Monday, March 31, 2025

BÁI PHẬT KHÔNG THÀNH TÂM, NGƯỢC LẠI SẼ CHIÊU MỜI MA QUỶ

Tâm thái và suy nghĩ khi bái Thần Phật là rất trọng yếu. Khi người lễ bái Thần Phật, phần lớn đều là cầu tài, cầu danh, cầu lợi, cầu duyên, cũng là vì để thỏa mãn các loại tư dục của mình. Tuy nhiên, chân chính lễ Thần bái Phật là không phải như vậy...

Người xưa tin Thần, kính Phật không phải là để cầu may, xin lộc phát tài mà để nhắc nhở chính mình vạn sự trên đời ấy đều do nhân quả, làm người đối nhân xử thế cần có thiện lương, lấy đạo đức để ước chế chính mình không phạm điều sai trái. (Ảnh: Shutterstock)

Trong cuốn "Duyệt vi thảo đường bút ký" của Kỷ Hiểu Lam có ghi chép một câu chuyện, kể rằng: Nhà nọ có một cô con gái tên là Bình, đã 18, 19 tuổi nhưng vẫn chưa có mối hôn ước nào. Một ngày nọ, khi cô đi ra ngoài cửa mua son phấn của gánh hàng rong, có một đàn ông trẻ tuổi trêu chọc cô, cô bèn tức giận mắng một trận rồi đi vào nhà. Khi cha mẹ cô đi ra xem thì không thấy bóng dáng người trên đường, những người hàng xóm cũng nói không trông thấy ai.

Đến đêm khi cô chuẩn bị đóng cửa đi ngủ, thì người đàn ông trẻ tuổi kia đột nhiên từ dưới đèn chui ra. Bình biết đó là yêu quái, không la hét cũng không để ý tới hắn, chỉ nắm lấy một chiếc kéo sắc trong tay, giả vờ ngủ và bí mật quan sát. Nam thanh niên kia không dám lại gần Bình mà chỉ đứng bên giường nói nhiều lời ngon ngọt dụ dỗ cô. Bình vẫn giả vờ như không hay không biết. Người thanh niên kia bèn rời đi, một lúc sau lại quay lại, lấy ra mấy chục chiếc trâm cài tóc bằng vàng, trị giá hơn nghìn lượng bạc, bày ra trên giường. Bình vẫn không động đậy và không nói năng gì. Người thanh niên một lần nữa lại bỏ đi, nhưng không mang theo những đồ vật kia.

Cho đến khi trời tờ mờ sáng, người thanh niên kia đột nhiên xuất hiện và nói: "Tôi đã bí mật quan sát cô cả đêm, nhưng cô không hề nhìn cũng không lấy những thứ này! Một người mà không bị động lòng bởi tiền tài, thì những điều mà họ không muốn, quỷ thần cũng không cách nào ép buộc, huống chi là loại như chúng tôi? Tôi đã hiểu lầm lời cầu nguyện của cô, nghĩ rằng trong lòng cô đang nghĩ đến một người đàn ông mà lấy cớ là vì cha mẹ. Vì vậy tôi mới tới cố gắng dụ dỗ cô như vậy, cô đừng tức giận”.

Nói xong anh ta liền cất những đồ vật kia rồi rời đi.


Hóa ra gia đình Bình luôn nghèo khó, mẹ cô lại già yếu nhiều bệnh tật, quân lương của cha cô không đủ sống cho cả nhà. Vì vậy, Bình đã thầm cầu nguyện trước tượng Phật khi bái Phật, mong sớm tìm được một tấm chồng như ý để phụng dưỡng cha mẹ. Không ngờ rằng ý nghĩ của cô bị yêu quái biết. Sau khi yêu quái biết, nó liền hóa thân thành hình dạng con người để dụ và quấy rối Bình. May mắn thay, Bình đã nhìn thấu quỷ kế của nó, giữ vững ý niệm đúng đắn, không bị nhan sắc và lợi ích dụ dỗ, nên cô mới không bị yêu quái lừa gạt.

***

Xem ra tâm thái và suy nghĩ khi bái Thần Phật là rất trọng yếu. Người thế gian hiện nay cúng bái Thần Phật, phần lớn đều là cầu tài, cầu danh, cầu lợi, cầu duyên, cũng là vì để thỏa mãn các loại tư dục của mình. Tuy nhiên, chân chính bái Thần Phật, phải giống như cổ nhân kính Phật, cầu được Thần Phật gia trì cho mình tu hành hoặc là sám hối lỗi lầm của mình, đây mới thật sự là bái Thần kính Phật.

Có câu nói rằng "nhân tâm sinh nhất niệm, thiên địa tận giai tri", nghĩa là khi tâm con người sinh ra một niệm, thì cả Trời và đất đều biết hết. Quả đúng như vậy, nhất tư nhất niệm của con người thì các sinh mệnh ở các không gian khác đều biết được. Những ai không tin Thần Phật, cho rằng mình làm chuyện xấu sau lưng hoặc trong đầu đầy ý nghĩ xấu, dù sao không ai trông thấy, không ai biết, liền có thể yên tâm thoải mái. Hoặc có người cho rằng cứ bày đồ cúng càng nhiều cho tượng Thần tượng Phật, quyên thêm nhiều tiền cho chùa miếu, hoặc trước tượng Thần Phật nói lời thành kính, liền cho rằng Thần Phật sẽ phù hộ họ.

Chính giáo yêu cầu buông bỏ hết các dục vọng người thường. Còn tà giáo khuyến khích việc truy cầu để đắc được những điều tốt đẹp trong cõi người như tiêu tai, giải nạn, phát tài, sinh con trai… (Wikimedia Commons)

Kỳ thực, nếu mục đích bái Thần Phật là vì thỏa mãn lòng tham, để đạt được tư lợi cho mình, thì chính là sai lầm. Chẳng những không được Thần Phật bảo hộ, ngược lại sẽ chiêu mời ma quỷ hoặc phụ thể, hậu quả là rất nguy hiểm. Làm người chỉ có giữ vững thiện niệm và lương tri, mới có thể được Thần Phật bảo hộ, mới có tương lai tốt đẹp tươi sáng.

Trung Nguyên
Theo Liên Nhi / Vision Times

CÔNG THỨC CHO MỘT CUỘC SỐNG VIÊN MÃN TẠI SAO LẠI LÀ "3+7=0" ?

Cổ ngữ có câu: "Hơi vụng về ba phần, kèm theo một chút khờ dại, hơi điếc và tạm thời câm, đều là vốn liếng để sống lâu." Giống như nấu cháo cần ba phần gạo bảy phần nước, uống rượu cần ba phần say bảy phần tỉnh, quá đầy đủ thì sẽ thiệt, quá đầy thì sẽ tràn, mọi việc vừa đủ là tốt nhất.


Nhân sinh cũng vậy, làm việc gì quá thì dễ bị lợi bất cập hại, làm việc gì quá kém thì lại thiếu lửa, ba phần bảy phần là tốt nhất.

Tục ngữ có câu: "Đại xả đại đắc, tiểu xả tiểu đắc, bất xả bất đắc". Phàm sự việc gì cũng phải có xả thì mới có được. Xả là nhân, được là quả, nếu việc gì cũng không chịu xả bỏ, thì làm sao có thể thu hoạch được gì?

Cũng giống như câu chuyện "Tái ông thất mã, yên tri phi phúc"! Năm Khánh Lịch thứ năm đời Tống Nhân Tông, Phạm Trọng Yêm vì chủ trương cải cách mà bị giáng chức xuống làm tri châu Đặng Châu. Sau khi bị đả kích tàn nhẫn về mặt chính trị, ông không hề tiêu cực, sa ngã, càng không hạ thấp chí khí, thỏa hiệp với thế lực xấu xa, mà ngược lại đã để lại cho hậu thế áng văn bất hủ "Tiên thiên hạ chi ưu nhi ưu, hậu thiên hạ chi lạc nhi lạc" (Lo trước cái lo của thiên hạ, vui sau cái vui của thiên hạ). 1 Quả đúng là: "Mất chỗ này, lại được chỗ khác."

Ba phần hồ đồ, bảy phần tỉnh táo

Trong cuốn Hán thư - Đông Phương Sóc truyện có câu: "Nước quá trong thì không có cá, người quá xét nét thì không có bạn". Sống ở đời, càng cần phải ba phần hồ đồ, bảy phần tỉnh táo. Giữ bảy phần tỉnh táo để sống, giữ ba phần hồ đồ để phòng thân.

Từng nghe kể một câu chuyện, có vị khách đi thuyền qua sông, trên thuyền dùng một chiếc cốc màu vàng kim để uống rượu, người lái thuyền tưởng đó là cốc bằng vàng, liền nảy lòng tham, muốn chiếm làm của riêng. Nhưng thực ra đó chỉ là một chiếc cốc bằng đồng thau, không đáng giá là bao.

Ánh mắt của người lái thuyền đã để lộ suy nghĩ của mình, vị khách nhìn thấy rõ, trong lòng cũng đã hiểu. Theo nhịp thuyền lắc lư, vị khách cố ý làm rơi chiếc cốc xuống nước, người lái thuyền thấy vậy tiếc rẻ không thôi. Lúc này, vị khách thong thả nói: "Kia chẳng qua chỉ là chiếc cốc bằng đồng, không có gì đáng tiếc". Nghe vậy, người lái thuyền cũng thôi ý định xấu, đưa vị khách an toàn đến bờ bên kia.


Vị khách rõ như lòng bàn tay tâm địa của người lái thuyền, nhưng không vạch trần ý nghĩ của hắn. Nếu vị khách vạch trần người lái thuyền, e rằng cũng sẽ khiến hắn ta xấu hổ nổi giận. Nhưng vị khách giả vờ hồ đồ, không nói ra sự thật, vừa dập tắt ý đồ của người lái thuyền, vừa bảo toàn được tính mạng của mình.

Trí tuệ của con người nằm ở chỗ, trong lòng sáng tỏ, nhưng cũng có thể ẩn mình trong sự hồ đồ. Tục ngữ nói hay, "nhìn thấu mà không nói toạc", có những việc cần phải giữ lại ba phần hồ đồ. Làm người ba phần hồ đồ, có thể nhìn thấu nhiều việc; làm người giữ bảy phần tỉnh táo, có thể nắm bắt được những điều quan trọng hơn.

Ba phần kỳ vọng, bảy phần buông bỏ

Nhà văn Mạt Đức từng viết một đoạn văn như thế này: Tôi dần dần hiểu ra tại sao mình không hạnh phúc, bởi vì tôi luôn kỳ vọng vào một kết quả.

Đọc một cuốn sách kỳ vọng nó làm tôi trở nên sâu sắc, chạy bộ một lúc kỳ vọng nó làm tôi gầy đi, gửi một tin nhắn WeChat kỳ vọng nó được trả lời, đối xử tốt với người khác kỳ vọng được đáp lại bằng sự tốt đẹp.....

Những kỳ vọng được thiết lập trước này nếu đạt được, tôi thường thở phào nhẹ nhõm, nếu không đạt được thì lại tự trách bản thân. Chúng ta trong cuộc sống cũng vậy, thường ôm ấp kỳ vọng lớn lao vào một việc, một người, nếu không đạt được kỳ vọng, bị từ chối, sẽ buồn bã, chán nản.


Socrates nói: "Chỉ kỳ vọng một chút, mới có thể tiếp cận hạnh phúc cao nhất." Nếu chúng ta cứ kỳ vọng quá cao vào mọi việc, chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến tâm trạng. Nếu chúng ta hạ thấp kỳ vọng, học cách buông bỏ, dù không tốt cũng có thể tìm thấy niềm vui từ đó.

Ba phần buông bỏ, bảy phần đạt được, mới có thể nhìn thấy niềm vui trong mắt, có tình yêu trong tim; ba phần hồ đồ, bảy phần tỉnh táo, mới có thể nhìn thấu mọi việc, tu thân dưỡng tính; ba phần kỳ vọng, bảy phần buông bỏ, mới có thể không bị trói buộc bởi tâm hồn, học cách sống bình thản.

Nếu như cuộc đời phải dùng thước đo để đo lường, vậy ba phần bảy sẽ là thích hợp nhất, vừa đủ mà không thiếu. Vạn vật đều quy về không, không cũng là sự viên mãn của cuộc đời, 3 + 7 = 0, đó chính là cuộc đời viên mãn.

Mong rằng cuộc sống của chúng ta, đều có thể đạt được ba phần bảy.

Minh Nguyệt / Theo: trithucmoi

QUÁ CỐ NHÂN TRANG - MẠNH HẠO NHIÊN


Quá cố nhân trang

Cố nhân cụ kê thử,
Yêu ngã chí điền gia.
Lục thụ thôn biên hợp,
Thanh sơn quách ngoại tà.
Khai hiên diện trường phố,
Bả tửu thoại tang ma.
Đãi đáo trùng dương nhật,
Hoàn lai tựu cúc hoa.


過故人莊

故人具雞黍
邀我至田家
綠樹村邊合
青山郭外斜
開軒面場圃
把酒話桑麻
待到重陽日
還來就菊花


Qua nhà bạn cũ
(Dịch thơ: Chi Nguyen)

Chốn quê đường xá xa xôi.
Mấy khi bạn tới, đồ xôi luộc gà.
Đầu làng xanh mướt bóng đa.
Núi xanh in bóng, ánh tà soi nghiêng.
Khoảnh rau xanh mướt ngoài hiên.
Rượu ngon vài chén, hàn huyên chuyện trò.
Trùng dương gặp gỡ hẹn hò.
Bên dậu hoa cúc, mấy giò đơm bông.


Sơ lược tiểu sử tác giả:

Mạnh Hạo Nhiên 孟浩然 (689-740) tên Hạo, tự Hạo Nhiên, hiệu Mạnh sơn nhân 孟山人, người Tương Dương (nay là huyện Tương Dương tỉnh Hồ Bắc), cùng thời với Trần Tử Ngang.

Ông từng làm quan, nhưng ông không thích hợp với đám quý tộc lạm quyền, nên rất thích nơi nhàn cư. Ông lui về ở ẩn, tìm lấy đời sống tao nhã ở Long Môn quê nhà và trong cuộc du ngoạn ở những nơi xa, khắp vùng đất. Ông đi nhiều, thấy nhiều, mạnh thơ đầy ắp những khí chất hồn hậu của thiên nhiên núi sông diễm lệ, hợp với tâm hồn trong sáng của mình.

Nguồn: Thi Viện



ĐỘNG VẬT TRONG CHIẾN TRẬN: VOI CHIẾN GẶP LỢN VÌ SAO CHẠY DÀI?

Trên chiến trường thời cổ đại, ngựa được sử dụng nhiều nhất. Nhưng ngựa lại sợ voi, còn voi thì sợ… lợn.


Động vật trong chiến trận: Voi chiến gặp lợn vì sao chạy dài?

Từ trước công nguyên, không ít động vật, như voi, ngựa, lạc đà đã được con người sử dụng trên chiến trường và sự xuất hiện của chúng có thể mang tới chiến thắng quyết định trong chiến tranh.

Cho tới tận ngày nay, khi khoa học – công nghệ đã phát triển, khả năng đặc biệt của một số loài động vật vẫn được con người sử dụng trong lĩnh vực quân sự, an ninh và cả gián điệp.

Ngựa chiến tạo nên sức mạnh của quân Mông Cổ (ảnh: History Collection)

Ngựa

Ngựa là một trong những loài vật được sử dụng sớm nhất và rộng rãi nhất trong các cuộc chiến tranh, theo Forces News.

Nghiên cứu của các nhà khảo cổ chỉ ra rằng, vào thời đại đồ đồng (khoảng 3.000 năm TCN), nhiều bộ lạc ở châu Á, sau đó là Bắc Âu và Tây Âu đã thuần hóa được ngựa hoang. Họ buộc ngựa vào xe kéo hoặc cưỡi chúng. Những ai sở hữu ngựa có thể săn bắn được nhiều hơn, đi buôn bán ở xa hơn.

Qua thời gian, ngựa được sử dụng như một phương tiện để tiến hành chiến tranh. Người Ai Cập và Trung Quốc cổ đại đã thiết kế ra chiến xa với sức ngựa kéo để áp đảo bộ binh.

Trong một số di tích còn sót lại của nền văn minh Andronovo, cách đây khoảng 2.000 năm trước (nay thuộc Nga và Kazakhstan), các nhà khảo cổ đã phát hiện mộ của những con ngựa chiến và chiến xa.

Thời nhà Thương (1600 – 1050 TCN) quân đội của nhà vua được trang bị chiến xa. Thời Xuân Thu (770 – 476 TCN), chiến xa được sử dụng phổ biến trên chiến trường khi nhiều nước chư hầu triệt hạ lẫn nhau để giành ngôi bá chủ.

Chiến xa của quân Tần (ảnh: Sina)

Thời Tần – Hán (221 TCN – 220), các đội kỵ binh một người một ngựa hoặc 2 người một ngựa xuất hiện, với lối tác chiến linh hoạt, mạnh mẽ đã thay thế những cỗ chiến xa cồng kềnh và tốn kém trên chiến trường, theo Sohu.

Trên lưng ngựa, binh sĩ với một thanh kiếm, giáo hoặc đại đao có lợi thế lớn về tầm đánh so với bộ binh thông thường. Ngựa chiến còn có thể được huấn luyện để húc, cắn và đá đối thủ.

Trong thế kỷ 13, kỵ binh Mông Cổ do Thành Cát Tư Hãn chỉ huy tung hoành khắp lục địa Á – Âu và trở thành nỗi khiếp sợ của nhiều quốc gia.

Theo History, vai trò của ngựa chiến đã suy giảm đáng kể trong Thế chiến I (1914 – 1918) với sự xuất hiện của các phương tiện cơ giới như xe tăng, xe bọc thép.

Ngày mở màn trận Verdun ở Pháp (21/2/1916), ước tính có khoảng 7.000 con ngựa chết do hỏa lực của pháo binh Pháp và Đức. Ở Anh, khoảng 484.000 con ngựa đã chết trong Thế chiến I.

Trong Thế chiến II, kỵ binh hầu như không còn tồn tại.

Voi được sử dụng nhiều trong các cuộc chiến tranh thời cổ đại (ảnh: Openart)

Voi

Theo Insider, những bằng chứng khảo cổ cổ xưa nhất chỉ ra rằng, cách đây khoảng 4.500 năm, voi đã được thuần dưỡng ở khu vực Lưỡng Hà (bao gồm các nước Iraq, Kuwait, Syria, Thổ Nhĩ Kỳ và một phần Iran ngày nay) và khu vực sông Ấn (Ấn Độ).

Người Ấn Độ cổ đại có lẽ là những người đầu tiên sử dụng voi trong một cuộc chiến. Trong một số thư tịch cổ của Ấn Độ, như kinh Vệ Đà, voi được các nhà vua và chiến binh với sức mạnh phi thường thuần phục và sử dụng trong chiến trận.

Theo Insider, vào khoảng thế kỷ 8 TCN, Semiramis – nữ vương của người Assyria (phía bắc Iraq) – đã dẫn quân xâm lược Ấn Độ. Đội quân của Semiramis với nhiều lạc đà đã bị đội tượng binh (voi chiến) của vua Stabrobates (Ấn Độ) đánh bại.

Vào khoảng thế kỷ thứ 3 TCN, trong chiến dịch xâm lược Ba Tư, quân đội La Mã do Alexander Đại đế chỉ huy từng chạm trán với tượng binh của người Ba Tư. Quân La Mã chiến thắng, nhưng Alexander Đại đế cũng nhận ra sự lợi hại của tượng binh và bổ sung những con voi vào hàng ngũ.

Một bầy voi chiến có thể càn quét kẻ địch trên chiến trường (ảnh: Ancient Origins)

Theo Insider, voi chiến thường được triển khai ở vị trí tiên phong hoặc trung tâm của đội hình. Voi có thể lao với tốc độ lên tới 32km/giờ về phía đối phương, phá nát các thành lũy bằng tre, gỗ và giẫm đạp, dùng ngà đâm kẻ thù.

Trên chiến trường, ngựa sẽ hoảng sợ và bỏ chạy khi nhìn thấy hoặc ngửi thấy mùi của voi. Loài động vật to lớn nhất trên cạn cũng có sức uy hiếp đáng kể về mặt tinh thần đối với bộ binh đối phương.

Theo Insider, qua thời gian, số lượng voi trên Trái đất đã suy giảm đáng kể do nạn săn bắn và các khu rừng bị tàn phá. Vào khoảng thế kỷ 15, sự xuất hiện của các loại súng hỏa mai, đại bác trên chiến trường với sức công phá lớn về cơ bản đã kết thúc vai trò của voi chiến.

Tranh vẽ cảnh binh sĩ dùng lợn khắc chế voi (ảnh: History Collection)

Lợn

Ít ai ngờ rằng lợn cũng có thể ra trận và trở thành “vũ khí” chống lại voi chiến lợi hại nhất. Loài voi được cho là rất sợ tiếng kêu eng éc của loài lợn, theo DVA (Cơ quan hỗ trợ cựu chiến binh Úc).

Theo DVA, vào khoảng thế kỷ thứ 3 TCN, trong chiến dịch xâm lược Ba Tư, quân đội La Mã của Alexander Đại đế đã nhiều lần sử dụng lợn để chống lại kẻ địch có voi.

Tương truyền, chính vua Porus (người cai trị khu vực hiện nay là tỉnh Punjab, Pakistan) đã tiết lộ cho Alexander Đại đế cách dùng lợn để đánh bại tượng binh. Điều đáng nói là Porus từng là địch thủ của Alexander Đại đế.

Năm 266 TCN, Antigonus II Gonata – vua xứ Macedonia – đã thất bại trong chiến dịch xâm lược và vây hãm Megara, một thành trì Hy Lạp. Người Megara đổ nhựa thông lên lưng những con lợn, châm lửa (để lợn kêu to hơn) và lùa chúng về phía đàn voi chiến của Macedonia. Tiếng kêu của những con lợn khiến đàn voi hoảng sợ, bỏ chạy và phá vỡ đội hình của Macedonia.

Sau trận thua đau, Antigonus II Gonata đã ra lệnh nhốt lợn vào chuồng voi để lũ voi quen dần với dáng vẻ và tiếng kêu của lợn. Sự kiện này được Polyaenus, nhà hùng biện người Macedonia sống vào khoảng thế kỷ thứ 2, ghi chép lại.

Đồng tiền cổ có 2 mặt lợn và voi (ảnh: Ancient Origins).

Năm 554, loài lợn một lần nữa “thị uy” trên chiến trường khi Khusrau I (vua Ba Tư) dẫn quân tấn công thành phố Edassa (vùng thượng Lưỡng Hà).

Với ưu thế áp đảo về lực lượng và dàn voi chiến hùng hậu, quân Ba Tư tiến vào Edessa và bao vây quân La Mã ở đây.

“Nhưng quân La Mã, bằng cách treo những con lợn lên tháp cao, đã thoát khỏi nguy hiểm. Khi những con lợn bị treo cao, chúng kêu ré lên. Điều này làm lũ voi sợ hãi và bỏ chạy. Quân Ba Tư phải rút lui”, Procopius (500 – 565), nhà sử học người Hy Lạp, chép.

Theo Ancient Origins, thời cổ đại, người La Mã từng đúc một loại tiền xu đặc biệt, một mặt có hình con voi còn mặt kia là hình con lợn. Điều này như một cách nhắc nhở cho thế hệ sau rằng dùng lợn có thể đánh bại voi.

Vương Nam (Theo Người đưa tin)

Sunday, March 30, 2025

"MƯU SỰ TẠI NHÂN, THÀNH SỰ TẠI THIÊN"

“Hữu tâm trồng hoa, hoa không nở, vô tâm cấy liễu, liễu thành rừng”, trong cuộc sống luôn có những việc mà người ta dù có lao tâm khổ tứ thì kết quả cũng không được như ý, cũng có những việc mà người ta làm được tựa như thật nhẹ nhàng, nhưng nếu đặt người khác vào vị trí đó thì lại làm mãi không xong. Ẩn sâu trong sự vô thường này của cuộc sống chính là đạo lý “mưu sự tại nhân, thành sự tại Thiên”.


Tục ngữ nói: “Nhân toán bất như Thiên toán”, người tính không bằng trời tính, Thiên ý trong câu nói ấy là sâu thẳm khôn lường. Con người vĩnh viễn không có cách nào tranh sức mạnh với Trời được.

Trong xã hội hiện đại ngày nay có rất nhiều người không tin vào Thiên mệnh, số Trời. Họ một mực cho rằng mệnh là do tự mình nắm giữ, chỉ cần cố gắng là có thể làm chủ điều khiển được mà không biết rằng “người thuận đạo trời thì thanh nhàn, người nghịch đạo trời thì thống khổ”. Người có thể thuận theo tự nhiên thì mọi việc dễ thành, nghịch Thiên thì hết thảy đều là “cực khổ mà không nên công trạng gì”. Do đó, người xưa thường nói “Mưu sự tại nhân, thành sự tại Thiên”.

“Mưu sự tại nhân, thành sự tại Thiên” là một câu nói vô cùng thông dụng, cũng là câu thành ngữ hàm chứa tính triết lý rất lớn lao. Nó xuất phát từ tiểu thuyết “Tam Quốc Diễn Nghĩa”. “Tam Quốc Diễn Nghĩa” là một bộ tiểu thuyết lịch sử, không phải là chính sử. La Quán Trung đã dựa trên các sự kiện lịch sử để sáng tác ra bộ truyện này với mục đích trình bày các đạo lý thâm sâu của cổ nhân, vậy nên mới nói là “Tam Quốc” diễn “Nghĩa”, ba quốc gia phân tranh để làm nổi bật cái “chính nghĩa” này.

Trong hồi 103 của tác phẩm này, Gia Cát Lượng vắt hết óc, tính toán tỉ mỉ để dẫn dụ cha con Tư Mã Ý vào Thượng Phương cốc bằng cách cho người nói với Tư Mã Ý rằng toàn bộ lương thực của quân Thục đều ở trong ấy. Hơn nữa, khi cha con Tư Mã Ý vừa vào hang thì quân Thục ném rơm rạ, củi lửa chặn bít hai đầu. Gia Cát Lượng cho quân phóng hỏa thiêu cháy cha con Tư Mã Ý.

Cha con Tư Mã Ý cùng Ngụy binh không có đường tiến thoái lại gặp phải cảnh bị lửa đốt tai ương ngập đầu. Nhưng đúng lúc ấy, cuồng phong gào thét, mưa rào ập đến tầm tã, toàn bộ lửa đều bị mưa lớn dập tắt. Nhờ đó, cha con Tư Mã Ý chạy thoát khỏi Thượng Phương cốc. Gia Cát Vũ Hầu chỉ có thể ngửa mặt lên trời than rằng: “Mưu sự tại nhân, thành sự tại Thiên. Không thể cưỡng lại được!”.

Tranh: Wikipedia, Public Domain

Trong “Tam Quốc Diễn Nghĩa”, Gia Cát Lượng từng “lục xuất Kỳ Sơn”, sáu lần dẫn quân ra Kỳ Sơn, chinh phạt Tào Ngụy. Nhưng Gia Cát Vũ Hầu túc trí đa mưu, liệu sự như thần, đến cuối cùng vẫn không thể giành được Trung Nguyên.

Có thể nói câu “Mưu sự tại nhân, thành sự tại Thiên” đã nói rõ ra huyền cơ ẩn sau sự thành công nơi thế gian. Mọi việc đều không phải là ngẫu nhiên, vô duyên vô cớ mà là có nguyên do, có Thiên ý. Mỗi một sự việc thành công đều không phải chỉ do sự cố gắng nhiều ít hay sự nỗ lực của một người mà quyết định được. Con người có trăm ngàn suy tính nhưng ông trời chỉ có một suy tính mà thôi, nhưng một suy tính này lại quyết định kết quả cuối cùng.

Nói rõ hơn, bản thân sự cố gắng của con người cũng nằm trong “Thiên toán”. Bởi vì có những chuyện con người cứ cho là mình muốn làm, có những chuyện con người cứ cho là ý chí của bản thân, kỳ thực có rất nhiều chuyện là con người không biết vì sao mà mình tự nhiên nghĩ ra được, không biết vì sao mà kiên trì nỗ lực đến được như thế, không biết vì sao mà đột nhiên mọi sự lại thông thuận đến mức bất ngờ. Thậm chí nếu đặt người khác vào cùng vị trí đó thì họ lại làm mãi không xong.

Mưu tính của con người hay “nhân mưu” là một quá trình, còn “Thiên thành” là kết quả. “Nhân mưu” là trước, “Thiên thành” là sau. Trong cuộc sống có rất nhiều việc, cho dù là hao hết trăm cay nghìn đắng nhưng kết quả đều là bằng không. Đây chính là điều mà người xưa nói “Hữu tâm trồng hoa, hoa không nở. Vô tâm cấy liễu, liễu thành rừng”. Một người vì mục tiêu của mình mà cố gắng thì chỉ có thể đạt được kết quả ở trong một mức độ hạn định. Còn “Thiên” trong các yếu tố bên ngoài lại có ảnh hưởng vô cùng to lớn, thậm chí còn là mấu chốt quyết định sự thành công của một người.

Một người vô luận là lúc nhỏ có lý tưởng gì, có hoài bão muốn trở thành kỹ sư, giáo sư, hay khoa học gia, họa sĩ, bác sĩ, nhà thơ đều là những ước mơ tốt đẹp của bản thân. Nhưng cuối cùng người ấy làm ngành nghề gì lại rất có thể không do họ quyết định, không phải muốn gì liền có thể làm được. Nhìn lại cuộc đời mình, người ta chắc chắn sẽ nghiệm ra rằng có rất nhiều điều đều là muốn làm mà không thể làm được, cũng có rất nhiều việc tưởng không làm được thì lại có kết quả tốt đẹp không ngờ.


Con người là một phần của Thiên nhiên, cho nên tất nhiên cũng phải tuần hoàn theo quy luật tự nhiên. Ngày nay, con người vì để đạt được lợi ích vật chất của bản thân mà phá hoại tự nhiên, nghịch Thiên đạo mà hành. Kết quả nhất định là ngày càng xa rời Thiên đạo, khoảng cách để được khoái hoạt càng ngày càng xa. Con người hiện đại ai ai cũng có rất nhiều dục vọng, ham muốn nên dễ bị mê lạc mất, tính toán rất nhiều mà không nhận ra rằng “thành sự tại Thiên”.

Những người tu hành, bậc quân tử, cao nhân thời xưa đều hiểu mệnh. Họ tin rằng mọi sự đều đã được an bài, bất luận sự tình gì đều ẩn chứa Thiên ý. Họ chọn cách sống thuận Thiên ý, thích ứng với mọi hoàn cảnh, không cưỡng cầu để đạt được những thứ không thuộc về mình, họ luôn ung dung thản đãng, tự do tự tại, không tranh với đời.

Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập

NGƯỜI CÓ 5 TƯ DUY SAI LẦM NÀY ĐANG TỰ XUA ĐUỔI PHÚ KHÍ, ĐÁNH MẤT TÀI LỘC

Phúc khí, may mắn của một người không phải trời cho, mà phụ thuộc vào chính tư duy, thái độ sống của mỗi người. Những kiểu tư duy sai lầm này khiến bạn tự đánh mất tài lộc của chính mình.


Người có 5 tư duy sai lầm này đang tự xua đuổi phúc khí, đánh mất tài lộc

Phúc khí, may mắn của một người không phải trời cho, mà phụ thuộc vào chính tư duy, thái độ sống của mỗi người. Những kiểu tư duy sai lầm này khiến bạn tự đánh mất tài lộc của chính mình.

Trong cuộc đời, tuy rằng vận mệnh mỗi người mỗi khác, con đường sự nghiệp không hề giống nhau, nhưng đại đa số chúng ta vẫn còn tin rằng, tiền tài và phú quý đều đến từ lộc trời cho.

Lộc này không dễ có được qua con đường cầu xin hay tìm kiếm, nhưng lại rất dễ mất đi nếu chúng ta không biết quý trọng. Trong sinh hoạt hàng ngày, con người có rất nhiều thói quen tưởng là nhỏ nhặt và vô hại, nhưng lại đem tới ảnh hưởng tiêu cực mạnh mẽ, tự xua đuổi tài lộc của chính mình. Đặc biệt, những sai lầm đến từ tư duy bên trong của một người:

1. Sống ỷ lại, dựa dẫm vào người khác

Những người thành công luôn là người nắm giữ quyền tự chủ tuyệt đối về cả công việc lẫn cuộc sống. Ngược lại, những kẻ thất bại lại có thói quen dựa dẫm, ỷ lại vào người khác, mỗi khi gặp khó khăn. Trong cuộc sống, những người như vậy thì ở đâu cũng gặp, mà càng ngày càng nhiều.

Phải biết rằng, ngồi ghế mềm thường dễ ngủ quên, sống dựa dẫm thì đánh mất chính mình. Nếu cứ sống như thân dây leo, chỉ bám víu, gửi thân nương tựa người khác thì bạn không thể đạt tới đỉnh cao thực sự. Ngày mà chỗ dựa mất đi, bạn cũng đã đánh mất vị trí của chính mình, chỉ có thể nằm rạp dưới đất đợi người khác dẫm đạp.


2. Không có lòng cầu tiến

Một gia đình đông đúc nghèo khổ, cùng sống trong một túp lều tồi tàn. Cuộc sống của cả nhà đều phụ thuộc vào một con bò sữa. Hàng ngày, họ chờ lấy sữa mỗi ngày đem bán nên coi con bò là tài sản quý báu nhất, cho đến ngày nó bỗng lăn ra chết. Cả gia đình lo lắng, sợ hãi vì đã mất đi nguồn sống.

Những tưởng cả nhà sẽ chết đói. Nhưng 2 năm sau, các thành viên trong gia đình họ vẫn sống, thậm chí còn sống tốt, sống khá giả và đầy đủ hơn trước rất nhiều. Họ thậm chí còn có tiền bạc dư dả và nghĩ tới việc xây dựng lại nhà to hơn.

Hóa ra, sau khi nguồn thu nhập duy nhất trong nhà là con bò sữa chết đi, gia đình nọ quá đói, bắt buộc phải đi tìm một con đường kiếm ăn khác. Họ học theo mọi người trong làng, đi tìm nơi khai hoang và trồng trọt. Vụ mùa ngày một khấm khá, đồng ruộng của họ dần đáp ứng nhu cầu tự cung tự cấp, nuôi sống gia đình, thậm chí còn thừa ra để đem lên chợ bán. Càng quen việc thì thu hoạch lại càng phong phú hơn, tiền bạc càng đầy đủ hơn.

Con bò sữa vốn là báu vật của gia đình, là sự an toàn giả tạo, đồng thời cũng là sợi dây xích trói buộc cuộc đời họ. Khi con bò sữa mất đi, cũng giống như sợi dây trói bị cắt đứt, cuộc sống buộc họ phải thay đổi tư duy, thay đổi cách làm và nhận được kết quả khác biệt.

Triết lý sâu sắc qua câu chuyện con bò sữa chính là bất cứ ai có lòng cầu tiến, nỗ lực phấn đấu để hướng tới cuộc sống tốt đẹp hơn đều có thể làm nên thành tựu, gặt hái được tài lộc lâu dài. Người tự hài lòng với sự an toàn hiện hữu sẽ mãi giậm chân tại chỗ mà thôi.

3. Không có khả năng chịu đựng áp lực

Cuộc sống của mỗi người hiện đại đều tồn tại rất nhiều áp lực, từ cơm áo gạo tiền, tới các mối quan hệ xã hội… Áp lực bắt nguồn từ cuộc sống và cuộc sống luôn song hành cùng áp lực. Nếu không rèn luyện và cải thiện được kỹ năng này thì qua năm tháng, đối mặt với khó khăn, con người sẽ ngày càng dễ bị tổn thương, dễ lùi bước, từ bỏ và chuốc lấy thất bại lên người.


Nhiều người trẻ hễ gặp khó khăn trong công việc là nghĩ đến chuyện "nhảy việc". Trước đó, họ chưa từng suy nghĩ thực sự xem bản thân đã thực sự nỗ lực để giải quyết vấn đề hay chưa, có cách nào để giải quyết hay hơn không?

Cá chép hóa rồng phải vượt Vũ Môn, con người muốn thành công phải học cách chịu đựng gian khó, đương đầu với thử thách. Nếu cứ trốn tránh, chúng ta cũng đã vô tình đóng kín cánh cửa cơ hội để phát triển và thăng tiến hơn.

4. Đổ lỗi cho người khác

Theo Les Brown, một nhà diễn thuyết, tác gia nổi tiếng người Mỹ: "Hãy có trách nhiệm với cuộc đời mình. Hãy biết rằng chính bạn là người sẽ đưa bạn tới nơi bạn muốn đến chứ không phải ai khác."

Một người đã tới tuổi trưởng thành mà vẫn không học được cách tự lập, tự chủ cho mọi hành động và lời nói của mình, thì rất khó có sự nghiệp phát triển tốt.

Đôi khi, những người thiếu trách nhiệm chưa chắc đã là người thiếu khả năng. Chỉ là tâm lý "đổ lỗi" đã khiến họ không dám nhìn thẳng vào cái sai của bản thân, luôn trốn tránh và không thay đổi, dần dần mất đi năng lực tự giải quyết vấn đề bằng chính sức mình.

Theo thời gian, thói quen này sẽ khiến họ cứ sống và làm việc với những sai lầm cố hữu, rồi đánh mất cả niềm tin và những mối quan hệ xung quanh vì liên tục trốn tránh trách nhiệm. Không một con người nào có thể đạt được thành tựu nếu thiếu vắng cả hai nhân tố cốt lõi là năng lực và mối quan hệ. Đây chính là một trong hành vi tự cắt đứt tài lộc và phúc khí của bản thân.


5. Tham nhỏ bỏ lớn

Khổng Tử từng dạy học trò của mình rằng: "Chớ muốn nhanh, chớ thấy lợi nhỏ. Muốn nhanh thì không đạt, thấy lợi nhỏ thì việc lớn không thành." Nếu bạn quá tham lam những món lợi nhỏ nhặt trước mắt thì cuối cùng, thứ bạn mất đi là phúc lộc của cả cuộc đời.

Từng có một phép so sánh thú vị rằng, tỷ phú Bill Gates sẽ không dừng lại để nhặt 100 USD vì mỗi giây tỷ phú này kiếm được 380 USD. Nếu bạn chỉ để tâm tới cái lợi trước mắt, cơ hội kiếm cái lợi lớn hơn ở tương lai cũng sẽ bị bỏ qua. Nếu bạn chỉ chăm chăm nghĩ về hiện tại thì không còn đủ thời gian nhìn xa trông rộng. Tầm nhìn càng ngắn, con đường tài lộc sẽ càng hạn hẹp.

Thiên An / Theo: PNVN

THƯỞNG TRÀ, THƯỞNG MÙA XUÂN TẠI ĐÀI LOAN

Mùa Xuân tại Đài Loan không chỉ là dịp lý tưởng để khám phá thiên nhiên tươi đẹp mà còn để trải nghiệm văn hóa thưởng trà độc đáo. Khi đồi trà xanh mướt bắt đầu đâm chồi, cũng là lúc trà xuân được thu hoạch, mang đến những tách trà thanh khiết và tinh tế. Từ quán trà truyền thống đến các trang trại trên núi, nghệ thuật thưởng trà mùa Xuân là một phần văn hóa đặc sắc của xứ Đài.


Văn hóa thưởng trà tại xứ Đài

Ở Đài Loan, trà không chỉ là một thức uống mà còn là một phần quan trọng trong văn hóa và cuộc sống thường ngày. Các nghi thức trà truyền thống đã xuất hiện từ thế kỷ 19, khi văn hóa trà được du nhập vào Đài Loan và các phong tục, tập quán được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Những nghi thức này không chỉ đơn giản là việc pha chế và thưởng thức trà, mà còn là biểu tượng của một lối sống, triết lý và nghệ thuật đặc sắc.

Một trong những yếu tố quan trọng trong nghi thức trà truyền thống Đài Loan là cách pha trà. Không chỉ đơn giản là đổ nước nóng lên lá trà, mà đó là một quy trình tỉ mỉ và có chủ đích, đòi hỏi sự chính xác và kỹ năng cao. Bước đầu tiên là rửa lá trà để loại bỏ tạp chất. Sau đó, lá trà được cẩn thận đặt vào ấm trà hoặc chén khải (gaiwan), rồi rót nước nóng vào. Trà được ngâm trong vài giây, trước khi được rót ra những chén sứ nhỏ, mỗi chén đều được tráng qua nước nóng vài lần. Việc này vừa giúp làm sạch, tránh lẫn hương vị từ trà trước, vừa giữ cho trà luôn nóng.


Vì sao mùa Xuân là thời điểm lý tưởng để thưởng trà?

Theo văn hoá của người phương Đông, một năm có 24 tiết khí, mỗi tiết khí kéo dài trong 15 ngày, và mỗi một mùa có 6 tiết khí khác nhau. Vào mùa Xuân, 6 tiết khí bao gồm:

  • Lập Xuân (bắt đầu mùa Xuân): ngày 4-5 tháng Hai

  • Vũ Thuỷ (mưa ẩm): ngày 18-19 tháng Hai

  • Kinh Trập (sâu nở): ngày 5-6 tháng Ba

  • Xuân Phân (giữa Xuân): ngày 20-21 tháng Ba

  • Thanh Minh (trời trong sáng): ngày 4-5 tháng Tư

  • Cốc Vũ (mưa rào): ngày 20-21 tháng Tư

Đối với những người làm trà, từ Kinh Trập đến trước Cốc Vũ là thời điểm lý tưởng để thu hoạch trà xuân. Sau thời gian ngủ đông, cây trà tích lũy dưỡng chất, giúp các chồi non phát triển mạnh mẽ. Những chồi này chứa nhiều dưỡng chất như axit amin, vitamin và protein, khiến trà xuân trở thành vụ thu hoạch chất lượng nhất trong năm.

Mùa Xuân cũng là thời điểm lý tưởng để thưởng trà, gắn liền với các lễ hội và trải nghiệm văn hóa đặc sắc. Lễ hội Trà Bình Lâm, nơi du khách có thể tham gia hái trà, sao trà và học pha trà theo phương pháp truyền thống, cùng các trang trại trà nổi tiếng như Alishan và Hồ Nhật Nguyệt, mang đến những chuyến du lịch trà đạo giúp du khách tìm hiểu sâu sắc quy trình chế biến trà. Khu vực Miêu Không ở Đài Bắc cũng thu hút những người yêu trà với các quán trà trên núi, nơi tổ chức giao lưu văn hóa và thưởng trà trong không gian thiên nhiên tuyệt đẹp. Sự kết hợp này không chỉ làm phong phú trải nghiệm mà còn giúp du khách cảm nhận trọn vẹn tinh thần trà đạo Đài Loan.


Các loại trà Đài nổi tiếng mùa Xuân

Trà Alishan nổi tiếng với hương vị ngọt ngào như bơ, mềm mại và dễ uống - điều này đã khiến nó trở thành cái tên nổi tiếng nhất trong dòng trà Ô long núi cao nổi tiếng thế giới của Đài Loan. Alishan là vùng trồng trà núi cao và là nơi thu hoạch trà xuân đầu tiên trong ba vụ. Nơi đây cũng có khí hậu ấm áp và nhiều nắng nhất, điều này mang lại cho trà Alishan nét đặc trưng riêng biệt.

Trà Ô Long Bốn Mùa, hay còn gọi là Bốn Mùa Xuân (Four Seasons of Spring), là một giống trà ô long khá thú vị của Đài Loan. Nó được trồng để thu hoạch quanh năm (hầu hết các loại trà Đài Loan chỉ được thu hoạch vào mùa Xuân) do đó có tên như vậy. Mặc dù Trà Ô Long Bốn Mùa phổ biến ở Đài Loan và có mặt ở mọi cửa hàng trà, nhưng nó không thực sự được ưa chuộng ở phương Tây. Loại trà này cũng được xếp vào loại trà núi cao và thường được trồng ở vùng Alishan hoặc huyện Nam Đầu. Hương vị của nó nhẹ nhàng, ngọt ngào và kem, với hương hoa gợi nhớ đến hoa Nhài tây.

Bình Lâm (Pinglin) - khu vực nông thôn đẹp như tranh vẽ ở phía đông nam của Tân Bắc - là một trong những khu vực sản xuất trà hàng đầu của Đài Loan và là trung tâm của trà Bao Chủng (Baozhong) trứ danh của khu vực. Mùa thu hoạch trà của Bình Lâm diễn ra vào mùa Xuân, khi các đồn điền bậc thang của khu vực này tươi xanh, tạo nên những khung cảnh tuyệt vời. Loại trà này còn được gọi là "trà hoa" vì hương thơm rất đặc trưng của nó.


Những quán trà đáng ghé thăm ở Đài Loan

Để trải nghiệm trọn vẹn văn hóa trà Đài Loan từ truyền thống đến hiện đại, dưới đây là những quán trà nổi bật mà bạn không nên bỏ qua khi đến Đài Loan:

Hermit's Hut (Đài Bắc)

Địa chỉ: No. 15, Alley 46, Lane 553, Section 4, Zhongxiao East Road, Xinyi District, Taipei 110, Taiwan

Quán trà hiện đại với thiết kế tối giản, tạo không gian yên bình lý tưởng cho việc thưởng trà. Quán phục vụ các loại trà trắng đặc biệt từ bộ sưu tập riêng, cùng trà hữu cơ và bản địa. Đặc biệt vào buổi tối, bạn có thể thưởng thức cocktail pha chế từ trà. Nhân viên sẵn sàng hướng dẫn bạn nghi thức pha trà truyền thống.

Zhao Zhao Tea Lounge (Đài Trung)

Địa chỉ: No. 22, Alley 66, Lane 79, Section 1, Xiangshang Rd, West District, Taichung City, Taiwan

Quán trà nằm trong căn hộ thập niên 1950, được cải tạo theo phong cách tối giản với bê tông, gỗ và kính, tạo không gian thoáng đãng. Du khách có thể thưởng thức trà và cảm nhận hương thơm ngay tại khu vực rang trà trung tâm.

Jiufen Tea House (Tân Bắc)

Địa chỉ: No. 142, Jishan Street, Ruifang District, New Taipei City 22448, Taiwan

Tọa lạc trong tòa nhà hơn 100 năm tuổi, Jiufen Tea House có không gian độc đáo với sân ngoài trời và phòng trà bát giác bằng kính. Đây là điểm đến lý tưởng cho những ai yêu thích trà, kiến trúc lịch sử và du lịch.

South Street Delight Tea House (Đài Bắc)

Địa chỉ: No. 67, 2nd Floor, Section 1, Dihua Street, Datong District, Taipei City 103, Taiwan

Quán trà ấm cúng với sự kết hợp giữa lịch sử và nghệ thuật. Nội thất tinh tế, đồ gỗ cổ và bộ ấm chén thủ công từ Đài Loan và Nhật Bản tạo nên một không gian thưởng trà đặc biệt, hoàn hảo cho những ai yêu thích sự tinh tế và yên bình.


Thưởng trà mùa Xuân ở Đài Loan không chỉ là cơ hội khám phá hương vị trà tinh tế mà còn là hành trình hòa mình vào nhịp sống chậm, tận hưởng sắc xuân tươi mới và không khí trong lành. Mỗi tách trà, dù trong quán truyền thống hay hiện đại, đều mang trong mình câu chuyện của đất trời Đài Loan, để lại dư vị khó quên trong lòng người thưởng thức.

Uông Long / Theo: vntravellive



TRÍ TUỆ CỦA CỔ NHÂN: QUY TẮC KẾT BẠN

Người xưa luôn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc chọn bạn để kết giao, họ coi đó là nền tảng xây dựng mối quan hệ lâu dài và chân chính. Từ lời dạy của Khổng Tử về người bạn trung thực, đáng tin cậy, đến quan điểm sâu sắc của Trang Tử về tình bạn quân tử bền chặt như nước, các bậc cổ nhân đều đặt phẩm chất và đạo đức lên hàng đầu. Những câu chuyện minh họa như lòng trung thực, sự nhẫn nại và tinh thần chính trực không chỉ là bài học quý giá mà còn là kim chỉ nam cho việc đối nhân xử thế trong cuộc sống hiện đại.

Người xưa luôn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc chọn bạn để kết giao. (Ảnh minh hoạ: Shutterstock)

Người xưa kết giao


Người xưa rất thận trọng trong kết giao. Khổng Tử đã nhắc nhở các đệ tử của mình rằng: “Người thẳng thắn, người rộng lượng và người hiểu biết sâu rộng là 3 người bạn có lợi. Người giảo hoạt, người a dua và người xu nịnh là 3 người bạn có hại”.

Ông tin rằng người có phẩm chất chính trực, trung thực, đáng tin cậy và có kiến thức bác đại thì mới đáng để kết giao. Bởi vì họ hành sự trượng nghĩa, luôn vì người khác và luôn lấy nhân phẩm làm trọng.

Mạnh Tử cho rằng kết bạn là: “Hữu kỳ đức dã, bất khả dĩ hữu hiệp dã” (Bạn bè kết giao vì đức hạnh, không phải vì nhờ cậy điều gì).

Trang Tử lại cho rằng: “Quân tử chi giao đạm nhược thủy, tiểu nhân chi giao cam nhược lễ; quân tử đạm dĩ thân, tiểu nhân cam dĩ tuyệt.” (Người quân tử khi kết giao thì đạm nhạt như nước, còn kẻ tiểu nhân khi kết giao lại ngọt như rượu. Sự kết giao của người quân tử tuy đạm nhạt nhưng lâu dài bền chặt, còn tình cảm của kẻ tiểu nhân tuy ngọt ngào, vồ vập nhưng lại dễ dẫn đến tuyệt giao.)

Vào thời nhà Minh, trong ‘Kê Minh Ngẫu Ký’ ,Tô Tuấn đã đem bạn bè chia thành 4 loại, khuyên người đời nên kết giao với những “úy hữu” – bạn bè giúp nhau trau dồi phẩm hạnh, thẳng thắn khuyên bảo sai lầm, và “mật hữu” – bạn bè kết giao bằng chân tâm, sống chết có nhau. Đồng thời, tránh xa “nật hữu” – những kẻ khéo lời nịnh bợ, chỉ biết ăn chơi hưởng lạc, và “tặc hữu” – những kẻ chỉ chung vui lúc sung túc nhưng lại bỏ mặc hoặc đâm sau lưng khi hoạn nạn.

Nói là làm, người trung thực mới đáng tin cậy

Theo ‘Úc Ly Tử’ cuốn sách với bút pháp ngụ ngôn của nhà văn Lưu Bá Ôn, có ghi lại một câu chuyện như thế này: Một thương nhân khi băng qua sông thì bị chìm thuyền, trong tình thế nguy cấp không thể làm gì khác nên ông bám vào đám cỏ khô nổi trên sông và kêu cứu.

Có một người đánh cá lái thuyền đến cứu, nhưng trước khi thuyền đến gần, thương gia vội vàng hứa: “Tôi là nhà buôn lớn ở Tế Âm, nếu anh cứu tôi, tôi sẽ tặng anh một trăm lượng bạc”. Nhưng đến khi người đánh cá cứu được ông vào bờ, thì ông ta chỉ đưa cho người đánh cá mười lạng bạc.


Lúc ấy người đánh cá hỏi ông ta: “Lúc cứu ông, ông hứa cho tôi một trăm lượng bạc, bây giờ chỉ cho tôi mười lượng, cái này e rằng là không hợp lý?” Người thương nhân lập tức thay đổi sắc mặt: “Ngươi là ngư dân, một ngày ngươi có thể kiếm được bao nhiêu tiền? Bây giờ lập tức ngươi được mười lượng bạc cùng một lúc, ngươi còn chưa thấy thỏa mãn sao?” nghe xong người đánh cá đành hậm hực rời đi.

Ít hôm sau, người thương nhân nọ lại ngồi thuyền xuôi dòng trên sông, một lần nữa thuyền lại va vào một tảng đá rồi chìm mất. Lúc ấy người đánh cá cũng tình cờ có mặt tại nơi thuyền của ông ta bị chìm. Thấy người đánh cá không nhúc nhích, có người hỏi: “Sao anh không đi cứu ông ấy?” Người đánh cá lúc này khinh miệt đáp: “Đây là kẻ đã hứa cho tôi một trăm lạng bạc nhưng lại nuốt lời”. Anh ta đánh thuyền vào bờ rồi lặng lẽ nhìn người thương nhân vùng vẫy trong nước rồi dần dần chìm xuống sông.

Không giữ lời thì mất chữ tín, giống như thương nhân kia cuối cùng đã đánh mất mạng sống quý giá nhất của mình vì không giữ lời hứa. Người xưa nói: “Lời hứa đáng giá ngàn vàng”. Trung thực và đáng tin cậy là đức tính vô cùng quan trọng. Chỉ những người trung thực và đáng tin cậy mới đáng để kết bạn.

Hành sự thận trọng chắc chắn, không gian xảo mới là người đáng tin cậy

Có một câu chuyện như sau: Một gia đình giàu có thuê hai người thợ xây để sửa lại bức tường. Anh thợ trẻ tuổi làm rất nhanh nhẹn, chỉ mất chưa đầy một ngày đã hoàn thành xong một mặt tường, trong lòng anh còn rất hài lòng về điều đó. Anh ta nói với người thợ xây già: “Nếu ông xây bằng những viên đá to, ông có thể sớm được trả công”. Lão thợ xây nhìn bức tường do người thợ xây trẻ tuổi xây bằng đá lớn, chỗ lồi chỗ lõm thì mỉm cười đầy ẩn ý và nói: “Bức tường này phải được xây dựng vững chắc bằng từng viên đá nhỏ để tạo nên độ bền chắc, mới có thể chống đỡ được những viên đá lớn. Nếu như vì mong muốn sự nhanh chóng mà loại bỏ những viên đá nhỏ, thì những tảng đá lớn sẽ không được kiên cố, không lâu sau sẽ sụp đổ. Tôi muốn xây cho đẹp, chắc và bền nên không quan trọng tốc độ mau chậm”.

Người thợ xây trẻ không coi trọng điều ông lão nói, nghĩ rằng ông đã già nên hóa hồ đồ lẩm cẩm. Nhưng đến đêm hôm đó, trời mưa rất to, những bức tường bằng đá lớn đều đổ sập, chỉ có những bức tường bằng đá nhỏ là vẫn đứng kiên cố giữa trời mưa gió giữ dội. Cuối cùng, người chủ nhà đuổi người thợ trẻ đi, lại còn quay sang khen ngợi tấm tắc tay nghề của ông lão. Cũng nhờ ông sửa lại những bức tường đã đổ với số tiền công rất cao.

Ông lão thợ xây dùng phương pháp nhìn như là “vụng về” để làm việc, nhưng nội hàm thâm sâu lại chính là sự khéo léo, từng bước một, không những xây được bức tường kiên cố nhất mà còn dành được sự tin tưởng từ người khác. Công phu thực sự chỉ có thể đạt được nếu bạn sẵn sàng làm việc một cách nhiệt tình và nhận thiệt thòi về mình, ấy mới là đáng tin.


Giữ vững được chuẩn mực làm người mới là đáng tin

Nhà triết học Chu Hi thời nhà Tống đã bình luận trong ‘Luận Ngữ Tập Chú’ rằng: “Hữu sở dĩ phụ nhân, bất như kỷ, tắc vô ích nhi hữu tổn”. (Kết giao bạn hữu là để cùng nhau làm những việc nhân nghĩa, nếu như họ không có nhân phẩm thì kết giao cũng vô ích). Nhân, nghĩa, lễ, trí, tín, ôn, lương, cung, khiêm. Trong thời cổ đại người ta lấy lễ, nghĩa, liêm, sỉ làm chuẩn tắc cho “Quốc chi tứ duy”. Chân thành, lương thiện, khoan dung, làm việc gì đều nghĩ đến người khác, không làm tổn thương người chỉ vì lợi ích của mình và biết giữ gìn chuẩn tắc làm người mới đáng tin cậy.

‘Cảnh thế thông ngôn’ là những câu chuyện dân gian được tác giả Phùng Mộng Long sửa chữa, cũng nói rằng: “Nội hữu quân tử, môn ngoại quân tử chí”. Nghĩa là trong nhà có người quân tử thì ngoài cửa mới có những người quân tử tìm đến. Chỉ cần bạn ngay thẳng nhân nghĩa, bạn sẽ tự nhiên thu hút những người có cùng phẩm chất. Vì vậy, nếu muốn có những người bạn đáng giá, trước tiên bản thân phải là một người đáng giá.

Trúc Nhi biên dịch
Theo Sound Of Hope

NẾU MỘT NGÀY TAY TRẮNG - THÌ TA CÒN LẠI GÌ?

Tôi nhớ về hình ảnh của ngoại, một người phụ nữ đã sống cả đời trong nghèo khó, nhưng bà có một điều mà tôi chưa bao giờ tìm thấy trong những người khác: đó là sự bình an và sự thanh thản trong tâm hồn.


Những giá trị đích thực nằm sâu trong tâm mỗi người

Có những lúc, ta cứ mải miết đuổi theo những thứ ngoài tầm với – những chiếc xe bóng loáng, những ngôi nhà đồ sộ, hay những bộ đồ đắt tiền. Chúng ta nhìn vào đó và tự hỏi, liệu có khi nào ta sẽ được sống như họ, những người có tất cả những gì mà xã hội ngưỡng mộ?

Có những lúc, ta ngồi trong chiếc xe của mình, nhìn vào chiếc xe hơi của người khác và cảm thấy thiếu thốn. Ta nghĩ, nếu mình có những thứ ấy, cuộc sống sẽ tốt hơn biết bao.

Nhưng rồi có những khoảnh khắc, khi ta ngồi một mình trong căn phòng tối, trong thinh lặng, ta chợt nhận ra : Tất cả những thứ đó, chỉ là những cái bóng phản chiếu ngoài kia, không thể nào lấp đầy khoảng trống bên trong ta

Tôi từng nghe câu chuyện về một người đàn ông, một người mà ai cũng nghĩ là “hạnh phúc”. Anh ta có mọi thứ: nhà cao cửa rộng, xe đắt tiền, công việc ổn định, và một cuộc sống như mơ. Nhưng rồi, có một ngày, khi sức khỏe của anh bắt đầu suy yếu, và anh phải nằm trong bệnh viện, anh mới nhận ra, điều duy nhất mà anh thực sự thiếu chính là sự bình yên trong lòng.


Những người bạn mà anh từng giúp đỡ, những người thân mà anh từng lạnh nhạt, họ không đến thăm anh. Anh nằm đó, trong một phòng bệnh tiện nghi, sao lại lạnh lẽo, cô đơn, và đột nhiên cảm thấy lòng mình trống rỗng đến mức không thể thở nổi. Những chiếc xe, những ngôi nhà, tất cả những gì anh đã chạy đua cả đời để sở hữu, giờ đây không thể nào làm anh cảm thấy ấm áp hơn được.

Liệu có phải đôi khi chúng ta đã đánh mất chính mình, chạy theo những điều mà xã hội khen ngợi, nhưng lại bỏ qua những điều chân thật và giản dị trong cuộc sống, bỏ qua những thứ mà một trái tim rất đỗi bình thường cũng thật sự cần đến hay không? 

Ngày còn nhỏ, có những khi tôi nghĩ, nếu như có nhiều tiền, mình sẽ được làm những gì mình thích, tôi đo lường hạnh phúc dựa vào tiền bạc. Nhưng khi tôi lớn lên, tôi dần nhận ra, điều quan trọng không phải là có bao nhiêu tiền trong tay, mà là có thể sống thế nào để khi nhìn lại, ta cảm thấy lòng mình nhẹ nhõm và bình an.

Một người bạn thân của tôi từng nói: “Cuộc sống này không phải chỉ để có, mà là để sống.” Khi cô ấy nói câu đó, tôi không hiểu ngay. Nhưng hiện tại, khi nhìn lại, tôi mới hiểu, cái để sống không phải là những gì ta sở hữu, mà là những gì ta cho đi, là cách ta đối xử với người khác, là cách ta yêu thương chính mình.

Những gì thuộc về tự nhiên cũng vậy, tự nhiên luôn cho đi mọi thứ, nếu như nó không cho đi, nó không thể sống được. Như một cái cây lớn, đến mùa thu lá sẽ rụng, nó cho đi một phần sinh mệnh nó để sinh ra những cành lá mới, một cái cây cũng tự nó ra quả, nếu không ai ăn, nó sẽ rụng và quay về đất làm chất dinh dưỡng cho đất, một con cá không chỉ là sống trong nước, chúng đang duy trì sức sống cho một dòng sông. Và chỉ con người ít khi nào muốn cho đi, mà đa phần lại muốn nhận lại.


Tôi nhớ về hình ảnh của ngoại, một người phụ nữ đã sống cả đời trong nghèo khó, nhưng bà có một điều mà tôi chưa bao giờ tìm thấy trong những người khác: đó là sự bình an và sự thanh thản trong tâm hồn.

Bà không có những thứ mà nhiều người ao ước, nhưng mỗi lần tôi nhìn vào đôi mắt bà, tôi lại thấy một thứ gì đó sâu sắc hơn tất cả những món đồ đắt tiền mà thế giới này có thể trao cho ta. Bà luôn cười, dù cuộc sống đã dạy cho bà rất nhiều bài học khó khăn. Bà luôn nói với tôi rằng, “Cuộc đời này không thể chỉ nhìn bằng mắt. Đôi khi, ta phải nhìn bằng trái tim.”

Chắc chắn bạn sẽ không thấy một chiếc xe sang trọng hay một biệt thự lộng lẫy khi nhìn vào bà. Nhưng bạn sẽ cảm nhận được một sự an lành trong mỗi lời bà nói, mỗi bước đi của bà. Bạn sẽ thấy rằng, trong thế giới đầy biến động này, bà chính là người giàu có nhất, vì bà không cần tìm kiếm điều gì ngoài sự tôn trọng và yêu thương từ người khác.


Dù hoàn cảnh có thế nào, hãy luôn gắng sức giữ 1 nội tâm tròn đầy

Chúng ta có thể giàu có, nhưng nếu chúng ta không có sự tôn trọng, không có lòng nhân ái, chúng ta sẽ luôn cảm thấy trống vắng. Chúng ta có thể sở hữu mọi thứ trên đời, nhưng nếu không có sự bình an trong tâm hồn, thì tất cả những thứ ấy đều vô nghĩa. Cũng có nghĩa, những thứ ta đang có là thứ yếu, nhưng giá trị bên trong tâm hồn ta lại là chủ yếu, nó mới quyết định chúng ta liệu có hạnh phúc hay không!

Vậy thì, nếu hôm nay, bạn phải lựa chọn, hãy chọn sống một cuộc đời giản dị, nhưng đầy ý nghĩa, hoặc sống trong giàu sang cũng vậy, điều cốt lõi là không nên đánh mất giá trị tốt đẹp trong lòng mình.

Hãy chọn yêu thương và tôn trọng những người xung quanh. Hãy sống với một tâm hồn không hối hả, để khi nhìn lại, bạn có thể mỉm cười, vì biết rằng mình đã sống đúng với những giá trị đích thực. Và khi đó, dù bạn có bao nhiêu tiền, bạn cũng sẽ cảm thấy mình là người giàu có nhất trên thế giới này.

Vì khi tâm hồn bạn đã đủ, thì mọi thứ cũng sẽ cảm thấy đủ.

An Hậu / Theo: vandieuhay

Saturday, March 29, 2025

KHÁM PHÁ 8 "TÒA NHÀ MA" CAO NHẤT THẾ GIỚI VỚI NHỮNG CÂU CHUYỆN LY KỲ

Trong khi những tòa nhà chọc trời là những tuyệt tác kỹ thuật, minh họa cho sự phát triển của bất kỳ thành phố nào, thì một số tòa tháp lại mang đến cho khu vực xung quanh cảm giác ma quái khi bị bỏ hoang.


Dưới đây là 8 "tòa nhà ma" cao nhất trên thế giới, vài trong số đó trở thành điểm thu hút du khách tìm kiếm những trải nghiệm độc lạ.

Tòa nhà Sterick, Tennessee, Mỹ

Chiều cao: 111m (29 tầng)

Sterick là tòa nhà chọc trời tráng lệ theo phong cách Gothic ở trung tâm thành phố Memphis, Tennessee. Với chiều cao 111m và 29 tầng, đây là tòa nhà cao nhất ở miền Nam nước Mỹ từ năm 1929 đến năm 1957. Được mệnh danh là Nữ hoàng Memphis, tòa nhà chọc trời này được liệt kê trong Sổ đăng ký Địa điểm Lịch sử Quốc gia và là một trong những điểm tham quan hấp dẫn nhất ở Memphis, Tennessee.

Khi các tòa nhà văn phòng hiện đại hơn xuất hiện ở trung tâm thành phố Memphis vào những năm 1960, Sterick bắt đầu mất đi người thuê. Ngay cả sau nhiều lần cải tạo, tòa nhà vẫn mất đi sức hấp dẫn và không có người ở kể từ năm 1986.

Các kế hoạch đang được tiến hành để cải tạo tòa tháp mang tính biểu tượng này và lấy lại vị trí đáng mơ ước trên đường chân trời Memphis, nhưng chưa có kế hoạch chính thức nào kể từ tháng 1 năm 2025.

Holiday Inn Beirut, Lebanon

Chiều cao: 117m (26 tầng)

Holiday Inn Beirut là tòa nhà chọc trời đổ nát, đầy vết đạn ở Lebanon, được coi là biểu tượng cho quá khứ đầy biến động của thành phố. Được xây dựng từ năm 1971 đến năm 1974, khách sạn mở cửa vào năm 1974, cao 26 tầng này có 400 phòng nghỉ, hộp đêm và nhà hàng xoay trên tầng cao nhất.

Khách sạn hoạt động chưa đầy một năm cho đến khi nội chiến nổ ra vào năm 1975. Đây là trung tâm của cuộc xung đột kéo dài nhiều tháng như "Trận chiến của các khách sạn", vào tháng 10 năm 1975.

Khách sạn một lần nữa trở thành chiến trường trong Chiến tranh Lebanon năm 1982. Kể từ đó, khách sạn vẫn là một tòa nhà chọc trời đầy vết đạn, sừng sững trên thành phố. Các vấn đề về quyền sở hữu và chi phí trùng tu tốn kém đã khiến nó bị tàn phá và bỏ hoang.

Torre Abraham Lincoln, Brazil

Chiều cao: 122m (36 tầng)

Tòa nhà chọc trời này vẫn trống rỗng kể từ khi việc xây dựng bị dừng lại vào năm 1974, là chướng ngại vật của Rio de Janeiro.

Torre Abraham Lincoln (còn gọi là tháp Abraham Lincoln) ở Barra da Tijuca được xây dựng như một phần của dự án phát triển đô thị những năm 1960 nhằm biến quận thành khu dân cư hiện đại. Tuy nhiên, chỉ có hai trong số 76 công trình dân cư theo quy hoạch được hoàn thành.

Tháp Plaza, Louisiana, Mỹ

Chiều cao: 162m (45 tầng)

Tháp Plaza 45 tầng là tòa nhà cao nhất ở New Orleans khi nó được xây dựng vào những năm 1960 và vẫn là tòa nhà cao thứ ba trong thành phố. Tọa lạc tại số 1001 Đại lộ Howard ở Khu thương mại trung tâm của New Orleans, nó phần lớn được sử dụng làm tòa nhà văn phòng.

Tòa nhà chọc trời đã được sơ tán vào năm 2002 do vấn đề môi trường như nấm mốc, gây ra các vấn đề về sức khỏe.

Tháp Plaza vẫn bị bỏ trống sau nhiều kế hoạch xây dựng lại và là một trong những tòa nhà chọc trời bị bỏ hoang cao nhất ở Mỹ. Các cuộc thảo luận liên quan đến khả năng phá dỡ, dự kiến tiêu tốn khoảng 27 triệu USD, đã diễn ra.

Trung tâm Financiero Confinanzas, Venezuela

Chiều cao: 170m (45 tầng)

Centro Financiero, còn được gọi là Torre de David (Tháp David), là tòa tháp bị bỏ hoang, chưa hoàn thiện khác, phá hủy đường chân trời của Caracas, thủ đô của Venezuela. Việc xây dựng nó bắt đầu vào năm 1990, nhưng đã bị trì hoãn vào năm 1994 sau cái chết của nhà đầu tư.

Tòa tháp là một trong những tòa nhà cao nhất châu Mỹ Latin nhưng nó thiếu các yếu tố thiết yếu. Trong thời kỳ khan hiếm nhà ở ở Venezuela năm 2007, hơn 200 gia đình lấn chiếm đã chiếm giữ công trình này. Đến năm 2011, dân số đã tăng lên 700 gia đình.

Vào năm 2014, chính phủ đã phát động nỗ lực dọn dẹp tòa nhà và sơ tán những người cư ngụ, và tất cả các gia đình đã được di dời vào tháng 6 năm 2015. Kể từ đó, tòa nhà không được sử dụng, không có người ở và bị bỏ hoang.

Sathorn Unique, Thái Lan

Chiều cao: 185m (47 tầng)

Thường được biết đến với cái tên Tháp Ma, Sathorn Unique ở Bangkok, Thái Lan, là tòa nhà chọc trời đã bị bỏ hoang từ lâu. Việc xây dựng tòa nhà bắt đầu vào những năm 1990 nhưng đã dừng lại vào năm 1997 do cuộc khủng hoảng tài chính châu Á.

Tính đến tháng 1 năm 2025, việc xây dựng vẫn chưa được tiếp tục. Tin đồn cũng lan truyền rằng cấu trúc mục nát bị ma ám. Giờ đây, tòa nhà chọc trời bị bỏ hoang này là điểm thu hút những người săn ma, những người tìm kiếm cảm giác mạnh...

Khách sạn Ryugyong, Triều Tiên

Chiều cao: 329m (105 tầng trên mặt đất, 3 tầng hầm)

Khách sạn Ryugyong là tòa nhà chọc trời hình kim tự tháp cao chót vót chưa hoàn thiện ở Bình Nhưỡng, Triều Tiên. Đây là tòa nhà chọc trời cao nhất của Triều Tiên và là một trong những tòa nhà không có người ở cao nhất thế giới, cao 105 tầng trên mặt đất và 3 tầng dưới lòng đất.

Việc xây dựng tòa nhà bắt đầu vào năm 1987 và dự kiến hoàn thành vào năm 2012. Tuy nhiên, dự án xây dựng đã bị đình trệ vào năm 1992 do Triều Tiên gặp khủng hoảng kinh tế sau sự sụp đổ của Liên Xô. Cấu trúc bị bỏ dở cho đến năm 2008, khi công việc bắt đầu lại và phần bên ngoài được hoàn thành vào năm 2011.

Tuy nhiên, ngay cả sau gần bốn thập kỷ, tòa nhà chọc trời vẫn chưa hoàn thành, chưa được sử dụng và bị bỏ hoang…

Goldin Finance 117, Trung Quốc

Chiều cao: 597m (128 tầng)

Goldin Finance 117 ở quận Xiqing, Thiên Tân, Trung Quốc, được coi là tòa nhà bỏ hoang cao nhất thế giới. Việc xây dựng bắt đầu vào năm 2008 nhưng đã bị dừng lại hai lần.

Quá trình xây dựng ban đầu bị dừng lại vào tháng 1 năm 2010 do cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu của đất nước. Tuy nhiên, mọi thứ được cho là đã tiếp tục vào năm sau, cho đến khi thị trường chứng khoán Trung Quốc sụp đổ vào tháng 6 năm 2015, gây ra tổn thất kinh tế lớn trên toàn quốc. Điều này khiến dự án một lần nữa bị đình trệ.

Công việc xây dựng dự kiến bắt đầu vào năm 2018, nhưng tính đến tháng 1 năm 2025, tòa nhà chọc trời vẫn chưa hoàn thiện và bị bỏ hoang.

Vi Nguyễn / Theo: thanhnien



LÂM GIANG TIÊN KỲ 1 - ÁN KỶ ĐẠO


Lâm giang tiên kỳ 1

Mộng hậu lâu đài cao toả,
Tửu tỉnh liêm mạc đê thuỳ.
Khứ niên xuân hận khước lai thì.
Lạc hoa nhân độc lập,
Vi vũ yến song phi.

Ký đắc Tiểu Tần sơ kiến,
Lưỡng trùng tâm tự la y.
Tỳ bà huyền thượng thuyết tương ti (tư).
Đương thì minh nguyệt tại,
Tằng chiếu thái vân quy.


臨江仙其一

夢後樓臺高鎖,
酒醒簾幕低垂。
去年春恨卻來時。
落花人獨立,
微雨燕雙飛。

記得小蘋初見,
兩重心字羅衣。
琵琶絃上說相思。
當時明月在,
曾照彩雲歸。


Lâm giang tiên kỳ 1
(Dịch thơ: Chi Nguyen)

Lầu son khóa chặt mộng lòng.
Uống say chợt tỉnh, bên song buông mành.
Hận răng xuân chợt qua nhanh.
Hoa rơi hoa rụng, phận đành đơn côi.
Mưa xuân cánh ém sánh đôi.
Nàng thơ vừa gặp bồi hồi lòng ai.
Tỳ bà tấu khúc ai hoài.
Tương tư hương áo, chưa phai chốn này.
Trên cao một mảnh trăng bày.
Ánh trăng sáng tỏ mây bay ngang trời.


Sơ lược tiểu sử tác giả:

Án Kỷ Đạo 晏幾道 (1050-1119) tự Thúc Nguyên 叔原, hiệu Tiểu Sơn 小山, từ nhân đời Bắc Tống, người Lâm Xuyên, Phủ Châu (nay thuộc Giang Tây). Ông là con thứ 7 của Án Thù 晏殊, thuở hoa niên gia đình phong lưu, nhưng về sau hoàn cảnh sa sút, bởi vậy từ phẩm đa phần mô tả ái tình ly biệt, hoài vọng quá khứ, được đánh giá là người kế thừa phái Hoa gian của Nam Đường hậu chủ.

Án Thù lúc sinh thời làm tới chức Hình bộ thượng thư, Quan Văn điện đại học sĩ, lại là người đề bạt Phạm Trọng Yêm, Âu Dương Tu, nên có thể nói Án Kỷ Đạo là danh môn công tử, tính tình ông lại lãng mạn, nên giao thiệp với phong nguyệt chi nhân không ít. Về sau cha ông mất, gia cảnh suy tàn, bản thân ông làm quan thất chí nên hay bi hoài chuyện cũ.

Nguồn: Thi Viện