Ông chuyển sang châu Á và làm công việc dạy tiếng Anh bởi vì tình trạng khan hiếm việc làm ở Anh quốc. Thế nhưng ông muốn mở rộng con đường sự nghiệp hơn nữa.
Vì vậy, người đàn ông Scotland 32 tuổi này đã tìm đến Thượng Hải, thủ đô thương mại của Trung Quốc, nơi ông tìm được công việc tại một hãng tuyển dụng ở địa phương.
Mclvor trước đó đã nghiên cứu Singapore và Hong Kong, thế nhưng cuối cùng ông lại chọn Thượng Hải vì các chỉ số tăng trưởng kinh tế ấn tượng ở đây và cũng một phần vì ông có thể nói được một ít tiếng Trung phổ thông.
Chỉ trong vài tuần, ông đã có được chỗ ngồi trong phòng họp với CEO và chủ công ty, McIvor, người ngoại quốc duy nhất trong công ty có 180 nhân viên, nói.
"Tôi sớm được tin tưởng với khá nhiều trọng trách và rất nhiều công việc khá mới mẻ với tôi. Tôi không có kinh nghiệm gì về tuyển dụng hay kinh doanh."
Mclvor tỏ ra ưa thích những thách thức trước mặt, thế nhưng chỉ sau 2 năm sống ở Thượng Hải, ông đã muốn quay lại Đài Loan. Lần này, những sự chuyển tiếp diễn ra êm thấm hơn.
Tuy không có tí kinh nghiệm nghề nghiệp nào nhưng Alan McIvor vẫn thăng tiến trong sự nghiệp tại Thượng Hải
"Khi rời Đài Loan để đến Thượng Hải, tôi có lẽ đã nộp đơn cho cả trăm công việc," Mclvor nói.
"Thế nhưng khi quay lại Đài Bắc, tôi chỉ cần một cuộc gọi duy nhất." Đó là vào năm 2015. Sau hai năm làm việc trong một hãng tuyển dụng khác, giờ đây, ông là cộng sự cao cấp tại hãng tuyển dụng Bo Le và có bốn nhân viên dưới quyền.
Thế nhưng Trung Quốc, với khoảng 850 nghìn lao động nước ngoài (1/3 tập trung tại Thượng Hải), không phải là nơi duy nhất nhiều người tìm đến để mở rộng con đường sự nghiệp.
Những điểm nóng truyền thống như London và New York luôn tồn tại sự cạnh tranh khốc liệt và vì vậy, có lẽ đã đến lúc để tìm đến các thành phố quốc tế khác, như Dubai và Singapore, hoặc những nơi ít nổi tiếng hơn.
"Nếu bạn muốn tiến nhanh trên con đường sự nghiệp, bạn sẽ có nhiều lợi thế nếu sẵn sàng chấp nhận làm việc ở những nơi khó sống hơn một chút," Christine Wright, giám đốc điều hành hãng tuyển dụng Hays Asia, nói. Bà cho rằng mỗi người cần 'chấp nhận rủi ro' trong một giới hạn nào đó, ví dụ như đảm nhận các công việc ngắn hạn, hoặc chấp nhận lương thấp hơn để học các kỹ năng mới.
"Sẽ tốt hơn nữa nếu bạn có thể làm những điều này với một công ty có nhiều cơ hội cho bạn, có khả năng cho bạn một con đường để phát triển sự nghiệp rõ ràng."
Nhu cầu lao động kỹ năng cao
Vậy thành phố nào là tốt nhất cho những lao động nhiều tham vọng?
Tổ chức Lao động Quốc tế và Ngân hàng Phát triển Á châu ước tính 10 quốc gia trong khối ASEAN sẽ cần thêm 14 triệu lao động có kỹ năng cao trong thời gian từ 2010 và 2025, tăng 41% - và phần lớn nhu cầu đến từ thủ đô các nước.
Thượng Hải đang muốn trở thành trung tâm sáng tạo, khiến nơi này mở ra nhiều cơ hội cho những ai hoạt động trong lĩnh vực công nghệ
Ví dụ như ở Trung Quốc, trong lúc nền kinh tế của nước này phát triển, các thành phố lớn ở đây cần những con người có kỹ năng trong dịch vụ và công nghệ, thay vì những kỹ năng trong sản xuất như trong quá khứ. Các nhà tuyển dụng trên thế giới dự đoán các lao động trong ngành an ninh máy tính, xử lý dữ liệu thống kê ở quy mô lớn, phân tích điện tử và công nghệ tài chính sẽ có nhiều nhu cầu nhất, do chính phủ muốn đẩy mạnh kế hoạch biến Thượng Hải thành trung tâm sáng tạo công nghệ.
Dubai đã trở thành điểm nóng cho các lao động nước ngoài suốt nhiều năm nay, với tỷ lệ thất nghiệp đối với các lao động ngoại quốc chỉ vào khoảng 0,19%. Trong lúc nhu cầu đối với dầu mỏ và khí đốt đang tác động tiêu cực tới nền kinh tế ở đây, vương quốc này đang tìm kiếm những nguồn tăng trưởng khác. Năm ngoái, Dubai đã công bố Chiến lược Công nghiệp năm 2030, với mục tiêu tạo ra 27 nghìn việc làm trong 6 lĩnh vực từ hàng không, cơ khí cho đến y dược.
"Những địa điểm tốt nhất để phát triển sự nghiệp là những nơi có nhu cầu về nhân sự cao nhất," Mario Ferraro, người đứng đầu bộ phận luân chuyển nhân sự tại các khu vực Á châu, Trung Đông, Phi châu và Thổ Nhĩ Kỳ của Mercer, một công ty tư vấn toàn cầu, cho biết.
"Tất cả đều là một phần của quy luật nhu cầu và nguồn cung."
Nơi mà các công ty không có nhiều sự lựa chọn về nhân sự cũng là nơi những lao động đầy quyết tâm có thể áp dụng kỹ năng của mình và nhanh chóng tích luỹ kinh nghiệm, ông nói.
Tìm kiếm tài năng
Nhu cầu về lao động khiến cho nhiều quốc gia, thậm chí nhiều thành phố phát triển các chương trình đặc biệt dành cho lao động ngoại quốc và các doanh nhân với hy vọng sẽ thu hút được nhiều người tài.
Sẽ có rất nhiều cơ hội cho những ai dám dịch chuyển tới những nơi mới
Năm 2010, Trung Quốc bắt đầu giản lược vấn đề thủ tục với Kế hoạch Nghìn Tài năng nhằm khuyến khích các lao động ngoại quốc có kỹ năng cao đến làm việc ở những trường đại học và viện nghiên cứu hàng đầu ở nước này. Malaysia cung cấp giấy phép định cư dài hạn cho những 'tài năng nước ngoài', cho phép các chuyên gia trong một số lĩnh vực tiếp tục làm việc tại nước này đến 10 năm, trong khi Hà Lan bắt đầu chương trình Expatcenter vào năm 2008 nhằm giúp đỡ những người ngoại quốc làm việc ở Amsterdam và những khu vực lân cận.
Thế nhưng đối với những lao động ngoại quốc muốn thăng tiến trên con đường sự nghiệp, hai thành phố châu Á dưới đây sẽ là sự lựa chọn tốt nhất.
Khảo sát Expat Explorer của HSBC chỉ ra rằng 68% những người làm việc tại Hong Kong cho biết nơi này rất tốt cho sự nghiệp của họ, trong khi con số này tại Singapore là 62% (chỉ số trung bình toàn cầu là 43%). Ferraro, người đã sống và làm việc tại Singapore suốt 19 năm, cho biết chất lượng sống cao và mức thuế thấp ở hai thành phố này khiến chúng trở thành điểm đến hấp dẫn cho các lao động ngoại quốc.
Khó khăn ở nước ngoài
Thế nhưng những người hồ hởi muốn tiến lên nhanh chóng trên bậc thang sự nghiệp ở nước ngoài có thể sẽ gặp một số vấn đề về thị thực hoặc môi trường chính trị.
Vấn đề nhập cư trở thành tâm điểm của cuộc trưng cầu dân ý tại Anh quốc hồi tháng Sáu năm ngoái, và nhiều công dân châu u tại Anh tỏ ra lo lắng không biết mình có được tiếp tục ở lại sau khi Anh rời khỏi EU hay không. Trong khi đó, chính quyền Hoa Kỳ cũng đang đẩy mạnh các cải cách về nhập cư nhằm thắt chặt các quy định xung quanh loại thị thực mà nhiều chuyên gia về IT đang sử dụng.
Thế hệ trẻ có vẻ như không ngần ngại trong việc dịch chuyển để tìm kiếm viêc làm và cơ hội thăng tiến vừa ý
Ngay cả Singapore, dù là quốc gia khá cởi mở với lao động nước ngoài, cũng đang phải điều chỉnh các điều luật liên quan đến lao động ngoại quốc.
Ngày càng có nhiều quan ngại ở Singapore về mật độ dân số và vấn đề cạnh tranh việc làm với lao động nước ngoài. Điều này khiến các công ty đóng tại đây phải tạo cơ hội công bằng cho các lao động địa phương. Những công ty không làm vậy sẽ bị đưa vào danh sách những doanh nghiệp bất công trong quy trình tuyển dụng.
Ferraro nói những người theo chủ nghĩa bảo hộ và chủ nghĩa dân tuý rất dễ gây cảm tình với các cử tri, dẫn đến khả năng sẽ có những quy định ngặt nghèo hơn về nhập cư trong tương lai.
"Dù chúng ta có muốn hay không đi nữa thì vấn đề cơ hội cho các lao động ngoại quốc sẽ trở nên khó khăn hơn trong vài năm tới."
Những chính sách này không tạo được cảm tình với nhiều lao động trẻ. Khảo sát lao động ngoại quốc của HSBC cho thấy thế hệ thiên niên kỷ là những người muốn đi tìm cơ hội việc làm ở nước ngoài nhất.
Một số người bắt đầu bằng những cơ hội thực tập. Ví dụ như công ty CRCC, đóng tại London, đã gửi 6500 lao động trẻ tuổi sang Trung Quốc để thực tập không lương kể từ năm 2008. Trong số các thực tập sinh đến từ 150 quốc gia này, 40% trong số này là từ Hoa Kỳ và 35% là từ Anh.
"Điều quan trọng là sự cọ xát về văn hoá, sự tự tin và những kỹ năng mềm mà họ học được," người đồng sáng lập CRCC, Edward Holroyd Pearce, nói.
"Có rất nhiều kiến thức chuyên ngành ở Trung Quốc mà họ có thể học."
Dù McIvor đang tìm nơi để ổn định cuộc sống ở Đài Loan, ông cũng không tỏ ra hối hận về thời gian làm việc ở Thượng Hải. Ông tin rằng đó là điều cần thiết cho sự nghiệp của mình.
"Nếu chưa từng đến Thượng Hải thì tôi sẽ không bao giờ có được sự nghiệp ngày nay," McIvor nói.
"Thượng Hải đã cải thiện hồ sơ việc làm của tôi đáng kể."
Kate Mayberry
BBC Capital
Link tiếng Anh:
No comments:
Post a Comment