Saturday, June 28, 2025

"TRÁI LỰU" - HÀNH TRÌNH XUYÊN VĂN HÓA VÀ NHỮNG ĐIỀU BẠN CHƯA BIẾT

Trái lựu không chỉ là một loại quả đơn thuần, mà còn là biểu tượng của sự sống, trí tuệ, phồn thịnh và tái sinh. Từ những trang sử cổ của Đông phương đến các thần thoại Tây phương, từ y học cổ truyền đến nghiên cứu hiện đại, trái lựu là minh chứng sống động cho mối tương giao giữa con người với thiên nhiên, giữa thể xác và linh hồn.


I. Nguồn gốc và lịch sử: Dấu ấn xuyên thời đại

Trái lựu (Punica granatum) có nguồn gốc từ vùng Ba Tư và dãy Himalaya ở miền Bắc Ấn Độ. Tài liệu khảo cổ cho thấy lựu được trồng từ khoảng 3000 TCN tại Mesopotamia và Ai Cập cổ đại. Theo Encyclopaedia Britannica, từ thế kỷ thứ 5 TCN, người Phoenicia và Hy Lạp đã mang giống lựu đi khắp Địa Trung Hải.

Tên “Punica” trong danh pháp khoa học được nhà thực vật học Carl Linnaeus đặt theo tên “Punic people” của người Carthage, một dân tộc Bắc Phi nổi tiếng với thương mại và nông nghiệp.

Trong Kinh Thánh (Xuất Ê-díp-tô ký 28:33-34), trái lựu được khắc lên trang phục của thầy tế lễ, biểu thị cho sự thánh khiết và sự sống. Còn trong thần thoại Hy Lạp, Persephone, con gái Demeter đã ăn sáu hạt lựu trong âm phủ và từ đó bị ràng buộc sống sáu tháng mỗi năm dưới địa ngục.

Đây là hình ảnh cổ điển về chu kỳ sinh – tử – tái sinh (nguồn: The Homeric Hymn to Demeter, khoảng thế kỷ VII TCN).

Ở Trung Hoa cổ, trái lựu du nhập từ thời nhà Hán (206 TCN – 220 SCN), được biết đến với tên gọi “thạch lưu” (石榴), nghĩa là “lưu giữ trong đá”, hàm ý sức sống bền bỉ giữa khắc nghiệt. Trong Bản thảo cương mục (本草綱目, 1596) của Lý Thời Trân, ông viết:

“Lựu sinh tại Tây Vực, vị chua ngọt, mát mà không lạnh, thanh tâm giải nhiệt, dưỡng huyết điều khí.”

II. Văn hóa và biểu tượng: Sự sống, phồn thực và trí tuệ

Trong văn hóa Trung Hoa, trái lựu gắn liền với biểu tượng sinh sôi nảy nở. Tranh dân gian Phúc Kiến thời Minh – Thanh thường vẽ “đứa trẻ bế trái lựu nứt vỏ” (开榴送子), tượng trưng cho mong cầu đông con nhiều cháu. Tranh Thập toàn (十全图) cũng thường đặt trái lựu cạnh thọ đào và phật thủ, đại diện cho phúc, thọ, tài.

Ảnh minh họa

Tại châu Âu, trái lựu được đưa vào biểu tượng Kitô giáo. Trong bức tranh Madonna della Melagrana (Đức Mẹ và trái lựu, 1487) của Botticelli, trái lựu trong tay Đức Mẹ tượng trưng cho sự phục sinh của Chúa và sự cứu rỗi nhân loại. Theo nhà biểu tượng học James Hall (Dictionary of Subjects and Symbols in Art, 1974), lựu biểu thị cho sự sống vĩnh cửu trong nghệ thuật Kitô giáo thời Trung Cổ.

Nguồn Wikimedia

Plato (trong Symposium) từng ẩn dụ:

“Tâm trí như quả lựu, tuy vỏ một mà hạt trăm – mỗi hạt là một đoạn chân lý nhỏ.”
(Dẫn lại bởi triết gia Marsilio Ficino trong các chú giải Hy Lạp – La Mã thời Phục Hưng).

Trong kinh Qur’an (Chương 6:99 và 55:68), lựu được xếp là trái cây thiên đàng:

“Và nơi đó có trái chà là, nho và lựu – trong mỗi trái là dấu hiệu cho người biết suy ngẫm.”

III. Dưỡng sinh và khoa học hiện đại: Lợi ích vượt ngoài lớp vỏ

Trái lựu chứa hơn 100 hợp chất hoạt tính sinh học, trong đó nổi bật là polyphenol, anthocyanin và punicalagin, những chất chống oxy hóa cực mạnh. Theo nghiên cứu của Đại học California (2006), nước ép lựu có tác dụng làm chậm tiến trình oxy hóa cholesterol LDL, giúp giảm nguy cơ bệnh tim mạch.

Y học Trung Hoa cổ truyền cũng có ghi chép rõ ràng. Danh y Tôn Tư Mạc trong Thiên kim yếu phương (千金要方, khoảng TK VII) viết:

“Thạch lưu thanh nhiệt, trị tả, cố tràng vị, sinh tân chỉ khát.”
Tức: Lựu có tác dụng thanh nhiệt, chữa tiêu chảy, điều vị, sinh tân dịch.

Điều này khớp với nghiên cứu hiện đại về khả năng giảm viêm và hỗ trợ phục hồi sau bệnh.

Lựu còn được nghiên cứu trong điều trị ung thư. Một công bố trên “Cancer Prevention Research” (2010) cho thấy chiết xuất từ lựu ức chế sự phát triển của tế bào ung thư tuyến tiền liệt. Ngoài ra, lựu hỗ trợ tiêu hóa, ổn định huyết áp, tăng cường trí nhớ và làm chậm quá trình lão hóa.

IV. Trái lựu trong chiều sâu tu dưỡng

Mỗi trái lựu là một vũ trụ thu nhỏ, bên ngoài lớp vỏ cứng cáp là những hạt ngọc trong veo, đỏ như máu, như trái tim, như khí huyết lưu thông. Sự kết cấu ấy khiến lựu trở thành biểu tượng cho nội tâm con người, bên ngoài tưởng khép kín, nhưng bên trong là một kho báu tiềm ẩn.


Trong Đạo giáo, lựu được xếp vào nhóm quả “linh hoa”, hàm chứa khí tiên thiên và hậu thiên hợp nhất. Cổ nhân có câu: “Nhân tâm nhược khai như lựu, thị minh chi tướng dã”, tâm người nếu khai mở như trái lựu, ắt là tướng của sự sáng suốt.

Theo sách Nam Hoa Kinh (庄子), mọi thứ có hình, có giới hạn. Chân lý ẩn sâu thường không nằm ở hình tướng mà nơi thực thể nội tại. Câu cổ ngữ Đạo giáo có ghi:

“Thạch lưu khai khẩu, vi tướng minh chi nhân” – (Lựu nứt vỏ hé tâm, là người có tướng minh triết).

Ở phương Tây, Carl Jung – nhà phân tâm học nổi tiếng cũng từng bình luận về biểu tượng trái lựu trong giấc mơ như sau: “Nó là hình ảnh của cái ‘toàn thể’ – bao gồm cả cái sống và cái chết, cái hủy diệt và cái sinh thành.” Jung cho rằng trái lựu là biểu tượng cổ mẫu (archetype) cho sự hợp nhất các mâu thuẫn trong tâm hồn.

Những ai theo con đường tu dưỡng tinh thần thường nhìn trái lựu như một ẩn dụ về quá trình chuyển hóa nội tâm: vượt qua lớp vỏ bản ngã thô ráp để khám phá ra tầng tầng lớp lớp minh triết, như hạt lựu đỏ tươi trong veo, gói trọn ánh sáng và vị ngọt của sự thật.

V. Trái lựu trong văn chương và nghệ thuật: Thơ và màu sắc của linh hồn

Lựu không chỉ đi vào y học hay tôn giáo, mà còn là nguồn cảm hứng trong thi ca:

“Lựu mở miệng cười, hồng như ngọc,
Trăm hạt trong lòng, chẳng tiếng khoe.”

Âu Dương Tu (歐陽修, Tống triều, Tụng Lựu Thi)

Nhà thơ ví trái lựu như nụ cười thầm lặng, không khoe khoang nhưng chứa đựng cả một thế giới bên trong. Một vẻ đẹp trầm tĩnh, như nhân cách của bậc hiền triết: thâm hậu, kín đáo, mà đầy sinh lực.

Họa sĩ phương Tây như Botticelli, Raphael, Leonardo da Vinci cũng nhiều lần khắc họa trái lựu, thường được đặt vào tay các nhân vật thiêng liêng, như một dấu hiệu của sinh khí, tâm linh và sự cứu chuộc.


Trái lựu – Từ đất đến trời, từ thân đến tâm

Trái lựu không chỉ là một loại trái cây, mà là một bức thông điệp của đất trời gửi đến nhân loại, về sự sống, phồn thịnh, trí tuệ và nội tâm.

Nó sống trong sa mạc khô cằn nhưng kết tinh nên sắc đỏ rực rỡ; nó dày vỏ nhưng bên trong chan chứa những viên ngọc trong suốt. Đó chính là hình ảnh con người lý tưởng, bên ngoài khiêm cung, bên trong phong phú; trầm lặng mà không tầm thường; nhiều tầng lớp mà không hề lẫn lộn.

Từ những cánh đồng cằn cỗi ở Ba Tư đến những bức bích họa thánh đường phương Tây, từ lời dạy y học của Tôn Tư Mạc đến phòng thí nghiệm hiện đại, trái lựu luôn mang một bản chất không đổi: biểu tượng của sinh khí, trí tuệ, tái sinh và nội tại thâm hậu.

Cổ nhân Trung Hoa từng nói:

“Thạch lưu bất thị ngọc, thắng tự ngọc dã.”
– Tục ngữ Trung Hoa
(Lựu không phải ngọc, nhưng vượt cả ngọc, vì bên trong là sinh khí.)

Còn triết gia Tây phương lại nói:

“Within the humble fruit lies the grandeur of life.”
(Trong trái quả khiêm nhường, ẩn giấu sự huy hoàng của sinh mệnh.) Paracelsus, nhà y học và thần học Thụy Sĩ (1493–1541)

Ảnh Pexels

Trong thời đại chạy theo biểu tượng rỗng, lựu dạy ta một điều giản dị: điều giá trị nhất luôn ẩn sau lớp vỏ thô ráp, lặng lẽ, không ồn ào, nhưng sống động và dạt dào như suối nguồn.

Nguyên Tác An Hậu
Theo: vandieuhay

NGƯỜI THƯỢNG Ở TÂY NGUYÊN - KỲ 1: "CỔ TÍCH" LUẬT TỤC

Bốn mươi bốn năm sau biến cố 30/4, Tây Nguyên hôm nay không còn là miền Thượng của ngày trước. Rừng và các làng của người Thượng đau đớn nhường chỗ cho các nông, lâm trường, đập thuỷ điện.

1931, Near Annam, Vietnam — The Moi live simply in the hills of southern Annam — Image by © W. Robert Moore/National Geographic Society/Corbis

Nhà văn Nguyên Ngọc cho rằng cần ít nhất 100 năm để khôi phục rừng ở Tây Nguyên, trong đó có một việc rất quan trọng là phục hồi các làng của người Thượng để họ giữ rừng như xưa kia.

Người Thượng có cách giữ rừng riêng của mình. Họ sống bền chặt với rừng. Rừng chở che và nuôi sống họ. Rừng là cuộc sống của người Thượng từ lúc sinh ra đến lúc lìa đời. Không còn rừng thì họ chẳng còn là mình nữa.

Chúng tôi thấy rằng hiểu biết người Thượng có lẽ là cách ngắn nhất để hiểu Tây Nguyên. Với nỗ lực đó, Luật Khoa tạp chí xin gửi đến bạn đọc lần lượt các bài viết tổng hợp từ nhiều tài liệu và ý kiến các chuyên gia về vai trò của người Thượng đối với rừng và đất đai ở Tây Nguyên ngày xưa, trước và sau biến cố 30/4.

Miền đất huyền ảo

Tây Nguyên đầu thế kỷ XX phủ một màu xanh bạt ngạt của núi rừng. Trên vùng đất hoang sơ ấy là nơi sinh sống của hàng nghìn ngôi làng của những sắc tộc bản địa. Trông họ rất khác với người Annam : da đen, đóng khố, đi chân chất, cà răng, căng tai, ăn bốc… Họ sống thành từng làng, gắn bó bền chặt với nhau.

Người Annam và người Pháp gọi chung họ là Mọi. Từ này được hai nhà nghiên cứu Nguyễn Kinh Chi và Nguyễn Đổng Chi giải thích trong cuốn “Mọi Kontum” in lần đầu năm 1937, từ Mọi có lẽ có nguồn gốc từ tiếng Ba-na là “tơ-moi” để chỉ những người khách đến làng của người Ba-na, ví dụ tơ-moi Xơ-đăng, tơ-moi Gia-rai có nghĩa là khách Xơ-đăng, khách Gia-rai. Người Việt bắt chước cũng gọi theo nhưng tiếng Việt thì độc âm nên lâu dần bỏ chữ “tơ” chỉ còn lại từ “moi” để chỉ người bản địa ở Tây Nguyên.[1]

Hàng trên từ trái sang là đàn bà người Hoa, đàn ông người Hoa ở Sài Gòn và người phụ nữ Cambodia. Hàng dưới người phụ nữ Annam, Kinh lược sứ Phan Thanh Giản và hai người đàn ông người Stiêng. Ảnh: Hippolyte Arnoux và Emile Gsell, xuất bản năm 1880.

Cách gọi này đến sau năm 1945 thì bỏ hẳn vì dễ mang tính miệt thị, thay vào đó bằng cách gọi theo địa phương là “người Tây Nguyên” hay “người Thượng” để chỉ những người sống ở miền thượng du.[2]

Theo hai nhà nghiên cứu trên, dân số mọi lúc đó ước chừng 300.000 đến 500.000 người, chia thành nhiều bộ lạc khác nhau.[3]Trong đó, có ba bộ lạc lớn là Ba-na, Xơ-đăng và Dja-rai (Gia-rai). Trong mỗi bộ lạc lại có những bộ tộc khác nhau. Ví dụ như có người Ba-na chính tông, và các bộ tộc như Bonam, Hrui, Konho, Krem…

Ngoài ra còn có người Lạt, Mạ, Stiêng và Srê ở hai Cao nguyên Lang-biang và Gia-rinh. Người Mnông ở Tây Nam Cao nguyên Đắc Lắk và Tây Bắc Cao nguyên Lang-biang.

Bản đồ của người Pháp in năm 1917 dưới đây cho thấy người Thượng đã chiếm một một phần rộng lớn đất đai vùng Trường Sơn – Tây Nguyên, còn người Annam (màu đỏ nhạt) chủ yếu ở ven biển Nam Trung Bộ và đồng bằng phía Nam.

Người Thượng đã đến từ đâu, tổ tiên của họ là ai thì vẫn chưa có đáp án chính xác. Chỉ biết chắc rằng các nhóm dân này đã bị người Chàm khuất phục, trở thành thần dân của Champa. Họ cũng từng sống ở ven biển rồi nhượng lại những vùng đất tốt nhất ở miền duyên hải cho người Chàm, rồi rút dần lên vùng núi cao Trường Sơn – Tây Nguyên.

Nhà nghiên cứu người Pháp có hơn 23 năm sống cùng các bộ tộc ở Tây Nguyên Jaques Dournes cho rằng vì sự hiểm trở của đồi núi vùng này đã làm cho các sắc tộc vốn trước kia là một bị cô lập và hình thành các ngôn ngữ khác nhau, như một truyền thuyết được kể lại: “Ngày xưa tổ tiên chúng tôi nói cùng một tiếng nói, nhưng họ không còn hiểu nhau nữa khi họ phân tán khắp các hướng”.[4]

Bản đồ các tộc người ở Đông Dương phân chia theo nhóm ngôn ngữ (Nhà xuất bản Monrocq – Paris, in năm 1917). Màu xanh lá là địa bàn của người Ba-na, Mạ, Stiêng, Lạt, Cơ-ho. Màu xám là vùng của người Gia-rai, cùng nhóm ngôn ngữ với người Chăm, Ê-đê, Raglai, và Churu. Màu đỏ nhạt là vùng của người An-nam.

Về sau khi người Chàm suy yếu, quyền lực rơi vào tay người Annam nhưng người Thượng vẫn được tự do trong khu vực của họ. [5] Núi rừng, sông suối, muông thú vẫn là của người Thượng, họ định kỳ nộp thuế cho triều đình Annam.

Dù họ là ai, đến từ đâu thì người Thượng vẫn được biết đến là những cư dân đầu tiên của Tây Nguyên ngày nay.

Do không có chữ viết nên những thay đổi trong xã hội chỉ được nghiên cứu khi người Pháp và người Việt bắt đầu tiếp cận với khu vực này.

Chính trị của người Thượng

Khi các nhà truyền giáo thâm nhập lên đất Tây Nguyên năm 1850 thì thấy người bản địa ở trong một thời kỳ hỗn độn. Không có hình thái của nhà nước ở đây mà thay vào đó là các làng độc lập với nhau, “dẫu to hay nhỏ, mỗi làng Bahnar (Ba-na) là một tiểu quốc gia hoàn toàn độc lập, không phục tùng dưới quyền thống trị nào khác”, trừ những lúc cần liên kết để chống lại các làng đối nghịch.[6]

Nhà dân tộc học Geogres Condominas cũng đã viết tương tự ý trên về các làng của người Thượng: “Đơn vị chính trị truyền thống tối cao là làng (bboon) tức là nhóm các gia đình tạo thành một khối dân cư trong một khoảng rừng”.[7]

Vì sinh sống theo làng nên người Thượng rất coi trọng tính cộng đồng, họ gắn bó và đoàn kết.

Công sứ Pháp ở Kon Tum Paul Guilleminet cũng là một học giả dân tộc học có tiếng nhận xét về tính cộng động của các làng: “Tập thể cố làm sao cho trật tự được tôn trọng khắp mọi nơi để khỏi bị liên lụy trước sự trừng phạt của thần linh, tập thể buộc mọi người tôn trọng những quy tắc chung để trật tự khỏi bị vi phạm”.[8]

Dù làng lớn hay làng nhỏ đều duy trì mô hình tổ chức tương tự nhau và rất có kỷ luật. Trong mỗi làng của người Thượng có người “chủ làng” (già làng) gọi là pô pin êa (người Ê-đê), pôa (người Srê), tơm polei (người Ba-na, Xơ-đăng) hay gong-plơi (Gia-rai). Ngoài ra, còn có thành viên của hội đồng làng để giúp việc cho già làng.

Những đứa bé và mẹ đang giã chày trước một một ngôi nhà, ảnh chụp năm 1947. Ảnh: Michel HUET/Gamma-Rapho via Getty Images)

Cả bộ tộc Ba-na vào đầu thế kỷ XX có chừng bốn trăm làng lớn nhỏ không đều[9]. Làng của người Ba-na có ban hội đồng chăm nom việc của làng. Ban ấy gồm có ông tơm polei (gốc làng) đứng đầu và các ông kră plei (lão làng) giúp việc. Tơm polei là người rất có uy tín, ăn nói linh hoạt, làm rẫy giỏi, hiểu rõ về phong tục và truyền thống của bộ tộc.

Khác với xã hội của người Thái và người Mường, già làng và những người trong ban hội đồng làng vẫn phải lao động như mọi người trong làng. Họ không được hưởng đặc quyền gì nhưng lại có trách nhiệm với cuộc sống của dân làng, không cho người dân làm những điều huý kỵ mà thần cấm. Họ có thể là người phân chia ruộng đất, hướng dẫn họ sản xuất, dạy dỗ con cháu nói, xử kiện, chủ trì nghi lễ… Tóm lại là người giúp dân làng duy trì cuộc sống ấm no.

Không có án tù và tử hình

Trong làng, nếu có ai bị ức hiếp thì có thể kiện lên ông tơm polei. Ông ấy sẽ thành lập toà án rồi cùng với các kră polei xét xử.

Việc xét xử được tiến hành dựa theo luật tục. Đây là các quy định đã có từ rất lâu được cộng đồng của làng duy trì. Các bộ tộc khác nhau có luật tục khác nhau, kể cả trong cùng sắc tộc mà ở vùng khác nhau thì luật tục cũng khác nhau đôi chút. Tuy vậy, tinh thần của luật tục ở các bộ tộc là tương tự nhau. Nó gìn giữ sự đoàn kết, tín ngưỡng và củng cố nền văn minh từ đời này sang đời khác.

Các cô gái người Thượng trước nhà, ảnh chụp năm 1947. Ảnh: Michel HUET/Gamma-Rapho via Getty Images.

Giáo sư Phan Đăng Nhật cho rằng những người làm ra và gìn giữ luật tục là những người có uy tín, hiểu biết phong tục tập quán, hiểu biết văn hoá dân tộc, có tri thức bản địa dân tộc về tự nhiên và xã hội. Họ là những người già làng, những người tham gia xử kiện hay không tham gia xử kiện.

Luật tục của các bộ tộc không có án tù hay tử hình. Họ thường chỉ có hai hình phạt: bồi thường và tạ lỗi. Phạt gà với rượu là tội nhẹ, heo với rượu là tội nghiêm trọng hơn, trâu (bò) với rượu là tội rất nghiêm trọng. Ví dụ như người Ba-na khi phạm tội ẩu đả thì phải chịu phạt một con heo và một ghè rượu đối với người bị thương vừa, một hoặc hai con trâu (bò) đối với người bị thương nặng. Nếu là án mưu sát thì người có tội phải bồi thường cho gia đình có người chết năm hay mười con trâu. Vợ hoặc chồng mà có tội với nhau thì cũng phải bồi thường cho nhau.

Dù xét xử nghiêm khắc nhưng xã hội của người Thượng chú trọng sự hòa giải, “giơ cao đánh khẽ”. Nhà nghiên cứu J. Dournes nhận xét rằng: “Ở đây không có ‘luật’ theo nghĩa của thuật ngữ này của phương Tây. Người Gia-rai không có toà án, không nhà tù và không có lực lượng trừng phạt chính qui. Theo truyền thống, xã hội Gia-rai là tất cả sự hòa giải”.[10]

Mỗi lần xét xử, người xử kiện phải làm sao tạo ra sự đồng thuận chung về phán quyết cốt để giữ hòa khí trong làng và xóa đi thù hằn. Ông thường dựa vào các điều sau:

– Các ý kiến về tình hình cụ thể của vụ việc.
– Các quy định của luật tục mà ông đã thuộc lòng.
– Các vận dụng luật trong trong những trường hợp tương tự, mà ông được dự hoặc nghe kể lại.[11]

Cuối cùng, để đạt được sự hòa giải thì phải nhờ đến thần linh bằng một nghi lễ nhất định như trao vòng đồng cho cả hai bên.

Có buổi xét xử của người Gia-rai, khi xét xử xong người xử kiện rót đầy chén rượu bằng đồng rồi cùng với ba người khác là già làng, người có lỗi và người bị thiệt hại cùng nâng bát rượu. Ông xử kiện tuyên bố:

“Tình cảm chúng ta như chén rượu đầy
Hãy rót đầy tình anh em
Rót đầy tình xóm làng
Rót đầy tình yêu thương
Chúng ta chung tay nâng chén rượu đầy
Chung miệng uống cạn chén rượu đầy
Từ nay coi như lửa đã tắt, điếu thuốc đã tàn
Mọi điều xấu đã chấm dứt
Kẻ nào mà,
Tranh đã khô lại đòi trở lại
Rượu (cần) đã nhạt lại đòi ngọt trở lại
Câu chuyện đã xong xuôi lại đòi lật lên
Phải xử phạt theo tục lệ ông bà xưa”
[12]

Các cô gái người Thượng đang dệt vải, ảnh chụp năm 1947. Ảnh: Michel HUET/Gamma-Rapho via Getty Images.

Hay như vụ xử tội ăn cắp ở người Gia-rai mà nhóm làm việc của Giáo sư Phan Đăng Nhật đã ghi lại:

“Câu chuyện xảy ra ở huyện Chư Prông, một nông dân khoảng trung niên vốn hiền lành. Năm đó ông bị phát hiện ăn cắp thóc. Ông lấy của bốn nhà mất khoảng hai gùi thóc (khoảng 80kg). Mấy gia đình bị mất thốc báo với pô phat kđi (tức là già làng hay người xử kiện). Theo luật tục ăn cắp, một phải đền ba, ngoài ra còn phải cúng gà, heo, lợn, rượu. Đó là một cái án khá nặng về vật chất và tinh thần đối với ông. Ông thanh minh là năm vừa qua bị mất mùa gia đình quá thiếu đói buộc lòng phải ăn cắp. Người ta cho biết ông có một con Công người Kinh trả 150.000 đồng mà không chịu bán.

Trong cuộc họp phân xử vụ việc này có hai phái:

Phái thứ nhất gồm chủ yếu những người mất cắp đề nghị kiên quyết xử nặng vì ông có của mà vẫn ăn cắp.

Phái thứ hai chủ yếu là người xử kiện. Sau khi điều tra tình hình, người xử kiện và hội đồng làng, nhân chứng đưa ra cách giải thích như sau:

– Con công là của con trai ông bắn được, nó có công chăm sóc và mỗi lần ông định bán nó khóc lóc không chịu. Theo tình cảm của người Jrai, trong trường hợp này người bố không bao giờ bán của con nếu con không đồng ý. Ngoài con Công, nhà ông bốn miệng ăn, quả không có lấy một củ sắn.

– Khi đi lấy thóc ông không lấy của một người mà lấy của bốn người. Như vậy nguy hiểm, dễ bị lộ nhưng theo ông nói là để chia sự thiệt hại cho nhiều người, coi như ông vay thóc thừa và đến mùa sẽ trả.

Những điều trên đây phù hợp với tâm lý và tập quán của người dân tộc. Mọi người vui vẻ tán thành ý kiến của người xử kiện, kể cả những người bị mất thóc.

Do vậy mọi người chỉ phạt nhẹ gà rượu để cúng Yang yêu cầu ông mùa tới trả đủ thóc cho những người ông đã lấy. Trong bữa rượu không khí vui vẻ hòa thuận.”[13]

Nhưng đừng vội phán xét rằng không có án tù hay tử hình sẽ không đủ sự răn đe người phạm lỗi hay dung dưỡng cho tội phạm. Dân làng rất tôn trọng và bảo vệ luật tục cũng như tín ngưỡng của họ. Một người trong gia đình mà phạm lỗi thì nếu không chấp hành sẽ có sự liên đới trách nhiệm, ví dụ như anh phải bồi thường cho em hay thần linh sẽ trừng phạt cả gia đình người đó hay cả làng. Họ cũng sẽ bị nói nặng lời, bị dân làng xa lánh, thậm chí là bị đuổi khỏi làng nếu không hối cải.

Cha và con trai người Thượng, ảnh chụp năm 1947. Ảnh: Michel HUET/Gamma-Rapho via Getty Images.

Người tái phạm sẽ bị xét xử lại. Theo luật tục Gia-rai, người ta sẽ kể tội từ lần thứ nhất và hậu quả mà nó đã gây ra là làm cho các Yang trừng phạt làng, “nó để cho đất đai khô cằn, nguồn nước ngầu bùn”, đoạn sau nói về việc tái phạm:

“[…] Trước mặt chúng ta
nó cư xử như một người giàu có
khi người ta quay lưng
nó cư xử như một con chó
Sau khi ra khỏi cổng làng
nó rẽ mọi lối
như chiếc rùi. Khi thì chém bên trái
lúc thì chém bên phải (*)
Chính vì thế mà phải đưa nó ra xét xử.”
[14]

(*) Nhưng nó lại tiếp tục phạm tội. Trước mặt mọi người thì nó tỏ ra đàng hoàng, lương thiện nhưng sau lưng mọi người, nó lại phạm tội.

Đó là những vụ việc riêng lẻ. Đối với sự việc chung của làng mà ai cũng bị ảnh hưởng thì ban hội đồng phải họp cả làng để xin ý kiến, già trẻ, trai gái ai cũng có quyền lên tiếng.

Các làng mặc dù độc lập nhưng không cô lập. Làng này vẫn giao tiếp với các làng lân cận nhưng làng nào thì giữ chủ quyền của làng ấy – không được can thiệp vào việc nội bộ. Lỡ như có việc tranh chấp giữa hai người khác làng thì hai bên cùng thành lập một hội đồng chung rồi xét xử.

Mỗi làng đều có sở hữu đất đai của riêng mình. Không làng nào được xâm phạm. Họ dùng gốc cây, con suối hay như tảng đá để đánh dấu đất của làng và thông báo với các làng khác.

Ví dụ như khi đất bị lấn chiếm, người chủ đất của làng Ê-đê – tức là người coi sóc, giữ gìn đất đai của cả làng – sẽ kể lên ranh giới đất đai, rừng núi của mình, rồi làm lễ cúng đất một con trâu để người ta nhận ra ai là chủ đất.[15]

Luật tục không chỉ đơn thuần là quy định của làng hay ông bà xưa đặt ra, nó phản chiếu văn hoá bản địa và tín ngưỡng của người Thượng tạo nên một cộng đồng hòa thuận, gắn bó.

(Còn nữa)

Trích dẫn:

[1]Người Ba-na ở Kon Tum, Nguyễn Đổng Chi, Nguyễn Đình Chi, Nxb Trẻ, trang 93.
[2]Các dân tộc thiểu số ở Việt Nam, Nxb Văn hoá, Cục xuất bản – Bộ Văn hoá, lưu trữ tại Thư viện tỉnh Kontum, trang 193.
[3]Người Ba-na ở Kon Tum, sách đã dẫn, trang 93
[4]Miền Đất Huyền Ảo, Jacques Dournes, Nguyên Ngọc (Dịch) Nxb Thông tin và truyền thông, trang 35.
[5]Miền Đất Huyền Ảo, sách đã dẫn, trang 36.
[6]Người Bana ở Kon-tum, sách đã dẫn, trang 96.
[7]Không gian xã hội vùng Đông Nam Á, G.Condominas (1977), bản tiếng Việt của Ngọc Hà và cộng sự, Nxb Văn hoá, trang 377.
[8]Luật tục người Bahnar, Sêđăng, Jrai ở tỉnh Kontum, tập 1, EFEO, 1952, Hanoi, trang 24.
[9]Người Ba-na ở Kon Tum, sách đã dẫn, trang 156.
[10]J. Dournes: Thần luật pháp, trình bày lần đầu tư liệu luật tục của người Jrai ở Đông Dương, Dân tộc học Đông Nam Á, số 7, tháng 10-1988 (tiếng Anh), trang 13.
[11]Luật tục Jrai, Chủ biên PGS.TS Phan Đăng Nhật, Sở Văn hoá – Thông tin Gia lai, xuất bản năm 1999, trang 34.
[12]Luật tục – Một giá trị văn hoá phi vật thể đặc sắc, GS.TSKH Phan Đăng Nhật, Di sản văn hoá số 26.
[13]Luật tục Jrai, sách đã dẫn, trang 32 và 33.
[14]Luật tục Jrai, sách đã dẫn, trang 80 và 81.
[15]Luật tục Ê-đê, Ngô Đức Thịnh và các tác giả, NXB Văn hoá Dân tộc, trang 413.

Trần Long Vi
Theo: luatkhoa.com
Còn tiếp:

NGƯỜI THƯỢNG Ở TÂY NGUYÊN - KỲ 2: NHỮNG NGƯỜI GIỮ RỪNG SỐ 1

NỮ QUAN TỬ KỲ 2 - VI TRANG


NỮ QUAN TỬ KỲ 2 
VI TRANG
 
Tạc dạ dạ bán
Chẩm thượng phân minh mộng kiến
Ngữ đa thì
Y cựu đào hoa diện
Tần đê liễu diệp my
Bán tu hoàn bán hỉ
Dục khứ hựu y y
Giác lai tri thị mộng
Bất thắng bi


女冠子其二-韋莊

昨夜夜半
枕上分明夢見
語多時
依舊桃花面
頻低柳葉眉
半羞還半喜
欲去又依依
覺來知是夢
不勝悲


Nữ quan tử kỳ 2 
(Dịch thơ: Nguyễn Chí Viễn)
 
Đúng nửa đêm trước
Trên gối rõ ràng mộng thấy
Truyện thì thầm
Vẫn nét đào hoa diện
Thường hay nhíu liễu my
Nửa mừng mà nửa thẹn
Cất bước lại y y
Tỉnh ra biết rõ mộng
Xiết sầu bi


Sơ lược tiểu sử tác giả:

Vi Trang 韋莊 (khoảng 860-910) tự Đoan Kỷ 端已, nguyên đậu tiến sĩ đời Đường, đi sứ sang Thục rồi lưu lại Thục không về. Ông sinh hoạt rất giản dị khâm hoài khoát đạt. Tác phẩm của ông có Hoán hoa tập, Hoán hoa từ. Trong tập Luận từ tạp trước, Chu Tế có nói: “Từ của Đoan Kỷ thanh diễm tuyệt vời”.

Nguồn: Thi Viện



BÍ MẬT ĐẰNG SAU 81 CHIẾC ĐINH TRÊN CỔNG TỬ CẤM THÀNH

Những chiếc đinh vàng trên cánh cổng đỏ dẫn vào Cố Cung - Tử Cấm Thành không chỉ là chi tiết trang trí, mà còn là di sản cần được bảo vệ.

Hình ảnh cánh cổng đỏ đính 81 môn đinh dẫn vào Tử Cấm Thành. Ảnh: Sohu.

Trong thời đại mà quyền lực vương triều chỉ còn là dĩ vãng, những nơi từng là lãnh địa cấm kỵ, chỉ dành cho vua chúa nay lại trở thành điểm đến dễ dàng cho công chúng. Điển hình như Tử Cấm Thành - biểu tượng quyền lực của triều đại phong kiến Trung Hoa - nay chỉ cần một tấm vé tham quan, ai cũng có thể bước vào.

Tuy nhiên, giữa dòng người tấp nập trong những kỳ nghỉ lễ, không phải ai cũng để ý đến hàng trăm chiếc "nút tròn" nhô ra trên cánh cổng đồ sộ của hoàng cung. Những chi tiết này không đơn giản là để trang trí - chúng được gọi là môn đinh (còn gọi là đinh cửa) và là một phần quan trọng của kiến trúc cung đình xưa, Sohu viết.

Số lượng nút tròn trên cửa phản ánh trật tự đẳng cấp xã hội trong triều đại phong kiến ở Trung Quốc. Ảnh: Sohu.

Thời cổ đại, cửa gỗ lớn thường được gia cố bằng đinh sắt. Tuy nhiên, đinh lộ ra ngoài vừa gây mất thẩm mỹ, vừa tiềm ẩn nguy cơ gây thương tích. Để khắc phục, các nghệ nhân xưa sáng tạo nên những chiếc môn đinh - vừa che đinh, vừa tăng tính trang trí.

Ban đầu, môn đinh được làm bằng gỗ, nhưng theo thời gian, gỗ dễ bị mục ruỗng, vì vậy chúng dần được thay thế bằng chất liệu đồng. Về sau, cùng với sự phát triển của kỹ thuật, môn đinh ngày càng tinh xảo, trở thành biểu tượng đặc trưng chỉ xuất hiện trong các phủ đệ quan lại quyền quý.

Số lượng nút tròn trên cửa phản ánh trật tự đẳng cấp xã hội trong triều đại phong kiến ở Trung Quốc. Ảnh: Sohu.

Ở Trung Hoa phong kiến, mọi thiết kế đều phản ánh trật tự đẳng cấp xã hội. Trong triều đại nhà Thanh, số lượng và cách sắp xếp môn đinh trên cửa chính có ý nghĩa rõ ràng. Chỉ hoàng cung mới được phép có tới 81 chiếc môn đinh trên mỗi cánh cửa, các phủ đệ của quan lại cấp thấp hơn buộc phải giảm số lượng này theo thứ bậc. Ngày nay điều này có vẻ khắt khe, nhưng trong xã hội xưa, nó là biểu hiện tự nhiên của chế độ phong kiến.

Truyền thuyết kể lại từng có thời gian người dân được phép chạm tay vào môn đinh, hành động này được tin là mang lại may mắn. Tuy nhiên khi Tử Cấm Thành mở cửa rộng rãi cho khách tham quan, dòng người đông đúc đã vô tình gây áp lực lên những di tích quý giá.

Số lượng nút tròn trên cửa phản ánh trật tự đẳng cấp xã hội trong triều đại phong kiến ở Trung Quốc. Ảnh: Sohu.

Thực tế, các môn đinh trên cổng chính Tử Cấm Thành ngày nay được coi là cổ vật cần được bảo tồn nghiêm ngặt. Việc du khách liên tục chạm tay có thể khiến bề mặt bị bào mòn, oxy hóa, làm hư hại không thể phục hồi. Vì vậy, ban quản lý đã buộc phải ra quy định - tuyệt đối không được chạm tay vào các môn đinh - nhằm đảm bảo các chi tiết lịch sử này được giữ gìn trọn vẹn cho thế hệ mai sau.

Tử Cấm Thành không chỉ là điểm đến du lịch - đó còn là một lát cắt lịch sử. Những chiếc đinh tưởng chừng nhỏ bé trên cánh cổng hoàng gia ấy, thực chất đang kể lại câu chuyện về một thời kỳ đầy quy củ, lễ nghi và quyền uy. Và như mọi câu chuyện cổ - điều quan trọng nhất là phải biết trân trọng, gìn giữ nó.

Hoàng Linh / Theo: Znews



KHÁM PHÁ TRANG PHỤC CỔ TRANG TRUNG QUỐC

Nét đẹp đặc sắc của các trang phục cổ trang Trung Quốc làm say lòng biết bao tín đồ phim truyền hình Hoa ngữ. Mỗi triều đại là một sắc phục riêng biệt mang đậm nét đặc trưng của vương triều và được thể hiện một cách tinh tế từ chất liệu đến kiểu cách may, thiết kế hoa văn, phụ kiện đi kèm,…


Hôm nay hãy cùng Du học Trung Quốc Riba khám phá trang phục cổ trang Trung Quốc qua một số triều đại tiêu biểu nhé!

Khám phá trang phục có trang Trung Quốc qua các triều đại

Trang phục nhà Hạ

Khám phá trang phục cổ trang Trung Quốc

Trang phục thời nhà Hạ sử dụng màu đen làm tông màu chủ đạo. Trang phục sẽ gồm hai phần chính là phần áo trên và quần dưới. Trong đó phần áo trên đại diện cho trời, còn phần quần dưới tượng trưng cho đất.

Với quan niệm thời đó, trời có màu đen còn đất có màu vàng. Nên chọn tông màu chủ yếu cho phần áo trên có màu đen, và phần quần dưới màu vàng.

Trang phục cổ trang thời nhà Hạ được cắt may khá đơn giản, không có hoa văn, kiểu cách, chỉ lấy hai màu đen và vàng làm màu chính.

Trang phục nhà Chu

Khám phá trang phục cổ trang Trung Quốc

Trang phục cổ trang nhà Chu gồm phần áo trên và quần hoặc chân váy phía dưới. Áo trên có hai loại, loại có ống tay áo là ống to và loại có ống tay áo là ống nhỏ.

Phần nếp cổ áo sẽ được may gập sang bên trái, không sử dụng cúc áo mà dùng dây vải thắt lại ở phần eo, trên phần dây đeo này có thể dắt thêm ngọc bội. Độ dài của ống quần hoặc váy, vạt dài thì chấm đất, vạt ngắn thì tới đầu gối.

Trang phục nhà Tần

Khám phá trang phục cổ trang Trung Quốc

Nhà Tần là triều đại mở ra trang đầu tiên trong lịch sử các vương triều phong kiến Trung Quốc, đánh dấu sự chuyển biến từ xã hội nô lệ sang phong kiến nên trang phục nhà Tần cũng có sự thay đổi rất lớn.

Vua nhà Tần sẽ mặc long bào, đội mũ ngọc, tông màu chủ đạo là màu đen và màu vàng. Đây được xem là hai màu sắc tôn quý và chỉ có vua chúa, hoàng tộc mới được mặc, dân thường chỉ được mặc màu trắng.

Trang phục nhà Hán

Khám phá trang phục cổ trang Trung Quốc

Hán phục được may khá giống với trang phục thời nhà Tần, tuy nhiên trang phục nhà Hán thì có màu sắc tươi sáng hơn. Gồm hai phần là áo, quần nhưng được may lại để tạo thành kiểu dáng quần áo 1 mảnh, và được thắt lại bằng những sợi dây mảnh chứ không dùng cúc áo.

Việc dùng dây thắt cố định lại y phục sẽ giúp tạo sự thoái mái cho người mặc cũng như dễ dàng điều chỉnh độ rộng hẹp tùy theo thân thể từng người.

Trang phục nhà Đường

Khám phá trang phục cổ trang Trung Quốc

Nhà Đường là thời kì phồn thịnh nhất trong lịch sử phong kiến Trung Quốc. Vì thế mà y phục cổ trang nhà Đường cũng được đánh giá là được may khá công phu và cầu kì.

Khác với các triều đại trước trang phục có phần kín đáo, thì trang phục phụ nữ nhà Đường lại có hơi hướng “khoe da thịt”.

Thiết kế chủ đạo trong trang phục nhà Đường là áo khoác ngắn, tay áo nhỏ với chân váy hẹp. Phần thắt lưng sử dụng một dây vải lụa dài thắt ngang, tạo cho người mặc thêm phần mềm mại, uyển chuyển.

Hơn thế nữa, các triều đại trước chủ yếu lấy tông màu đen, đỏ, vàng và trắng làm màu sắc y phục chủ đạo. Thì nhà Đường lại khá chuộng các màu sắc tươi sáng, rực rỡ. Màu sắc chủ đạo của y phục vua và hoàng thất là màu vàng kim.

Trang phục nhà Tống

Khám phá trang phục cổ trang Trung Quốc

Trang phục cổ trang thời nhà Tống được đánh giá là khá sang trọng, từ hoàng tộc đến dân thường. Nữ thời này, sẽ thường mặc áo ngắn bên trong và khoác bên ngoài là áo dài có hai vạt đối xứng, ống tay bó, bên dưới là váy dài.

Trang phục Nhà Nguyên

Khám phá trang phục cổ trang Trung Quốc

Nhà Nguyên là triều đại đã thống nhất thành công Mông Cổ vào Trung Nguyên. Do đó, trang phục nhà Nguyên sẽ có phần mang hơi hướng ảnh hưởng của y phục người Mông Cổ.

Được thiết kế may tương đối ngắn và bó, phần eo có nhiều nếp gấp, loại y phục này khá phù hợp cho việc cưỡi ngựa. Phụ nữ quý tộc thường mặc những chiếc áo choàng dài và rộng, được làm từ vải lụa, lông hoặc len dệt,…trên thêu kim tuyến màu đỏ hoặc vàng kim, đầu đội một chiếc mũ chóp cao.

Do áo choàng quá dài và rộng, nên thường sẽ có 2 nữ tì đi theo hầu hạ nữ chủ nhân để giúp nâng đỡ váy áo. Phụ nữ tầng lớp dân thường chỉ được mặc áo choàng màu đen.

Trang phục Nhà Minh

Khám phá trang phục cổ trang Trung Quốc

Trang phục Minh triều với đường nếp áo được gập sang bên phải, cổ áo có ba nếp. Ngày thường họ mặc áo ngắn cùng với váy dài, phần eo có thắt dây lụa, váy xòe rộng và có nhiều nếp gấp, xếp ly.

Phụ nữ thuộc tầng lớp quý tộc nhà Minh sẽ thường mặc áo choàng dài với tay áo rộng màu đỏ. Còn phụ nữ tầng lớp thường dân chỉ được mặc những y phục có màu nhạt, màu hồng đào, màu tím biếc.

Nam giới làm quan thường mặc áo dài liền thân vải bố xanh, đầu đội khăn xếp vuông, dân thường chỉ được mặc áo ngắn, đầu đội khăn.

Trang phục Nhà Thanh

Khám phá trang phục cổ trang Trung Quốc

Nhà Thanh dưới sự thống trị của người Mãn Châu, y phục truyền thống của họ được gọi là Mãn phục.

Mãn phục được thiết kế với tay áo ngắn hẹp, thân áo thường được may có dạng hình chữ nhật được cắt thẳng từ trên xuống dưới, khá thanh mảnh. Phần cổ áo được thiết kế có hình dạng khá giống yên ngựa gồm dạng cổ tròn hoặc cổ vuông.

Trang phục nhà Thanh sử dụng khúc áo chứ không dùng dây thắt lưng. Nút được may ở mặt trước phía bên phải của áo, may viền theo hàng khuy nút là các hoa văn, họa tiết dùng để trang trí. Tông màu chủ đạo của Mãn phục là những màu sắc tươi sáng. Trang phục của vua và hoàng hậu có màu vàng kim hoặc đen.

Kiểu tóc thời nhà Thanh rất khác biệt so với các triều đại trước. Nam giới thường cạo trọc nửa phần đầu trước, nửa phần đầu sau thì để tóc dài tết bím. Còn phụ nữ thì đội mũ bát kỳ.

Chúng ta đã cùng nhau khám phá trang phục cổ trang Trung Quốc qua các triều đại. Mỗi bộ trang phục đặc trưng cho một thời kì lịch sử, ẩn chứa trong đó là những nét văn hóa của một vương triều.

Bạn thích nhất loại trang phục cổ trang của triều đại nào nhất trong lịch sử Trung Quốc, hãy chia sẻ cho Riba biết với nhé!

Theo: Riba.vn



Friday, June 27, 2025

KHÁM PHÁ THẾ GIỚI BÍ ẨN DƯỚI LÒNG ĐẤT: HỐ SỤT VÀ NHỮNG ĐIỀU KỲ DỊ ĐANG BỊ ẨN GIẤU

Mỗi hố sụt đều mang một câu chuyện riêng. Có những hố chứa đầy kho báu khảo cổ, nhưng cũng có những hố mang lại bi kịch và thảm họa.


Hố sụt là những khoảng trống bí ẩn có thể xuất hiện đột ngột hoặc âm thầm hình thành trong hàng thế kỷ, chúng là một trong những hiện tượng địa chất đáng kinh ngạc và khó đoán nhất trên hành tinh. Chúng có thể chỉ là một vết lõm nhỏ không đáng chú ý hoặc trở thành những vực thẳm khổng lồ kéo dài hàng trăm mét, mở ra cánh cửa dẫn vào thế giới kỳ bí nằm sâu bên dưới mặt đất.


Hố sụt thường hình thành ở những khu vực có nền địa chất đặc trưng bởi các loại đá dễ bị hòa tan trong nước, như đá vôi, thạch cao hay muối. Theo thời gian, dòng nước ngầm dần dần xói mòn nền đá, tạo ra những khoảng trống ngầm. Khi lớp đất phía trên trở nên quá yếu để chống đỡ trọng lượng của chính nó, mặt đất sụp đổ, mở ra những hố sâu đôi khi đủ lớn để nuốt chửng cả một con phố.

Tùy theo cơ chế hình thành, các nhà khoa học phân loại hố sụt thành ba nhóm chính. Các hố sụt hòa tan xuất hiện khi nước trên bề mặt từ từ làm tan rã đá nền, tạo thành những vùng trũng có thể mở rộng dần theo thời gian. Các hố sụt lún bao phủ xảy ra khi một lớp đất mỏng bao phủ bên trên nền đá hòa tan, khiến mặt đất chìm xuống từ từ do sự sụp đổ bên dưới. Đáng sợ nhất là hố sụt sụp đổ lớp phủ, khi toàn bộ mặt đất bên trên một khoảng trống lớn bất ngờ đổ ập xuống, tạo ra những hố sâu khổng lồ với sức tàn phá khủng khiếp, đặc biệt là tại các khu vực đông dân cư.


Những hố sụt không chỉ là mối đe dọa tiềm ẩn mà còn là kho báu chứa đựng những bí mật của Trái Đất. Một số hố sụt có thể hé lộ những hệ sinh thái cổ đại còn nguyên vẹn, rừng rậm hàng nghìn năm tuổi hoặc những hóa thạch của những sinh vật từng thống trị hành tinh.

Năm 2022, các nhà nghiên cứu ở Trung Quốc đã phát hiện một hố sụt khổng lồ có độ sâu lên đến 190 mét, với một khu rừng nguyên sinh nằm ngay dưới đáy. Những cây cổ thụ cao tới 40 mét vươn mình giữa một hệ sinh thái bí ẩn, nơi có thể chứa đựng những loài sinh vật chưa từng được khoa học ghi nhận.

Ở Black Hills, Nam Dakota, một hố sụt đặc biệt được biết đến với cái tên “Địa điểm Mammoth” đã trở thành mỏ hóa thạch voi ma mút phong phú nhất thế giới. Trong vòng 50 năm qua, các nhà cổ sinh vật học đã khai quật được hơn 60 bộ hài cốt voi ma mút và vẫn còn nhiều di tích khác đang chờ được khám phá.


Trên khắp thế giới, còn có những hố sụt với vẻ đẹp siêu thực khiến con người không khỏi kinh ngạc.

Hố sụt Bimmah ở Oman là một kỳ quan tự nhiên với làn nước xanh ngọc bích lấp lánh dưới đáy, hình thành không phải do thiên thạch rơi xuống như truyền thuyết địa phương mà là kết quả của sự hòa tan đá vôi qua hàng thiên niên kỷ.

Ở Pháp, Gouffre de Padirac là một hố sụt tuyệt đẹp với hang động sâu hơn 100 mét, nơi một dòng sông ngầm chảy len lỏi qua các lối đi phủ đầy nhũ đá và măng đá. Hố sụt Alapaha ở Florida thậm chí còn có thể “nuốt chửng” cả một con sông, khiến nước biến mất hoàn toàn vào tầng chứa nước ngầm, làm thay đổi toàn bộ thủy văn khu vực.

Nổi tiếng nhất trong số các hố sụt trên biển là Great Blue Hole ngoài khơi Belize, một vòng tròn xanh thẳm rộng hơn 300 mét, nơi từng là một hệ thống hang động đá vôi trước khi bị nhấn chìm do biến đổi mực nước biển.


Nhưng hố sụt không chỉ xuất hiện trong tự nhiên mà còn là hệ quả từ những hoạt động của con người. Điển hình có thể kể đến như việc khai thác khoáng sản, khai thác nước ngầm quá mức hay thậm chí việc khoan thăm dò cũng có thể gây ra những vụ sụp đổ kinh hoàng. Một trong những sự cố nghiêm trọng nhất từng được ghi nhận xảy ra vào năm 1980 tại hồ Peigneur, Louisiana. Một giàn khoan dầu vô tình khoan vào một mỏ muối dưới lòng hồ, tạo ra một xoáy nước khổng lồ hút trọn giàn khoan, 11 sà lan, một tàu kéo và toàn bộ 65 mẫu đất xung quanh. Trong khi đó, tại Texas, hai hố sụt khổng lồ xuất hiện ở quận Winkler sau hàng thập kỷ khai thác dầu khí, với đường kính lên đến 250 mét và vẫn đang tiếp tục mở rộng, gây lo ngại về nguy cơ sụp đổ hàng loạt.

Hố sụt không chỉ gây ra thiệt hại vật chất mà còn cướp đi mạng sống con người theo cách tàn nhẫn nhất. Năm 2010, một hố sụt sâu 30 tầng đột ngột xuất hiện ở thành phố Guatemala sau một trận bão lớn, nuốt chửng một nhà máy và một ngôi nhà, khiến ít nhất một người thiệt mạng. Năm 2013, tại Florida, một người đàn ông bị nuốt chửng ngay trong khi ngủ khi một hố sụt mở ra dưới phòng ngủ của anh. Đáng sợ hơn cả là “The Shaft” ở Úc, nơi vào năm 1973, bốn thợ lặn hang động đã mất mạng vì bị lạc trong một hố sụt ngập nước với tầm nhìn gần như bằng không, khiến sự kiện này trở thành một trong những tai nạn lặn bi thảm nhất lịch sử.


Vậy có gì dưới đáy của những hố sụt này? Câu trả lời tùy thuộc vào vị trí và nguồn gốc của chúng. Một số hố sụt dẫn đến những khu rừng cổ đại, nơi thiên nhiên vẫn giữ nguyên vẻ hoang sơ của hàng nghìn năm trước. Một số khác trở thành những kho hóa thạch quý giá, nơi hé lộ dấu vết của các sinh vật đã tuyệt chủng. Những hố xanh dưới nước như Great Blue Hole hay The Shaft ẩn chứa những hệ sinh thái kỳ bí trong lòng đại dương, nhưng cũng đặt ra những nguy cơ lớn cho các thợ lặn do điều kiện môi trường cực kỳ khắc nghiệt.

Sự hình thành hố sụt không chỉ là hiện tượng tự nhiên mà còn chịu tác động mạnh mẽ từ các hoạt động của con người. Khi các đô thị mở rộng, việc khai thác tài nguyên thiếu kiểm soát có thể làm mất ổn định địa chất, khiến những vụ sụt lún xảy ra với tần suất ngày càng cao. Điều này đặt ra yêu cầu cấp bách về quản lý đất đai bền vững và nghiên cứu địa chất kỹ lưỡng trước khi xây dựng cơ sở hạ tầng, nhằm giảm thiểu nguy cơ thảm họa. Hố sụt có thể là cánh cổng mở ra một thế giới đầy kinh ngạc dưới lòng đất, nhưng chúng cũng là lời nhắc nhở nghiệt ngã về sự mong manh của bề mặt mà chúng ta đang bước đi mỗi ngày.

Đức Khương / Theo: thanhnienviet

CẢM NGỘ KỲ 4 - TRƯƠNG CỬU LINH


Cảm ngộ kỳ 4 
Trương Cửu Linh

Giang Nam hữu đan quất,
Kinh đông do lục lâm;
Khởi y địa khí noãn ?
Tự hữu tuế hàn tâm.
Khả dĩ tiến gia khách,
Nại hà trở trùng thâm ?
Vận mệnh duy sở ngộ,
Tuần hoàn bất khả tầm.
Đồ ngôn thụ đào lý,
Thử mộc khởi vô âm ?


感遇其四 - 張九齡

江南有丹橘,
經冬猶綠林;
豈伊地氣暖?
自有歲寒心。
可以薦嘉客,
奈何阻重深?
運命惟所遇,
循環不可尋。
徒言樹桃李,
此木豈無陰?


Cảm ngộ kỳ 4 
(Dịch thơ: Trần Trọng Kim)

Giang Nam cây quất trái hồng
Mùa đông mà lá xanh không úa tàn
Phải nào đất ấm Giang Nam
Mà do tính quất chịu hàn tự nhiên
Để mời khách quí cũng nên
Lẽ nào cách trở như miền xa xôi
Cũng là vận mệnh đó thôi
Làm sao biết được lẽ trời mà suy
Nghe trồng đào lý làm chi
Quất này bộ chẳng có gì quí sao.
 
Chú thích: Bốn câu đầu xưng tụng cây quýt có tính chịu lạnh. Bốn câu kế tiếp thán tiếc vì hoàn cảnh, tiểu nhân ngăn trở đành phải chịu không thi thố tài năng. Hai câu cuối phê bình thế gian hiểu biết nông cạn.


Sơ lược tiểu sử tác giả:

Trương Cửu Linh 張九齡 tự là Tử Thọ, người Thiều Châu (tỉnh Quảng Đông). Năm 707 (đời Đường Trung Tông), thi đậu tiến sĩ, được bổ làm Tả thập di. Trong thời Khai Nguyên, đời Đường Huyền Tông, làm đến chức Trung thư lệnh. Về sau, làm chức Thượng thư hữu thừa, rồi bị bãi chức vì không hợp với Tể tướng Lý Lâm Phủ và mếch lòng vua.
Nguồn: Thi Viện

GỎI CUỐN NAM BỘ

Ở Sài Gòn, món gỏi cuốn có mặt khắp nơi, từ nhà hàng cho đến gánh hàng rong. Gỏi cuốn bình dân, thân thuộc đến nỗi khi nó lọt vào danh sách 50 món ăn ngon nhất thế giới do CNN bình chọn, nhiều người mới vỡ lẽ: được ăn một trong những món ngon nhất thế giới mà nào hay!


Món gỏi cuốn dù xuất hiện ở nơi cao sang hay bình dân đều không mất đi nét đặc trưng vốn có – hình dung ngay đến cuốn bánh tráng mỏng, bên trong là rau thơm, bún, tôm, thịt. Món gỏi này đòi hỏi khéo tay khi cuốn, cuốn chắc tay, gọn ghẽ; có vài cọng hẹ sống xanh ló ra ngoài trông nó có... sức sống. Gỏi cuốn ngon, trước hết phải có nguyên liệu tươi, nhưng phần nước chấm lại là yếu tố quyết định ngon hay không. Khó có thể thống kê được ở Việt Nam có bao nhiêu món cuốn và mỗi món dùng loại nước chấm nào. Nhưng món gỏi cuốn tôm thịt có xuất xứ từ miền Nam được vinh dự có mặt trong bảng xếp hạng thường được chấm với tương.

Pha chế tương chấm gỏi cuốn là cả một nghệ thuật không phải ai cũng biết. Tương làm bằng đậu nành nguyên hột có màu nâu sẫm được xay hoặc cà nhuyễn, pha phối thêm với các loại gia vị tạo hương như tỏi, ớt và nêm lại cho vừa ăn. Ở miền Tây, đa số tương chấm gỏi cuốn thường có thêm nước cốt dừa để tạo độ béo nhưng một số người không quen với vị này. Bà Hương, bán gỏi cuốn tại khu vực quận 11 tiết lộ bí quyết pha tương riêng của mình: “Lấy nước hầm xương lúc còn âm ấm pha vào tương sẽ thơm ngọt đậm đà hơn”. Có người còn cho chút cháo nếp pha chung với tương để có độ sánh hơn. Múc tương ra cho thêm đồ chua, đậu phộng và chút ớt băm lên mặt, vậy là đủ để chấm.


Theo dinh dưỡng, gỏi cuốn cung cấp các chất như đạm từ tôm, thịt, vitamin và chất xơ từ rau, tinh bột từ bún… Còn theo thực khách thì đây là món ăn gọn nhẹ, mang đầy đủ hương vị trong một cuốn. Ngon nhất, vừa cuốn vừa ăn, xong cái nào ăn ngay cuốn đó, chứ gỏi cuốn sẵn thì tiện mà chẳng bao giờ ngon cho bằng...

Theo: SGTT



Thursday, June 26, 2025

HỒI KÝ CỦA MỘT NHÀ BÁO CHỐNG LẠI MỘT KẺ ĐỘC TÀI

Nhà báo Maria Ressa không chỉ nổi tiếng ở châu Á mà còn trên toàn thế giới, đặc biệt là sau khi bà nhận giải Nobel Hòa bình cùng với nhà báo Dmitry Muratov người Nga vào năm 2021. Ressa là người sáng lập, điều hành tờ báo mạng Rappler tại Philippines. Vài năm trở lại đây, bà và tờ báo phải đối mặt với rất nhiều vấn đề pháp lý hình sự.


Ressa có thể chọn một cuộc sống hạnh phúc êm đềm và giàu có tại Mỹ, đó là nơi bà trưởng thành và theo học tại một ngôi trường danh tiếng – Đại học Princeton. Vậy vì lý do gì mà một người Philippines đã rời đất nước khi mới 10 tuổi lại quay về để phát triển báo chí nước nhà, và còn dùng cả cuộc đời để bảo vệ tự do báo chí và nền dân chủ ở nơi đó? Cuốn sách mới nhất của Ressa sẽ cho chúng ta câu trả lời.

Đọc cuốn “How to Stand Up To a Dictator, The Fight of Our Future” (tạm dịch: Làm sao để chống lại một kẻ độc tài – Cuộc chiến cho tương lai chúng ta), độc giả sẽ biết được rằng Maria Ressa vẫn chọn ở lại Philippines để chiến đấu cho nền dân chủ nước này, dù đã có quốc tịch Mỹ.

Bà Ressa cùng tờ Rappler đã và đang vướng vào các vấn đề pháp lý không phải vì họ phạm tội hình sự như chính phủ cáo buộc, mà chỉ vì họ đang làm báo độc lập. Theo nhiều tổ chức nhân quyền quốc tế như Human Rights Watch, Amnesty International, và The Committee to Protect Journalists (CPJ), chính phủ của Tổng thống Rodrigo Duterte đã dùng những tội danh như “trốn thuế” và “phỉ báng trên mạng” (cyber libel) để đàn áp tự do báo chí.


Cuốn sách này có thể được xem là một dạng hồi ký. Đó là hồi ký của một phóng viên về cuộc đời và sự nghiệp làm báo, cũng như những giá trị của chính mình mà bà quyết tâm theo đuổi.

Vì Ressa là một phóng viên, câu chuyện bà viết rất mạch lạc và dễ đọc. Người đọc được dẫn dắt để đi từ cuộc đời của một bé gái nhỏ người, đơn độc, mồ côi cha, đến từ Philippines rồi bắt đầu cuộc sống với cha dượng và mẹ tại tiểu bang New Jersey. Cô gái đó đã trưởng thành tại Mỹ, nhưng kể từ khi chứng kiến người dân Philippines lật đổ nhà độc tài Ferdinand Marcos vào năm 1986 trong cuộc Cách mạng Quyền lực Nhân dân (People Power) hay còn được gọi là Cách mạng EDSA tại thủ đô Manila, cô quyết tâm trở về quê mẹ để bắt đầu sống và làm báo ở đó.

Maria Ressa quyết định theo đuổi ngành báo chí, và bà trở thành một nhà báo tại Philippines sau khi hoàn thành khóa học từ học bổng Fulbright. Gia đình của bà tại Mỹ không thể tưởng tượng nổi trước quyết định này, họ cho rằng bà trở nên quá điên cuồng cho nền dân chủ non nớt tại Philippines. Ressa từ đó cho đến tận hôm nay vẫn luôn đề cao công việc và giá trị của những nhà báo, của báo chí tự do, để xây dựng cũng như bảo vệ nền dân chủ.


Cuốn sách này được xuất bản vào tháng 11/2022, khi Ressa vẫn đang đối mặt với những cáo buộc về tội trốn thuế và phỉ báng trên mạng. Nếu bị buộc tội, bà có thể phải đối diện với mức án hơn 100 năm tù, nhưng bà vẫn không sờn lòng hay sợ hãi. Nhiều người vẫn thường nhắc đến câu nói “Hold the Line” của bà (tạm dịch: Hãy giữ vững niềm tin). Niềm tin đó là một niềm tin vào giá trị của nghề báo và của các nhà báo, một ngành nghề được Hiến pháp Mỹ và Hiến pháp Philippines bảo vệ. Công việc viết báo cũng được đưa vào các quyền con người ở Điều 19, Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền của Liên Hiệp Quốc.

Ressa viết rất rõ trong sách, bà không hoảng sợ và đầu hàng khi bị chính quyền Duterte cáo buộc các tội hình sự, vì bà tin vào hệ thống tư pháp tại Philippines. Lòng can đảm của Ressa đã và đang truyền cảm hứng cho rất nhiều nhà báo ở khắp nơi trên thế giới. Bà đã không chọn trở về Mỹ, quê hương thứ hai của mình, để được bảo vệ và chở che. Bà vẫn tiếp tục sống tại Manila, Philippines và tiếp tục công việc của mình tại tờ báo Rappler.

Cuốn sách của Ressa không chỉ tự thuật về nghề báo của cá nhân bà hay là về Rappler. Câu chuyện mà bà kể còn nói về những vấn đề mà nền báo chí thế giới cần phải tiếp tục chiến đấu nếu muốn dùng ngòi viết của mình chống lại độc tài và xây dựng những quốc gia dân chủ. Những điều bà viết có thể sẽ trở thành nguồn cảm hứng cho các nhà báo tự do sống tại những nơi có nền chính trị độc tài, toàn trị.

Khi các công ty công nghệ như Meta – chủ sở hữu của Facebook – sẵn sàng vì lợi nhuận mà đánh đổi quyền tự do báo chí ở một số nơi, hợp tác với các chính quyền độc tài. Hay, các thông tin giả được lan truyền một cách mạnh mẽ trên mạng xã hội và những tin tức trung thực từ các tờ báo tự do thì bị xử lý nhanh chóng nhằm đè bẹp chúng trong dòng thác thông tin ở những nơi đó. Thế thì nhà báo phải nên làm thế nào? Bà Ressa lấy bản thân bà trong cuộc đối đầu với chính phủ Duterte để khuyến khích những nhà báo khác “hãy giữ vững niềm tin”, hãy tiếp tục dùng những dữ liệu trung thực để viết bài và mang tin tức đến cho công chúng.


Vào tháng 1/2023, một số tội danh của Ressa đã được một tòa án phúc thẩm tại Philippines bác bỏ. Đó là một chiến thắng cho người cầm bút như bà Ressa. Tuy nhiên, vẫn còn đó những cáo buộc về tội phỉ báng trên mạng.

Rất nhiều các tổ chức nhân quyền quốc tế yêu cầu tòa án Philippines bác bỏ những cáo buộc này, vì họ cho rằng đây là cáo buộc mang tính chính trị để đàn áp quyền tự do báo chí. Nền báo chí tại Philippines đã xuống dốc khá nhiều trong những năm qua khi số người viết bị đàn áp, bị cầm tù, và cả bị giết không minh bạch tăng cao. Bất chấp thực tế như vậy, Ressa vẫn tiếp tục làm báo tại đảo quốc này và tiếp tục cổ xúy người cầm bút “giữ vững niềm tin”.

Con đường của những nhà báo chọn đi chung với Ressa có thể sẽ không bằng phẳng và có lắm hiểm nguy, nhưng đó là con đường chống lại độc tài và là cách mà chúng ta chiến đấu cho tương lai của chính mình. Cuốn sách của bà là một ngọn đuốc nhỏ cho những nhà báo tự do khi họ cầm bút hay gõ phím ở những nơi mà bóng đêm tuyên truyền của chính quyền độc tài vẫn đang bao phủ.

Đoan Trang
Theo: luatkhoa.com



MỘT VÒNG QUANH 11 ĐIỂM "MA ÁM" KHI DU LỊCH MALAYSIA

Du lịch là một thú vui mà không ai có thể phủ nhận và cưỡng lại được sức hấp dẫn của nó. Được đi đến một vùng đất hoàn toàn mới, thưởng ngoạn phong cảnh đẹp, thưởng thức những món ăn lạ miệng… chuyến du lịch sẽ thêm phần hấp dẫn, li kì hơn nếu bạn thử đặt chân vào khám phá những địa điểm bí ẩn, “nghe đồn có ma” ở nơi đó.

1. Biệt thự Nabila, Johor


Được mệnh danh là một trong những điểm bị ma ám “nặng” nhất của Malaysia, biệt thự bỏ hoang này lại có tầm nhìn khá đẹp – trông ra eo biển Johor. Sự kiện kì bí diễn ra gần đây nhất là vào năm ngoái, khi một cậu bé 16 tuổi bước vào đây và không thấy trở ra nữa.

Một câu chuyện đáng sợ khác về ngôi biệt thự này là về một gia đình da trắng giàu có bị giết mà hung thủ được cho là người giúp việc. Có người kể rằng tên thủ phạm đã chôn xác chết trong đám rừng rậm quanh khu biệt thự.


2. Chung cư Ria, cao nguyên Genting


Hầu hết những người dân Malaysia đều nghe về chung cư Ria nổi tiếng ở cao nguyên Genting. Thật khó để chỉ ra một nơi không bị ma ám ở Genting nhưng riêng chung cư này đã có rất nhiều giai thoại rùng rợn do những cư dân sống tại đó kể lại.

Dãy nhà Pahang được cho là nơi bị ma ám “nặng” nhất và bạn chỉ cần tìm kiếm trên Google là đã có vô số kết quả về chung cư này với những hiện tượng siêu nhiên chưa lời giải thích cùng tiếng thì thầm không rõ nguồn gốc.

3. Tháp Highland, Bukit Antarabangsa


Sau sự sụp đổ của tòa nhà với một lượng lớn cư dân trong đó, nhiều người đã nghe thấy tiếng la hét cầu cứu phát ra từ hiện trường vụ thảm họa năm xưa. Tháp Highland là một điểm săn ma nổi tiếng cho những kẻ liều lĩnh và tò mò trước các hiện tượng kì bí.

4. Jalan Turi Bungalow, Bangsar


Giai thoại nổi tiếng nhất về nơi này đó là vào năm 1992, vệ sĩ của một gia đình người Mĩ sống tại đây đã sát hại hai đứa trẻ cùng người giúp việc. Dã man hơn, ba thi thể này bị chặt thành những khúc nhỏ và vứt vào bể tự hoại ở phía sau nhà.

5. Khu dân cư Bukit Tunku


Khu phố này cũng “không phải dạng vừa” với một loạt các câu chuyện có thể làm dựng tóc gáy bất cứ ai. Một trong số những giai thoại nổi tiếng nhất là về anh chàng chạy xe mô tô đã chết trong cuộc đua trái phép.

Kể từ đó, thỉnh thoảng người ta lại thấy bóng một chiếc xe mô tô lao đi ở tốc độ cao và biến mất vào bóng tối. Ngoài ra, những bóng ma trong ngôi nhà gỗ bỏ hoang cũng là chuyện “thường ngày ở huyện”.

6. Lâu đài Kellie


Là món quà mà William Kellie Smith dành cho vợ, lâu đài được xây dựng năm 1915 này ẩn chứa nhiều bí mật và cả những bi kịch. Phải mất rất nhiều năm để xây xong lâu đài bởi một số thợ xây bị nhiễm cúm Tây Ban Nha. Sau đó, Smith qua đời vì bệnh viêm phổi vào năm 1926.


Người ta kể rằng họ thấy hồn ma gia đình Smith vẫn còn lang thang trong lâu đài mỗi đêm. Đầu năm nay, một tour tham quan thách thức lòng dũng cảm có tên “Đêm trong lâu đài ma Kellie” vừa được mở với hi vọng sẽ thu hút nhiều khách du lịch đến lâu đài bí ẩn.

7. Đường cao tốc Karak


Danh sách những điểm ma ám của Malaysia sẽ không trọn vẹn nếu thiếu đi cái tên Karak – con đường cao tốc nối giữa thủ đô Kuala Lumpur và thị trấn Karak ở Pahang. Cung đường này đã xảy ra vô số vụ tai nạn thảm khốc trong nhiều năm liên tiếp. Câu chuyện được truyền miệng nhiều nhất ắt hẳn là chiếc Volkswagen Bettle màu vàng không người lái đột ngột xuất hiện không rõ từ đâu tới và những bóng ma lởn vởn trên đường.


8. Nhà tù Pudu, Kuala Lumpur


Nhà tù Pudu tọa lạc tại trung tâm của Kuala Lumpur này là nơi giam giữ nhiều tội phạm khét tiếng nhất và cả những người bị kết án tử hình. Một số người từng vào đây tham quan nói rằng họ luôn cảm thấy ghê rợn và sợ hãi không lí do. Còn các tù nhân kể rằng họ thường nghe thấy tiếng la hét từ những buồng xử tử phạm nhân bị kết án tử hình trước đây.


9. Công viên Mimaland, Ulu Gombak

Mimaland là công viên đầu tiên của Malaysia được xây dựng vào năm 1971 tại Ulu Gombak. Năm 1993, một du khách trẻ tuổi người Singapore đã chết trong tai nạn tại khu trượt ván. Cái chết của người này là một cú sốc lớn với công chúng, buộc Mimaland phải đóng cửa tạm thời ngay sau đó.


Sau khi được sửa chữa, công viên này được mở lại, nhưng ngay sau đó, thảm kịch xảy ra một lần nữa, lần này là một vụ lở đất nhỏ khiến các hồ bơi bị hư hại nặng. Mimaland chính thức đóng cửa vào năm 1994 cho đến ngày nay, nó hoàn toàn bị bỏ hoang và chỉ còn là một đống đổ nát.


10. Tòa nhà Amber Court, cao nguyên Genting


Không giống như những điểm thu hút khách du lịch khác ở Genting, tòa chung cư cao tầng này trông giống như một nơi bị bỏ hoang với những chiếc bảng “cấm vào” khiến nhiều người ái ngại. Nhiều người đã chết một cách bí ẩn bởi các vụ tai nạn kì quái nơi này nhưng nó vẫn tiếp tục thu hút những kẻ tò mò đến “săn ma” và khám phá.

11. Nhà tù Pulau Jerejak, Penang


Pulau Jerejak là một nhà tù hoàn toàn tách biệt với thế giới bên ngoài. Các tù nhân bị đối xử rất tàn bạo. Hồ nước bao quanh nhà tù từng nuôi cá mập để không người nào có thể trốn thoát, nhưng cũng có một số tù nhân đã bị cá mập xé xác khi cố gắng bơi qua hồ. Sau khi bị đóng cửa, hòn đảo này đã trở thành nơi trú ngụ của nhiều linh hồn dữ.

(Theo Yan.vn)
Theo: travelplasvn.com