Tuesday, September 26, 2017

MÌ VỊT TIỀM NGON HƠN NỬA THẾ KỶ

Thật thú vị khi "truy tìm" nguồn gốc món mì vịt tiềm, vì tôi cứ ngỡ đó là món của người Hoa mang tới Sài Gòn. Anh Dương Trí Ân, một hậu duệ của một người Hoa gốc Quảng Đông, bán mì vịt tiềm Hải Ký từ trước năm 1975 cho rằng “ở bên Trung Hoa không có món này”.

Phần mì vịt tiềm trứ danh La Cai một thời 

Theo anh Ân, ông ngoại anh có tiệm bán mì vịt tiềm Hải Ký rất nổi tiếng ở La Cai (nay là đường Nguyễn Tri Phương) từ trước giải phóng. Theo hồi ức của một người Sài Gòn sống trước năm 1975 ở khu vực này thì "vùng Chợ Lớn nổi tiếng hơn cả là đường Lacaze, mà người Việt hay gọi trại là La Cai, tức đường Nguyễn Tri Phương sau này".

Khu La Cai có mì vịt tiềm hầm thuốc bắc, một trong những món "tủ" của người Hoa.” Anh Ân kể, theo lời ông ngoại anh thì người đàn ông đầu tiên bán mì vịt ở Sài Gòn là một người đến từ Hải Phòng, còn ông ngoại anh bán sau người đàn ông này.

Sau giải phóng, tiệm mì vịt tiềm Hải Ký chuyển về đầu một con hẻm ở đường Nguyễn Trãi (gần với địa chỉ chính thức bây giờ). Lúc đó gia đình anh định chuyển ra nước ngoài sinh sống nên dừng bán, nhưng rồi sau đó lại quyết định không đi.

Quay lại chỗ bán cũ thì người khác đã mở tiệm mì vịt tương tự. Vì vậy cuối cùng quán chuyển về địa chỉ 349 Nguyễn Trãi như bây giờ. Quán rất đắt khách nên chẳng bao lâu mẹ anh Ân là bà Phùng Nữ (người kế nghiệp ông ngoại anh Ân) đã mua thêm được căn nhà 351 kế bên để mở rộng không gian phục vụ.

Anh Ân cho biết ở Sài Gòn có nhiều tiệm mì mang tên Hải Ký, thậm chí bên Mỹ cũng có, nhưng gia đình anh thì chỉ có một tiệm duy nhất ở địa chỉ 349 - 351 Nguyễn Trãi này, bán món vịt tiềm do ông ngoại anh truyền lại với hương vị và cách làm từ hồi tiệm còn ở La Cai.

Anh kể, có những vị khách rất đặc biệt rời quê hương nhiều năm, khi trở về phải tìm bằng được tiệm mì La Cai ngày xưa để ăn cho “đã thèm”.

Hương vị độc đáo của mì vịt tiềm lại rất khác biệt so với món gà tiềm thuốc Bắc 

Mặc dù cũng là món tiềm nhưng vị của vịt tiềm khác xa món gà tiềm thuốc Bắc. Anh Ân nói, có 4- 5 vị thuốc Bắc trong nước dùng của mì vịt, có một vị anh chỉ biết được tên tiếng Hoa phát âm là "ba-coong", có đỗ trọng, trần bì (vỏ quýt), hoa hồi...

Vịt chiên sơ rồi được tiềm trong nồi nước lèo là xương hầm và các vị thuốc Bắc này cho đến khi chín mềm. Sau này, nhiều thực khách lại muốn ăn mì vịt chiên giòn nên quán cũng dành một phần vịt tiềm sơ rồi chiên vàng chiều lòng thực khách.

Điều khác biệt nữa của mì vịt Hải Ký là cách làm sợi mì. Tiệm tự làm sợi mì với nguyên liệu là bột mì Nhật Bản, mua hai loại trộn với nhau để tạo ra độ dai, độ giòn, trộn trứng gà và trứng vịt để cho ra sợi mì đặc biệt không giống như mì sản xuất hàng loạt ở chợ (vốn cho nhiều nước tro để sợi mì dai, không có lợi cho sức khỏe).

Ăn mì vịt của Hải Ký thấy mọi thứ đều hài hòa, hương thơm mà không nồng, thịt vịt chín mềm, thoảng mùi thuốc Bắc.

Mì vịt tiềm là một món rất đặc trưng ở Sài Gòn mà hiếm nơi nào ngon bằng. Thật lạ là món này lại ít “di cư” ra nhiều thành phố khác như trường hợp của bún bò Huế hay phở Hà Nội. Có lẽ chỉ người Sài Gòn mới thích mì vịt tiềm. Cũng không quá lời khi cho rằng: ăn mì vịt tiềm ở Sài Gòn là ngon nhất, là đúng nhất.

Giang Hương


No comments: