Sunday, June 25, 2023

SẢN VẬT SÓC TRĂNG (PHẦN 2)

Sóc Trăng là một tỉnh ven biển thuộc đồng bằng sông Cửu Long. Giữa nền văn hóa của ba dân tộc: Khmer - Kinh - Hoa, Sóc Trăng mang trong mình nét giao thoa tuyệt vời về ẩm thực khiến nơi đây có một nền ẩm thực không nơi nào có được.


Bánh pía Vũng Thơm

Làng Vũng Thơm thuộc xã Phú Tâm, cách tỉnh Sóc Trăng 10km. Đó là một nơi khá sầm uất, có đông người Hoa sinh sống. Hiện tại, Sóc Trăng có gần 50 lò chuyên sản xuất bánh pía, riêng làng nghề truyền thống bánh pía Vũng Thơm có cách đây khoảng trên trăm năm.

Bánh pía Sóc Trăng thích hợp dùng với trà.

Bánh pía hình tròn, dẹt, có nhiều lớp da mỏng bao quanh lấy phần nhân đậu xanh, mỡ heo, lòng đỏ trứng muối,... Do thị hiếu của người tiêu dùng mà ngày nay có nhiều loại nhân hấp dẫn như đậu xanh, khoai môn, sầu riêng, trứng muối, bánh còn có nhân hạt sen, xá xíu, củ cải, thơm (dứa), bơ…

Người Sóc Trăng luôn tự hào về bánh Pía.

Bánh pía mềm, ngọt đậm. Để bánh pía có được mùi vị, màu sắc hấp dẫn, phải qua rất nhiều công đoạn như trộn, cán mỏng, cuốn tròn,... những khối bột dẻo dai, mịn màng để tạo ra những lớp vỏ mỏng tang ôm lấy nhân bánh thơm lừng phía trong.

Điểm đặc biệt nhất của bánh pía Sóc Trăng là hoàn toàn không sử dụng hương liệu. Mùi thơm của bánh được tạo nên từ những trái sầu riêng tươi ngon được tuyển chọn từ khắp các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long.

Bánh phồng tôm Bãi Xàu

Bánh phồng tôm Bãi Xàu ngày xưa được làm từ tôm càng xanh còn tươi hoặc tép đất loại lớn, bóc vỏ, xay nhuyễn cùng gia vị và bột được trộn khéo léo theo bí quyết của từng gia đình hoặc từng lò. Bánh phồng tôm Bãi Xàu là một món ăn hấp dẫn của người Nam Bộ, đặc biệt là trong các bữa tiệc cuối năm, hiếu hỉ.


Để có được bánh phồng tôm thơm, ngon, xốp, hương vị đậm đà không phải là dễ. Trước hết là phải chọn tôm càng xanh còn tươi, lột vỏ, làm sạch lưng, bỏ phần đầu, cho vào cối giã cho đều tay cho đến khi thịt tôm mịn đều. Cho gia vị, bột ngọt, đường, muối và một ít bột mì vào cối rồi lại tiếp tục giã cho thịt tôm và gia vị quyện đều vào nhau.

Đến khi hỗn hợp này không còn dính chày giã, người thợ đem vo thành từng viên rồi dùng ống tre cán cho đều tay, thật mỏng và cắt nhỏ, tạo hình theo ý muốn, sau đó đem phơi ngoài nắng như bánh tráng.

Phồng tôm kết hợp được với nhiều món ăn khác nhau.

Bánh phồng tôm Bãi Xàu rất được ưa chuộng trên thị trường do chất lượng cao, nguyên liệu tôm được lựa chọn tươi ngon. Bánh chỉ sản xuất duy nhất vào mùa khô do bánh rất kén nắng, nếu nắng không đủ lớn thì bánh dễ đổi màu, không xốp, chiên không phồng, ăn không ngon.

Bánh cống Đại Tâm

Bánh cống được bán ở rất nhiều nơi nhưng nổi tiếng nhất vẫn là bánh cống Đại Tâm, huyện Mỹ Xuyên. Bánh nơi đây có độ giòn, độ xốp, thơm, lại có màu vàng ươm hấp dẫn. Không rõ xuất xứ từ đâu nhưng theo lời kể lại, một số người Triều Châu (Trung Quốc) di cư đến Sóc Trăng biết làm bánh cống đã truyền dạy cho đồng bào Khmer.

Bánh cống là đặc sản của tỉnh Sóc Trăng.

Trước đây, bánh được gọi là bánh sền và có nơi gọi là bánh cống do bánh được định hình bởi một dụng cụ được gọi là cống. Đến nay thì tất cả người Khmer ở Nam Bộ đều gọi là bánh cống cho dễ nhớ.

Thời xưa, bánh cống chỉ làm từ bột gạo, ít hạt đậu xanh, dăm miếng thịt heo cắt nhỏ cho vào cống, sau đó chiên chín vàng, ăn cùng nước chấm. Ngày nay, bánh cống Đại Tâm có nhiều đậu xanh hơn, thêm một vài con tôm bày lên trên để tăng hương vị và màu sắc. 


Sau khi cho các nguyên liệu như hỗn hợp bột, đậu xanh, thịt xào rồi phủ thêm một lớp bột nữa vào cống và hoàn thiện món ăn bằng cách xếp thêm một, hai con tôm lên mặt và nhúng chiếc cống vào chảo dầu đang sôi rồi để yên trong khoảng chừng 2-3 phút cho đến khi bánh chín và tự tuột dần ra khỏi cống.

Lúc này người bán chỉ cần vớt bánh ra và để ráo dầu. Sau đó bày thêm rau sống rồi cắt nhỏ chiếc bánh đã nở to, vàng ươm, dậy mùi thơm, chấm cùng nước mắm chua ngọt là trở thành món ngon miền Tây.

Bánh cống qua đôi bàn tay khéo léo của người Khmer Đại Tâm đã trở nên hấp dẫn và trở thành món ăn nổi tiếng ở vùng ĐBSCL, giống như chiếc bánh tôm Hồ Tây của Hà Nội.

Cốm dẹp Sóc Trăng

Với người Khmer ở Sóc Trăng nói riêng và Nam Bộ nói chung, trăng tháng 10 âm lịch là trăng tròn, biểu tượng cho điều lành của một năm mới tràn đầy hạnh phúc với mùa màng bội thu. Cũng vào dịp này con người bày tỏ sự giao cảm với đất trời qua lễ cúng trăng. Trong lễ hội cúng trăng rằm tháng 10, đồ cúng ngoài các loại trái cây, dừa, chuối còn không thể thiếu được cốm dẹp. 

Cốm được rang trước khi cho vào cối giã.

Lúa được dùng để làm cốm dẹp phải là loại lúa nếp hạt dài, dẻo, thơm, vừa đỏ đuôi. Đầu vụ mùa, khi những hạt lúa nếp vừa qua giai đoạn ngậm sữa căng hạt, người ta thu hoạch sớm để làm cốm kịp mùa trăng. Đầu tiên, nếp đem đi rang trong chảo gang và giữ lửa nhỏ đều. Khi thấy hạt nếp hơi giòn và ngã màu vàng nhạt là cho vào cối giã cho đến khi những hạt nếp dẹp lại gọi là “cốm dẹp”.

Cốm dẹp có hương vị dẻo dai, ngọt, thơm nồng, béo, bùi trong từng hạt nếp.

Cốm mới giã khá giòn và dẻo ăn rất thơm mùi nếp mới. Nhưng muốn ăn ngon hơn người ta phải trộn cốm dẹp với dừa rám nạo, ít nước dừa và đường cát trắng. Muốn để ăn lâu ngày hoặc đem làm quà cho bạn bè, người ta thường gói cốm đã trộn sẵn trong lá chuối, lá dừa đem nấu hoặc hấp.

Cũng vì hương vị thơm, ngon đặc trưng mà cốm dẹp từ lâu đã trở thành một món ăn không thể thiếu để bà con Khmer dâng cúng Mặt trăng vào ngày lễ cúng trăng (rằm tháng mười âm lịch) hằng năm.

Thành Trung / Theo: doanhnhan

SẢN VẬT SÓC TRĂNG (PHẦN 1)