“Cây bần soi bóng ghe nghèo
Qua sông gặp gió em chèo dùm anh”
Về miền quê, nếu chúng ta đi dọc theo bờ sông sẽ thấy có rất nhiều cây bần, nó mọc dưới sông ven bờ, dường như không ai trồng nhưng đâu cũng thấy có nó, cây bần gần như một biểu tượng của tình tự miệt vườn Ngày đó lúc còn ở VN, cây bần không có giá trị kinh tế, trái thì chua lè, mấy đứa nhỏ ở miệt vườn, hay trèo lên cây bần ,rồi phóng xuống sông, tắm đả rồi hái trái bần xuống chấm muối ớt ăn chơi, ăn mà mặt mày nhăn nhó vì chua, tôi cũng ăn thử và thấy chẳng ngon lành gì hết. Có lẽ cái tên bần của nó nghe nghèo quá nên không ai muốn ăn.
Bây giờ trái bần được chế biến thành những món ăn đặc sản kể cũng lạ. Nhưng dù sao đi nữa, tình tự miệt vườn miền Nam vẫn cần có cây bần để nhớ, để thương. Mời các bạn đọc bài sau. (LKH)
VÍ DẦU ĂN TRÁI BẦN CHUA
VÍ DẦU ĂN TRÁI BẦN CHUA
“Muốn ăn mắm sặc bần chua
Chờ mùa nước nổi ăn cho đã thèm”
Xa quê lên chốn thị thành, nghe câu ấy ai mà không thấy lòng da diết. Sinh ra nơi mảnh đất quê, ai chưa một lần từng thèm như thế. Nhịp điệu cuộc sống đổi thay, con người được tận hưởng nhiều món ngon vật lạ, nhưng không thể nào quên dư vị thôn dã: vị bần chua.
Nghĩ đến thấy lạ rồi thương. Thứ trái mang cái tên sao lận đận quá đỗi, vậy mà khi kết hợp được với nhiều nguyên liệu đồng quê khác lại hết sức mặn mà. Khó mà quên vị chát chát, chua chua của bần hòa quyện với vị mắm sống, hay gỏi bần chấm cá kho đậm đà. Qua bàn tay dân gian sáng tạo và cần mẫn, bần được chế biến công phu thành nhiều món ăn như: bần xào chuột, canh chua bần…
Trái bần cũng được mấy anh, mấy chú rất ưa. Chỉ cần xắt mỏng, trộn thêm vài con cá, con khô nướng là có ngay món đồ nhấm quá “bén” cho say sưa chén chú chén anh sau bữa ra đồng bộn bề.
Mùa nước nổi, rủ nhau chèo xuồng dọc theo lạch, thò tay hái vài trái bần là có ngay món ăn đỡ buồn miệng. Đơn giản chỉ là ăn chơi như vậy.
Đi hái bần có khi là thú vui sông nước. Ngồi trên xuồng, thả nổi, xuôi theo lạch mà ngắm mây, ngắm nước. Bỗng thấy không gian thôn dã yên bình quá đỗi, lòng thong dong đất trời. Tay với lần theo rặng bần sai trái mà phát ham. Cái ham hả hê của người quê được sự đãi ngộ thiên nhiên, của kiếp người chân chất trân trọng từng giá trị cuộc sống dù rất giản dị.
Dân gian mượn cây bần để đưa lời thề hẹn tình tứ:
“Cây bần soi bóng ghe nghèo
Qua sông gặp gió em chèo dùm anh”
Hay dí dỏm một chút, trêu tấm tình e ấp của trai gái thôn dã:
“Anh kia trốn bụi bần non
Không lo chài lưới, lo dòm các cô”
Không rõ tự bao giờ loài cây ấy thành ra thân thiết với bà con thôn quê hồn hậu. Chính vì thế, những người con lớn lên từ vùng quê ấy, dù tha hương, dù tấp nập nơi thị thành vẫn nhớ hương vị bần. Thi thoảng thèm chút vị chan chát, chua chua ngày nào. Thèm luôn không khí chiều quê hái bần rồi quây quần bên mâm cơm nóng.
Phải chăng đó là phút mơ màng mong tìm về chút ký ức xưa, tìm về thoáng mộc mạc của lòng người giữa nhịp đời vội vã để rồi bồi hồi “Ví dầu ăn trái bần chua…”.
Phi Nhi
No comments:
Post a Comment