Monday, December 31, 2018

10 ĐIỂM DU LỊCH KHÔNG THỂ BỎ QUA Ở XỨ SỞ CHUỘT TÚI

Nói đến nước Úc, người ta thường nghĩ ngay đến Sydney, Melbourne hay Ayers Rock. Nhưng đừng vì thế mà bỏ qua Tasmania, một hòn đảo nằm ở phía nam của Úc, nơi được ví như thiên đường trên trái đất.



Xu hướng chung của du khách đi khi du lịch nước ngoài thường tập trung ở những thành phố nổi tiếng mà bỏ qua những địa điểm hẻo lánh, nằm xa trung tâm. Chính bởi thói quen này đã khiến chúng ta đánh mất cơ hội được chiêm ngưỡng những cảnh đẹp đến ngỡ ngàng của những vùng đất ít người đặt chân tới. Tasmania là một nơi như thế.

Nằm ở phía nam nước Úc, Tasmania được những người yêu mến ví như thiên đường trên mặt đất bởi những phong cách thiên nhiên tráng lệ và tuyệt đẹp. Dưới đây là 10 điểm du lịch được đánh giá là hấp dẫn nhất của hòn đảo này.

1. Đảo Bruny

Bạn sẽ mất hơn một giờ đi bằng phà từ Hobart đến đảo Bruny. Đây là một hòn đảo nhỏ với bãi biển tuyệt đẹp, hải sản rất tươi ngon. Trên đảo có rất ít dân sinh sống, vì thế Bruny là nơi lý tưởng nếu bạn đang mong muốn tìm kiếm một chỗ nghỉ ngơi mang đến sự thư thái trong tâm hồn.

2. Hang Remarkable

Người dân Úc luôn tự hào có rất nhiều cảnh quan thiên nhiên hoang sơ tuyệt đẹp và hang Remarkable nằm trên báo đảo Tasmania là một trong số đó. Nằm gần cảng Arthur, Remarkable không hẳn là một hang động mà chính xác là một đường hầm chui qua vách đá được tạo ra bởi sự xói mòn của nước biển. Đây là một nơi hấp dẫn để tham quan và là địa điểm hoàn hảo cho những ai mê lướt sóng mạo hiểm.

3. Chợ Salamanca

Tại Hobart có khu chợ rất nhộn nhịp vào mỗi thứ bảy từ 8h30 đến 15h00, đó là chợ Salamanca. Tại đây có hơn 300 gian hàng bán đủ loại từ thực phẩm địa phương cho đến các tác phẩm nghệ thuật hay cà phê. Chợ không chỉ phục vụ nhu cầu mua bán của dân địa phương mà còn là điểm đến yêu thích của rất nhiều khách du khách.

4. Hồ thuỷ điện Margaret

Nằm gần Queenstown, hồ thuỷ điện Margaret là một điểm lý thú không nên bỏ qua. Tại đây, bạn có thể được tận mắt nhìn quá khứ hoàng kim của một nhà máy thuỷ điện với một vài đường ống dẫn nước vào tua bin vẫn còn sử dụng được. Nếu muốn, bạn có thể đi hẳn vào bên trong nhà máy để tìm hiểu kỹ hơn về các thiết bị thuỷ điện.

5. Khu vườn Allendale

Nằm gần Smithton, vườn Allendale là một thế giới phong phú gồm các loại cây cối và hoa đến từ khắp nơi trên thế giới. Bạn có thể bắt gặp những chú công đang khéo léo khoe bộ cánh lộng lẫy, đi dạo dưới tán rừng cổ thụ đầy dương xỉ, say mê ngắm nghía những bông hoa đầy màu sắc hoặc dừng chân tại các quán trà nằm rải rác đâu đó trong khuôn viên vườn.

6. Tuyến đường sắt “miền Tây hoang dã”

Những du khách yêu thích câu chuyện về “miền tây hoang dã” có thể thử một chuyến du ngoạn bằng tàu máy chạy bằng hơi nước, trên tuyến đường từ Queenstown tới Dubbil Barril. Sắp tới, khi được khôi phục hoàn toàn nó sẽ kéo dài hơn nữa. Những chuyến tàu này sẽ đưa các bạn trở về với cuộc sống miền tây hoang dã những năm đầu thế kỷ 20, khi tuyến đường bắt đầu được thành lập.

7. Vườn quốc gia trên đảo Maria

Đảo Maria xưa là nơi đóng đô của Darlington, một trạm quản chế giam giữ những tù nhân khổ sai đầu tiên đến Úc. Bây giờ vẫn còn một số toà nhà sót lại từ thời đó giúp bạn hình dung được phần nào cuộc sống của những người tù khổ sai xưa kia. Tại đây bạn có thể đi dạo hay tham gia vào những cuộc đi bộ đường dài. Không chỉ có nhà tù, hòn đảo này còn nhiều thứ hơn để khám phá, đó là những vách đá hùng vĩ, những ngọn núi trải dài ra đến biển, và còn cả vịnh biển mênh mông tuyệt vời nữa.

8. Vùng núi Cradle

Người dân địa phương không xa lạ gì với ngọn núi có hình cái nôi – núi Cradle, nhưng du khách thì không phải ai cũng nghe đến nó. Có dưới 200.000 du khách đến với Cradle mỗi năm. Thiên nhiên nơi đây còn rất hoang sơ với hệ động thực vật phong phú. Chinh phục Cradle hoặc khám phá các con đường mòn quanh núi là một trải nghiệm rất nên lưu tâm.

9. Hang động đá vôi “gunns plains”

Được phát hiện ra vào năm 1906 bởi Bill Woodhouse trong một chuyến đi săn, khi đàn chó của ông rơi vào một cái hang tạo ra từ động. Gunns Plains có rất nhiều ngóc nghách, những nhũ đá đủ màu tạo ra từ sự phản chiếu của ánh sáng. Không chỉ có vậy, bạn còn có thể khám phá lịch sử khu vực thông qua những tour du lịch được mở hàng ngày.

10. Vịnh biển “Bay of fires”

Với những du khách muốn tìm kiếm những bãi biển độc và lạ thì “Bay of Fires” chính là nơi dành cho bạn. Vịnh giữ nguyên được vẻ đẹp hoang sơ của những bãi cát, lớp đá đỏ kì lạ kéo dài và nước biển xanh ngăn ngắt khiến bạn không thể không trầm trồ thán phục.

Thảo Nguyên (Tổng hợp)


CÓ TIỀN THÌ KHÔNG GÌ LÀ KHÔNG THỂ?

Các phòng chờ thượng hạng, đặc biệt tại sân bay cho phép những hành khách sang trọng thuộc giới thượng lưu thư giãn và không phải chờ đợi trong hàng dài làm thủ tục kiểm tra an ninh.

Bạn muốn ăn sáng trên đỉnh Khải Hoàn Môn ở Paris, đặt bàn ăn tối vào phút chót tại nhà hàng The French Laundry, hoặc tuyệt vời hơn nữa, ăn một bữa tối thân mật do đầu bếp trứ danh người Mỹ Thomas Keller chuẩn bị ở nhà của chính ông?


Những trải nghiệm độc đáo như vậy vẫn vượt ngoài tầm với của đại đa số chúng ta.

Nhưng đối với một số ít có đặc quyền - tầng lớp thượng lưu di chuyển nhiều, những người không có thời gian và sẵn sàng trả giá cao nhất - đã và đang tồn tại cả một ngành công nghiệp của những người sắp đặt cho mỗi một ý thích của họ.

Những thành viên cao cấp của những câu lạc bộ này đã phó thác cho các đội ngũ "quản lý lối sống" khắp các lục địa, những người làm mọi việc từ sắp xếp chuyện đi lại cho đến mở lời giới thiệu tới những người có tầm ảnh hưởng và lời mời đến những sự kiện giao lưu hấp dẫn.


Đối với Jaclyn Sienna India, nhà sáng lập công ty du lịch sang trọng Sienna Charles, thì việc nói “không” với khách hàng sẽ làm hỏng công việc kinh doanh của bà.

Bà xử lý khéo léo những yêu cầu gần như là không thể. Đặt phòng ở những khách sạn đã hết phòng từ hàng tháng trời cũng như sắp xếp các buổi mua sắm riêng với các nhà thiết kế thời trang hàng đầu ở Pháp đều là một phần của công việc.

"Nếu tôi cần phải lên máy bay chỉ để đi đặt chỗ cho khách hàng, hoặc nhảy lên taxi và đích thân nói chuyện trực tiếp với ai đó thì cũng là điều bình thường,” bà nói. “Tôi làm việc trong một thế giới nơi mà mọi thứ đều có thể.”

Jacyln Sienna India chuyên sắp xếp các chuyến đi cho giới thượng lưu, trong đó có cả cựu Tổng thống Hoa Kỳ George HW Bush.

Bà đã từng sắp xếp một chuyến đi đến Ethiopia cho cựu Tổng thống George HW Bush và tự thân mang những loại bia không cồn và bơ đậu phộng trong hành lý của mình để bảo đảm ông có thứ phù hợp cho bữa ăn khi ở nước ngoài.

"Không có cách nào để chuẩn bị trước những điều này, chúng tôi nhận được yêu cầu và tôi chỉ cần tìm ra cách để thực hiện nó bằng bất cứ giá nào.”

Một phần trợ giúp đến từ túi tiền dày cộm của nhiều khách hàng của bà. "Rõ ràng là bất cứ điều gì cũng có thể nếu bạn có đủ tiền," bà nói.

Công ty của India chỉ là một trong nhiều công ty cung cấp dịch vụ du lịch sang trọng và chăm sóc đặc biệt của ngành công nghiệp đang phát triển này. Những người có thu nhập cao đang ngày càng tiêu nhiều tiền cho những trải nghiệm hơn là mua sắm.

Một nghiên cứu năm 2017 cho biết ngành du lịch sang trọng đang vượt mặt toàn bộ các ngành du lịch nói chung xét về tăng trưởng hàng năm.


Một nghiên cứu thu hút sự chú ý được xuất bản trong Tập san của Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia cho thấy việc chi tiền để thuê lao động và giải phóng thời gian giúp làm giảm căng thẳng và cải thiện tâm trạng.

Không quá ngạc nhiên khi những ai đủ khả năng lại đang dùng tiền để mua lại một chút thời gian nào đó cho mình.

Đi vào chi tiết

Là trưởng cơ quan giám sát hình ảnh cho nhà thiết kế túi xách cao cấp Mulberry, Bradley Taylor di chuyển rất nhiều để phục vụ cho công việc.

Trong một lần ngẫu hứng vào năm năm trước, ông đã thử một dịch vụ chăm sóc khách hàng cao cấp và ngay lập tức ông đã bị mê hoặc.

Taylor cho biết hầu hết thời gian của mình ông đều xa nhà, qua lại như con thoi giữa văn phòng và sân bay, vì vậy việc có thể trông cậy vào ai đó lo về hậu cần giúp cuộc sống của ông trôi qua một cách dễ chịu hơn rất nhiều.

Ông dùng dịch vụ cho những việc như đặt phòng ở những khách sạn có giường riêng và đồ ăn cho con chó của ông. Hoặc tìm nguồn cung cấp loại vodka hiếm mà ông yêu thích ở các khách sạn trên toàn thế giới.

Ông nói: “Có cảm giác như họ đã gọi trước để đảm bảo mọi thứ đều suôn sẻ. Luôn có một chút ngạc nhiên khi bạn đến một nơi nào đó và họ tiên liệu được mọi thứ.”

Jenny Graham là giám đốc của Công ty Du lịch Quintessentially Travel có trụ sở ở London. Đây là công ty cung cấp dịch vụ chăm sóc khách hàng cao cấp cho Taylor.

Bị lỡ chuyến bay? Jenny Graham có thể thu xếp cho bạn một chiếc phi cơ riêng vào phút chót.

Khách hàng không cần phải là hội viên để sử dụng các dịch vụ này, nhưng hội viên ở các mức phí khác nhau nhận được sự quan tâm khác nhau. Các hội viên cơ bản nhận được những dịch vụ tương tự như ở các công ty du lịch bình thường, chẳng hạn như so sánh chi phí chuyến bay và cập nhật lộ trình nếu kế hoạch di chuyển cần thay đổi.

Nhược điểm? Chi phí vượt xa một đại lý đặt vé thông thường. Giá khởi điểm khi đăng ký hội viên sử dụng các dịch vụ trợ giúp đặc biệt rơi vào khoảng từ 6.737 đôla một năm đối với hội viên mới gia nhập và lên tới khoảng 15.000 đôla cho 'hội viên thượng hạng”.

Graham chịu trách nhiệm giám sát các văn phòng toàn cầu của công ty bà tại Los Angeles, thành phố New York, London, Dubai và Hong Kong, và bà nói rằng trong công việc của mình, không có ngày nào giống với ngày nào cả.

Chẳng hạn, gần đây bà có hai ngày và ngân sách không giới hạn để tổ chức một bữa tiệc tráng lệ kỷ niệm sinh nhật của một khách hàng tuổi 60 tại Thung lũng Napa ở California, kèm thêm một bữa tối dã ngoại ấn tượng do đầu bếp đẳng cấp được giải ẩm thực Michelin chuẩn bị giữa một vườn nho.


Tuy nhiên, bà nói, những yêu cầu thách thức nhất liên quan đến hậu cần.

Bà từng có khách hàng mắc kẹt ở Hong Kong do chuyến bay bị hoãn. Ông phải đến London dự một cuộc họp quan trọng liên quan đến việc bán công ty của mình, nên sẽ rất tai hại nếu lỡ chuyến bay.

"Trong vòng 30 phút, chúng tôi đã có một chiếc chuyên cơ thuê riêng cho ông từ sân bay Hong Kong, điều này có nghĩa là ông có thể hạ cánh sớm hơn."

Tất cả bắt đầu ở sân bay

India nói với khách hàng rằng trải nghiệm thực sự bắt đầu tại sân bay, và khi đã được ở trong một số phòng chờ sang trọng nằm ngoài tầm nhìn của công chúng thì bà không thể quay lại như xưa.

Có một số ít các phòng chờ thượng hạng nổi lên ở những nơi như Los Angeles, London, Paris và hòn đảo St Kitts ở vùng biển Caribbe. Chúng nằm ngoài phạm vi chương trình khách hàng thân thiết của các hãng hàng không, hoàn toàn tách biệt với trải nghiệm sân bay thông thường và các vị khách có thể trả phí để được vào.

The Private Suite, mở cửa vào đầu năm nay tại Sân bay Quốc tế Los Angeles, là một phòng chờ như vậy.


Với giá khởi điểm 500 bảng Anh (678 đô la), một chiếc xe hơi sang trọng sẽ đến đón khách hàng, những khách đi cùng và hành lý của họ, sau đó đưa họ đến phòng chờ thượng hạng nơi họ trải qua quá trình thực hiện thủ tục an ninh riêng trong khi không phải đụng chạm với những hành khách khác. Sau đó họ thư giãn trong khung cảnh sang trọng và sẽ được chở ra máy bay nơi họ bước trên những nấc thang đặc biệt để lên máy bay.

Trong thế giới đang phát triển của các công ty du lịch sang trọng, có vẻ như điều gì thật ra cũng có thể - tất nhiên là nếu bạn có tiền.

Katie Beck
BBC Capital
Link tiếng Anh:
http://www.bbc.com/capital/story/20180104-the-fixers-for-the-high-flying-elite

NGƯỜI TỪ TRĂM NĂM

Cái tuổi 40 thiệt khó nói là già hay trẻ. So với tuổi 80 thì đó là nửa đường, nhưng với tuổi 70 thì đã quá nửa. Vậy rồi cứ nghe se mình một tí là nghĩ ngợi lung tung. Thời nay ngoài mấy kiểu chết bất trắc, còn có chuyện dư đường, dư mỡ. Không kể bệnh nan y, chỉ cần vài năm không chịu thử máu là chuyện gì cũng có thể xảy ra.


Tôi tay trắng vô sản còn ngại chết đến vậy, thử hỏi mấy người thứ gì cũng có thì còn thảm đến mức nào. Vua Tàu rồi vua Ai Cập, vị nào cũng muốn được trường sinh. Không được trường sinh ở cõi này thì cũng mong được bất tử ở cõi khác. Họ dùng đủ cách, từ linh đơn thần dược lúc sống đến việc xây dựng lăng mộ ướp xác với nhựa thông rồi thắp mấy ngọn đèn trường minh bằng dầu cá.

Nhiều kẻ nhà giàu thời nay vẫn đêm ngày bòn của thành núi rồi hi vọng được các nhà khoa học dùng cách nào đó giúp mình sống thêm. Với mấy bà thì sống dai chưa đủ, phải trẻ đẹp thiệt lâu mới chịu, dù đường dài phải nhờ dao kéo tùng xẻo liên miên để giằng co với con tạo. Mấy hôm nay tôi ngẫu nhiên đọc mấy bài báo thiệt lạ. Các tỉ phú Việt Nam trong nước gần đây đã biết học theo người Tàu dùng các loại thần dược gì đó từ thai nhi ngâm rượu, cho đến những động vật khó ngờ nhất hoặc mua gỗ đàn hương, ngọc am về làm giường nằm, ghế ngồi để ngày đêm ngửi lấy mùi hương của chúng như một kiểu linh khí giúp sống lâu.

Thế đã hết đâu, họ còn kín đáo chuẩn bị hậu sự cho mình sau này bằng cách cho người xây lăng mộ với cả kỹ thuật cổ truyền lẫn hiện đại để xác họ mai sau được trường tại tề thiên. Hồn đi xa mà xác vẫn còn đó thiên thu như một cách nấn ná với đời thì cũng đỡ tủi. Người da trắng ngoài này thì văn minh hơn, ngoài chuyện tới lui bác sĩ theo định kỳ, ăn uống theo công thức, còn trù bị cho mấy kiểu hậu sự rất hiện đại: Cho đông lạnh thi hài để mai kia được hồi sinh, hoặc cao siêu hơn một chút là dặn thân nhân lấy tro hỏa táng của mình gửi vào vũ trụ.
 

Một công ty Mỹ ở Houston cho biết giá cả mỗi vụ gửi tro như vậy tốn đến hàng chục ngàn Mỹ kim. Đại khái, tùy theo trình độ văn hóa, sở thích cùng khả năng tiền bạc mà mỗi người có một cách sợ chết và ham sống khác nhau. Mới đây, danh ca Michael Jackson đã tìm đến bác sĩ Gunther Von Hagens lừng danh thế giới để mong được trường xuân bằng một đề nghị thật độc đáo: Ông bác sĩ muốn thay gì trong người chàng cũng được, nhựa dẻo hay kim loại đều ok, miễn là thay thế được mấy món phù du trong hình hài giả tạm này để mươi năm sau chàng còn có thể tiếp tục tung tăng nơi miền dương thế.

Chẳng hiểu sao tôi cứ ngờ rằng, mấy nhà cầm quyền độc tài trên thế giới thường có những tham muốn quái gở chỉ vì sau khi có quyền lực và tiền bạc trong tay thì bắt đầu sợ chết hơn. Có điều là vốn sống tâm linh nghèo quá, họ chỉ có một hai cách sợ chết vừa trẻ con vừa lố bịch. Không biết phải làm sao trước cái chết đang lù lù đến gần từng bữa, họ điên cuồng với ước mơ trường thọ hoặc dốc hết mọi thứ cho con cháu như một cách đầu tư cho cái TÔI gián tiếp của mình. Mình có đi thì một phần máu me của mình vẫn còn gửi lại trần gian này. Thế là con họ bằng trời, dân tha hồ khổ.

Nếu họ nói làm vậy chỉ vì thương con thì rõ ràng họ đã quên hay không biết câu nói này của Thiệu Khang Tiết (người Tàu, đời Tống): “Nhi tôn tự hữu nhi tôn phúc, mạc dữ nhi tôn tác mã ngưu”, Con cháu có phúc họa riêng của họ, đừng vì con cháu mà làm thân trâu ngựa bất kể thiên hạ. Tôi để ý thấy rằng, nếu không có được một lòng lành bẩm sinh, thì người ta phải nhờ đến cái văn hóa mà mình hấp thụ để sống đàng hoàng, ước mơ đàng hoàng và có sợ chết cũng một cách đàng hoàng.
 

Văn hóa Tây phương bao gồm cả tâm thức tôn giáo lẫn chính trị thường có vẻ bất lực trong việc xây dựng một nhân sinh quan lành mạnh. Xin gẫm lại mà xem, thường chỉ có mấy kẻ quái gở nông nổi mới khoái chuyện tẩm ướp cái xác thối của mình để được làm ma xó trong mấy lăng mộ mà thôi. Nhân loại ai chẳng ham sống sợ chết, ham sướng sợ khổ, nhưng một khi không có được vốn liếng tâm linh căn bản, người ta rất dễ thành ra quái vật với những suy nghĩ ích kỷ và tàn bạo khó ngờ.

Nói lung tung nãy giờ nhưng câu hỏi quan trọng nhất vẫn còn lơ lửng đó: Làm sao có thể bất tử, chuyện đó có thực không? Xin thưa ngay, có đến 1001 cách để khiến mình trường sinh bất tử, thọ ngang nhật nguyệt. Có điều là tùy theo căn cơ của bản thân mà mỗi người có được bất tử hay không và bất tử theo kiểu nào.

Nói theo kinh Phật, cứ sống với phiền não thì cũng là một cách sống hoài trong ba cõi. Trở thành thánh nhân chấm dứt luân hồi cũng là một con đường bất tử. Lưu phương thiên cổ như hiền thánh xưa nay cũng là một kiểu bất tử, hay để tiếng xấu muôn đời như mấy tay bạo chúa cũng là một kiểu bất tử khác. Ướp xác hay xây đền, dựng bia cũng là một kiểu nấn ná nhân gian, để lại con đàn cháu đống để nối dõi tông đường cũng là một kiểu nấn ná, để lại cho đời sau những công trình hữu ích cũng là một kiểu nấn ná,...
 

Nhưng mấy chuyện đó cao siêu quá, mới đây có một bản tin văn nghệ làm tôi suy nghĩ hoài. Nữ diễn viên Natasha Richardson người Anh vừa qua đời trong lúc học trượt tuyết tại Canada ngày 17 tháng 3 vừa qua. Cô đi đã mấy hôm rồi, mà thiên hạ vẫn chưa hết bàng hoàng.

Cô chết trẻ, mới 45 tuổi, và ra đi ngay giữa lúc có trong tay tất cả những thứ tốt đẹp nhất: Nhan sắc, tiếng tăm, tiền bạc, tình yêu, con cái. Cô xuất thân từ một gia đình xuất sắc (Mẹ cô từng đoạt giải Oscar, chồng cô hiện là một đạo diễn tiếng tăm và cô có hai cậu con trai đẹp như thiên thần).

Tôi là thầy tu nên quan tâm đến một thứ khác. Cô diễn viên đã để lại di nguyện là hiến nội tạng cho bất cứ ai cần đến. Và lập tức tâm nguyện đó của cô đã được thực hiện: Một cô bé 7 tuổi tên Morgan McCracken đang thập tử nhất sinh đã được cứu sống bằng phần cơ thể hiến tặng của Natasha Richardson. Cô diễn viên đã vĩnh viễn ra đi, nhưng cô hiện vẫn tồn tại qua một hình hài khác: Trên người cô bé 7 tuổi kia và trong tim mọi người!

Descarte thì phải, từng bảo: tôi tư duy tức là tôi tồn tại. Tôi ở đây lại muốn nói câu khác: Tôi được nhớ đến cũng là tôi đang tồn tại. Lão Trang đã là người hai ngàn năm trước, nay ta vẫn có thể nhìn thấy họ sừng sững trong từng trang Nam Hoa hay Đạo Đức Kinh. Ai đọc Tứ Thư, Ngũ Kinh mà lại không thấy thầy Khổng đang ngồi trước mặt dù ông cứ một mực cho rằng mình chỉ thuật nhi bất tác. Chùa Từ Ân, tháp Đại Nhạn bên Tàu có thể sụp đổ hư hao nhưng dẫu đến muôn sau, ai là người nghiên cứu kinh Phật chữ Hán lại có thể quên được ngài Huyền Trang!?
 

Thay vì cảm thấy an lòng hay thích thú với những kiểu chuẩn bị hậu sự thuần túy vật chất, sao ta lại không thử làm quen với một kiểu hạnh phúc khác lâu bền và hữu ích hơn. Chẳng hạn để lại cho người sau một đóng góp nào đó, và thời gian bất tử của mình sẽ tùy thuộc vào giá trị của thứ mình để lại. Trộm nghĩ trong lòng, mấy người mù trên thế giới hôm nay, khó có một thần tượng nào vĩ đại hơn Louis Braille và Charles Barbier, những người đã tạo ra loại chữ Braille có thể đọc bằng tay.

Hãy học cách hạnh phúc qua niềm vui mình tạo cho kẻ khác. Nó càng được nhân rộng, sự hiện hữu của ta trên đời này càng rõ ràng hơn. Từ đó, trăm năm không phải là giới hạn sau cùng cho sự hiện hữu của một con người.

Chuyện đời nhiều khi cũng huyền nhiệm lắm thay!

Người Từ Trăm Năm TOẠI KHANH

Sunday, December 30, 2018

CHAO, MÙI THƠM VỊ BÉO

Sản phẩm từ đậu nành lên men thì nhiều vô số, và hầu hết các nước Đông Á đều có món ăn truyền thống này, chế biến đủ kiểu, đủ tên gọi: Nhật Bản có natto, Hàn Quốc có gochujang, Indonesia có tempeh, Việt Nam có tương bần, ngay cả nước tương (không phải loại thủy giải bằng acid) cũng là đậu nành lên men. Bài này chỉ nói về đậu hũ lên men, mà tiếng Việt gọi là “chao”.


Chao lên men từ mốc

Đậu nành làm thành đậu hũ, rồi đậu hũ lên men thành chao. Một số sản phẩm đậu nành dùng vi khuẩn để lên men, như món natto của Nhật, nhưng đậu hũ lại sử dụng mốc để lên men.

Dù dùng vi khuẩn hay mốc, thì đậu nành cũng phải xài các enzyme tiết ra từ hai loại vi sinh này để lên men. Lên men ở đây là dùng enzyme để “cắt ngắn” các dây phân tử protein thành acid amin, chuyển chất béo (ester) thành acid béo, tinh bột thành đường đơn… Nhiều hợp chất dễ bay hơi cũng được hình thành tạo ra mùi, vị, màu đặc trưng cho sản phẩm lên men.

Đậu hũ cắt nhỏ để ủ tự nhiên sẽ lên mốc. Mốc phát triển sẽ phát sinh ra enzyme để đậu hũ lên men. Không phải mốc nào cũng làm đậu hũ lên men thành chao được, chỉ một vài loại mốc “chuyên trị” thôi. Làm chao thủ công theo kiểu để đậu hũ lên mốc tự nhiên thường hên xui như làm nem chua, có thể sẽ bị nhiễm cả mốc không mong muốn, gây lên men thối hoặc phát sinh độc tố.

Hiện nay có thể mua mốc làm chao để làm chao thủ công. Mốc này ở dạng bào tử, và sẽ phát triển khi cấy vào đậu hũ, như thế mốc ‘thuần chủng” chiếm ưu thế hơn. Người ta cũng có thể thêm rượu (nhẹ), muối, ớt, gia vị để tạo ra các loại chao đặc sản.

Chao chín tới sẽ có mùi thơm, vị béo đặc trưng.


Lợi quá nhiều, hại quá ít

Quá trình lên men không làm thay đổi lượng chất đạm (nitrogen) từ đậu hũ, mà biến chúng thành chất đạm dễ hòa tan. Tương tự với chất béo, lượng acid béo tự do phát sinh nhiều hơn, nên đậu hũ lên men (chao) dễ tiêu hóa và dễ hấp thụ hơn.

Một lợi ích khác là, lên men cũng loại bỏ các chất phản dinh dưỡng trong đậu hũ. Chất phản dinh dưỡng trong đậu nành bị dèm pha nhiều nhất là những chất ức chế tiêu hóa protein. Kế đến là acid phytic gây cản trở sự hấp thu sắt và kẽm. Sau cùng là các goitrogens gây khó khăn cho việc sinh sản hormone tuyến giáp. Quá trình lên men sẽ vô hiệu hóa tất cả những chất phản dinh dưỡng này.

Nói chung, từ đậu nành thành đậu hũ, đậu hũ thành chao, lợi ích về dinh dưỡng chỉ tăng lên chứ không giảm. Một điều e ngại (nếu có) là quá trình lên men không loại bỏ được các phytoestrogenes có trong đậu nành. Phytoestrogens này là nhóm chất có hoạt tính gần giống như hormone nữ (estrogene) ở người. Những estrogenes giả dạng này khi vào cơ thể người, có khi được việc, lại có khi quậy rách việc. Lợi và hại và của chúng vẫn còn được tranh cãi, nhưng đang có nhiều nghiên cứu để tận dụng mặt lợi và khống chế mặt hại. Xin nêu ra đây vấn đề tranh cãi nóng nhất:
 

Nhiều nghiên cứu cho thấy đậu nành có thể làm giảm rủi ro ung thư vú, nếu ăn thường xuyên đậu nành từ nhỏ. Nhưng nếu đã bị ung thư, thì đậu nành có thể kích thích tăng trưởng các tế bào ung thư vú. Phát hiện này vẫn còn đang tranh cãi. Mặc dù khoa học chưa khẳng định, nhưng nếu bị ung thư vú rồi, thì nên kiêng hoặc hạn chế ăn đậu nành cho chắc ăn.

Với ung thư tuyến tiền liệt, đậu nành không làm giảm rủi ro, nhưng có thể làm giảm tăng trưởng khối u.

Nhưng bất lợi này (nếu có) cũng không ảnh hưởng đến tương chao. Đơn giản vì chao khá mặn, muốn ăn nhiều cũng không được. Khuyến cáo an toàn thực phẩm về tương chao chỉ là giảm ăn mặn hơn là lo ngại về rủi ro ung thư này nọ.

Ai đi trước ai?

Nhiều người ví chao của Việt Nam với món phó mát của Tây. Ví von này có lý: về kỹ thuật, cả hai đều dùng protein đông tụ, mốc meo để lên men. Về vị, chao và phó mát đều béo ngậy. Về mùi, chao cũng có loại chao thối, thối cực kỳ (xú đậu hũ), phó mát Camembert của Tây cũng thối đâu kém…


Chao không chỉ để ăn chay mà còn đi vào thế giới ẩm thực, cạnh tranh ác liệt với phô mai. Nếu Tây có món cá hồi phô mai đút lò, chem chép nướng phô mai… thì ta cũng có vịt nướng chao, sò điệp nướng chao, hay sườn nướng chao xào sa tế… Thậm chí bếp Việt còn đi trước bếp Tây với món Đông-Tây hòa hợp: đậu hũ kẹp phô mai chiên xù. Ai sáng tạo hơn ai?

Vũ Thế Thành

NGẪM ...


Một hành giả hỏi lão hòa thượng: “Trước khi đắc Đạo, ngài làm gì?”

Lão hòa thượng: “Đốn củi, gánh nước, nấu cơm”.

Hành giả hỏi: “Vậy đắc Đạo rồi thì sao?”

Lão hòa thượng: “Đốn củi, gánh nước, nấu cơm”.

Hành giả lại hỏi: “Vậy thế thì có gì khác với lúc chưa đắc Đạo?”

Lão hòa thượng: “Trước khi đắc đạo, khi đốn củi thì lo lắng đến gánh nước, lúc gánh nước lại nghĩ chuyện nấu cơm; đắc Đạo rồi, đốn củi thì cứ đốn củi, gánh nước thì là gánh nước, nấu cơm thì cứ nấu cơm”.

Lời bình:

Làm gì cũng vậy, nếu có thể toàn tâm toàn ý thì sức mạnh sẽ được tập trung, kết quả cũng sẽ tốt hơn.

Không biết bằng lòng với những thứ mình đang có, không quý trọng những cái của mình mà lại đi mơ tưởng cái của kẻ khác chính là bắt nguồn của sự đau khổ trong nhân gian.


(Sưu tầm trên mạng)

TÌM THẤY CÁC HẠT NHỰA LI TI TRONG NƯỚC UỐNG ĐÓNG CHAI

Các cuộc kiểm tra các nhãn hiệu nước đóng chai tên tuổi phát hiện ra hầu hết chúng đều chứa các hạt nhựa nhỏ li ti


250 chai nước mua ở chín quốc gia khác nhau đã được kiểm tra.

Nghiên cứu do tổ chức báo chí Orb Media khởi xướng đã phát hiện ra trung bình một lít nước chứa 10 hạt nhựa. Mỗi hạt nhựa có kích thước lớn hơn bề ngang một sợi tóc.

Các công ty có loại nước đóng chai được thử nghiệm nói rằng các nhà máy đóng chai của họ được vận hành với các tiêu chuẩn cao nhất.

Các cuộc kiểm tra được thực hiện tại Đại học New York ở Fredonia.

Sherri Mason, giáo sư hóa học, người thực hiện các mẫu phân tích, nói:


"Đây không phải là nhắm vào các thương hiệu cụ thể, mà thực sự cho thấy nhựa đã trở thành vật liệu phổ biến trong xã hội và xâm nhập cả vào nước."

Hiện nay, không có bằng chứng cho thấy việc nuốt những mẩu nhựa siêu nhỏ có thể gây hại, nhưng hiểu được những nguy cơ tiềm ẩn là một lĩnh vực cần nghiên cứu trong tương lai.

Các chuyên gia nói rằng ở các nước đang phát triển nơi nước máy có thể bị ô nhiễm, mọi người nên tiếp tục uống nước đóng chai.


Liên quan đến những phát hiện này, các công ty sở hữu thương hiệu nước uống đóng chai được thử nghiệm khẳng định sản phẩm của họ đáp ứng các tiêu chuẩn cao nhất về an toàn và chất lượng.

Họ cũng chỉ ra rằng không có bất kỳ quy định nào liên quan đến các hạt nhựa li ti trong nước và cuộc thử nghiệm thiếu các phương pháp tiêu chuẩn.

Năm ngoái, giáo sư Mason tìm thấy các hạt nhựa trong các mẫu nước máy và các nhà khoa học khác phát hiện ra chúng trong hải sản, bia, muối biển và thậm chí trong không khí.

Nghiên cứu mới nhất này được công bố khi quốc tế ngày càng quan tâm hơn tới nguy cơ chất thải nhựa đối với hành tinh, vốn bắt đầu từ loạt phim tài liệu Hành tinh xanh II của BBC.


Các thương hiệu nước đóng chai được kiểm tra gồm:

Aquafina
Dasani
Evian
Nestle Pure Life
San Pellegrino

David Shukman
Biên Tập Viên Khoa Học, Nguồn: BBC tiếng Việt

Saturday, December 29, 2018

13 ĐÊM 14 NGÀY TRÊN BIỂN CẢ ( TỪ 04 ĐẾN 17/12/2018) - PHẦN 3

Chắc cũng phải nên nhắc lại là sau khi xuống tàu, chúng tôi được yêu cầu là phải ra tập hợp tùy theo nơi được chỉ định, có người sẽ ở nhà hát, có người thì ở lobby còn chúng tôi thì vào casino. Tất cả đến đây để được giải thích và hướng dẫn cách tự cứu nguy khi tàu gặp nạn cũng như khi các bạn đi máy bay cũng vậy. Nhờ vậy mà tôi gặp được mấy người quen và vài khách hàng ở vùng Springvale cũng có mặt trong chuyến đi này chưa kể là còn có nhiều người Việt khác nữa. Đại đa số khách trên tàu là dân Melbourne hoặc trong Victoria, một số ít ở Perth và Adelaide...


...tiếp theo...

3 NGÀY LÊNH ĐÊNH TRÊN BIỂN TASMAN TÌM ĐẾN "VÙNG ĐẤT CỦA MÂY TRẮNG" ...

Tối qua dù ngủ không quen trong phòng lạ nên không ngon giấc lắm nhưng không thấy mệt hay nhức đầu như lần đi Tasmania. Tuy vậy lúc vào nhà vệ sinh, trong một không gian nhỏ tôi vẫn cảm nhận được sự giao động và lắc lư nhẹ, bà xã tôi thì nói bị nhức đầu nên phải uống thuốc còn tôi thì chưa cần đến.

Chúng tôi đi qua nhà hàng buffet, tên của nó là Horizon Court, vào bên trong thì mấy người bạn đã đến trước rồi và giữ chỗ cho tụi tôi. Hôm nay mới thấy thật sự đa số khách đều là người cao niên và cái thẻ họ đeo cho tôi biết là họ đã đi nhiều chuyến rồi. Mọi người vào lấy thức ăn và tùy ý thích, tôi thì không có thói quen ăn sáng nhưng nhập gia tùy tục, đi lấy một chén cháo gà, trứng ốp la và khoai chiên là đủ nhưng lại thích ăn trái cây vì ở nhà chắc chắn không có ai gọt sẵn cho ăn vào buổi sáng.

Trong lúc ăn chúng tôi bàn về chương trình hôm nay vì được biết hôm nay là có "Captain's Welcome Aboard Party and Champagne Waterfall" lúc 7:00 giờ và có dặn trước là mặc đồ đẹp chút (formal) và nhớ chỉnh đồng hồ nhanh hơn 1 tiếng. Ăn xong, chúng tôi hẹn nhau sẽ xuống lobby uống cà phê còn bây giờ thì về phòng soạn đồ ra.


Tôi và bà xã không về phòng mà đi lên tầng trên 15 và 16 để chụp hình và đi lòng vòng cho biết. Hai tầng này là sundeck, có rất nhiều ghế nằm sắp sẵn trong bóng mát hoặc ngoài nắng, trên ghế đếu có để sẵn một cái khăn tắm cuộn tròn và bên cạnh là mấy chiếc xe đẩy để khăn cho ai cần. Bây giờ là đầu mùa hè nhưng gió biển lồng lộng làm cho tôi thấy lạnh. Hồ tắm không có ai, chỉ một vài người nằm tắm nắng và đọc sách.

Tàu Golden Princess rất rộng, trong khu vực sundeck này chưa kể 2 hồ tắm ở tầng 14, còn có hồ tắm ở tầng trên và thêm mấy cái spa độc lập, sân cỏ và một vườn nhân tạo phía trên cùng và tầng cao nhất phía sau đuôi tàu là Skywalkers Nightclub cho disco mà khi vào phải có giấy chứng minh trên 18 tuổi.

Đi lòng vòng một hồi mõi chân và cảm thấy lạnh, chúng tôi về phòng soạn hành lý ra, lấy tất cả quần áo, cái nào cần treo thì treo, không cần treo thì để vào tủ quần áo. Lom khom với mấy cái va-li một hồi thì chóng mặt nên lấy một viên thuốc uống vào cho chắc ăn rồi đi xuống lobby.

Vì thói quen gọi cái sãnh lớn ở khách sạn là lobby chứ thật ra đây cũng là một sân khấu biểu diễn thường xuyên và nhiều tiết mục nhất. Tên chính thức trên tàu gọi là "The Piazza" và mọi tiết mục chánh đều diễn ra ở đây.


Chúng tôi kiếm được một cái bàn ngay trung tâm và kéo thêm ghế cho đủ 6 người, gọi cà phê, nước sinh tố pha hoặc trà và uống tự do vì đã trả tiền trước rồi, họ chỉ cần lấy số thẻ hay cái thẻ của mình là xong. Thật ra tụi tôi chỉ mua một thẻ cho 2 vợ chồng, đúng ra mỗi lần gọi thức uống chỉ là một ly 1 lần nhưng về sau mấy người hầu bàn ở các bar, club thấy đám tụi tôi riết rồi quen nên tỏ ra thân thiết và gọi bao nhiêu cũng được. Bây giờ là biễu diễn cách pha rượu còn hồi sáng là biểu diễn điêu khắc trái cây nhưng chúng tôi không đến. Nói chung bất cứ thời khắc nào cũng có tiết mục từ sáng đến tối, ai thích gì thì cứ theo bản chương trình hàng ngày mà đi tham dự. Mấy bà thì đang tiếc là bỏ qua tập Zumba và Line dance và cùng hẹn nhau vào sáng mai.

Lầy quầy một chút đó là lại đến giờ ăn trưa nữa rồi, ăn trưa xong là lại xuống The Piazza uống cà phê hay trà, sau đó qua phòng triển lãm tranh để xem. Các bức tranh ở đây được trình bày cho mọi người xem và sẽ được tổ chức bán đấu giá. Khi trở ra đi ngang the Piazza thì thấy các nhân viên trên tàu đang bắt đầu xếp ly trên bàn để tạo một hình tháp. Chúng tôi đi về phòng để chuẩn bị cho buổi tối.


Trên tàu họ làm thương mại rất hay, tổ chức này nọ để chụp hình và thâu video để làm DVD bán và đặc biệt tối nay, chương trình yêu cầu khách đi tàu mặc đẹp để tham dự chụp hình gọi là "Formal Portraits Tonight" mà địa điểm chụp hình được xếp đặt ở mỗi tầng 5. 6 và 7 cùng với "Captain's Welcome Aboard Party and Champagne Waterfall".


Tối nay ai cũng mặc đẹp, chúng tôi cũng chụp vài tấm hình rồi đi ăn tối ở Canaletto, đây là nhà hàng chỉ phục vụ cho ăn tối (Formal Dining), lúc ra đi qua the Piazza, ông Captain và mọi người đang reo hò cụng sâm banh với nhau. Ai muốn thì tiếp tục ở đây cụng ly chụp hình, còn chúng tôi đi vào nhà hát để tìm chổ tốt vì tối nay có show "Born to Dance" và gần như đêm nào cũng chật rạp. Hết show lại kéo nhau qua Explorer's Lounge với chương trình ca nhạc và khiêu vũ của ban nhạc 1st In Charge rổi sau đó lại qua Wheelhouse Bar với chương trình nhạc nhẹ.


Mỗi một ngày qua trên tàu là chỉ ăn và chơi đó là lý do tại sau ai cũng lên cân sau chuyến hành trình. Chúng tôi về phòng và nhận được một tấm chương trình cho ngày mai, trong phòng lại có 2 viên kẹo trên bàn và một tấm báo tin nhỏ: "ngày mai xin chỉnh đồng hồ nhanh thêm một tiếng lúc 1 giờ trưa". Vậy là ngày mai chúng tôi đã vào múi giờ của New Zealand rồi đó, đường đến "Vùng đất của mây trắng" đã gần kề.

(còn tiếp)
LKH

HỌC CÁCH ĐỂ TRỞ NÊN MAY MẮN

Ai cũng muốn là người may mắn, nhưng không phải ai cũng được như thế. Nhưng nếu biết cách, bạn sẽ là người may mắn.


Trên thế giới có 3 loại người: người may mắn, người xui xẻo và bình thường. GS Richard Wiseman, ĐH Hertfordshire (Anh) đã làm một cuộc nghiên cứu cực kì công phu trên 400 người từ 18 đến 84 tuổi trong suốt hơn 10 năm, để tìm hiểu về quy luật may mắn của con người.

Qua nghiên cứu này, ông đã rút ra được khá nhiều điều lý thú và hữu ích cho tất cả mọi người muốn mình trở nên may mắn hơn.

Cuộc sống là một trò chơi tìm kiếm

Trong một cuộc thí nghiệm, GS Wiseman đưa cho người may mắn và xui xẻo 2 tờ báo và hỏi họ: “Hãy tìm cho tôi có bao nhiêu tấm hình trong tờ báo này?” Người xui xẻo mất 2 phút, trong khi người may mắn chỉ mất có vài giây. Tại sao lại như vậy?

Vì ở ngay trang 2 của tờ báo có một dòng chú thích: “Đừng tìm nữa, tờ báo này có 43 tấm hình”. Cuộc thí nghiệm được làm lại nhiều lần và người xui xẻo chẳng bao giờ nhìn ra dòng chữ ấy.

Bài học rút ra là: người xui xẻo đã bỏ lỡ cơ hội vì họ quá bận rộn, quá tập trung vào những gì đang làm. Trong khi đó, người may mắn luôn biết nhận ra những gì khác biệt hơn là những gì họ tìm kiếm.
 

May mắn thường gõ cửa những người luôn sáng tạo và luôn biết cách làm mới mình, làm mới môi trường xung quanh mình.

Nếu ví sự may mắn là trái táo và môi trường quanh bạn là một vườn táo. Hàng ngày, bạn chỉ cứ hái mãi ở một vườn, càng ngày bạn sẽ càng khó tìm thấy, vì táo ít đi từng ngày.

Nhưng nếu bạn sang một vườn táo mới, xác suất hái được táo của bạn sẽ tăng lên đột ngột. Đó chính là sự may mắn!

Biết là mình may mắn

Sở dĩ GS Wiseman chia ra làm hai loại người: may mắn và không may mắn vì… chính họ đã tự nhận mình là như vậy. Cùng một sự việc, người may mắn và xui xẻo có thể nhìn dưới 2 khía cạnh khác hẳn nhau.

Cũng như một đội tuyển tham dự Olympic vậy, năm nay họ thi đấu chỉ đoạt huy chương đồng, sang năm, họ tập luyện chăm chỉ hơn và rồi đạt huy chương bạc. Nhưng bạn hãy thử đoán xem, lúc nào họ vui hơn?

Khi đoạt huy chương bạc, họ cảm thấy xui xẻo vì chỉ còn một chút nữa thôi là họ có thể làm được điều tốt nhất. Còn khi chỉ đoạt huy chương đồng, họ lại thấy may mắn, vì nếu họ không cố gắng dù chỉ là một chút nữa thôi thì họ đã không có gì cả.
 

Các nhà nghiên cứu gọi đây là hiện tượng suy nghĩ “phản thực” (counter-factual). Những người may mắn là người biết biến sự xui xẻo thành cảm giác may mắn.

Trong một thí nghiệm khác, GS Wiseman đặt ra trường hợp rằng: một ngày bạn vào nhà băng, thế rồi bất chợt bọn cướp xuất hiện, chúng bắn bừa một viên đạn thế nào lại trúng vào vai bạn. Quan điểm của người xui xẻo là: “Ôi trời, sao tôi xui xẻo đến thế. Đến nhà băng ngày nào không đến, lại đến đúng ngày có cướp viếng, đã thế lại bị tai bay đạn lạc”.

Trong khi đó, quan điểm của người may mắn là: “Ôi may quá! Đạn chỉ trúng vào vai mà không vào đầu mình”.

Chính quan điểm ấy giúp họ có một cuộc sống tràn đầy tự tin và hy vọng. Họ luôn lạc quan ngay cả khi khó khăn nhất.

Luyện để trở thành người may mắn

Mục đích của nghiên cứu này là rút ra những kinh nghiệm và thói quen có thể giúp chúng ta tìm thấy nhiều sự may mắn hơn.

GS Wiseman tổ chức một cuộc trao đổi giữa hai nhóm người. Những người may mắn sẽ nói về cách họ suy nghĩ, cảm nhận về cuộc sống, cách họ tìm kiếm may mắn, phá vỡ các thói quen và giải quyết những xui xẻo.
 

Những người xui xẻo được giao nhiệm vụ là hãy thay đổi một số thói quen, lối sống. Sau đó chỉ một tháng, những kết quả báo lại thật bất ngờ: 80% số người xui xẻo đã cảm thấy sống tốt hơn, vui vẻ hơn và may mắn hơn.

Piper, một người thuộc nhóm xui xẻo nói: “Tôi đã tự lập ra một số sở thích và thói quen bất chấp những hạn chế của mình. Ví dụ như vào các sáng thứ 7, tôi rất muốn đi câu, vì vướng chuyện học lại thôi.

Nhưng lúc đó, tôi vẫn cứ đi câu bất chấp vẫn còn một đống bài ở nhà. Trong khi câu cá, chúng tôi đã trao đổi cùng nhau về bài luận, tôi đã nhận ra khá nhiều điều lý thú và tôi đã có một bài luận điểm A”.

Alesadra nói: “Tuần trước, tôi thấy có một cái váy rất đẹp, nhưng không mua. Hôm sau tôi quay lại để mua thì người ta đã bán mất. Nếu là trước đây, tôi sẽ thất vọng, buồn rầu mà đi về. Nhưng sau khi đi một vòng, tôi lại tìm được một cái khác đẹp hơn và còn rẻ hơn thế. Thật là may mắn”.
 

Có lẽ, may mắn hay xui xẻo cũng chỉ là một khái niệm trìu tượng và do quan điểm của mỗi chúng ta. Vậy là bài học rút ra ở đây thật sự chẳng có gì cao siêu cả.

Nếu bạn muốn là người may mắn, hãy tự xếp hạng mình là người “số đỏ”. Hãy luôn suy nghĩ tích cực, rằng những may mắn đến với bạn là do bạn xứng đáng được hưởng, còn những xui xẻo chẳng qua là những thử thách giúp chúng ta cứng cỏi hơn mà thôi.

Hãy nhớ rằng: “Khi một cánh cửa sập lại với bạn, chắc chắn sẽ có 5, 7 cánh cửa khác trải thảm đỏ đón bạn”.
Theo: Reader’s Digest

BỮA ĂN ĐÊM BÍ ẨN Ở HONG KONG

Ngay cả khi mặt trời đã lặn ở Cảng Victoria, phố xá Hong Kong vẫn đông nghịt. Quá nửa đêm đã lâu, các du khách vẫn có thể thấy các thuyền gỗ lướt trên mặt nước dưới trăng, phố xá rực rỡ dưới ánh đèn quảng cáo, chợ đêm đông đúc bán đủ thứ từ giầy thể thao dởm đến những túi nilon đựng cá vàng, và tất nhiên, tiếng hát karaoke lả lướt trong màn đêm sương ẩm. Nhưng mặc dù những thú tiêu khiển như vô giới hạn ở Hong Kong đông đúc này, ăn uống vẫn là nỗi ám ảnh văn hoá thực sự thống lĩnh 24/24 giờ.

Hãy vào bất kỳ quầy ăn vỉa hè nào vào buổi tối, thế nào bạn cũng tìm được các món ăn vừa ý mình (Ảnh: Sarah Treleaven)

Thực ra người Hong Kong tôn sùng món ăn nhiều đến nỗi thậm chí họ tạo ra một bữa ăn ít được biết, siu yeh (ăn đêm), để ăn về đêm, điển hình từ 9 giờ tối đến 6 giờ sáng, nhưng có thể ăn bất kỳ lúc nào giữa bữa chiều và lúc đi ngủ. Trong khi ít quán ăn mở cửa 24/24 ở Hong Kong, nhiều quán mở cửa muộn, khoảng 9 giờ tối, phục vụ ăn đêm. Nhiều quán ăn, quán nước và quầy vỉa hè có món ăn đêm đặc biệt, và ngay cả các hộp đêm có thể cũng nổi tiếng vì các món ăn vặt cũng như rượu cocktails trong tiếng nhạc DJ.

Dim sum là món chính ở Hong Kong (Ảnh: Sarah Treleaven)

“Người Trung Quốc có câu ngạn ngữ nói làm ra tiền là để ăn,” Silvana Leung, thuộc hãng du lịch Hong Kong Foodie Tasting Tours, nói. “Đó là cách để hưởng thụ.”

Celia Hu, cộng tác viên cho tạp chí Foodie Magazine và blogger của trang Girl Meets Cooking, giải thích rằng điều làm cho siu yeh (ăn đêm) của Hong Kong khác biệt với các văn hoá ăn muộn khác là ở chất lượng và tính đa dạng của nó.

“Đó không chỉ là món thịt cừu kebab làm qua quít để ăn khi đã say khướt,” bà nói. “Ở Hong Kong rất nhiều hàng ăn mở muộn hoặc mở thâu đêm có đầy đủ các món hải sản tươi, hoành thánh gói ghém rất đẹp và dim sum mới hấp xong."

Hầu hết các món ăn tối là dễ ăn , ít cầu kỳ như món Quảng Đông cổ điển (Ảnh: Sarah Treleaven)

Cách thức phục vụ ăn uống ở Hong Kong thì vô cùng nhiều, từ ăn tự chọn ở khách sạn và quầy hàng bán lẻ đến các quán nằm rất khuất và quầy vỉa hè. Dân ở đây vui vẻ xếp hàng để mua được bánh nhân custard hoặc ngỗng quay ướp rượu vang. Các bát mì hoành thánh đơn giản, rẻ và ngọt lừ được bán ngay gần các nhà hàng gắn sao Michelin với các món rất ngon như bào ngư om và tôm hùm Brittany.

Nhưng phần lớn các món ăn đêm là dễ ăn, ít cầu kỳ phức tạp như món Quảng Đông cổ điển. “Tất cả những thức ăn này là một phần các món hàng ngày và dân đi là để ăn các món quen thuộc từ thuở nhỏ,” bà Hu nói. “Những người quý mến nhau tụ tập để thưởng thức cuộc sống.”

Nếu ghé vào bất kỳ quầy vỉa hè (dai pai dong) nào về đêm, bạn sẽ có thể gọi món bánh xèo, hào tráng trứng, bánh bao, cá viên, cháo trắng ăn với thịt băm hoặc trứng muối, mì tả pí lù (với đủ các loại mì, xốt và thịt), đậu phụ nhự rán ròn và thành từng xiên để ăn.

Món dim sum là lựa chọn đặc biệt biểu tượng của món ăn đêm với hàng trăm lựa chọn khác nhau, trong đó món bánh nhân xá xíu luôn được ưa thích, bên cạnh món bánh cuốn nhân tôm và bánh củ cải chiên.

Thịt nướng ở một quầy thức ăn vỉa hè ở Hong Kong (Ảnh: Sarah Treleaven)

Và trong khi phần lớn các món ăn đêm có vẻ tồn tại lâu năm, món tráng miệng lại không như vậy.

“Nó tùy thuộc Instagram lúc này đang nói gì,” bà Hu nói. Những lựa chọn truyền thống là chè đậu đỏ hoặc bánh xoài, nhưng mới đây người ta thích bánh ngọt Pháp và kem que. Nếu bà Hu cần nhiều năng lượng cho buổi tối, thì bà chọn bánh sữa trứng lỏng. “Nó giống như bánh nhân lỏng nhưng cải tiến theo kiểu Quảng Đông,” bà nói.

Janice Leung Hayes, cây bút về ẩm thực và người thành lập ra Island East Markets (chợ lớn nhất ở Hồng Kông của nông dân), cho rằng nguồn gốc ăn đêm là từ tỉnh Quảng Đông.

Khi ở Hong Kong bạn hãy tận dụng hết không khí ăn uống rộn ràng (Ảnh: Sarah Treleaven)

“Một số nói rằng ở phía Nam Trung Quốc thì ngày dài hơn nên người ta thức lâu hơn và ăn nhiều bữa hơn, nhưng một số người khác cho là vì văn hoá Quảng Đông là gặp nhau uống trà hoặc rượu sau bữa tối,” bà nói. “Những tài liệu cổ của Trung Quốc từ thời nhà Đường có nói về phong tục này.”

Nhưng một số yếu tố đóng góp của thời nay đã làm cho ăn đêm thành một hiện tượng văn hoá kéo dài.

Cái nóng và ẩm nhiệt đới của Hong Kong làm giảm thú ăn vào ban ngày, nghĩa là người dân đã quen ăn ngon miệng sau khi mặt trời lặn. Người dân thường thức muộn do phải làm việc lâu và cả do cuộc sống xã hội sôi động thường xảy ra nơi công cộng ở những căn hộ chật chội đông người.

“Chúng tôi có nhiều cửa hàng ăn tính trên đầu người hơn bất cứ nơi nào khác trên thế giới, nhưng tôi nghĩ một phần cũng vì nhà chúng tôi nhỏ, nhưng không vì thế mà chúng tôi bỏ mất các bữa tối vui vẻ,” bà Hayes nói.

Ngoài ra, văn hoá Trung Quốc đề cao ẩm thực, và mọi lễ hội đều có nghi lễ và truyền thống liên quan đến ẩm thực, từ bánh nướng vào rằm tháng Tám đến bánh bao thịt lợn bắp cải vào đầu năm.

“Chúng tôi coi đồ ăn là một cách để con người đến với nhau,” bà nói.

Sarah Treleaven
Theo: BBC Travel
Link tiếng Anh:
http://www.bbc.com/travel/story/20160829-hong-kongs-secret-night-meal

ANH BẢY CHÀ HYNOS

Anh Bảy Chà Hynos – Tiền thân của kem đánh răng P/S


Ít ai biết rằng tiền thân của kem đánh răng P/S là nhãn hiệu kem đánh răng Hynos một thời vang bóng Sài Gòn, không chỉ từng “độc cô cầu bại” ở thị trường trong nước mà còn xuất khẩu sang Thái Lan, Singapore, Hong Kong. Vậy điều gì đã khiến Hynos đánh bại cả những hãng kem khổng lồ thống trị miền Nam như Colgate của Mỹ, C’est của Pháp và hai ông lớn Perlon và Leyna? Và điều gì dẫn đến sự lụi tàn của Hynos?

Ảnh: Pa-nô quảng cáo kem đánh răng Hynos – một thương hiệu nổi tiếng Sài Gòn trước 1975 bởi nhiếp ảnh gia Mỹ Michael Burr, chụp ở Sài Gòn năm 1969-1970, khi ông làm giáo viên dạy tiếng Anh cho không lực VNCH.

Tuýp kem đánh răng in hình ảnh người đàn ông da đen khoe hàm răng trắng ấn tượng với nhãn hiệu Hynos rất “Tây” hóa ra lại là hàng “Made in Vietnam”. Nhãn hiệu kem đánh răng này lúc khởi thủy được sáng lập bởi một người Mỹ gốc Do Thái, muốn làm ăn ở nước ta. Ông từng lấy một cô vợ người Việt, và dự định sẽ gắn bó với Việt Nam lâu dài. Chẳng ngờ mới mở Hynos không lâu thì vợ mất, ông quyết định quay trở về cố quốc.

Bấy giờ, ông Vương Đạo Nghĩa làm công cho Hynos và rất được vợ chồng ông bà chủ tin tưởng. Vậy nên thay vì rao bán nhãn hiệu, ông chủ Mỹ nhượng lại Hynos cho ông Nghĩa với một cái giá mềm. Nhưng điều đáng nói là chỉ 10 năm sau, Hynos từ một xưởng nhỏ đã lớn mạnh, đủ sức đánh gục các ông lớn kem đánh răng tại miền Nam lúc bấy giờ như Colgate của Mỹ, C’est của Pháp và hai ông lớn Perlon và Leyna.

Bí quyết thành công của ông Nghĩa nằm ở cách quảng cáo, marketing sáng tạo. Thời đó, ông dám bỏ ra phân nửa lợi nhuận của hãng chỉ để dành cho việc quảng cáo. Ông lại mạo hiểm chọn hình ảnh một người đàn ông da đen cười với hàm răng trắng tinh, tạo hiệu ứng thị giác tương phản khiến người ta ghi nhớ, thay vì hình ảnh một người đàn ông hay phụ nữ da trắng của các hãng nước ngoài.


Thời đó, người ta hay gọi người Indo sinh sống ở Sài Gòn theo thứ hạng vai vế là “anh Bảy Chà” (Java – Chà Và), nhưng thực ra không cứ Indo, mà dân Mã Lai, Ấn Độ da ngăm đen đều được gọi là “Bảy Chà” hết. Vậy nên người Sài Gòn còn gọi kem đánh răng Hynos bằng cái tên thân thương hơn, là kem anh Bảy Chà, cũng như gọi xà bông Cô Ba vậy đó.

Quay lại chuyện marketing, ông Nghĩa không chỉ lựa chọn hình ảnh quá nổi bật và dễ nhớ, mà còn chọn quảng cáo ở bất cứ đâu, từ giao lộ, chợ búa, đến cả phim ảnh, truyện tranh trẻ em.

Một quảng cáo của Hynos khiến người Sài Gòn khó quên là đoạn hát vui nhộn:

Chà chà chà, Hynos, chà chà chà.
Chà chà chà, hàm răng em trắng bóc.
Cha cha cha, cha cha cha.
Và ngàn nụ cười, nụ cười tươi như hoa.

Nhưng nói đến Hynos thì phải kể về một cách quảng cáo thuộc hàng “đi trước thời đại” của ông Nghĩa. Bấy giờ, ông đã bỏ tiền thuê diễn viên võ hiệp Hong Kong nổi tiếng lúc đó là Vương Vũ và La Liệt đóng phim quảng cáo cho Hynos. Trong phim, Vương Vũ vào vai tướng cướp, chỉ huy thảo khấu tấn công đoàn xe bảo tiêu do La Liệt chỉ huy. Hai bên đánh nhau sống chết, đến khi chỉ còn Vương Vũ và La Liệt. Một màn đấu võ tưng bừng diễn ra và Vương Vũ là kẻ thắng cuộc. Anh ta mở thùng hàng bảo tiêu, lấy ra và đưa về phía trước hộp… kem đánh răng Hynos. Đoạn phim quảng cáo này được chiếu trước khi chiếu phim chính tại các rạp Sài Gòn bấy giờ, tạo ra hiệu ứng không thể nào quên.

Thực ra nguyên nhân ông Nghĩa bỏ ra một số tiền lớn đến vậy để chiều lòng khách hàng là vì đoạn phim này còn được chiếu ở nhiều nước khác nữa, do nhãn hiệu Hynos bắt đầu lan sang Thái Lan, Singapore, Hong Kong sau khi chiếm lĩnh thị trường miền Nam.


Ấy vậy mà sau khi bị quốc hữu hóa, Hynos sáp nhập với Công ty Kolperlon, đối thủ năm xưa, trở thành Xí nghiệp sản xuất kem đánh răng Phong Lan. Cái tên Hynos chìm vào quên lãng vì đi cùng với loại kem đánh răng mới nhãn hiệu lạ hoắc và chất lượng cũng chẳng thể như xưa.

Năm 1980, Xí nghiệp kem đánh răng Phong Lan lại sáp nhập với các xí nghiệp khác như bột giặt Tico, Xí nghiệp Mỹ Phẩm 2, xà bông Đông Hưng để trở thành Xí nghiệp Liên hiệp Hóa Mỹ Phẩm. Sau khi Xí nghiệp Liên hiệp Hóa Mỹ Phẩm giải thể, Xí nghiệp kem đánh răng Phong Lan đổi tên thành Công ty Hóa phẩm P/S. Bấy giờ, P/S vẫn còn là một trong những nhãn hiệu nổi tiếng, chiếm phần lớn thị phần kem đánh răng tại Việt Nam.


Năm 1997, khi công ty đa quốc gia Unilever đến đầu tư ở Việt Nam, họ đề nghị chuyển nhượng lại quyền sở hữu nhãn hiệu kem đánh răng P/S qua thành lập công ty liên danh. Rồi sau đó vì phải chuyển qua vỏ nhựa thay vì vỏ nhôm nên Công ty Hóa phẩm P/S tiếp tục từ bỏ việc sản xuất kem đánh răng của mình để chuyển quy trình sản xuất và nhãn hiệu P/S cho Tập đoàn Unilever, chỉ còn sản xuất vỏ hộp mà thôi. Sau đó, một công ty Indonesia được chọn để sản xuất kem P/S và Công ty Hóa phẩm P/S mất luôn cơ hội sản xuất và gia công vỏ hộp, bị đẩy bật khỏi liên doanh.

Vậy là đến đây di sản “Made in Vietnam” của Hynos từ nhãn hiệu cho đến sản xuất đều không còn nằm trong tay người Việt.

Lê Nguyên