Wednesday, June 14, 2023

SẢN VẬT VĨNH LONG

Vĩnh Long thuộc vùng sông nước mênh mông, kênh rạch chằng chịt miền Tây Nam Bộ. Thiên nhiên đã ưu đãi cho Vĩnh Long nguồn sản vật cây trái phong phú khiến du khách thập phương đến đây ăn qua một lần là nhớ mãi.

Bưởi Năm Roi Bình Minh.

Bưởi Năm Roi Bình Minh

Bưởi Năm Roi là giống bưởi ngon nổi tiếng có nguồn gốc ở xã Mỹ Hòa, huyện Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long. Nơi đây chiếm 80% diện tích trồng bưởi ở Đồng bằng sông Cửu Long.

Khoảng năm 1930, người dân nơi đây đã phát hiện thấy một cây bưởi đột biến ăn rất ngon, cây được ưu ái trồng trong vườn chỉ chuyên dành để đãi khách và lũ trẻ xung quanh là không được hái quả của cây bưởi này. Đứa nào mà hái trộm sẽ bị đánh đủ năm roi. Vậy nên mọi người hàng ngày đi qua đều nói đó là cây bưởi năm roi… và cái tên "Bưởi Năm Roi" bắt nguồn từ đó.


Bưởi được nhân giống bằng chiết cành, 3 năm cây sẽ ra quả, quả không hạt hoặc hạt rất nhỏ. Trái lại, nếu trồng bằng hạt thì sẽ cho quả không ngon và bưởi lúc chín sẽ có nhiều hạt. Bưởi Năm Roi có hình quả lê, khi lột vỏ, có mùi thơm dễ chịu, tép bưởi mọng nước, vị ngọt thanh tao. So với bưởi da xanh Bến Tre, bưởi Năm Roi Phú Hữu thì bưởi Năm Roi Bình Minh cho tới nay đã vượt lên và khẳng định mình, vang danh trên thị trưởng hoa quả của Nam bộ và của cả nước.

Bưởi Năm Roi Bình Minh ngoài việc ăn tươi giảm được cholesterol, còn được dùng làm chè bưởi, chiết suất tinh dầu cho mỹ phẩm. Riêng vỏ bưởi còn được dùng làm nem chay và mới đây theo Viện Y dược học dân tộc TP HCM thì vỏ bưởi nấu lấy nước uống sẽ làm tiêu mỡ, giảm béo phì.

Ngày nay không chỉ có ở Bình Minh mà còn nhiều địa phương khác như huyện Châu Thành, Hậu Giang cho quả chất lượng tương tự, bởi bưởi Năm Roi thích hợp với đặc tính đất phù sa màu mỡ ven sông Hậu, màu sắc quả đẹp, hương vị độc đáo, bưởi còn được các gia đình trưng bày trên bàn thờ trong các dịp lễ, tết.


Đặc biệt với bàn tay cần mẫn và tài hoa của người nông dân Nam Bộ nhiều ý tưởng tạo hình từ quả bưởi Năm Roi lần lượt ra đời như bưởi hồ lô, bưởi hình bàn tay phật... Đây đều là các sản phẩm độc đáo được tiêu thụ mạnh trên thị trường trái cây mỗi độ xuân về.

Cam sành Tam Bình

Huyện Tam Bình từ lâu đã nổi tiếng với những vườn cam sành xanh mướt, quả cam óng ánh trĩu cành, đong đưa theo làn gió.

Cam sành Tam Bình.

Cam sành Tam Bình là thương hiệu độc quyền, là loại trái cây nổi tiếng trên thị trường cả nước về chất lượng. Cam có đặc điểm vỏ sần, da xanh, bóng đẹp, màu sắc thịt quả vàng tươi, thơm, ngọt, mọng nước, tươi lâu,... dùng để ăn tươi hoặc được chế biến thành nước hoa quả rất thơm ngon, bổ dưỡng.


Đất Tam Bình được thiên nhiên ưu đãi, có nước ngọt quanh năm, có dòng sông Măng bồi đắp phù sa, cung cấp đầy đủ nước tưới cho cây trồng trong mùa khô. Mặt khác, nguồn tài nguyên đất của huyện Tam Bình phong phú với gần 6.000 ha đất phù sa và hơn 7.500 ha đất phèn, thuận lợi để phát triển cây ăn trái đặc sản, đặc biệt là cam sành.

Vì vậy, nơi đây sớm hình thành vùng chuyên canh cam sành với tổng diện tích khoảng 3.000 ha. Hàng năm, cam sành Tam Bình cung cấp cho thị trường khoảng 20.000 - 30.000 tấn sản phẩm.

Chôm chôm Bình Hòa Phước

Từ xưa mọi người đã thường bảo nhau: "Ai xuôi sông Tiền mà chưa được nếm chôm chôm Bình Hòa Phước thì coi như chưa tới miền Tây Nam Bộ". Từ tháng 4 đến tháng 6 dương lịch, tại các miệt vườn thuộc xã cù lao Bình Hòa Phước, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long đều đỏ rực một màu chôm chôm chín. 


Hầu như tất cả hộ dân có đất vườn đều trồng loại cây ăn trái đặc trưng nhiệt đới này. Thiên nhiên và điều kiện thổ nhưỡng ở Vĩnh Long thuận lợi cho chôm chôm đạt chất lượng cao, khi chín màu đỏ tươi, vị ngọt đậm đà, không dính hạt và được rất nhiều du khách trong và ngoài nước ưa chuộng.

Cây chôm chôm trồng khoảng 3 năm là cho ra quả. Vĩnh Long trồng được rất nhiều loại chôm chôm khác nhau. Từ những quả chôm chôm trái dài, tròn chín màu đỏ thắm, gai mềm, vị ngọt đậm đến những trái chôm chôm Java gai ngắn trái tròn, cùi giòn ngọt. Hoặc tại vùng đất này cũng không thể thiếu những trái chôm chôm nhãn nhỏ khi chín vỏ vẫn vàng xanh nhưng vị ngọt đậm, thơm ngon.

Chôm chôm Bình Hòa Phước.

Chôm chôm ở đây rất đặc biệt, vị lạ so với nhiều loại chôm chôm từ nhiều miền, là sản vật của vùng cù lao sông nước. Vậy nên du khách luôn bảo nhau đến sông Tiền mà không ghé thưởng thức chôm chôm Bình Hòa Phước là một điều “thiệt thòi”.

Bánh ú Vĩnh Long

Không chỉ có trái cây, hoa màu đặc sản mà Vĩnh Long còn nhiều thứ bánh ngon nổi tiếng như bánh phồng tôm, bánh ú… Có người cho rằng đến Vĩnh Long chưa ăn bánh ú thì chưa biết hương vị bánh dân gian Vĩnh Long bởi bánh ú Vĩnh Long nổi tiếng cực kỳ thơm ngon.

Bánh ú Vĩnh Long.

Bà Tạ Thị Nữ hay bà Năm bánh Ú, “mẹ đẻ” bánh ú Vĩnh Long, kể lại: "Tôi biết gói bánh ú từ hồi 21 tuổi. Hồi đó, mỗi khi đến giỗ, nhà gói bánh tét, bánh ít, bánh ú để cúng ông bà chứ có buôn bán gì đâu. Đám giỗ nào cũng gói nhưng chỉ khoảng 70 - 100 cái bánh ú, để trước là cúng ông bà, sau là cho bà con xóm giềng và con cháu ăn. Bà con làng xóm đi đám giỗ, ăn bánh ú ai cũng khen nên mọi người kêu tôi gói bánh ú bán, để khi thèm bánh ú thì có chỗ để mua ăn. Thấy vậy, tôi gói bánh ú đem ra chợ Vũng Liêm bán”.


Bánh ú thì thấy dễ, ai cũng có thể làm được nhưng làm ngon, vừa ăn thì khó. Muốn bánh ngon trước hết phải chọn nếp ngon, thơm dẽo không lộn gạo tẻ. Thịt làm nhân phải chọn thịt tươi, trứng ngon, đường, bột nêm, tiêu hành tỏi… hơn nhau của bánh ú là khâu chế biến nhân làm sao cho vừa ăn, hợp với khẩu vị với người miền Tây.


Bánh ú được gói bằng lá chuối Xiêm, cũng tương tự như nguyên vật liệu gói bánh tét, nhưng bánh tét gói đòn dài còn bánh ú gói thành 3 góc. Bánh tét thường ăn nhạt hơn và không đậm đà bằng bánh ú. Những người sành ăn cho rằng, ăn bánh ú chuẩn là lúc bánh vừa mới vớt ra mới ngon trọn vị.

Thành Trung / Theo: doanhnhan



No comments: