho ba má với mệnh giá nửa tỷ đồng mỗi người, để đáp đền công ơn cha mẹ.
Bước vào tuổi trung niên và lam lũ làm ăn nhưng ba tôi vẫn giữ được phong độ của thời trai trẻ. Có hai người đàn bà góa mê ba tôi như điếu đổ nhưng họ vẫn không mở được cánh cửa trái tim ba tôi. Má tôi nói thế.
- Hai bà đó đẹp không má?- tôi hỏi
- Coi cũng được- má đáp.
- Không hơn hoặc không bằng má thì làm sao chinh phục được ba?
Má tôi cười sung sướng, mắng yêu:
- Chó! Chỉ giỏi cái nịnh. Ba con đâu phải loại “mèo mả gà đồng”.
- Má đừng chủ quan nghen?
Má rất tự tin:
- Vợ chồng ăn ở với nhau bốn mặt con rồi mà không hiểu tính ý nhau sao con?
Ba tôi có hai người bạn thân nổi tiếng “ăn vụng” (có vợ bé). Họ chê ba tôi kén ăn. Tôi nghĩ, đàn ông nào không thích “ăn vụng”? Sở dĩ ba tôi chưa ăn không phải do kén ăn mà do chưa gặp món khoái khẩu.
Tâm lý chung mà, bất cứ chuyện gì, cái gì mình thích và đam mê nhất định phải làm cho được, phải chiếm cho được, ngược lại thì không. Do đó, ba tôi chưa có vợ bé không phải do chung thủy mà do chưa có đối tượng hợp nhãn đó thôi. Tuy nhiên, má tôi không tin như vậy nên rất thương yêu, tin tưởng, kính trọng ba tôi.
Cách nhà tôi vài trăm thước có quán cà phê giải khát của một phụ nữ lỡ thời khoảng trên dưới bốn mươi có tên trùng với loài hoa tiêu biểu của xứ sở mặt trời mọc. Anh Đào.
Tên đẹp, người cũng khá đẹp. Ngoại hình thon thả mảnh mai, mặt mày sáng sủa, lúc nào cũng môi đỏ má hồng, ăn mặc đúng mốt thời trang, má lún đồng tiền, đôi mắt sắc lẻm, tình tứ. Tuy nhiên, so với má tôi hồi tuổi đó vẫn kém hơn một tám một mười.
Bà Anh Đào mới dọn về xóm tôi lập nghiệp, nhanh chóng trở thành tấm bia thu hút những tay hảo ngọt nhắm bắn, trong đó… có ba tôi.
Tình địch của ba tôi xem ra không phải đối thủ của ông dù họ lết la tại quán mỗi ngày, tốn khá nhiều tiền cà phê thuốc lá, ngồi gãy hết mấy cái ghế nhưng tất cả đều bắn trớt quớt ra ngoài tấm bia. Khi biết ba tôi bắn trúng “điểm đen” họ tức lộn ruột, la ó ầm ĩ cốt cho má tôi nghe quậy chơi. Nhưng, má tôi không quậy mà hai chị tôi ghen dùm. “Ớt nào là ớt chẳng cay…”, ngoại trừ má tôi.
- Bỏ đi con! Má tôi khuyên hai chị. Làm rùm beng ra chi cho đội quần với sui gia. Vả lại, già rồi mà còn ghen tuông lỡ nó hỗn hào trây trúa nói bậy nói bạ mang xấu. Miệng đời độc địa lắm con ơi!
Chị Hai hậm hực:
- Quậy cũng đội hổng quậy cũng đội, cùi rồi còn sợ gì lở? Má hổng làm để con với con Thanh làm cho?
Má lắc đầu, nói chậm rãi:
- Hũ mắm thúi, đậy nắp thúi ít, mở nắp thúi nhiều, càng quậy càng thúi, các con muốn thế nào?
Chị em tôi nín thinh, má tiếp:
- Nghĩ cũng tội cho con Đào. Đáng tuổi con cháu mà lấy ông già bị hàng xóm chê cười mắng nhiếc nhục nhã lắm rồi. Đừng dồn người ta vào đường cùn, đừng bắt nó chịu đựng thêm nữa. Sức người có hạn, nó quật lại không biết đường đâu mà đỡ.
Chị Tư thách thức:
- Chấp nó đó! Quật lại thử đi rồi biết đá vàng. Nó lấy ba vì tiền chớ đâu phải vì tình, đồ mặt chai mày đá đó biết gì nhục nhã?
Chị Hai vừa nói vừa minh họa bằng hai bàn tay:
- Hừ! Nó dám bòn rút, đục khoét tiền bạc của ba, tao cũng dám chặt tay chưn nó như chặt tay chưn ếch, lột da nó như lột da chuột cho coi.
Má rầy chị Hai:
-Làm không được mà nói chi hung dữ cho tội lỗ miệng vậy con?
Nói xong, má đứng lên bước xuống nhà sau, ý muốn dập tắt vấn đề. Có lẽ sợ chưa đủ đô, má dặn với lại:
- Má nói một là một hai là hai, đừng bàn ra tán vô rồi làm bậy làm bạ đi nghen. Con Lan, con Thanh nghe không?
- Dạ nghe! Cả hai người cùng đáp.
Bị má không cho quậy bà Anh Đào, chị Hai quay qua trút giận lên đầu anh Ba và tôi, đúng là thua me gỡ bài cào:
- Còn hai thằng bây nữa. Tụi bây cũng cùng một phồn với ổng nên im re hổng thằng nào nói vô một tiếng với chị em tao?
Chị Hai giận quá mất khôn nói năng hỗn hào, cha mẹ thế nào cũng là cha mẹ. Tôi định nhắc nhở chị nhưng anh Ba lên tiếng trước:
- Chị Hai! Nóng quá làm chó hổng được đâu nghen?
Anh Ba hay nói cà rỡn, tôi biết anh mượn việc làm thịt chó để nhắc nhở chị Hai. Nước nóng quá sẽ làm lông chó bị sát, rất khó cạo, cũng như chị Hai nóng quá không lễ phép tôn ti. Chị Hai nín thinh, anh Ba hỏi chị:
- Hồi nãy tui nghe chị nói chị sẽ lột da bà Đào phải không? Chừng nào lột nhớ cho tui hay trước với nghe?
Trời đất! Tôi trố mắt nhìn anh Ba. Ông tướng này tính làm thiệt sao ta? Chuyện đâu còn có đó, nếu cần thì nhờ chánh quyền can thiệp giải quyết, đất nước này còn có kỷ cương chứ đâu vô pháp vô tri như thời mông muội hồng hoang?
Chị Hai hỏi:
- Cho cậu hay tới tiếp tui hả?
- Hổng phải! Đặng coi.
- Coi cái gì?
Anh Ba gãi đầu, cười hì hì:
- Trước khi lột da phải lột hết quần áo đúng không? Đó, tui chỉ cần bấy nhiêu, phần còn lại chị muốn làm gì làm.
- Hứ!
Té ra anh Ba nói tếu chọc chị Hai. Tôi bật cười thành tiếng. Chị Hai và chị Tư mím môi cố nén. Gương mặt mắc cỡ của hai chị có duyên làm sao.
Chị Hai mắng anh Ba “đồ ôn hoàng dịch tễ”, giơ bàn tay lên, chồm tới định vả vào cái miệng nói bậy của ảnh khiến ảnh hoảng sợ bỏ giò lái dông tuốt ra vườn. Hai chị cũng lảng xuống nhà sau với má. Tôi trách lầm anh Ba, anh giải tỏa căng thẳng tuyệt vời.
Đến bây giờ tôi mới thấy trước kia mình nghĩ đúng và không sao hiểu nổi ba tôi. Năm dài chịu được tháng ngắn lại không? Các con đều thành đạt, các cháu cũng lớn rồi, hiểu biết rồi mà không giữ thể diện, uy tín đã dày công xây dựng vun bồi.
Chuyện sẽ không có gì để nói nếu má tôi đã “về nước chúa”, ông muốn bước thêm mấy bước nữa cũng được và có thể châm chước nếu tuổi đời của bà Anh Đào xấp xỉ má tôi hoặc nhỏ hơn chút đỉnh, đằng này bà ấy chỉ lớn hơn chị Lan… đúng một tuổi.
Đành rằng tình yêu không phân biệt tuổi tác, yêu nhau là cam tâm tình nguyện giữa hai người nhưng hiện nay sự đồng thuận và thông cảm của dư luận chưa nhiều, vậy mà vẫn cứ đạp bừa trên dư luận để đi rồi nhận lấy những lời mỉa mai chế giễu chướng tai, “trâu già ăn cỏ non”, “cưa sừng làm nghé”, “nhìn hai người giống cha con hơn vợ chồng”.
May mắn là má tôi hiền từ nhân hậu, nếu gặp phải “sư tử Hà Đông” thì ba tôi sẽ “vác chiếu ra hầu tòa” do cuộc tình này vi phạm Luật Hôn nhân và Gia đình, kéo theo sự đổ vỡ hạnh phúc sau mấy mươi năm xây dựng. Chưa hết, hậu quả sẽ còn tệ hại hơn nếu không có sự can thiệp kịp thời của anh Hoàng.
Anh Hoàng là đại diện kinh doanh công ty bảo hiểm nhân thọ, là bạn chí cốt của gia đình tôi. Một hôm, anh ôm cặp đến nhà tôi với vẻ mặt căng thẳng, khẩn trương.
Bước vào nhà, ngồi vào bàn, không kịp uống nước tôi mời, Hoàng mở cặp lôi ra bộ hợp đồng bảo hiểm nhân thọ của ba tôi, nói cho tôi hay ba tôi đã làm đơn kèm giấy ủy quyền có công chứng yêu cầu công ty thay người thừa kế.
Tôi hỏi người thừa kế mới tên gì. Anh nói tên Tô Thị Anh Đào và hỏi người đàn bà này là ai, có quan hệ gì với gia đình. Nghe Hoàng nói, ngực tôi tự nhiên nặng trịch như bị đá đè thở không muốn nổi. Tôi không trả lời Hoàng mà hỏi anh công ty đã thay thế chưa. Anh nói đây là chuyện hệ trọng nên công ty cử anh xuống gặp gia đình bàn bạc, hỏi ý kiến. Tôi thở phào nhẹ nhõm.
Thật không ngờ! Lợi dụng tình yêu và cả cái thai trong bụng, bà Anh Đào đã mê hoặc ba tôi nhằm thực hiện âm mưu thâm độc, chiếm đoạt tài sản, được bà ta che giấu rất kỹ bên trong bộ mặt giả nhân giả nghĩa đầy phấn son lòe loẹt. “Anh Đào ơi! Anh Đào! Bà đúng là Đắc Kỷ tái sinh, là hồ ly tinh thời hiện đại”. Tôi rủa thầm.
(*) Hai câu đối của thầy trò Nguyễn Giản Thanh.
Trương Hoàng Minh (Báo Vĩnh Long)