Truyền thuyết cho rằng, Âu Dương Tu 欧阳修 khi làm Thái thú phủ Dĩnh Châu 颍州 (nay là Phụ Dương 阜阳 An Huy 安徽), có người trẻ tuổi tên Lữ Công Trứ 吕公著 làm việc dưới tay ông. Một lần nọ, bạn của Âu Dương Tu là Phạm Trọng Yêm trên đường đi ngang qua Dĩnh Châu đã ghé lại thăm. Âu Dương Tu nhiệt tình chiêu đãi, đồng thời nhờ Lữ Công Trứ phụ tiếp đãi. Trong khi trò chuyện, Phạm Trọng Yêm nói với Lữ Công Trứ rằng:
- ‘Cận chu giả xích, cận mặc giả hắc’. Anh ở bên cạnh Âu Dương Tu, thật là quá tốt. Nên hướng đến ông ta xin thỉnh giáo kĩ xảo viết văn làm thơ.
Lữ Công Trứ gật đầu. Về sau, qua việc ngôn truyền thân giáo của Âu Dương Tu, năng lực sáng tác của Lữ Công Trứ đã nhanh chóng được nâng cao.
Ở đây Phạm Trọng Yêm chỉ nói “cận chu giả xích, cận mặc giả hắc”, hoàn toàn không thể nói đó là đại biểu cho xuất xứ nguyên thuỷ. Còn với Khổng Tử tuy thời gian sớm nhất, nhưng xem trong Luận ngữ 论语 và những trứ tác có liên quan, tuy có những câu có ý biểu đạt tương đồng, nhưng không thấy câu “cận chu giả xích, cận mặc giả hắc”. Thuyết có thể tin tưởng là trong Thái tử Thiếu phó châm 太子少傅箴 của Phó Huyền 傅玄 đời Tấn:
Cố cận chu giả xích, cận mặc giả hắc; thanh hoà tắc hưởng thanh, hình chính tắc ảnh trực.
故近朱者赤, 近墨者黑; 声和则响清, 形正则影直.
(Cho nên gần son thì đỏ, gần mực thì đen; thanh âm mà hoà hợp thì tiếng vang nghe trong trẻo, hình mà ngay thì ảnh thẳng.)
Nói một cách chuẩn xác, hiện nay rất khó để mà tra nguyên tác giả là ai. Nhưng điều đó không quan trọng, điều mà chúng ta cần phải hiểu rõ đó là hoàn cảnh có ảnh hưởng rất lớn đối với con người.
Dịch giả: Huỳnh Chương Hưng
Nguyên tác Trung văn
Trong quyển
THÚ VỊ VĂN HOÁ TRI THỨC ĐẠI TOÀN
趣味文化知识大全
Thanh Thạch 青石 biên soạn
Trung Quốc Hoa kiều xuất bản xã, 2013