Friday, October 18, 2024

BỨC TRANH "SÓNG LỪNG NGOÀI KHƠI KANAGAWA" ĐẠT CON SỐ "KHỦNG" TẠI PHIÊN ĐẤU GIÁ Ở NEW YORK

Đây là ấn bản in đầu tiên và là một phần trong loạt tranh “36 cảnh núi Phú Sĩ” của bậc thầy ukiyo-e Katsushika Hokusai.

Tác phẩm "Sóng lừng ngoài khơi Kanagawa". Ảnh: Bonhams

Tại Tuần lễ Châu Á ở New York, vào ngày 18/09, Bonhams – Nhà đấu giá tư nhân nổi tiếng đã mang đến bản in đầu tiên vào khoảng năm 1830 - 1831 của bức tranh “Under the Wave off Kanagawa – Sóng lừng ngoài khơi Kanagawa” hay còn được gọi là "The Great Wave off Kanagawa".

Trước buổi đấu giá, tác phẩm được ước tính sẽ thu về từ 700.000 – 800.000 USD. Tuy nhiên thực tế, bức tranh đã được mua với mức giá 889.500 USD.

Sóng lừng ngoài khơi Kanagawa có lẽ là hình ảnh mang tính biểu tượng nhất trong nghệ thuật Nhật Bản. Bức tranh khắc gỗ với hình ảnh những con sóng mạnh mẽ được thể hiện bằng màu chàm và núi Phú Sĩ hùng vĩ ở phía sau là tác phẩm của bậc thầy ukiyo-e vĩ đại Katsushika Hokusai (1760-1849).

Bức tranh này là một phần trong loạt các bản in khắc gỗ ukiyo-e được gọi là “36 cảnh núi Phú Sĩ”, bao gồm nhiều cảnh quan khác nhau trong các mùa và khí hậu khác nhau. Như tên gọi, tất cả các tác phẩm đều mô tả biểu tượng của Nhật Bản - núi Phú Sĩ. Khi Hokusai tạo ra tác phẩm này trong khoảng thời gian từ năm 1830 đến năm 1832, ông đang ở đỉnh cao của sự nghiệp mặc dù ông đã ở độ tuổi bảy mươi.

Một phần của loạt tranh "Ba mươi sáu cảnh núi Phú Sĩ". Ảnh: Kyodo News

Capucine Korenberg, một nhà nghiên cứu tại Bảo tàng Anh, ước tính có tới 8.000 bản in của "Sóng lừng ngoài khơi Kanagawa" có thể đã được tạo ra, phản ánh mức độ phổ biến rộng rãi của nó. Cho đến nay, các học giả đã xác định được 113 bản in được xác thực trong các bảo tàng, phòng trưng bày và bộ sưu tập tư nhân trên toàn thế giới.

Nguồn: Timeout
Theo: kilala



Thursday, October 17, 2024

LOẠI CÂY CAY HƠN CẢ ỚT, TƯỞNG CỎ DẠI NÀO NGỜ VỪA Ủ ĐƯỢC RƯỢU LẠI VỪA LÀM THUỐC

Cây cỏ ớt nước thường được coi là cỏ dại, tưởng vô giá trị nhưng kỳ thật lại mang đến nhiều lợi ích, có ứng dụng rất đa dạng.


Ở khắp các vùng quê Việt Nam, mọi người thường nhìn thấy một loại cây có mùi hương cay nồng đặc trưng, được gọi là cỏ ớt nước (lạt liễu thảo). Đặc điểm nổi bật của loài cây này là vị cay vượt trội so với ớt, đây cũng chính là điều khiến nó trở nên đặc biệt.

Bài viết đăng tải trên Sohu sẽ giúp bạn khám phá những điều kỳ diệu của cỏ ớt nước và lý do tại sao chúng ta nên trân trọng nó.


Cỏ ớt nước là loại cây quen thuộc nhưng không hề tầm thường. Với đặc tính cay nồng nổi bật, cỏ ớt nước được sử dụng trong nhiều lĩnh vực khác nhau.

Một trong những ứng dụng quan trọng nhất của nó là tham gia vào quy trình sản xuất men rượu - yếu tố cốt lõi trong quá trình lên men tạo ra rượu. Thành phần cay trong loài cây này không chỉ mang lại mùi hương độc đáo mà còn giúp rượu trở nên đậm đà hơn. Khi kết hợp cỏ ớt nước với các nguyên liệu khác, người ta có thể tạo ra loại rượu thơm ngon và cảm nhận được sự tinh túy của kỹ thuật ủ rượu.

Cây lạt liễu thảo (辣蓼草)

Loài cây này còn có một ứng dụng thú vị khác, dùng để "làm say cá". Khi thả cỏ ớt nước vào nước, chất cay lan tỏa khiến cá choáng váng, dễ dàng bị bắt. Mặc dù phương pháp này không phổ biến rộng rãi nhưng nó minh chứng cho ứng dụng độc đáo của loài cây này trong tự nhiên.

Theo các sách y học cổ truyền Trung Quốc, giá trị của cỏ ớt nước còn vượt xa các công dụng kể trên. Lạt liễu thảo được cho là có khả năng thanh nhiệt, giải độc, giảm sưng và giảm đau. Nó thường được sử dụng để điều trị một số loại viêm nhiễm, cầm máu, chữa huyết áp cao, thấp khớp, viêm ruột cấp tính, ghẻ lở, mụn nhọt, táo bón, nhiễm giun...


Theo y học cổ truyền Trung Quốc, cây này có khả năng thanh nhiệt, giải độc, giảm sưng và giảm đau.

Khi bạn bắt gặp loài cây này trong tự nhiên, đừng vội bỏ qua. Nó không chỉ là một phần của hệ sinh thái mà còn mang lại nhiều lợi ích trong cuộc sống con người. Dù là trong sản xuất men rượu, bắt cá hay ứng dụng trong y học, cỏ ớt nước đều thể hiện mối liên hệ chặt chẽ với cuộc sống hàng ngày.

Tuy nhiên, chúng ta cũng cần chú trọng bảo vệ môi trường sống của loài cây này. Khi thu hoạch và sử dụng, cần tuân theo các nguyên tắc phát triển bền vững, tránh khai thác quá mức, đảm bảo duy trì cân bằng sinh thái và sự phát triển bền vững trong tương lai.

Tùy Ý (Nguồn: Sohu)
Theo: VTC News
Link tham khảo:




ĐIỆP LUYẾN HOA - CHU THỤC CHÂN


Điệp luyến hoa - Chu Thục Chân

Lâu ngoại thuỳ dương thiên vạn lũ,
Dục hệ thanh xuân.
Thiểu trú xuân viễn khứ,
Do tự phong tiền phiêu liễu nhứ,
Tuỳ xuân thả khán quy hà xứ.

Mãn mục sơn xuyên văn đỗ vũ,
Cánh tác vô tình.
Mạc dã sầu nhân ý,
Bả tửu tống xuân, xuân bất ngữ,
Hoàng hôn dục há tiêu tiêu vũ.


蝶戀花 - 朱淑真

樓外垂楊千萬縷
欲繫青春
少住春遠去
猶自風前飄柳絮
隨春且看歸何處

滿目山川聞杜宇
更作無情
莫也愁人意
把酒送春春不語
黃昏欲下瀟瀟雨


Điệp luyến hoa
(Dịch thơ: Chi Nguyen)

Ngoài hiên tơ liễu buông mành.
Muôn cành trói buộc, xuân xanh qua rồi.
Xuân còn đi nữa hay thôi.?
Phất phơ tơ liễu, bồi hồi gió xuân!
Xuân đi ai níu bước chân.
Non sông một dải, cuốc ngân xa vời.
Vô tình cố ý dong chơi.
Tay nâng chén rượu, tiễn mời xuân qua.
Lòng xuân chẳng ngỏ cùng ta.
Hoàng hôn rớt giọt mưa sa ngoài thềm!


Sơ lược tiểu sử tác giả:

Chu Thục Chân 朱淑真 (có sách chép Chu Thục Trinh 朱淑貞) tự hiệu U Thê cư sĩ 幽棲居士, người Tiền Đường (Giang Tô), sống khoảng năm 1135 đến 1180. Nàng thông đọc sách, làm thơ từ nhỏ, nhưng sớm làm dâu nhà buôn bán, lấy phải người chồng thô bỉ nên sống một đoạn đời buồn nản, uất ức và qua đời sớm. Sau khi nàng qua đời, Nguỵ Thuỵ Lễ ở Uyển Lăng tập hợp các tác phẩm thi từ biên thành Đoạn trường tập 斷腸集 và Đoạn trường từ 斷腸詞, thanh danh ngang với Lý Thanh Chiếu.

Nguồn: Thi Viện



BIN LADEN, GADDAFI ĐỀU CHẾT VÌ ĐIỆN THOẠI DI ĐỘNG!

Trùm khủng bố al-Qaeda Osama bin Laden và cựu Tổng thống Libya Muammar al-Gaddafi đều chết vì những sơ suất khi sử dụng điện thoại di động.


Ngày 4/1, giới chức lãnh đạo quân đội Nga công bố thông tin số quân nhân nước này thiệt mạng trong vụ tấn công của các lực lượng vũ trang Ukraine hôm 1/1 vào khu vực triển khai tạm thời của quân đội Nga tại thị trấn Makeevka (Makiivka), đã lên tới con số 89 người.

Vụ tấn công được thực hiện từ hệ thống tên lửa phóng loạt M142 HIMARS - loại vũ khí được coi là hiện đại nhất mà Mỹ cung cấp cho quân đội Ukraine, vào điểm triển khai quân Nga tại một trường cao đẳng dạy nghề ở thị trấn Makeevka, thuộc vùng lãnh thổ của Cộng hòa Nhân dân Donetsk (DPR, mới được Nga sáp nhập vào lãnh thổ của mình hồi tháng 9/2022).

Theo đó, Quân đội Ukraine đã phóng một loạt 6 tên lửa, 2 trong số đó đã bị lực lượng phòng không Nga bắn hạ, nhưng 4 quả tên lửa mang đầu đạn nổ mạnh đã đánh trúng khu nhà quân Nga đang trú đóng, gây ra sự việc thảm khốc trên.

Trong bài viết trước với tiêu đề: “Kẻ giết người thầm lặng khiến 89 binh sĩ Nga thiệt mạng” chúng ta đã biết được rằng, nguyên nhân khiến lực lượng Ukraine có thể đánh trúng các tòa nhà trú quân là do binh sĩ Nga đã sử dụng điện thoại di động để liên lạc trong thời điểm năm mới, khiến đối phương có thể định vị và xác định chính chính xác vị trí của họ.

Với các phương tiện tình báo điện tử và chặn thu vô tuyến hiện đại ngày nay, dù sử dụng một chiếc di động thông minh (Smartphone) hay một chiếc di động dạng cục gạch thì các cơ quan tình báo đối phương vẫn có nhiều cách thu thập thông tin để xác định chính xác vị trí của bạn.

Binh sĩ Nga dùng điện thoại đã tự bộc lộ vị trí trú quân của mình tại tòa nhà của trường dạy nghề ở Makeevka

Trên thực tế, các cơ quan tình báo nước ngoài, đặc biệt là Nga, Mỹ, Israel…, đã nhiều lần lợi dụng các cuộc gọi điện thoại để lần tìm ra các đối tượng khủng bố cần truy nã và tiêu diệt. Chúng ta có thể tìm hiểu về vấn đề này thông qua các sự kiện tiêu biểu sau:

Osama bin Laden chết vì cuộc điện thoại của liên lạc viên

Một trong những sự kiện nổi bật nhất đầu thế kỷ 21 là việc trùm khủng bố quốc tế al-Qaeda là Osama bin Laden đã bị đặc nhiệm Mỹ tập kích giết chết tại một thành phố khu vực đông bắc Afghanistan ngày 01/05/2011, trong “Chiến dịch Neptune's Spear” (Operation Neptune Spear), còn được biết với tên gọi “Chiến dịch Abbottabad”.

Gần 10 năm sau vụ tập kích khủng bố Mỹ ngày 11/09/2001, nơi ẩn núp và hành tung của trùm khủng bố quốc tế là Osama bin Laden luôn được giữ tuyệt mật, binh lính và thậm chí là quan chức cao cấp của tổ chức khủng bố này cũng chẳng biết là ông ta lẩn trốn nơi nào.

Thế nhưng, lực lượng đặc nhiệm Mỹ đã tìm ra manh mối về địa điểm lẩn trốn của Osama từ một cuộc điện thoại được gọi vào năm 2010 của chính liên lạc viên được ông ta tin cậy nhất là Ahmed bin Laden.

Cơ quan tình báo Mỹ suy đoán, bin Laden thường chuyển các chỉ thị cho cấp dưới và đưa ra các tuyên bố với thế giới nên chắc chắn phải có người đại diện phát ngôn, có người liên lạc, mà đó tất nhiên phải là người cực kỳ tin cẩn, ở gần với ông ta và Ahmed bin Laden là một trong số đó.

Osama Bin Laden chết vì cuộc điện thoại của liên lạc viên (Ảnh: Địa điểm lẩn trốn của thủ lĩnh al-Qaeda tại Abbottabad - Pakistan)

Năm 2010, Mỹ đã bắt được một cuộc điện thoại của Ahmed với kẻ tình nghi khủng bố khác. Tuy địa điểm mà anh ta thực hiện cuộc đàm thoại không phải chính xác là nơi bin Laden ẩn náu, nhưng cơ quan tình báo Mỹ chắc chắn rằng, nó sẽ không xa nơi trú ẩn của ông ta.

Qua việc định vị địa điểm của Ahmed, cơ quan tình báo Mỹ CIA cũng đã khoanh vùng được khu vực lẩn trốn của Osama bin Laden là ở gần Thị trấn Bilal, Abbottabad, thuộc Pakistan. Nhiệm vụ tiếp theo tất nhiên sẽ thuộc về lực lượng đặc nhiệm Mỹ và các nhân viên tình báo người bản xứ.

Muammar al-Gaddafi chết vì lời phát biểu trên điện thoại vệ tinh

Sau cái chết của Osama bin Laden gần nửa năm, một nhân vật nổi tiếng khác là Tổng thống Libya Muammar al-Gaddafi đã bị bắn chết, sau khi bị bắt sống ở ngoại ô thành phố Sirte vào ngày 20/10/2011.

Nhật báo Anh “Daily Telegraph” tiết lộ, nguyên nhân gián tiếp dẫn đến cái chết của ông bắt nguồn từ một cuộc điện thoại.

Vào khoảng 8h30 sáng 20/10, khi thành phố quê hương và cũng là thành trì cuối cùng sắp bị thất thủ trong cuộc nổi dậy của phe đối lập dưới sự hậu thuẫn của Mỹ và đồng minh, ông Gaddafi vội vã rút lui ra ngoại ô thành phố Sirte cùng đoàn xe tùy tùng khoảng hơn 100 chiếc.

Trên đường tháo chạy, Tổng thống Gaddafi đã ghi âm lời phát biểu của mình sau đó chuyển trực tiếp cho các kênh truyền thông bằng điện thoại vệ tinh.

Ông Gaddafi đã chết sau khi phát lời kêu gọi bằng điện thoại vệ tinh

Giọng nói của ông lập tức bị các thiết bị đặc biệt ghi lại và phân tích, đối chiếu. Sau khi xác thực, nhân viên giám sát khẩn cấp chuyển thông tin tình báo cực kỳ quan trọng này đến Sở chỉ huy tiền phương của Bộ Tham mưu Liên quân, và khu vực này ngay lập tức đã bị khóa chết.

Ngay sau đó, hàng chục tốp máy bay của Mỹ, Anh, Pháp từ mọi hướng tập trung đánh chặn con đường tháo chạy của đoàn xe rút lui. Kế hoạch đào tẩu bị tan vỡ, ông Gaddafi bị vây hãm và sau đó bị bắt, rồi bị giết như chúng ta đã biết.

Nếu vào thời điểm đó ông Gaddafi không cho phát lời hiệu triệu hoặc trong tay ông ta chẳng có chiếc điện thoại di động nào, nhà lãnh đạo Libya có thể đã chạy thoát và không chết và biết đâu lịch sử đã không rẽ sang hướng khác?

Hai thủ lĩnh “phiến quân” chết dưới tay Nga vì điện thoại di động

Trong cuộc chiến Chechnya lần thứ nhất (từ tháng 12/1994 đến tháng 8/1996), tổng thống đầu tiên của Cộng hòa Chechnya là Dzhokhar Dudaev tuy đã thoát được rất nhiều cuộc vây ráp của cơ quan an ninh Liên bang Nga, nhưng cũng phải chết vì tên lửa chống bức xạ dò tìm sóng điện thoại di động.

Tổng cục An ninh Liên bang Liên bang Nga (FSB) đã chi 1 triệu USD cho mật vụ người Chechnya mua được một thông tin quý báu là Dzhokhar Dudaev thường sử dụng điện thoại vệ tinh để liên lạc.

Thủ lĩnh phiến quân Chechnya Dzhokhar Dudaev thiệt mạng khi đang gọi điện thoại vệ tinh

Người Nga ngay lập tức chi 1,2 triệu USD để lắp đặt thiết bị dò tìm và định vị sóng điện thoại vệ tinh trên máy bay chỉ huy và cảnh báo sớm trên không Beriev A-50 Shmel (NATO định danh là “Mainstay”).

Bắt đầu từ chiều 21/4/1996, một chiếc A-50 quần thảo trên bầu trời Chechnya ở độ cao 22 km; đến rạng sáng 22/04 thì chiếc máy bay do thám của Nga bắt được sóng điện thoại của Dudaev.

Lúc đó, Dudaev đang trốn chạy cùng 4 nhân viên tùy tùng thì dừng xe ở một khu vực hoang vắng ở gần làng Gekhi-Chu (phía tây Chechnya) để gọi điện liên lạc với nhà trung gian hòa giải đang thường trú ở Moscow là ông Ruslan Khasbulatov - cựu chủ tịch Duma quốc gia (Hạ viện) Nga.

Chiếc máy bay do thám sau khi xác thực điện thoại của Dudaev đã lập tức sử dụng hệ thống định vị toàn cầu để xác định vị trí và phương hướng di chuyển của ông ta và truyền dẫn số liệu về cho Bộ chỉ huy.

Khoảng 4h sáng 22/04/1996, hai chiếc máy bay cường kích Sukhoi Su-25 cất cánh từ sân bay Mozdok ở Bắc Ossetia và sau vài phút đã bay đến gần làng Gekhi-Chu, nơi đoàn xe của Dudaev đang dừng chân và phóng ra 2 quả tên lửa chống bức xạ từ khoảng cách 40km.

Tên lửa tự động dò tìm tần số của nguồn phát xạ sóng điện thoại đã được máy bay dự cảnh cung cấp rồi lao đến mục tiêu. Một quả không nổ nhưng chỉ một quả còn lại cũng đủ khiến cho Dudaev - người đang trực tiếp gọi điện, và cả 4 cận vệ chết ngay tại chỗ.

Aslan Maskhadov chết vì thủ hạ sử dụng điện thoại quá nhiều (Ảnh: Cầu thang dẫn xuống căn hầm Maskhadov ẩn náu và xe bọc thép của FSB tiến vào làng Tolstoy-Yurt)

Tám năm sau đó, điện thoại di động cũng là nguyên nhân gây ra cái chết của cựu tổng thống kế nhiệm tự phong của Chechnya là Aslan Maskhadov.

Sau những cuộc thương thảo với an ninh Nga vào mùa thu năm 2004, mỗi ngày những trợ lý của Maskhadov thực hiện vài cú điện thoại nói chuyện với các đại diện của mình ở nước ngoài, với các thủ lĩnh nhóm phiến quân ở khu vực Bắc Kavkaz và cũng gửi đi rất nhiều tin nhắn.

FSB đã chặn thu được các cuộc điện thoại, từ đó lần ra tung tích của thủ lĩnh phiến quân đang ẩn náu trong một boongke kiên cố ở ngôi làng Tolstoy-Yurt Aslan Maskhadov ở miền bắc Chechnya, gần thủ phủ Grozny. Lực lượng đặc nhiệm FSB đã sử dụng xe bọc thép tấn công ngôi làng và giết chết Maskhadov.

Lời kết: Mặc dù điện thoại di động là con dao hai lưỡi nhưng nếu có các quy định chặt chẽ và sử dụng các mạng truyền dẫn dữ liệu có mức độ bảo đảm an ninh cao thì chiếc smartphone sẽ có những công dụng tuyệt vời, thậm chí là vật bất ly thân, trở thành “người bảo vệ” cho binh sĩ trên chiến trường.

Điều này chúng ta có thể tìm hiểu được trong bài viết sau, khi xem xét việc sử dụng điện thoại di động của binh sĩ Mỹ, với những ứng dụng liên kết và các hệ thống truyền dẫn dữ liệu quân sự có độ an toàn cao, trong hệ thống tác chiến cấp chiến thuật của quân đội Mỹ.

Nguyễn Ngọc
Theo: Giáo dục Thời đại 
Link tham khảo:



VÌ SAO ANH EM RỂ ĐƯỢC GỌI LÀ ANH EM CỘT CHÈO?

Câu “chị em bạn dâu, anh em cột chèo” dùng chỉ những người cùng là dâu hoặc là rể trong một nhà, chị em bạn dâu thì dễ hiểu, còn "cột chèo" có nghĩa gì?


Trong tiếng Việt, cả 2 cụm từ “anh em cột chèo” (hoặc "anh em cọc chèo") và “anh em đồng hao” đều để nói về những người đàn ông cùng làm rể trong một gia đình, có nghĩa vợ của họ là chị em ruột.

Vì sao gọi là anh em cột chèo?

Từ "cọc chèo" hay "cột chèo" dùng để chỉ chiếc cột ở mạn thuyền dùng để buộc mái chèo. Cột chèo được đóng vào mũi, lái của xuồng ghe, làm trụ để mắc chèo vào. Thường đã là mối buộc thì phải chắc chắn, nhưng mối buộc ở cọc chèo lại rất lỏng lẻo, cốt để cho mái chèo dễ dàng khua trong nước, cũng như mối quan hệ anh em rể thường không quá gắn bó với nhau.

Cách gọi "anh em cột chèo" mang đậm dấu ấn sông nước được cho là xuất phát từ cuộc sống của người miền Nam, nơi có nhiều sông, kênh rạch, việc di chuyển bằng xuồng, ghe rất phổ biến.

Về cụm từ "anh em đồng hao", nhiều người giải thích rằng đồng hao" là tên một loại rau dại có rễ mọc rất nông, rất dễ nhổ, chỉ cần kéo nhẹ đã có thể làm bật gốc cả nắm. Hình ảnh này cũng ngụ ý mối quan hệ giữa hai anh em rể rất lỏng lẻo, có thể dễ dàng tách nhau. Đây là cách gọi của người miền bắc, nơi có nhiều loại rau này.

Trên thực tế, mối quan hệ giữa các anh em rể trong gia đình Việt Nam không gắn bó chặt chẽ bằng chị em dâu. Người Việt có câu "dâu con rể khách"; các nàng dâu có rất nhiều nghĩa vụ với nhà chồng nên sẽ gặp gỡ, tiếp xúc thường xuyên hơn trong cả ngày thường lẫn khi nhà có việ, có nhiều tương tác và cũng ảnh hưởng đến cuộc sống của nhau nhiều hơn. Trong khi đó, con rể thường ít nghĩa vụ, ít có dịp xuất hiện cùng nhau hơn nên quan hệ cũng lỏng lẻo.

Tuy nhiên điều này cũng chỉ là tương đối, quan hệ gia đình thân thiết hay lạnh nhạt còn tùy thuộc vào cách đối nhân xử thế trong từng nhà. Ở nhiều gia đình, các anh em cọc chèo thực sự là bạn bè, anh em thân thiết, cùng nhau vun đắp đại gia đình ấm cúng, chia nhau gánh vác những việc khó khăn khi cha mẹ vợ cần.

Vì sao anh em rể được gọi là anh em cột chèo?

Trong lịch sử Việt Nam có một cặp anh em cọc chèo nổi tiếng và là hai vị vua, đó là Gia Long (Nguyễn Ánh) và Quang Trung (Nguyễn Huệ). Vợ họ đều là con gái vua Lê Hiển Tông. Trong đó, công chúa Ngọc Hân được gả cho Nguyễn Huệ, khi ông lên ngôi phong bà làm Hữu cung Hoàng hậu và sau khi đại phá quân Thanh lại phong là Bắc cung Hoàng hậu.

Còn em gái út cùng cha khác mẹ với bà, công chúa Lê Ngọc Bình, được gả cho vua Cảnh Thịnh (Nguyễn Quang Toản, con vua Quang Trung). Khi nhà Tây Sơn mất, vua Gia Long nạp Lê Ngọc Bình vào cung, phong làm Chiêu nghi. Bà sinh được hai hoàng tử là Quảng Uy công Nguyễn Phúc Quân, Thường Tín công Nguyễn Phúc Cự và 2 công chúa là Ngọc Khuê và Ngọc Ngôn. Bà mất năm 25 tuổi, được vua Gia Long truy phong là phi, ban thụy Cung Thận Đức phi.

Hoàng Hà (Tổng hợp) / Theo: VTCNews

Wednesday, October 16, 2024

ĐIỀU ĐẶC BIỆT PHÍA SAU CHIẾC DƯƠNG CẦM ĐẦU TIÊN TẠI TÒA BẠCH ỐC

Cảm hứng thơ ca của họa sỹ Thomas Wilmer Dewing dành cho cây đàn dương cầm đầu tiên của Tòa Bạch Ốc bắt nguồn từ những bộ sử thi Hy Lạp cổ đại và chín Nữ Thần Muse.

Cây dương cầm đầu tiên của Tòa Bạch Ốc do Hãng Steinway & Sons sản xuất, có bức tranh “America Receiving the Nine Muses” (Mỹ Quốc Chào Đón Chín Nữ Thần Muse) của họa sỹ Thomas Wilmer Dewing bên trong nắp đàn. (Ảnh: Được Mr.TinMD/CC BY-ND 2.0 chỉnh sửa màu sắc)

Năm 1903, Hãng Steinway & Sons đã tặng một cây đại dương cầm cho Tổng thống Theodore Roosevelt. Cây đàn được đặt làm cho Phòng Đông của Tòa Bạch Ốc. Cây đàn Steinway của ngài Roosevelt là cây dương cầm chính của vị tổng thống cho đến năm 1938, khi nó được quyên tặng cho Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Hoa Kỳ Smithsonian. Cây đàn này từng chứng kiến nhiệm kỳ của các vị Tổng thống Roosevelt, William H. Taft, Woodrow Wilson, Warren G. Harding, Calvin Coolidge, Herbert Hoover, và Franklin D. Roosevelt.

Cây đàn được ông R. H. Hunt và ông J. H. Hunt thiết kế, hộp đàn mạ vàng được ông Juan Ayuso — một công dân Pháp sinh ra ở thành phố Bordeaux có cha mẹ là người Tây Ban Nha — chạm khắc tinh xảo. Ông tỉ mỉ khắc con dấu của 13 thuộc địa Mỹ thời đầu, bằng kỹ thuật ghép gỗ (marquetry) xung quanh thân đàn. Giới tinh hoa giàu có tha thiết muốn sở hữu những cây đàn dương cầm của Hãng Steinway được ông Ayuso chạm khắc: ông F.W. Woolworth (nhà sáng lập công ty F. W. Woolworth và chuỗi cửa hàng “Five-and-Dimes”), và các ông trùm kinh doanh của Hoa Kỳ như ông George J. Gould và ông Cornelius Vanderbilt đều từng ủy thác cho ông Ayuso chạm khắc hộp đàn dương cầm ở dinh thự của mình.

Năm 1897, nhà thiết kế nội thất người Mỹ Joseph Burr Tiffany (người sáng lập Hãng Trang sức Tiffany & Co) trở thành giám đốc bộ phận đàn dương cầm nghệ thuật của Hãng Steinway & Sons. Ông đã ủy thác cho họa sỹ người Mỹ Thomas Wilmer Dewing (1851–1938) vẽ phần nắp bên trong cây đàn dương cầm của Tòa Bạch Ốc.

Một chi tiết trên cây dương cầm đầu tiên của Tòa Bạch Ốc do Hãng Steinway & Sons sản xuất, có bức tranh “America Receiving the Nine Muses” (Mỹ Quốc Chào Đón Chín Nữ Thần Muse) của họa sỹ Thomas Wilmer Dewing bên trong nắp đàn. (Ảnh: Được Mr.TinMD/CC BY-ND 2.0 chỉnh sửa màu sắc)

Để phù hợp với tinh thần ái quốc được truyền tải thông qua các biểu tượng như tấm khiên, chim đại bàng, vòng hoa lễ hội, và con dấu của các thuộc địa Mỹ thời đầu, họa sỹ Dewing đã vẽ một cảnh tượng phúng dụ khi Mỹ quốc chào đón chín Nữ Thần Muse.

Chín Nữ Thần Muse của Hy Lạp

Trong bài thơ sử thi “Theogony” (Thần Phả) của thi hào Hesiod (thế kỷ thứ 7 trước Công Nguyên), các Nữ Thần Muse được giới thiệu là con gái của Nữ Thần Ký ức Mnemosyne, và Thần Zeus, Vua của các vị Thần. Theo thi hào Hesiod, Thần Zeus đã ở cùng Nữ Thần Titan Mnemosyne tại Pieria trong chín đêm, và sinh ra chín Nữ Thần Muse.

Các Nữ Thần Muse đại diện cho các môn khoa học, văn học, và nghệ thuật. Họ đóng vai trò là hiện thân tượng trưng của nguồn cảm hứng cho các tác phẩm văn hóa vĩ đại. Điều quan trọng là Nữ Thần Ký ức, một vị Thần Titan, là mẫu thân của các Nữ Thần Muse. Trong một xã hội cổ đại mà hầu hết người dân đều không biết chữ, thì trí nhớ chính là yêu cầu đầu tiên để đọc thuộc lòng các tác phẩm thơ ca lỗi lạc.

Mở đầu các tác phẩm thơ ca của mình, các thi sỹ thời xưa thường khẩn cầu các Nữ Thần Muse giúp họ nhớ lại những thiên sử thi anh hùng. Qua đó, việc khẩn cầu Nữ Thần Muse sẽ chứng minh rằng, người kể chuyện đang sáng tác trong truyền thống thơ ca.

Bức tranh “Calliope Mourning Homer” (Nàng Calliope Khóc Thương Thi Hào Homer) của họa sỹ Jacques-Louis David, năm 1812. Sơn dầu trên vải canvas. Bảo tàng Nghệ thuật Harvard, Cambridge. (Ảnh: Tư liệu công cộng)

Những dòng đầu tiên trong tác phẩm “Iliad” (thế kỷ thứ 8 trước Công Nguyên) của đại thi hào Homer — thiên sử thi Hy Lạp kể về chàng chiến binh lừng danh Achilles trong Cuộc chiến Thành Troy — mở đầu bằng câu, “Hỡi Nữ Thần, cơn thịnh nộ đang cất tiếng hát,” là lời khẩn cầu gửi đến Nữ thần Calliope, đại diện cho thơ sử thi. Các Nữ Thần Muse đóng vai trò là nguồn sức mạnh của ký ức, hoàn thành sứ mệnh của mình với tư cách là những nguồn cảm hứng thơ ca.

Cảm hứng sáng tạo — một hiện tượng vô hình và siêu việt từng làm say mê các nghệ sỹ suốt nhiều thế kỷ, vừa là động lực vừa là kết quả của những trải nghiệm với nghệ thuật vĩ đại. Các Nữ Thần Muse tượng trưng cho hiện tượng này. Vì vậy, thật hợp lý khi từ “museum” (bảo tàng) bắt nguồn từ chữ “muse,” bởi vì các viện bảo tàng vừa là nơi tiếp nhận và trưng bày những hiện vật được hình thành từ cảm hứng, vừa là nơi tạo điều kiện thuận lợi cho cảm hứng sáng tạo nảy sinh thông qua các tác phẩm nghệ thuật. Cách sử dụng từ “nàng thơ” (muse) trong thời hiện đại của chúng ta còn chắt lọc khái niệm cổ xưa hơn nữa, khi miêu tả về người truyền cảm hứng cho động lực sáng tạo, thường mang tính lãng mạn hoặc bắt nguồn từ sự kính phục.

Vào thời cổ đại, tên gọi và số lượng của các Nữ Thần Muse sẽ khác nhau tùy theo khu vực. Có chín Nữ Thần Muse trong thời kỳ Cổ điển (Classical) ở Hy Lạp cổ đại. Họ thường được khắc họa đầy tính nghệ thuật với các biểu tượng liên quan. Nàng Calliope, Nữ Thần về thơ sử thi, cầm trên tay một cuộn giấy, cây bút, hoặc tấm bảng, trong khi đó nàng Euterpe, Nữ Thần về âm nhạc và thơ ca, thường được khắc họa với một cây kèn aulos — một loại nhạc cụ hơi của Hy Lạp cổ đại giống như sáo. Nàng Polyhymnia, Nữ Thần về tài hùng biện và thánh thi/thánh ca, đeo tấm mạng che mặt hoặc cầm chùm nho. Nàng Erato, Nữ Thần về thơ trữ tình và luyến ái, thường được khắc họa bên cạnh Thần tình yêu Eros có cánh, hoặc đang chơi đàn cithara — một loại nhạc cụ dây của Hy Lạp cổ đại giống như đàn lia, còn nàng Terpsichore, Nữ Thần về vũ đạo và hợp xướng, cầm theo một phím gảy đàn hoặc cây đàn lia.

Mỗi Nữ Thần Muse sẽ đeo hoặc cầm một chiếc mặt nạ bi hoặc hài kịch tương ứng với mình: Nàng Thalia, Nữ Thần về hài kịch và thơ điền viên, và nàng Melpomene, Nữ Thần về bi kịch. Nàng Thalia còn được khắc họa cùng cây gậy của người chăn cừu hoặc vòng dây thường xuân, trong khi đó nàng Melpomene đôi khi cầm một thanh gươm, cây chùy, hoặc mang giày kothornos — một loại giày ống có dây buộc thời Hy Lạp cổ đại. Nàng Clio, Nữ Thần về lịch sử, cầm một cuốn sách, cuộn giấy, hoặc vòng nguyệt quế, trong khi nàng Urania, Nữ Thần về thiên văn học và chiêm tinh học, thường được thấy đội vương miện có các vì sao, hoặc cầm một chiếc compa và quả cầu.

Các Nữ Thần Muse (từ trái sang phải): Nàng Calliope, Thalia, Terpsichore, Euterpe, Polyhymnia, Clio, Erato, Urania, và Melpomene được khắc trên quách đá “Muses Sarcophagus,” thế kỷ thứ 2. Bảo tàng Louvre, Paris. (Ảnh: Tư liệu công cộng)

Các Nữ Thần Muse sống trên Núi Helicon ở Boeotia, Hy Lạp, cùng với Thần Apollo — vị Thần Hy Lạp-La Mã cai quản ánh sáng, các lĩnh vực thơ ca, âm nhạc, và vũ đạo.

Thần Apollo và các Nữ Thần Muse xuyên suốt lịch sử nghệ thuật

Bức tranh “The Parnassus” của danh họa Raphael, năm 1511, trong Phòng Raphael tại Bảo tàng Vatican. (Ảnh: Tư liệu công cộng)

Danh họa thời kỳ Phục hưng Raphael (1483-1520) vẽ bức tranh “The Parnassus” tại Stanza della Segnatura (Phòng Raphael) ở Cung điện Vatican, Rome. Bức bích họa miêu tả Thần Apollo đang chơi một loại nhạc cụ thời kỳ Phục hưng, xung quanh ông là chín Nữ Thần Muse. Khung cảnh diễn ra trên đỉnh Núi Parnassus huyền thoại, từng được cho là nơi Thần Apollo cư ngụ. Bức tranh khắc họa một nhóm chín thi nhân thời cổ đại, chín thi nhân đương thời, và chín Nữ Thần Muse đang vây quanh Thần Apollo. Được Giáo hoàng Julius II đặt vẽ, bốn bức tường ở Stanza della Segnatura minh họa bốn lĩnh vực tri thức của nhân loại: tôn giáo, triết học, thơ ca, và luật pháp — cùng bức tranh “Parnassus” tượng trưng cho thơ ca.

Bức tranh sơn dầu “Apollo and the Muses on Mount Parnassus” (Thần Apollo và Các Nữ Thần Muse Trên Núi Parnassus) của họa sỹ Nicolas Poussin (1594-1665), lấy cảm hứng từ bức bích họa của danh họa Raphael và cũng khắc họa chủ đề tương tự. Chín Nữ thần Muse vây quanh Thần Apollo, bên cạnh đó là thi hào Homer, thi hào Virgil, và một số thi nhân khác tề tựu bên bờ Suối Castalia.

Bức tranh “Parnassus” của họa sỹ Nicolas Poussin, khoảng năm 1630 đến năm 1631. Sơn dầu trên vải canvas. Bảo tàng Prado, thành phố Madrid. (Ảnh: Tư liệu công cộng)

Trong khung cảnh mà họa sỹ Poussin tái hiện, Thần Apollo đang ngồi và để ngực trần với tấm vải phủ lên đôi chân, xung quanh ngài là chín Nữ Thần Muse. Giống như trong bức bích họa của danh họa Raphael, nguồn cảm hứng sáng tạo mang tính phúng dụ có thể dễ dàng được nhận thấy thông qua những thuộc tính biểu tượng của các nhân vật. Nàng Melpomene vận áo choàng màu nâu sẫm (một loại áo choàng hoặc khăn choàng không tay mà đàn ông và phụ nữ Hy Lạp mặc, có tác dụng như khăn choàng hoặc áo khoác hiện đại), tay trái cầm một con dao găm nhọn mạ vàng và tay phải cầm chiếc mặt nạ bi kịch. Nàng Euterpe mặc áo chiton dài màu vàng kim (kiểu áo dài buộc vai của Hy Lạp cổ đại), tay trái nắm chặt cây sáo bè (panpipes).

Năm 1916, Bảo tàng Mỹ thuật Boston ủy quyền cho họa sỹ John Singer Sargent (1856–1925) thiết kế và trang hoàng mái vòm của bảo tàng này. Sau một sự nghiệp vô cùng lừng lẫy với tư cách là một trong các họa sỹ vẽ chân dung hàng đầu thế kỷ 19, ông Sargent khi đó vừa hoàn thành một ủy thác đáng mơ ước khi trang trí các đại sảnh uy nghi tráng lệ của Thư viện Công cộng Boston bằng một loạt tranh tường mà ông gọi là “Triumph of Religion” (Sự Khải Hoàn của Tôn Giáo) (1895–1919). Đối với Bảo tàng Mỹ thuật Boston, ông đã nảy ra ý tưởng vẽ một loạt tranh tường như một hành động nhằm tôn vinh nghệ thuật, gắn liền với các chủ đề từ thế giới cổ đại và thần thoại cổ điển.

Bức tranh “Apollo and the Muses” (Thần Apollo và Các Nữ Thần Muse) của họa sỹ John Singer Sargent, năm 1921. Sơn dầu trên vải canvas. Bảo tàng Mỹ thuật Boston. (Ảnh: Tư liệu công cộng)

Khi đặt cạnh bức tranh “The Parnassus” của danh họa Raphael, bức tranh “Apollo and the Muses” (Thần Apollo và Các Nữ Thần Muse) của họa sỹ Sargent rõ ràng là đang đối thoại với loạt tranh bích họa của Ý. Tuy nhiên, với cùng một chủ đề được đơn giản hóa theo cách hiện đại, ông Sargent đã giản lược sự đa dạng về màu sắc trên y phục của các nhân vật, khắc họa tất cả họ trong trang phục xếp nếp màu kem, và lược bỏ các biểu tượng đặc trưng của họ. Nhờ những hiểu biết trực quan tích lũy được sau nhiều thế kỷ thể hiện nghệ thuật trước đó, ông Sargent tự do đơn giản hóa biểu tượng của các Nữ Thần Muse mà không làm mất đi mối liên kết chủ đề ngay lập tức [với khán giả] ở thế kỷ 20.

Thần Apollo — nhân vật trung tâm — đứng giữa vòng tròn các Nữ Thần Muse đang nhảy múa, tay trái của ông nâng niu cây đàn lia, còn tay phải giơ lên cao trong một cử chỉ đầy thư thái và tự tin. Theo nhịp chuyển động, vòng xoắn vải trên những chiếc váy mỏng manh của các Nữ thần Muse tăng thêm tính chuyển động tròn, đầy mê hoặc cho bố cục. Bức tranh chỉ có hai màu, các nhân vật có nước da màu kem hoặc sáng nổi bật trên nền xanh lam phẳng, gợi nhớ đến kiểu trang sức chạm nổi (cameo).

Chín Nữ Thần Muse của họa sỹ Dewing

Mặt trong nắp đàn có bức tranh “America Receiving the Nine Muses” (Mỹ Quốc Chào Đón Chín Nữ Thần Muse) của họa sỹ Thomas Wilmer Dewing. Bảo tàng Nghệ thuật Hoa Kỳ Smithsonian, Hoa Thịnh Đốn. (Ảnh: Được Mr.TinMD/CC BY-ND 2.0 chỉnh sửa màu sắc)

Sau khi thưởng lãm các bức tranh tái hiện Nữ Thần Muse trong nhiều truyền thống nghệ thuật khác nhau, chúng ta có thể chiêm ngưỡng các Nữ Thần Muse của họa sỹ Dewing bằng nhãn quan mới mẻ. Họa sỹ vẽ màu trung tính (tonalist) đã tiến một bước xa hơn từ truyền thống mỹ học xoay quanh quá trình miêu tả Nữ Thần Muse. Để phù hợp với chủ đề về nước Mỹ, ông Dewing thay thế Thần Apollo bằng hình tượng nữ nhân đại diện cho Mỹ quốc, người ngồi ở ngoài cùng bên trái. Bên cạnh đó, ông còn phá vỡ truyền thống miêu tả các Nữ Thần Muse vận trang phục xếp nếp kiểu Hy Lạp, và để các nữ nhân vật của mình diện váy dạ hội theo phong cách Phục hưng thuộc địa (Colonial revival).

Bằng việc đặt Mỹ quốc vào không gian mà Thần Apollo thường ngự trị, và để các Nữ Thần Muse của Hy Lạp đồng hóa với ngôn ngữ thời trang của thuộc địa Mỹ, họa sỹ Dewing đã du nhập truyền thống nghệ thuật Hy Lạp vào Tân thế giới. Mỹ quốc, thay vì Hy Lạp, trở thành nơi tiếp quản văn hóa cổ điển. Sự dung nhập này được thể hiện trong tiêu đề của bức tranh “America Receiving the Nine Muses” (Mỹ Quốc Chào Đón Chín Nữ Thần Muse). Vào lúc mở nắp cây đàn dương cầm đầu tiên của tổng thống, những người có mặt tại Phòng Đông của Tòa Bạch Ốc được chiêm ngưỡng cảnh tượng rực rỡ khi Mỹ quốc chào đón sự phong phú của nền nghệ thuật Tây phương kinh điển.

Cây dương cầm đầu tiên của Tòa Bạch Ốc do Hãng Steinway & Sons sản xuất có bức tranh “America Receiving the Nine Muses” (Mỹ Quốc Chào Đón Chín Nữ Thần Muse) của họa sỹ Thomas Wilmer Dewing bên trong nắp đàn. (Ảnh: Được Mr.TinMD/CC BY-ND 2.0 chỉnh sửa màu sắc)

Hữu Minh biên dịch
Theo: epochtimesviet
Link tham khảo:




TƯƠNG KIẾN HOAN KỲ 1 - LÝ DỤC


Tương kiến hoan kỳ 1 - Lý Dục

Lâm hoa tạ liễu xuân hồng,
Thái thông thông.
Vô nại triêu lai hàn vũ,
Vãn lai phong.

Yên chi lệ,
Tương lưu tuý,
Kỷ thời trùng.
Tự thị nhân sinh trường hận,
Thuỷ trường đông.


相見歡其一 - 李煜

林花謝了春紅
太匆匆
無奈朝來寒雨
晚來風

胭脂淚
相留醉
幾時重
自是人生長恨
水長東


Tương kiến hoan kỳ 1
(Dịch thơ: Chi Nguyen)

Hoa tàn liễu đã rụng bông.
Ai hay gấp gáp, xuân nồng trôi qua.
Sớm mai mưa lạnh hiên nhà.
Đến chiều gió nổi, nhạt nhòa phấn son.
Bao giờ gặp lại cho tròn.
Uống say tiễn biệt, lòng còn nhớ nhau.
Nhân sinh hận mãi về sau.
Xuôi theo dòng nước, làu làu về đông.


Sơ lược tiểu sử tác giả:

Lý Dục 李煜 (937-978) tự Trùng Quang 重光, tự hiệu là Chung sơn ẩn sĩ 鍾山隱士, Chung phong ẩn sĩ 鍾峰隠者, Bạch liên cư sĩ 白蓮居士, Liên phong cư sĩ 蓮峰居士, người đời quen gọi là Nam Đường Hậu Chủ 南唐後主 hay Lý Hậu Chủ 李後主. Ông là người nhân huệ minh mẫn, văn hay hoạ khéo, biết âm luật. Phủ khố Giang Nam có thu tàng tác phẩm thư hoạ của ông rất nhiều.

Nam Đường bị nhà Tống diệt, phong ông làm An Mệnh hầu, sau lại bị Tống Thái Tổ cho uống thuốc độc chết. Miền Giang Nam được tin Hậu Chủ chết, các phụ lão đều thương khóc.

Hậu Chủ lúc chưa mất nước sinh hoạt rất hào hoa nên từ cũng rất uỷ mị hoan lạc. Sau khi mất nước, bị đưa về nhà Tống, ngày ngày rửa mặt bằng nước mắt. Từ của ông lúc đó cũng rất thê thảm bi ai, đúng là vong quốc chi âm.

Nguồn: Thi Viện