Friday, September 29, 2017

CÂY VIẾT

Mấy ngày trước tôi có post lại một bài cũ nói về cây và trái Sa Pô. Có mấy bạn có comment là có ăn và thấy qua một loại trái khác, ăn rất ngọt và mùi vị giống như mùi Sa Pô. Đó là trái Viết.


Cây Viết có họ là Sapotaceae, tức họ Hồng Xiêm, mà người miền Bắc gọi là Hồng Xiêm thì người miền Nam gọi là Sa Pô, như vậy 2 loại cây này có bà con rất gần nên trái có mùi giông giống thì không phải là chuyện lạ phải không các bạn.
Trái Viết thì quá nhỏ và không có hiệu quả kinh tế cao nên ít người trồng nó để lấy trái, thường người ta trồng cây Viết như là một loại cây xanh đô thị. Các bạn biết không ở Úc ngày trước mới qua , dọc theo ven đường đều có trồng cây xanh có hoa như cây Đào, nó có hoa và có quả nhưng không nhiều. Người Úc thì không ai thèm để ý hoặc hái trái đào (tôi nghĩ phải gọi là trái mai thì đúng hơn) nhỏ xíu. Còn người mình thì nếu ngay trước nhà có trồng hay lại nhà bạn thấy có trái là hái xuống ăn thử, vị ngọt, hạt to nhưng rồi cũng không ai buồn hái nữa vì trái cây ở Úc thiếu gì. Vài người bạn mua nhà cũ, trong vườn nhà có mấy cây cà phê của chủ cũ trồng, thấy trái cà phê chín đỏ hái ăn thử thì cũng ngọt ngọt nhưng quá nhỏ ăn không đã miệng nên có người còn để đó hay bứng bỏ trồng cây khác.


Cũng như ở VN mình có xoài hòn, xoài cát, xoài tượng, xoài thanh ca....thì ai đi trồng xoài rừng trái nhỏ xíu cho dù trái ngọt và thơm lắm còn hột thì mỏng tanh, nói đến đây phải chảy nước miếng khi đã mấy lần ăn được xoài rừng ở TQ và ĐL.
Nhưng dù sao đi nữa thì, tôi cũng tìm được một ít tài liệu để bạn nào chưa biết thì đọc chơi cho biết nhé. (LKH)

CÂY VIẾT


Cây Viết còn được gọi là Sến xanh hay Sến cát,
Tên khoa học: Mimusops elengi L.
Họ thực vật: Sapotaceae (Hồng Xiêm, Sếu)


Cây Viết được gọi là Pikul(พิกุล) trong tiếng Thái Lan, Munamal trong tiếng Sinhal, Magizham trong tiếng Tamil, Bullet wood trong tiếng Anh, Tanjong trong tiếng Mã Lai, Bakula trong tiếng Phạn, Bakul trong tiếng Hindi và tiếng Bengal, (बकुळ) trong tiếng Marathi, Kha-Yay trong tiếng Myanmar. Còn tiếng Hoa thì gọi: 牛油果、猿喜果、醉花、牛乳木(树), 伊朗紫硬膠.
Cây Viết là một loài cây có nguồn gốc ở các nước Châu Á nhiệt đới. Đây là cây bản địa Việt Nam, được tìm thấy nhiều ở Tây Nguyên trong các khu rừng thường xanh. Ngoài ra, cây Viết còn xuất hiện nhiều ở các nước Lào, Campuchia, Ấn Độ,…
Cây Viết thuộc loài thực vật thân gỗ trung bình, cao từ 10-20m, thân có nhựa mủ trắng, cành nhánh nhiều tán lá sum suê. Cây Viết có lá đơn, mép nguyên mọc cách. Lá có phiến không lông, cứng dài 12cm, rộng 6cm với màu xanh đậm láng bóng ở mặt trên, nhạt màu hơn ở mặt dưới.


Cây Viết có hoa màu trắng mọc ở nách lá, hoa có hương thơm thoang thoảng. Qủa cây Viết thuộc dạng quả mọng hình trứng dài khoảng 2cm mang 1 hạt dẹt bên trong. Qủa có màu xanh bóng, khi chín chuyển sang màu cam, thịt quả có thể ăn được.
Cây Viết có tán lá hình trứng, gọn, xanh quanh năm, rất ít khi rụng lá. Cây đẹp dáng, tốt lá nên thường được sử dụng làm cây công trình tạo cảnh quan đô thị như: trồng từng cá thể đơn lẻ kết hợp với cây có hoa, trồng thành bồn cây, trồng thành cụm 3-5 cây trong công viên, khuôn viên trường học, kí túc xá, khu dân cư, công sở hay trồng thành hàng trên đường phố, dọc bờ sông, trồng sân vườn biệt thự…
Viết có gỗ nặng, tốt, bền nên còn được trồng làm cây lấy gỗ dùng trong xây dựng, làm cầu cống, đóng thuyền, làm sàn nhà hay sử dụng làm các dụng cụ sinh hoạt, nhạc cụ… Ngoài ra, Viết còn là một cây dược liệu rất tốt, chữa được nhiều bệnh như đau đầu, đau răng, tiêu chảy, các vết thương, viêm mắt…hoa của cây Viết còn được chưng cất làm nước hoa và khá được yêu thích.


Cây Viết thường được nhân giống từ hạt, với sức nảy mầm mạnh hạt Viết có thể tạo cây con khỏe mạnh trong vườn ươm, sau đó được nuôi dưỡng tốt và đem trồng ngoài công trình và tạo cảnh quan xanh mát. Cây Viết thích đất ẩm, là loài cây ưa sáng toàn phần nên tránh trồng cây dưới bóng râm để cây Viết phát triển tán lá tốt, cây khỏe, dáng đẹp.
(Sưu tầm trên mạng)


No comments: