Wednesday, September 20, 2017

LÊN DÃY VŨ DI NGOẠI CẢNH ĐẸP, THƯỞNG TRÀ QUÝ


Tôi đã post nhiều bài giới thiệu về "Ngũ nhạc kiếm phái" trong tiểu thuyết của Kim Dung về 5 ngọn núi có thật ở TQ:
Ngũ Nhạc được sắp xếp theo bốn hướng chính và trung tâm của vùng đất Trung Hoa cổ đại. Các rặng núi trong nhóm này bao gồm:
Hướng bắc: Hằng sơn (恒山) thuộc tỉnh Sơn Tây cao 2.017 m
Hướng nam: Hành sơn (衡山) thuộc tỉnh Hồ Nam, cao 1.290 m
Hướng đông: Thái sơn (泰山) thuộc tỉnh Sơn Đông, cao 1.545 m
Hướng tây: Hoa sơn (华山) thuộc tỉnh Thiểm Tây, cao 2.154,9 m
Trung tâm: Tung sơn (嵩山) thuộc tỉnh Hà Nam, cao 1.494 m
và cũng có bài về "Tứ đại Phật giáo danh sơn":
Ngũ Đài sơn (五臺山) thuộc tỉnh Sơn Tây cao 3.058 m, thông thường được gắn liền với Văn Thù Bồ Tát
Nga Mi sơn (峨嵋山) thuộc tỉnh Tứ Xuyên cao 3.099 m, thông thường được gắn liền với Phổ Hiền Bồ Tát
Cửu Hoa sơn (九華山) thuộc tỉnh An Huy, cao 1.341 m, thông thường được gắn liền với Địa Tạng Bồ Tát
Phổ Đà sơn (普陀山), thuộc tỉnh Chiết Giang cao 284 m, thông thường được gắn liền với Quan Thế Âm Bồ Tát.
Còn ở miển Nam TQ, tôi chưa giới thiệu và hôm nay sẽ nói đến "Vũ Di Sơn" (武夷山) ở tỉnh Phúc Kiến TQ. (LKH)


LÊN DÃY VŨ DI NGOẠI CẢNH ĐẸP, THƯỞNG TRÀ QUÝ

Cùng với dãy Hoàng Sơn, Võ Đang, Tam Thanh, núi Vũ Di là một trong 4 di sản thiên nhiên và di sản văn hóa thế giới của du lịch Trung Quốc.

Núi Vũ Di vừa có khu thắng cảnh cấp quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên cấp quốc gia và lại còn có cả khu nghỉ dưỡng cấp quốc gia. Nơi đây là điểm đến lý tưởng cho du khách đến thưởng ngoạn phong cảnh núi non hùng vĩ, vừa khám phá nền văn hóa lâu đời.
Nằm cách thành phố Vũ Di Sơn, tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc 15km về phía Nam. Núi Vũ Di hiện đang có hơn 2 vạn động thực vật, trong đó có hơn 100 loài động vật quý hiếm, hơn 2 vạn côn trùng, hơn 400 loài thực vật, được mệnh danh là "Vương quốc của các loài rắn", "Thiên đường của các loài chim muông", "Thế giới của côn trùng" và “Cửa sổ của sinh vật thế giới”. Năm 1999 phần núi thuộc Phúc Kiến được UNESCO liệt vào danh sách Di sản thiên nhiên thế giới và Di sản văn hóa thế giới.


Vũ Di là một trong những di sản văn hóa có diện tích lớn nhất Trung Quốc hiện nay với tổng diện tích 999,75km², trong đó diện tích khu thắng cảnh trung tâm là 635,75km2
Núi Vũ Di hoàn toàn không có dấu tích xây dựng của con người, tất cả đều do thiên nhiên ban tặng. Khu thắng cảnh núi Vũ Di dài 60km, nổi tiếng bởi địa thế của vùng đất Đan Hạ, xung quanh bao bọc bởi núi và nước, có nhiều đỉnh núi đẹp và có hình thù kỳ quái, được gọi là "Tam tam, lục lục". "Tam tam" nghĩa là 3x3=9, chín khe suối nước trong xanh. 6x6=36, 36 đỉnh núi cao chọc trời. Trong đó, nổi tiếng nhất là đỉnh Đại Vương, đỉnh Ngọc Nữ và đỉnh Thiên Du... Thế núi đa dạng và phong phú.
Núi Vũ Di có 36 ngọn, 72 hang động và 99 vách đá hùng vĩ. Nét độc đáo nhất của khu thắng cảnh núi Vũ Di là nước. Dòng suối trong xanh, chia làm chín khúc chảy quanh co uốn khúc giữa các ngọn núi. Khi chảy sang hướng Đông, khi chảy về hướng Tây, hướng Nam sau đó lại chảy quay sang hướng Bắc.

Vẻ đẹp yên bình và hòa hợp với thiên nhiên của núi Vũ Di khiến cho mọi du khách đều ngỡ ngàng và mê đắm. Bên cạnh đó, Vũ Di còn là thủy tổ của đạo Khổng với những công trình kiến trúc đậm triết lý Khổng giáo. Điểm đến đầu tiên của du khách khi ghé thăm “Đệ nhất danh sơn” này là hẻm Vũ Di. Đây là hẻm núi dài 14 km có độ sâu 150m. Du khách có thể tắm trong làn nước của dòng sống 9 khúc nổi tiếng của vùng Phúc Kiến. Làn nước trong xanh phẳng lặng với hai bên bờ là cây cối xanh tươi sẽ mang lại cho du khách sự yên bình, thư thái.
Du ngoạn núi Vũ Di, du khách có thể chiêm ngưỡng những loài động, thực vật quý hiếm sinh sôi nảy nở trên đất này. Hoa trên đỉnh núi nở rộ quanh năm, khiến cảnh sắc nơi đây luôn tú lệ. Trên đỉnh núi còn có đài cầu mưa của người dân khi trời hạn hán. Ngày nay, đài cầu mưa là điểm dừng chân ngắm cảnh lý tưởng của du khách.


Khi đã du ngoạn hết những phong cảnh thiên nhiên hùng vĩ của dãy núi, du khách có thể dạo bước tới cung điện Vũ Di – một trong những cung điện cổ xưa nhất của Trung Quốc. Nằm dưới chân núi Đại Vương, với những tòa nhà nguy nga, ngói đỏ được xây dựng từ xa xưa nay là nơi tổ chức mọi hoạt động linh thiêng. Những ngôi nhà cổ trong làng của các dân tộc sống quanh chân núi cũng là điểm đến lý thú cho những ai thích tìm hiểu đời sống văn hóa mới lạ. Hầu hết những ngôi nhà cổ này được xây dựng từ thời nhà Minh.
Khu di tích trà Đại Hồng Bào cổ trên vách núi Vũ Di, tỉnh Phúc Kiến. Loại trà gần 400 năm tuổi này đã từng được bán với giá đắt gấp 90 lần vàng
Ngoài ra, Vũ Di còn là quê hương của nhiều loại trà quý hiếm. Với khí hậu hiền hòa, dễ chịu, nhiều cơn mưa rào và nhiệt độ vừa phải. Nhiều loại chè được sản xuất xung quanh núi Vũ Di, đặc biệt là trà Đại Hồng Bào nổi tiếng. Trà mùi thơm thoang thoảng, nước màu hồng rất đẹp mắt, uống một lần thì nhớ mãi không quên.
Chi Na (TTVN)


Bây giờ bạn đã đọc hết bài về cảnh đẹp của núi Vũ Di. Bạn có biết cái tên "Vũ Di" từ đâu mà ra không ?
 
Tôi thì không biết mà chắc chắn các bạn cũng không biết, phải không?
 
Không biết thì đọc tiếp bài sau đây. (LKH)

TRUYỀN THUYẾT VŨ DI SƠN

Thời viễn cổ, núi chưa có tên gọi “Vũ Di sơn” 武夷山, về sau tại sao lại gọi là “Vũ Di sơn”?
Tương truyền thời xưa trên đỉnh Mạn Đình 幔亭 ở Vũ Di sơn có một ông lão họ Bành 彭sinh sống. Lúc bấy giờ, vùng Vũ Di sơn nước lớn dâng tràn thành lụt, khiến bách tính đành phải trú vào hốc núi, sống một cuộc sống nghèo khổ.
Tục ngữ có nói: “Núi có đỉnh, đất có chủ”. Ông lão dẫn bách tính đội sao đội trăng, ăn gió nằm sương, chịu vất vả khai sơn trị thuỷ. Đến khi tóc bạc, mày bạc, râu bạc, ông đã nổi tiếng khắp gần xa là vị thuỷ tổ khai sơn, vì thế mọi người tôn xưng ông là “Bành Tổ” 彭祖.
Bành Tổ có hai người con, một người tên Bành Vũ 彭武, người kia tên Bành Di 彭夷. Nói ra cũng lạ, cả hai vừa chào đời đã theo gió mà lớn.


Một trận gió xuân thổi qua, cả hai có thể gọi cha gọi mẹ; một trận mưa xuân rơi xuống, cả hai có thể đứng dậy bước đi; khi cành trà xuân đâm chồi, cả hai có thể chạy.
Hai anh em thông minh hơn người, trí dũng song toàn, từ nhỏ đã theo cha băng rừng vượt núi, trải qua năm dài tháng rộng cùng cha có công khai sơn.
Lúc bát tiên uống rượu đánh cờ trên núi, dân làng liền đến thỉnh cầu tiên nhân cho Bành Tổ được trường thọ. Khi Bành Tổ sống được 880 năm, Ngọc Đế đã triệu ông về trời thành tiên. Trước khi đi ông để lại một cây rìu, một cái bừa và cung tên, dặn hai con phải tiếp tục tổ nghiệp, ngày đêm không ngừng khai sơn trị thuỷ tạo phúc cho bách tính.
Sau khi Bành Tổ ra đi, hai anh em không quên lời cha dặn, vác bừa cầm rìu, mang cung tên vào núi.
Họ đào, đào mãi, được 360 ngày, trị được nước lớn gầm thét. Họ chặt cây, chặt được 720 ngày, phạt đổ gai góc, tạo ra nhiều khoảnh ruộng tốt.


Họ trồng trọt được 1800 ngày, trồng thành những vạt trà sum suê, trồng thêm ngũ cốc và cây ăn quả
Hai anh em lại dùng cung tên bắn chết mãnh hổ, trừ được báo dữ, bắt thỏ rừng, gà rừng, heo rừng về cho dân làng nuôi. Họ còn trồng trên núi kì hoa dị thảo cùng những cây thuốc quý hiếm, biến sơn thuỷ nơi đây thành một cảnh tiên chốn trần gian, bách tính sống những ngày an lành hạnh phúc.
Sau khi Bành Vũ, Bành Di mất, để báo đáp ân tình của họ, và để kỉ niệm hai anh em có công khai sơn, bách tính đã lấy tên của họ đặt cho ngọn núi này, gọi đó là “Vũ Di sơn”.
Dịch giả: Huỳnh Chương Hưng
Nguyên tác Trung văn
VŨ DI SƠN ĐÍCH TRUYỀN THUYẾT
武夷山的传说
Trong quyển
THANH THIẾU NIÊN TỐI HỈ HOAN ĐÍCH
THẦN THOẠI CỐ SỰ
青少年最喜欢的
神话故事
Tác giả: Ngô Cảnh Minh 吴景明
Diên Biên nhân dân xuất bản xã, 2002




No comments: