Tình bằng có cái trống cơm;
khen ai khéo vỗ ấy mới bồng bềnh…
Một đàn tang tình con nít, …
Trống Cơm là một nhạc cụ thuần túy Việt Nam có từ cổ sơ. Chỉ có duy nhất dân tộc Việt Nam mới xử dụng nhạc cụ Trống Cơm, và cũng chỉ lưu hành trong các phường nhạc dân gian mà thôi. Trống Cơm không thấy được ghi chép trong bộ lễ nhạc của triều đình.
Theo các nhà khảo cứu về nhạc cụ Việt Nam. Dưới triều vua Lê Thánh Tông, đời Hồng Đức 1470. Có 3 ông là : Trần Nhân Trung, Đỗ Nhuận và Lương Thế Vinh đã dựa trên nền tảng âm nhạc Trung Hoa để lập thành 2 bộ nhạc cho triều đình Việt Nam. Đó là bộ Đồng Văn chuyên đặt ra nhạc phổ, và bộ nhả nhạc chuyên dùng tiếng người để ca hát.
Hai bộ nhạc này hoạt động dưới sự điều khiển của quan Thái Thường Quản Đốc, và chỉ chuyên dùng trong việc tế lễ ở triều đình, gồm có nhiều loại nhạc cụ như trống lớn, kèn, long sinh v.v… nhưng lại không có Trống Cơm.
Trái lại, cũng trong thời gian ấy những giàn nhạc giáo phường của tư nhân ra đời, và hoạt động mạnh mẽ trong dân gian đi song song với hệ thống âm nhạc của triều đình, nhạc cụ cũng gồm nhiều thứ, nhưng đặc biệt có thêm Trống Cơm.
Như vậy, nhạc cụ Trống Cơm chỉ lưu hành trong phường nhạc dân gian, dùng để tế lễ thần thánh, những buổi hát chèo và nhất là trong việc đưa đám ma.
Không có ai biết chắc chắn là Trống Cơm ra đời từ lúc nào, vì đây là một nhạc cụ được xây dựng lên bởi một hoàn cảnh thật éo le, phát xuất từ một mối tình đầy nước mắt của một nho sinh và trang thục nữ.
Trống Cơm mình dài và nhỏ, một loại trống có tính cách Việt hoàn toàn từ âm thanh, hình dáng, cho đến cách biểu diễn. Khi tấu nhạc, nhạc công phải đeo dây trống lên cổ để trống nằm ngang trước bụng, và vận dụng mười ngón tay thật khéo léo lên trên cả hai mặt trống.
Có một điều khác thường, là người ta đính thêm hai nắm cơm nếp nhỏ lên mặt trống
Có lẽ vì việc ấy mà cái trống được mang danh hiệu nôm na là Trống Cơm chăng ?
Hình dáng Trống Cơm mộc mạc bao nhiêu thì tiết điệu của nó phong phú bấy nhiêu. Nghe Trống Cơm nhất định chúng ta không thể lẫn lộn nó với những âm thanh nhạc cụ ngoại quốc. Nó có giọng u buồn sầu cảm, gợi thương gợi nhớ, khiến cho tâm hồn người thưởng ngoạn man mác hướng về quê hương nẻo cũ, trong những ngày tháng thanh bình của những đêm hát chèo, hát quan họ, để tiếng Trống Cơm tình tang, tình bằng ai oán cho một mối tình tan vỡ, bi thương của một thành sầu vạn cổ
Tục truyền rằng :
Ngày xưa có một nho sinh rất nghèo thi mãi mà không đậu, túng cùng phải đi ăn xin. Hằng ngày chàng đi ngang qua nhà ông phú hộ nọ, thì được một cô bé đứng chờ sẳn đem cho cơm trắng canh ngon, việc đó cứ theo thời gian trôi qua cả năm trời làm chàng nho sinh cảm động lắm, nhưng cũng không khỏi ngượng ngùng với người thiếu nữ đẹp.
Một hôm chàng tỏ lời cám ơn cô gái và không chịu nhận phần cơm giúp đở nữa, và cũng xin từ giả cô gái để đi sang một làng khác kiếm ăn. Lúc này cô gái mới nói thật cho chàng nho sinh biết về việc cô cho chàng cơm ăn mỗi ngày là vâng theo lệnh của cô chủ, con gái cưng của ông phú hộ. Chàng nho sinh lại càng cảm động hơn nữa, yêu cầu xin được gặp mặt cô chủ để tỏ lời cám ơn đã giúp đở của ăn bấy lâu, và luôn thể nói lời từ biệt. Cô bé gái hứa sẽ thưa lại với cô chủ, nhưng không chắc là cô chủ bằng lòng tiếp gặp chàng vì lão phú hộ rất khó tính. Nhưng cô bé lại bảo chàng vào ngày mai cũng giờ này cứ lại chốn đây đứng đợi, nếu cô chủ ra được sẽ tiếp chuyện cùng chàng.
Sáng ngày hôm sau, đúng giờ chàng nho sinh lại đến điểm hẹn thì gặp nàng con gái rất đẹp đã đứng chờ sẳn. Nét đẹp thùy mị phúc hậu của nàng đã chiếm trọn trái tim chàng nho sinh, nhưng yêu chỉ để mà yêu, chàng biết đến thân phận mình lắm. Thôi thì đành chôn chặt nỗi lòng cùng năm tháng và tỏ bày cùng trời đất, trong kiếp này thì không trông mong chi mối tình của chàng được đền đáp. Lòng dạ ấp úng muốn nói lời cảm tạ nàng đã giúp đở bấy lâu nay, nhưng không làm sao mở lời cho được, nỗi ngượng ngùng vì mặc cảm nghèo hèn khiến chàng nho sinh khổ sở đến trào nước mắt trước giai nhân.
Cảm thông nỗi nhục nhằn của chàng nho sinh đang gánh chịu, nàng nhỏ nhẹ buông lời :
-Tôi hiểu ý chàng muốn nói gì rồi, những lời ân nghĩa xin chàng không cần thiết phải bày tỏ lúc này. Sở dỉ những món qùa tôi gửi giúp là hiểu chàng đang sa cơ lỡ vận, đang vương vào bước đường khó khăn.
Và nàng tiếp tục khuyến khích chàng trai :
-Không lẽ chí của người trai mãi chịu cùng nhụt như vậy hoài sao ?
Nói mấy lời khuyến khích xong, nàng trao cho chàng nho sinh một phong bao :
-Nay chàng từ giả ra đi, tôi xin tặng một số bạc và một cái kim thoa để chàng tìm cách lập nghiệp. Một ngày nào đó thành đạt xin chàng hãy trở về đây, nếu duyên trời đã định thì thiếp xin đợi chàng.
Nàng bỏ lửng lời nói thoăn thoắt quày bước khuất dạng sau bức tường nhà.
Chàng nho sinh vô cùng cảm động trước mối ân tình của nàng con gái mà chàng chưa kịp biết tên. Chàng tự hứa sẽ cố gắng tạo dựng cho mình một sự nghiệp để xứng đáng với tình yêu của nàng, để cùng nàng kết tóc xe tơ cho tròn tâm nguyện của hai người. Nhưng sự nghiệp gì đây ??? Chàng vốn không duyên phận với đường khoa cử, thì mong gì có ngày bảng vàng đề tên đặng mà vinh quy bái tổ, cho ngựa chàng đi trước võng nàng theo sau, hoàn toàn không thề được, vì đã bao lần lều chỗng đi thi đều hỏng cả.
Nhưng lần này chàng nho sinh đã hạ quyết tâm, phải có một sự nghiệp gì đó để đền đáp lại mối ân tình kia. Phải tạo cho mình một địa vị trong xã hội hầu xứng đáng là người chồng của trang tiểu thơ khuê các.
Biết mình không duyên phận với bút nghiên, nên chàng bỏ mộng công hầu khanh tướng mà chỉ quyết học lấy một nghề. Sẳn có năng khiếu về âm nhạc, thế là chàng chọn nghệ thuật cầm ca để lập thân.
Nhờ có số bạc nàng giúp đở mà chàng bỏ ra ba năm thọ giáo với một danh sư, nhờ cố công trau rèn nghề nghiệp và luôn nhớ lời động viên của người con gái, nên suốt thơi gian ba năm không hề sao lãng học tập. Chàng đã thành công trong tiếng đàn lời hát, trong cách diễn xuất sáng tạo, và đã đứng ra lập lên một giáo phường chuyên phục vụ chốn cung đình.
Tiếng tăm chàng nổi như cồn, biết bao nàng công chúa chốn cung vàng điện ngọc mê mẩn, biết bao nàng tiểu thơ khuê các giàu sang say đắm giọng ca tiếng đàn của chàng, biết bao mệnh phụ phu nhân ra ngẫn vào ngơ vì gương mặt thanh tú điển trai, cùng lối diễn xuất mê hồn cũng như lời ăn tiếng nói ngọt ngào như có ma lực thu hồn người thưởng ngoạn. Nhưng gia đình giàu sang quyền qúy,thi nhau mời rước cho được phường nhạc của chàng về tư gia trình diễn.
Có danh vọng, có tiền bạc và được rất nhiều trang giai nhân tuyệt sắc yêu thương say đắm, những muốn cùng chàng kết tóc xe tơ. Nhưng chàng chỉ một lòng tưởng nghỉ đến nàng con gái ban cho cơm gạo thuở nọ, chiếc kim thoa nàng trao tặng làm kỷ niệm chàng luôn đeo bên mình, chén cơm Phiếu Mẫu chàng không làm sao quên cho được. Mối lương duyên trời định có lẽ sắp thành tựu chăng, chàng phải trở về đứng dưới mái tường ngày xưa mà cảm tạ tình nàng, cho hợp phố đoàn châu
Nhưng thảm thương thay !!!
Ngày chàng trở về cũng chính là cái ngày oan nghiệt, ngày trái tim rướm máu khóc hận cho mối tình vở lở, ngày mà chàng oán hận cao xanh qúa cơ cầu đã lấy đi sanh mạng của nàng.
Nàng đã quyên sinh vì lão phú hộ ép duyên !!!
Thế là tan tành với mộng ước bấy lâu.
Đau khổ !
Tuyệt vọng !
Chán nản !
Chàng đã toan quyên sinh theo nàng cho tròn với mối ân tình sâu thẳm, cho tròn với lời hứa cùng giai nhân lúc thuở hàn vi bên vệ đường. Nhưng trước khi quyên sinh chết theo nàng, chàng phải làm sao để được đưa đám tang cho nàng trước đã, và nhất là được khóc cho nàng mấy tiếng để tạ mối ân sâu nghĩa đậm, được để cho nàng tấm khăn tang nói lên ý nghĩa tình chồng vợ mặc dù chưa một lần chung sống, nhưng xin giữ trọn lời nguyền năm xưa.
Nghỉ ra được một kế. Chàng xin phép gia đình lão phú hộ cho chàng được đem phường nhạc đến để đưa vong linh người qúa cố.
Được sự đồng ý của lão phú hộ, chàng liền chế ta một cái trống nhỏ dài, hai mặt trống có đính hai nắm cơm nếp để nhắc lại kỷ niệm của thuở hàn vi được nàng cho cơm. Sợi dây trống đeo quàng qua cổ bằng vải trắng là ý nghĩa để tang cho nàng. Lúc đưa đám chàng mang Trống Cơm lên cổ, để trống nằm ngang trước bụng, vận dụng mười ngón tay vỗ vào mặt trống phát ra thứ âm thanh thật bi ai thống thiết. Tình tang…tang Tình !!! Đó là tiếng khóc kín đáo chàng kể lễ với người yêu có một tâm hồn cao thượng, chung thuỷ. Đó là tiếng nức nở tận cõi lòng sâu thẳm của một chàng nghệ sĩ đối với mối tình đầu tan vỡ, mà chàng chỉ còn cách mượn lấy ở âm thanh tiếng Trống Cơm để tiển vong linh nàng.
Phan Tình
(Văn Tuyển)
No comments:
Post a Comment