Lời khen ngợi chân thành và khuyên giải một cách khéo léo là quy tắc sáng suốt nhất trong đối nhân xử thế (ảnh: Sununi)
Câu chuyện của Tổng thống Mỹ John Calvin Coolidge
Trong nhiệm kỳ của cố Tổng thống Mỹ John Calvin Coolidge, có một nữ thư ký đã hỗ trợ ông trong công việc. Cô thư ký này tuy có ngoại hình nổi bật, nhưng trong công việc lại hơi cẩu thả, công văn mà cô viết thường xuyên mắc lỗi do bất cẩn.
Một lần, khi Coolidge nhìn thấy thư ký của mình bước vào văn phòng, ông nói với cô: “Hôm nay cô ăn mặc rất đẹp, rất hợp với một người xinh đẹp như cô”.
Tổng thống Mỹ John Calvin Coolidge (ảnh: marketwatch)
Thư ký vừa hãnh diện mà vừa lo sợ khi nghe điều đó, cô hoàn toàn bất ngờ khi nhận được lời khen ngợi như vậy.
Coolidge tiếp tục nói: “Tất nhiên, tôi tin rằng cô có thể xử lý các công văn một cách hoàn thiện như con người của cô vậy”.
Kết quả, công việc của nữ thư ký kể từ đó ngày càng tốt hơn. Không chỉ giải quyết tốt công văn, mà cô còn cố gắng hoàn thành tốt công việc khác của mình mỗi ngày. Một người bạn rất ngạc nhiên khi nghe điều đó, nên đã hỏi Coolidge: “Phương pháp này thực sự tuyệt vời! Làm thế nào mà anh đưa ra cách tiếp cận này?”.
Coolidge trả lời: “Bạn đã bao giờ nhìn thấy một thợ cắt tóc cạo râu cho ai đó chưa? Trước khi cạo râu, anh ấy sẽ thoa một ít xà phòng lên cho người đàn ông. Khi có xà phòng, việc cạo râu không còn đau nữa”.
“Hiệu ứng xà phòng” nổi tiếng trong tâm lý học
Hãy khéo léo thay thế những lời góp ý bằng lời khen ngợi, bạn sẽ đạt được mục tiêu của mình một cách đơn giản và nhanh chóng.
Trong cuộc sống, khi chúng ta đối mặt với sai lầm của người khác, chúng ta luôn có thói quen lên tiếng chỉ trích họ. Nhưng mọi người đều biết rằng, những lời cay nghiệt sẽ chỉ tiêu hao thiện cảm của người khác, và cuối cùng làm tổn thương trái tim của họ.
Ai cũng đều mong muốn nhận được lời khen ngợi. Vì vậy, những lời khen ngợi chân thành và khuyên giải một cách khéo léo là quy tắc sáng suốt nhất trong đối nhân xử thế. Lời khen ngợi làm cho mọi người vui vẻ, còn lời góp ý là ngọn hải đăng khiến mọi người tiến bộ.
Trong cuộc sống, chúng ta rất khó tránh khỏi việc phối hợp và làm việc với người khác. Nhưng nếu chúng ta có thể sử dụng “hiệu ứng xà phòng” một cách khéo léo thì có thể giúp bản thân thoải mái hơn trong các mối quan hệ phức tạp.
Cụ thể chúng ta cần làm gì?
Phát hiện những ưu điểm và chân thành khen ngợi
Lời khen ngợi là chất xúc tác giúp cho giao tiếp giữa các cá nhân trở nên thông thuận. Khi tiếp xúc với mọi người, chúng ta sẽ khó tránh khỏi những xung đột, mâu thuẫn. Đôi khi, chỉ cần một sai lầm nhỏ, một lời góp ý quá thẳng thắn cũng đủ dẫn đến sự tan vỡ của một mối quan hệ.
Lúc này, chúng ta cần bĩnh tĩnh lại và nghĩ xem ưu điểm của đối phương là gì. Mọi người đều mong muốn nhận được sự đánh giá cao và khẳng định của người khác. Và khi chúng ta khen ngợi ưu điểm của đối phương, chúng ta sẽ thấy rằng, ngay cả khi đối phương có một số khuyết điểm thì đó cũng không phải là vấn đề lớn.
Chúng ta thường vì sự ưu tú mà kết giao với nhau, vì quý trọng mà đồng hành với nhau
Điều giữ cho một mối quan hệ luôn tươi mới chính là việc chúng ta không nhìn vào những khuyết điểm nhỏ nhặt của nhau, mà là những điểm sáng tỏa ra từ đối phương. Vì vậy, chúng ta đừng tiết kiệm những lời khen ngợi của mình.
Chúng ta thường vì sự ưu tú mà kết giao với nhau, vì quý trọng mà đồng hành với nhau (ảnh Tamlytrilieunhc)
Chỉ trích và buộc tội không thể rút ngắn khoảng cách giữa mọi người, nhưng khen ngợi và khẳng định thì có thể làm được điều đó. Chúng ta cho đi tình yêu thì sẽ nhận lại được tình yêu, cho đi hạnh phúc thì sẽ nhận lại được hạnh phúc. Khi chúng ta đánh giá cao người khác, chúng ta có thể tự nhiên nhận được lời khen ngợi từ người khác.
Chúng ta cần cho “một chút ngọt ngào” khi góp ý với người khác
Không biết bạn đã từng trải qua chuyện như thế này chưa:
Bạn chỉ vô tình phạm một sai lầm nhỏ, nhưng luôn có người muốn gây hấn, buộc tội và trách mắng bạn. Cho dù quan hệ của hai người rất tốt và bạn biết rõ người đó không phải cố ý, nhưng trong lòng bạn vẫn khó tránh khỏi cảm giác chán ghét và kháng cự.
Lâu dần, khiến bạn không muốn qua lại và thân thiết với người đó nữa. Trên thực tế, hầu hết chúng ta thường quen dùng giọng điệu ra lệnh và những lời trách móc để người khác nhận ra lỗi lầm của mình.
Đừng quên rằng mục đích của lời góp ý hay chỉ trích không phải là chọc giận đối phương mà là khiến họ thay đổi. Trên đời này, không ai thích những lời buộc tội cay nghiệt và gay gắt. Những lời chỉ trích thẳng thắn có vẻ như sâu sắc và có tác dụng, nhưng sẽ khó tránh khỏi gây ra sự phản cảm và khó chịu cho đối phương.
Chúng ta hãy khen đối phương trước, rồi mới chỉ ra lỗi sai cho họ, nhìn bề ngoài có vẻ vòng vo và rắc rối, nhưng lại dễ dàng được đối phương tiếp nhận hơn. Sau đó, kịp thời chỉ ra lỗi lầm của họ, như thế, mối quan hệ của cả hai sẽ không bị tổn hại.
Hãy thay đổi suy nghĩ, lời nói sẽ trở nên uyển chuyển
Giao tiếp trong cuộc sống chủ yếu được thực hiện bằng lời nói. Nhưng những lời nói không đúng mực dễ dẫn đến nhiều mâu thuẫn và hiểu nhầm. Vì vậy, chúng ta cần có sự uyển chuyển và khéo léo, biết dùng những lời lẽ hài hước, dí dỏm để giải quyết vấn đề.
Cách tốt nhất để hòa hợp với mọi người là đừng bao giờ thẳng thắn quá mức mà hãy giữ lời nói không vượt quá giới hạn. Những người nói quá thẳng vào vấn đề thường đánh thẳng vào tâm lý phòng thủ của người khác, cuối cùng làm tổn thương lòng tự trọng của họ và làm tổn thương bản thân mình.
Nhưng những người có thể xoay chuyển tư duy sẽ suy nghĩ từ góc độ đối phương, lựa chọn cách tiếp cận nhẹ nhàng, điều này không chỉ giúp đạt được mục tiêu của họ mà còn khiến mọi người cảm thấy như làn gió xuân ấm áp.
Trong cuộc sống, chân thành là điều tốt, nhưng thẳng thắn quá mức lại không phải là điều hay. Chỉ khi bạn có thể tĩnh tâm quan sát, nắm bắt và xử lý đúng mực mới có thể tránh được những xung đột không cần thiết.
Uyển Nhi / Theo: nguyenuoc
Link tham khảo:https://k.sina.com.cn/article_3900215081_e8788f29019013ctp.html?from=mood#/
No comments:
Post a Comment