Friday, June 23, 2023

VÌ SAO CỔ NHÂN XUA ĐUỔI "NGŨ ĐỘC" VÀO NGÀY TẾT ĐOAN NGỌ?

Tết Đoan Ngọ được xem là một lễ tiết truyền thống quan trọng nhất trong mùa hạ của người xưa. Thời xưa, cứ vào ngày tết Đoan Ngọ, người dân lại có rất nhiều tập tục dân gian như đua thuyền rồng, treo cây ngải, đeo túi thơm, uống rượu…, vì sao người xưa lại làm như vậy?

Tập tục treo cây ngải trong ngày tết Đoan Ngọ. Ảnh: Qua kknews.cc

Vào ngày tết Đoan Ngọ có một tập tục truyền thống rất đặc biệt, đó là “Đuổi ngũ độc”. “Ngũ độc” là chỉ năm loài động vật mà theo cảm nhận của người xưa là có mang độc tính cực mạnh.

Thông thường “Ngũ độc” bao gồm con rắn, bò cạp, con rết, con cóc, thằn lằn (thạch sùng). Nhưng con thằn lằn (thạch sùng) được xếp vào loài vật không có độc tính mạnh nên có nơi thay con này bằng con ong.

Vì sao cổ nhân đuổi “Ngũ độc” vào ngày tết Đoan Ngọ?

Hàng năm, cứ tới tháng 5 âm lịch, đúng vào khoảng cuối xuân đầu hạ, thời tiết thay đổi khiến trùng độc xuất hiện, các bệnh ôn dịch bắt đầu bùng phát. Những loài sinh sống ở nơi âm u ẩm ướt như rắn, rết, bò cạp cũng bắt đầu hoạt động mạnh hơn. Khí hậu loại này dễ dàng khiến con người cảm thấy khó chịu, không thoải mái, cũng rất dễ dàng sản sinh ra các loại vi khuẩn gây bệnh khiến con người dễ mắc bệnh, ốm yếu.

Ngũ độc theo quan niệm của người xưa. Ảnh: Qua china.com.vn

Vì thế, cổ nhân gọi tháng 5 là “ác tháng”, “độc tháng”. Trong “Kinh sở tuế thì kí . Ngũ nguyệt” của Lương Tông Lẫm triều Hán, có ghi: “Ngũ nguyệt tục xưng ác nguyệt, đa cấm. Kị bộc sàng tiến tịch, cập kị cái ốc.” Tức là, tháng 5 tục xưng là tháng dữ, tháng xấu và có nhiều cấm kỵ, kỵ phơi cỏ lót giường, kỵ lợp mái nhà.

Trong “Vấn lễ tục” của Đổng Huân, triều nhà Hán viết: “Ngũ nguyệt tục xưng ác nguyệt. Tục đa lục trai phóng sinh.” Tức là, tháng 5 được xưng là tháng xấu, hung dữ, có nhiều tập tục kiêng kỵ như trai giới, phóng sinh.

Bởi vậy, tháng 5 được coi là tháng hung xấu mà ngày 5 tháng 5 lại được coi là ngày hung xấu nhất. Truyền thuyết kể rằng, vào ngày này linh hồn ma quỷ nắm quyền, ngũ độc cũng bùng phát, kiêng kỵ cũng nhiều. Ngoài việc cấm kỵ phơi cỏ lót giường, lợp mái nhà còn có câu ngạn ngữ: “Bất cử ngũ nguyệt tử”, tức là không sinh con vào tháng 5. Những nơi nghiêm ngặt, những đứa trẻ được sinh vào tháng 5 sẽ được gửi đi nơi khác nuôi dưỡng.

Theo “Sử ký. Mạnh Thường Quân” có ghi: Mạnh Thường Quân sinh vào ngày 5 tháng 5. Cha của Mạnh Thường Quân là tướng quốc Điền Anh không cho mẹ ông được nuôi dưỡng ông. Bởi vì theo truyền thuyết lúc ấy, những đứa trẻ sinh vào tháng 5 khi lớn lên thân sẽ cao như cửa nhà, làm hại cha mẹ. Cuối cùng, ông được mẹ nhờ một người hầu nuôi dưỡng đến lúc trưởng thành mới trở về nhận tổ quy tông.

Danh tướng Vương Trấn Ác thời Đông Tấn cũng là đứa trẻ sinh vào ngày 5 tháng 5 và bị coi là điềm xấu. Người nhà thấy vậy vốn là muốn cho ông làm con nuôi người khác nhưng ông nội của ông không đồng ý. Ông nội đã giữ lại và đặt tên cho ông là Trấn Ác, với mong muốn sau này lớn lên sẽ là người ngăn chặn cái ác.

Ngoài ra, Tống Huy Tông Triệu Cát cũng là đứa trẻ sinh vào tháng 5 nên từ nhỏ đã bị gửi ra ngoài cung để nuôi dưỡng.

Dân gian có câu: “Đoan ngọ tiết, thiên khí nhiệt, ngũ độc tỉnh, bất an trữ”, ý là tết Đoan ngọ, thời tiết nóng, ngũ độc bùng phát, gây ra bất an. Bởi vì “ngũ độc” sau này thường lui tới sống trong nhà, trong phòng ở của con người nên làm ảnh hưởng đến sức khỏe và cuộc sống của con người. Vì thế, con người bắt đầu sử dụng các biện pháp phòng chống độc, xua đuổi độc để loại bỏ bệnh hại.

Trong “Dậu dương tạp trở” thời nhà Đường ghi chép lại thì thời nhà Đường người ta có tập tục treo “Ngũ thời đồ”. Tức là treo một tờ giấy có vẽ năm loại độc vật là rắn, bò cạp, rết, con cóc, thạch sùng để xua đuổi ngũ độc. Tương truyền rằng, 5 loại độc trùng này phải đồng thời sống cùng nhau thì mới không tấn công nhau. Cho nên, cổ nhân treo bức tranh này để phòng ngừa độc trùng quấy nhiễu.

Cắt hình “Ngũ độc” (Ảnh: Qua read01.com)

Ngoài ra, trong dân gian mọi người thông thường dán tranh “Ngũ thời đồ” trong bếp, dùng năm cái châm đâm vào “ngũ độc” với ý tứ là diệt trừ “ngũ độc” để chúng không thể làm hại con người.

Cũng có địa phương có tập tục ăn bánh hình “ngũ độc”. Tức là họ làm những chiếc bánh có khắc hình “ngũ độc” trên đó với những màu sắc khác nhau sau đó ăn chiếc bánh đó với hàm ý là khiến cho “ngũ độc” không thể làm hại được con người nữa.

Có nơi, người ta dùng giấy đỏ cắt thành hình những con trong “ngũ độc”, gồm: rắn, bò cạp, thạch sùng, rết, cóc… sau đó dán lên tường, giường tủ, trên cửa sổ, gọi là “cắt ngũ độc” với mục đích xua đuổi độc hại ra khỏi nhà.

Trong dân gian còn có tập tục, đó là lấy một ít khoáng vật màu vàng chuyên dùng để làm thuốc, viết chữ “Vương” lên trán trẻ em. Một là để xua đuổi độc trùng, hai là để trấn tà. (Bởi vì chữ Vương (王) giống với hoa văn của con hổ, mà hổ là vua của các loài vật nên có thể xua đuổi được các loài vật khác). Một số địa phương khác, trẻ em phải mang những chiếc túi, có thêu hình của “ngũ độc”, có ý là lấy độc trị độc, xua đuổi ngũ độc, bảo vệ sức khỏe.

Cho nên, tết Đoan Ngọ ngày xưa, ngoài việc thờ cúng tế tự, tưởng niệm ra còn có hoạt động xua đuổi ngũ độc, phòng chống ôn dịch cũng là điều trọng yếu.

Truyền thuyết về tết Đoan Ngọ.

Theo sử sách ghi chép lại, tết Đoan Ngọ ra đời vào thời kỳ Xuân thu Chiến quốc. Có một số truyền thuyết về nguồn gốc ra đời của tết Đoan Ngọ, nhưng truyền thuyết gắn liền và thường được dân gian nhắc đến nhiều nhất là để tưởng nhớ nhà thơ yêu nước Khuất Nguyên.

Trong “Sử ký” ghi lại, Khuất Nguyên là hiền thần của Sở Hoài Vương thời Xuân thu. Ông có chủ trương liên kết với Tề kháng Tần, khởi xướng việc tiến cử hiền tài, nước giàu binh mạnh nhưng bị nhóm người thuộc tầng lớp quý tộc phản đối. Khuất Nguyên bị gièm pha mà rời chức vị, bị đuổi ra ngoài thành, lưu đày đến đất Nguyên, lưu vực sông Tương. Trong thời gian lưu đày, ông viết các bài thơ lo lắng cho đất nước, nhân dân như “Li Tao”, “Thiên vấn”, “Cửu ca”…

Bởi vì thời ấy, gian thần nắm quyền, lộng hành, nhiễu loạn triều chính, năm 278 TCN quân Tần đánh chiếm nước Sở. Khuất Nguyên mắt thấy đất nước bị xâm chiếm thì trong lòng đau như bị đao cắt nhưng vẫn thủy chung không muốn rời bỏ nước Sở mà đi. Cuối cùng, đúng vào ngày 5 tháng 5, sau khi viết tuyệt bút “Hoài Sa”, ông đã bỏ mình ở sông Mịch La.

Hình ảnh lễ hội đua thuyền rông: Qua pinterest.com

Truyền thuyết kể rằng, sau khi Khuất Nguyên nhảy xuống sông Mịch La, người dân nước Sở vội vã chèo thuyền tới cứu vớt. Không những thế, khi không cứu được Khuất Nguyên, hàng ngàn người dân nước Sở còn chèo thuyền xung quanh sông để xua đuổi cá không cho chúng ăn xác của ông. Về sau, cứ đến ngày 5 tháng 5 người dân lại tổ chức lễ hội đua thuyền rồng để tưởng nhớ tới nhà thơ yêu nước Khuất Nguyên.

Ngoài ra, dân gian kể rằng, sau khi nhà thơ Khuất Nguyên qua đời, người dân nước Sở vô cùng bi thương thống khổ, lần lượt kéo nhau tới bờ sông Mịch La để tưởng nhớ ông. Trong đó, có một ngư dân mang theo cơm nắm đến và ném xuống sông để tôm cá ăn no mà không ăn xác của Khuất Nguyên. Mọi người thấy vậy, ai nấy đều làm theo người ngư dân này. Một vị thầy thuốc già mang theo vò rượu và đổ xuống sông. Ông nói rằng rượu này sẽ làm mê thuồng luồng và thú vật dưới nước để chúng không ăn xác Khuất Nguyên.

Theo thuyết này, nguồn gốc của tết Đoan Ngọ là để tưởng nhớ nhà thơ Khuất Nguyên. Cứ vào ngày ông qua đời này mọi người lại treo cây ngải lên cửa để đón linh hồn ông, làm bánh chưng để cúng thi thể ông, đua thuyền rồng để cứu vớt thân xác ông, lưu truyền mãi liền hình thành Tết Đoan Ngọ. Thuyết này được lưu truyền rất rộng và có ảnh hưởng rất lớn trong lịch sử.

An Hòa (biên dịch và t/h)
Theo: trithucvn