Saturday, September 30, 2017

NHỮNG TẤM THẺ BÀI

Chiến tranh Việt Nam đã lùi xa trong quá khứ nhưng vẫn còn âm vang. Trên những trang viết, những khúc phim, những bức ảnh, ca khúc. Và trên Bức Tường Đá Đen dưới bầu trời Hoa Thịnh Đốn. Hoặc ở những tấm thẻ bài của người lính tình cờ tìm lại được.

Ôi, những tấm thẻ bài ngày nào đã dựng lại cả một quá khứ



Richard Hiebsch nói lời từ giã Việt Nam cách đây ba mươi lăm năm. Hoặc đâu vào khoảng đó, ông nghĩ vậy. Sau đó, ông trở lại quê nhà Philadelphia, làm nhân viên hỏa xa, lập gia đình và nuôi dưỡng hai con.

Nhiều năm, rồi nhiều chục năm trôi qua. Những hình ảnh gây nhức nhối rồi cũng nhạt phai.

Thế rồi một hôm, “đúng vào Chủ Nhật sau Ngày Cựu Chiến Binh”, một cú điện thoại gọi đến. Lúc ấy, Hiebsch và vợ là Barbara đi vắng, khi trở về nhà ở Norristown thì thấy có một cái tin trên máy nhắn. Một giọng đàn bà nói: “Ông là Richard Hiebsch phải không? Tôi có một chút này để biếu ông, đó là những gì ông đã để lại ở Việt Nam.”

Những cảm xúc vùi chôn đã bao năm bỗng tràn về. Hiebsch, 56 tuổi, gọi lại. Và rồi ông gặp Tracey Hansen, 36 tuổi, một nhân viên cứu hỏa ở San Jose, California, người đã về Việt Nam hai chuyến.




Trong chuyến đi gần đây nhất, bà đã ra Huế và dừng lại mua nước uống ở một điểm bán giải khát bên đường. Người đàn ông già bán hàng có một cái bàn nhỏ bày đầy những đồ trang sức rẻ tiền. Một cái bát bằng thủy tinh trên bàn có chứa cái gì đó khiến bà Tracey chú ý.

“Đó là một bộ thẻ bài,” Hiebsch nói. “Bà ấy cầm lên xem và thấy đó là của quân nhân Hoa Kỳ. Bộ thẻ bài ấy mang tên tôi. Tôi nghĩ là bà ấy đã bỏ ra hai đô la để mua những tấm thẻ bài ấy.”

Một tuần lễ sau thì gói hàng đó đến. Bên trong có hai miếng kim loại khắc tên, số quân, loại máu và tôn giáo của người sở hữu. Bà Tracey Hansen có viết kèm theo mấy chữ: “Tôi muốn nói lời cám ơn về sự phục vụ của anh và tất cả những gì anh đã hy sinh ở bên đó. Tôi rất lấy làm buồn và hối tiếc về cái cách mà người ta đã đối xử với các anh khi các anh trở về. Tôi quả tình là không thể nào hiểu nổi.”

Thế rồi, bà Hansen đã thấy mình có sứ mạng phải nối kết lại những tấm thẻ bài trên chiến trường Việt Nam với những người chủ của chúng. Trong hai chuyến đi của bà, bà đã mua hơn hai nghìn tấm thẻ bài của những người lính Mỹ đã được dân chúng địa phương đem bán như những vật lưu niệm. “Cho tới nay, bà ấy và người bạn là Bryan Marks, cũng là nhân viên cứu hỏa, đã gởi trả về người sở hữu chủ hơn bốn trăm chiếc thẻ bài (tham khảo thêm website www.vietnamdogtags.com). Hai người làm việc này không đòi hỏi một sự bồi hoàn tiền bạc nào cả.”

Tác phẩm “Tấm thẻ bài” của Nhiếp ảnh gia Nguyễn Ngọc Hạnh.

Với Hiebsch, lúc ông mở cái hộp đựng mấy chiếc thẻ bài do bà Tracey Hansen gởi cũng là lúc ông để mặc tình cho một phần đời của ông trở về lại.

“Trong khoảnh khắc ấy, tôi nhớ lại mọi thứ,” Hiebsch nói.

“Nó đưa tôi ngược thời gian trở về lại quá khứ ngày xưa.”

Cái nơi chốn anh về lại đó là thành phố Quảng Trị và vụ Cộng Sản tấn công hồi Tết Mậu Thân 1968.

Năm ấy, Hiebsch hai mươi tuổi, mới rời ngôi trường Cardinal Dougherty High School có mười tám tháng. Là người lính bộ binh, mang trên người những hộp đạn, những cục điện năng dự trữ cho máy truyền tin, những băng đạn súng máy, đạn súng cối. “Tất cả khoảng chừng 60 pounds. Trong một chuyến hành quân, tôi đang chờ để lên trực thăng thì bỗng thấy mình không mang những tấm thẻ bài.”

Sau này Hiebsch được cấp phát một bộ thẻ bài mới. Câu chuyện chỉ có bấy nhiêu.

Giờ đây ông vui mừng được nhận lại những tấm thẻ bài ấy. Chẳng những thế, hai miếng thẻ bài cũ mòn này còn nối kết ông với một quá khứ mà ông từng muốn xóa bỏ.


“Ở những năm ấy, mọi sự đều u ám, giờ đây bạn chỉ muốn quên hết, quên hết.” Hiebsch nói. “Thế rồi từ trong vũng lầy buồn chán, bỗng xuất hiện những vật nhỏ bé này. Nó giống như không khí mát mẻ trong căn phòng tù đọng. Tôi không biết phải giải thích như thế nào. Nó là nguồn xúc cảm tràn ngập trong hồn bạn.”

Nhận được những cái thẻ bài ngày xưa, ông tự thấy mình có thể đương đầu với nỗi đau mà ông đã chôn vùi bấy lâu.

“Chúng tôi cũng dũng cảm như bất cứ người lính nào khi đã khoác lên mình bộ quân phục,” ông nói. “Chúng tôi cũng chiến đấu gian lao. Đó là một nhiệm vụ cao cả. Chúng tôi thắng trong từng trận đánh nhưng đã thua cuộc chiến tranh. Tôi không muốn bất cứ người lính nào phải qua nỗi bi thảm như chúng tôi bị đối xử.”

Hiebsch rất trân trọng những tấm thẻ bài của Tracey Hansen trao lại. Ông dùng bàn chải đánh bóng và đóng khung trên nền nhung đen, đem chưng trong phòng làm việc.

Trong một cuộc họp mặt các cựu chiến binh ở Gladwyne, Hiebsch cho biết, những tấm thẻ bài của ông đã gây xúc động. Nhiều người hỏi ông tới tấp về lai lịch những tấm thẻ bài.

“Khi tôi nhìn thấy những cựu chiến binh của Thế Chiến II quây quần chung quanh tôi, tôi cảm thấy vinh dự,” Hiebsch nói. “Đây là thế hệ đã cứu thế hệ chúng tôi.”


Hơn bao giờ hết, ông tỏ lòng biết ơn người đàn bà mà ông chưa bao giờ gặp mặt đã trao lại ông những tấm thẻ bài.

“Bà đã làm việc này mà không cần biết người nhận lại là ai, đây quả là điều đáng kính phục,” Hiebsch nói.

“Tôi nghĩ đó mới đúng là tinh thần người Mỹ.”

Như Sao
theo: The Philadelphia Inquirer

GIÀU VÌ BẠN, QUAN VÌ VỢ

Ba Tèo hôm nay ăn mất ngon vì đề tài bàn luận trong bữa cơm là một sự kiện có quá nhiều dấu hỏi.

Mở đầu là má Tèo:


- Cái vụ ông quan kiểm soát môi trường bị mất tiền ở một nhà nghỉ lạ thiệt, đi công tác mà mang theo mấy trăm triệu đồng! May mà trước đó ổng đã gửi một mớ vào tài khoản ngân hàng...

Ba Tèo nhíu mày:

- Ổng khai là tiền bên vợ, mang theo để giải quyết chuyện cá nhân. Nghĩ cũng lạ, thời buổi đủ loại thẻ ngân hàng mà lại mang trong mình hàng trăm triệu tiền mặt đi từ Bắc vào Nam!

Tèo tham gia:

- Nghe nói khách sạn đó chưa bao giờ mất trộm. Lạ nữa là trộm chỉ lấy túi xách đựng laptop, trong khi ví tiền, điện thoại ông ấy để trên bàn thì trộm không thèm đụng tới!

Ti cũng hưởng ứng:

- Chưa hết: tại hiện trường còn có một số đô la và một số phong bì. Tiền nhà mang theo sao lại đựng phong bì hở ba mẹ?

Ba mẹ Tèo còn suy nghĩ thì Tèo hỏi tới:

- Chưa biết tiền này từ đâu nhưng rõ ràng làm quan kiểm soát môi trường có vẻ nhiều tiền! Vậy con muốn theo nghề đó thì phải thi trường nào?

Biếm hoạ: Satế

Ba Tèo nhẩm trong đầu danh sách các trường đại học có liên quan đến môi trường, mới liệt kê vài cái tên thì má Tèo cắt ngang dòng suy nghĩ:

- Tui để ý thấy nhiều vụ việc hễ liên quan đến của nả thì các quan thường trả lời là tài sản bên vợ! Ông liệu đó, mai mốt có chuyện tai tiếng mà đổ cho vợ là tui... cấm vận!

Ba Tèo cười khinh bạc:

- Tui hết xí quách lâu rồi nên bà muốn cấm gì cứ cấm!
Má Tèo giơ đũa:

- Kệ! Tui cấm cho đi đâu ông cũng mang tiếng sai phạm nên bị cấm vận, đau khổ chưa!


Người Già Chuyện
Theo: Người Đô Thị Online


Link chắc có liên hệ:


KIẾP NÀO CÓ YÊU NHAU

Thường thường, chuyện tình nào cũng… không đâu nhưng lắm kẻ thích nghe. Nhiều khi chỉ thấy vợ chồng người ta sống đến tuổi về hưu, mà nhiều người cũng ưa hỏi hồi xưa anh chị làm sao gặp được nhau. Người ta thường nói vợ chồng là duyên số. Có lẽ “số” thì nhiều chứ “duyên” thì ít; thậm chí nhiều khi chính vì vô duyên mới gặp nhau.


Thực sự, chuyện tình yêu chỉ hấp dẫn ở đoạn (mới đầu) làm quen. Chứ phần sau, cưới nhau rồi, thì hầu như ai cũng như ai, không kể cũng biết. Chính vì thế mà hồi năm 1970, Hollywood có làm cuốn phim Love Story tốn chỉ 2 triệu bạc mà thu về gần 140 triệu đô. Bà con rủ nhau đi coi; nhiều người còn coi lui coi tới. Hồi đó, nhiều rạp xi-nê còn để giấy lau (nước mắt, nước mũi) trước cửa để khán giả lấy vài tờ đem theo vô trong phòng chiếu. Có lẽ nhờ tài diễn xuất của mấy tài tử trong phim, chứ truyện phim chẳng có gì đặc biệt so với nhiều mối tình ngoài đời.

Có một anh chàng đẹp trai, con đại gia, học… Harvard. Một hôm tình cờ vô thư viện thì bị “sét đánh” do gặp một cô sinh viên đang đứng phụ ở bàn thư ký. Cô này vì nhà nghèo nên sau giờ học vào đây làm “work study” kiếm thêm chút tiền. So với Mỹ trắng, cô này nhan sắc cũng bình thường. Chẳng biết có phải vì đạo diễn kiếm không ra nữ tài tử vừa (trẻ) đẹp vừa có tài diễn xuất. Hai người sau đó hẹn hò với nhau rồi không lâu sau quyết định làm đám cưới liền. Không phải vì lỡ có bầu mà vì yêu nhau quá! Chàng đưa nàng về gặp bố mẹ. Có lẽ vì chê cô này nghèo hay… xấu sao đó mà hai ông bà từ chối thẳng. Ông bố còn bảo sẽ cắt hết “viện trợ” nếu ông con không chịu ăn… muối. Chàng nhất định cãi cha mẹ, cứ đưa nàng dzề dinh. “Dinh” của họ, vì bị ông bố cúp viện trợ, nằm ở tầng trên cùng của một căn apartment. Nàng phải bỏ mộng theo đuổi ngành âm nhạc và đi dạy học để kiếm tiền độ nhật. Cả hai sống cực khổ cho đến khi chàng tốt nghiệp Hạng Ba của trường luật Harvard và được một hãng luật danh tiếng ở Nữu Ước thu nhận. Chưa kịp vui thì nàng ngã bệnh. Bác sĩ nói nàng không còn sống bao lâu nữa. Trong phim không nói rõ bệnh gì nhưng theo y khoa ngày nay chắc là ung thư máu. Trước khi chết, nàng bảo chàng đừng tự trách mình điều gì và nàng cũng không bao giờ hối tiếc đã bỏ nghiệp âm nhạc vì tình yêu dành cho chàng. Câu nói nổi tiếng (của nàng) trong cuốn phim, được nhiều người sau này nhắc hoài, là đã yêu thì đừng có hối tiếc: “Love means never having to say you’re sorry.”



Thực tế mà nói, yêu thì phải biết hối tiếc để… đừng có cưới. Cưới nhau rồi đừng (ngu) nói “I’m sorry”. Thà cứ làm thinh thì (may ra) bớt… sorry hơn! Nhờ cuốn phim kết thúc… vô hậu như vậy mà thu hút khán giả. Chứ để cô này sinh con trai, đem về khoe với ông bà nội, rồi được “viện trợ” dọn về khu nhà đại gia ở Nữu Ước. Sáng sáng, chồng lái xe ra phòng luật sư. Tối tối, cả nhà ra mấy nhà hàng sang trọng ở khu Manhattan. Rồi… hết phim! Mấy ai đi coi?

Có lẽ chính vì tâm lý ấy mà mới đây, trên các mạng xã hội bên Tàu, thiên hạ đua nhau “chia sẻ” tấm hình một cặp tình nhân (trong hình kèm theo)

Hai “người” quen biết nhau thuở còn bé tí. Chàng và nàng chơi đùa với nhau, lớn lên cùng nhau trong một ngôi nhà ở quê. Bỗng một hôm gần Tết, năm nay, nàng bị bắt trói… bỏ sau xe hon-đa. Chàng ứa nước mắt chạy theo hôn nàng lần cuối. Nàng không phải bị gả bán mà là cho không một người bà con của… chủ nhà để ăn Tết. Chàng được giữ lại chờ… cúng tất niên. Nhờ kết thúc lâm ly như thế nên chuyện tình của họ, nếu được dựng thành phim, chắc không… lỗ! Không biết trong giây phút biệt ly ấy, nàng muốn nhắn gửi chàng điều gì?


Kiếp nào có yêu nhau 
Thì xin tìm đến mai sau
Hoa xanh khi chưa nở 
Tình xanh khi chưa lo sợ 

Yêu mà cứ lo sợ người ta làm thịt thì còn lãng mạn gì nữa? Anh ơi…

Hồng Nguyên Hoàng



MỘT CHUYỆN TÌNH

Một chuyện tình nhẹ nhàng và cảm động, rất thích hợp cho không khí mùa thu. Mời các bạn hãy đọc và để lòng rung động theo tiếng đàn của lá trong cây.


Một chàng trai bị bệnh tim nặng, có thể ra đi bất cứ lúc nào. Chàng trai mới tròn 19 tuổi. Đã một hai năm nay, chàng trai phải nằm nhà, được sự chăm sóc cẩn thận đến nghiêm ngặt của bố mẹ. Do đó, anh luôn mong ước được ra ngoài chơi, dù chỉ một lúc thôi.

Sau rất nhiều lần năn nỉ, bố mẹ anh cũng đồng ý. Chàng trai đi dọc con phố – con phố nhà mình mà vô cùng mới mẻ – từ cửa hàng này sang cửa hàng khác. Khi đi qua một cửa hàng bán CD nhạc, chàng trai nhìn qua cửa kính và thấy một cô gái. Cô gái rất xinh đẹp với một nụ cười quyến rũ – và chàng trai biết đó là “tình yêu từ ánh mắt đầu tiên”.

Chàng trai vào cửa hàng và lại gần cái bàn, nơi cô gái đang ngồi.

Cô gái ngẩng lên hỏi:

– Tôi có thể giúp gì được anh? Cô mỉm cười và đó quả là nụ cười đẹp nhất chàng trai chưa từng thấy.

– Ơ… Chàng trai lúng túng. Tôi muốn mua một CD…

Chàng trai chỉ bừa một cái CD trên giá rồi trả tiền.

– Anh có cần tôi gói lại không?

Cô gái hỏi, và lại mỉm cười.

Chàng trai gật đầu, cô gái liền đem chiếc CD vào trong.

Khi cô quay lại với chiếc CD đã được gói cẩn thận, chàng trai tần ngần cầm lấy và đi về.

Từ hôm đó, ngày nào chàng trai cũng tới cửa hàng, mua một chiếc CD và cô gái bán hàng lại gói cho anh. Những chiếc CD đó, chàng trai đều đem về nhà và cất ngay vào tủ. Từ lâu nay, không tiếp xúc với bên ngoài, chàng trai trở thành nhút nhát và rất ngại, không dám hỏi tên hay làm quen với cô gái. Nhưng cuối cùng, mẹ anh cũng phát hiện ra việc này và khuyên anh cứ nên làm quen với cô gái xinh đẹp kia.

Ngày hôm sau, lấy hết can đảm, chàng trai lại đến cửa hàng bán CD.

Rồi khi cô gái đem chiếc CD vào trong để gói, anh đã để một mảnh giấy ghi tên và số điện thoại của mình lên bàn. Rồi anh cầm chiếc CD đã được gói như mọi ngày đem về.



Ít lâu sau…

‘Reeeeng!…’

Mẹ của chàng trai nhấc điện thoại:

– Alô?

Đầu dây bên kia là cô gái ở cửa hàng bán CD. Cô xin gặp chàng trai nhưng bà mẹ oà lên khóc.

– Cháu không biết sao? Nó đã mất rồi… cách đây hai hôm.

Im lặng một lúc. Cô gái xin lỗi, chia buồn rồi đặt máy xuống.

Chiều hôm ấy, bà mẹ vào phòng cậu con trai. Bà muốn sắp xếp lại quần áo của cậu nên đã mở cửa tủ. Bà sững người khi nhìn thấy hàng chồng CD được gói bọc cẩn thận chưa hề được mở ra.

Bà mẹ rất ngạc nhiên nên cầm lên một chiếc mở thử ra xem.

Bên trong hộp giấy bọc là một chiếc CD cùng với một mảnh giấy ghi “Chào anh, anh dễ thương lắm – Jacelyn”.

Bà mẹ mở thêm một chiếc CD nữa. Lại thêm một mảnh giấy ghi: “Chào anh, anh khỏe không? Mình làm bạn nhé? – Jacelyn”.

Một chiếc CD nữa, một chiếc nữa…

Trong mỗi chiếc là một mảnh giấy ghi lời cô gái…


(Sưu tầm trên mạng)




BẮT CHƯỚC THẦY


Thuở xưa, tại một vùng biên địa hạ tiện, dân chúng đều mù chữ. Mãi cho đến một hôm, có một ông thầy giáo đến thăm làng và dõng dạc tuyên bố:
- Mọi người ai ai cũng có khả năng biết chữ hết ... Nhiệm vụ của tôi khi xuất hiện ở ngôi làng này là giúp cho bà con cô bác phát triển khả năng đó ... để thành một người biết chữ như tôi không khác.
Mọi người nghe nói đều phấn khởi. Với sự hướng dẫn của thầy giáo, một lớp học được thành lập. Nhiều người đến lớp học. Thầy giáo phát cho mỗi người một quyển vần ABC. Trong nhóm người tụ hội nơi lớp học, người ta ghi nhận có những hiện tượng sau:
Một số người cho rằng khả năng biết chữ chỉ là một ân sủng thiêng liêng dành cho hạng người ưu tú nhất trong nhân loại, nên sau khi trêu chọc số người ghi danh học, họ bỏ ra về.
Riêng phần học trò, với chút ít niềm tin rằng mình có thể biết chữ, đã tìm cách phát triển khả năng ấy bằng những cách như sau:
1. Những người vì cảm kích trước tấm lòng của thầy giáo đã khổ công lặn lội đến đây, đã xin ảnh của thầy giáo đem về thờ chung với quyển vần ABC, sớm hôm lễ bái, dâng hương hoa không hề chểnh mảng.
2. Hạng người kế tiếp vì vô cùng cảm phục tài năng của thầy giáo nên cùng nhau rắp tâm bắt chước thầy, từ cách đi đứng, nói năng, ăn mặc, đến nếp sống sinh hoạt hằng ngày ... Họ bắt chước tài tình đến độ giống thầy giáo như đúc, có khác chăng là họ hoàn toàn không biết chữ ...
Dĩ nhiên, bằng những lối học trên, chúng ta dư đoán được kết quả là sau bao nhiêu cố gắng không anh học trò nào biết chữ cả!


Lời Bàn :
Em thân mến! Câu chuyện được ngừng lại nơi đây vì trên thế giới này không có một lớp học nào kỳ quặc như thế cả. Các học trò đi học dần dần đều được biết chữ hết. May mắn biết là dường nào. Nhưng còn chúng ta, những người học Phật và chưa giác ngộ như Phật, có nên xét lại lối học của mình hay không?
Như ông thầy giáo kia, chư Phật đều tuyên bố: "Tất cả mọi chúng sanh đều có Phật tánh và chư Phật ra đời đều vì lý do duy nhất: Chỉ cho chúng sanh nhận ra và hằng sống với Tri Kiến Phật của chính mình". Và chúng ta đã học đạo giác ngộ bằng cách nào?


Nếu chúng ta chỉ tôn thờ, lễ bái, và cúng dường kinh tượng bên ngoài thì coi chừng, ta sẽ vấp phải lỗi lầm của hạng học trò thờ cuốn vần ABC như trên. Hoặc chúng ta chỉ hâm mộ tôn kính Thầy Tổ Chư Phật ... rồi rập khuôn cuộc đời ta y hệt như cuộc sống của những người mà ta hâm mộ thì ... có lẽ ... bề ngoài chúng ta sẽ được một cái vỏ đỉnh đạt nghiêm trang, nhưng bên trong lại dẫy đầy phiền não, tương tự như hạng học trò bắt chước thầy trên không khác.
Vậy thì chúng ta nên học Phật bằng cách nào đây?
Như Thủy

HỦ NHO TỰ TRÀO BÀI 4



HỦ NHO TỰ TRÀO BÀI 4 
Tình Si Tử

Mưa gió năm châu rộn tiếng gà.
Cái hồn văn tự tỉnh dần ra.
Trống khua giáo dục kêu vang nước,
Đuốc rọi văn minh sáng rực nhà.
Khai hoá đã đành thay lối cũ,
Cải lương còn phải tính đường xa.
Anh em nghĩ lại sao không cố,
Ngán nỗi nhà nho bọn hủ ta.

Nguồn:
1. Việt Hán văn khảo, Phan Kế Bính, Nam Kỳ xuất bản, Hà Nội, 1938
2. Việt Nam văn học sử yếu, Dương Quảng Hàm, Bộ quốc gia giáo dục và Trung tâm học liệu xuất bản, Sài Gòn, 1968



Sơ lược tiểu sử tác giả:

Tình Si Tử là bút danh của một người không rõ danh tính và lai lịch, có một số bài thơ trào phúng được Phan Kế Bính chép lại trong quyển "Việt Hán văn khảo" (1918), và Dương Quảng Hàm trong "Việt Nam văn học sử yếu" (1941).

(Sưu tầm trên mạng)

Friday, September 29, 2017

VÔ HỌC VI BẦN, VÔ SỈ VI TIỆN

VÔ HỌC VI BẦN, VÔ SỈ VI TIỆN
Vô tài phi bần, vô học nãi vi bần; vô vị phi tiện, vô sỉ nãi vi tiện; vô niên phi yểu, vô thuật nãi vi yểu; vô tử phi cô, vô đức nãi vi cô.
(Vi lô dạ thoại)

无学为贫, 无耻为贱
无财非贫, 无学乃为贫; 无位非贱, 无耻乃为贱; 无年非夭, 无述乃为夭;无子非孤, 无德乃为孤.
(围炉夜话)


KHÔNG CÓ HỌC MỚI LÀ NGHÈO,
KHÔNG CÓ LIÊM SỈ MỚI LÀ HÈN
Không có tiền bạc không phải là nghèo, không có học mới là nghèo; không có địa vị không phải là hèn, không có liêm sỉ mới là hèn; không được sống lâu không phải là yểu mệnh, không có những việc đáng được kể lại mới là yểu mệnh; không có con không phải là cô độc, không có đức mới là cô độc.
Phân tích và thưởng thức
Sự giàu có của con người, có thoả mãn hay không là do tâm của mình. Tâm không thoả mãn thì dù có giàu đến mức không ai bằng thì cũng là nghèo khó. Từ đó có thể thấy, tiền tài không thể đại biểu cho sự giàu nghèo của một người. Người không có học vấn, do bởi thiếu đi thế giới tâm linh, nước sông nhiều đến ba ngàn dặm mà không múc được một bầu, cho dù có cả một thế giới vật chất sung túc cũng không cảm thấy thoả mãn.


Hèn kém có nghĩa là không có giá trị. “Sỉ” là một loại nhân cách, là sự tôn quý, Hạng người không có liêm sỉ không những tâm địa hèn kém mà ngay làm người cũng không xứng. Trên thế gian có nhiều người ở địa vị cao không hề có giá trị so với người bình thường, bởi họ không biết liêm sỉ. Ngược lại có những người chẳng có địa vị gì nhưng đã có những hành vi cao thượng.
Sinh mệnh của con người không phải ở chỗ thọ mệnh ngắn dài. Nhan Uyên tuy mất sớm, nhưng đến nay mọi người vẫn tôn là “Phục Thánh”. Xưa nay, người sống lâu có nhiều, nhưng sống không có ích cho đời, khi chết đi người đời sau không ai nhắc đến, tuy sống cũng giống như là chết. Như Nhan Uyên, có thể nói sống đến mấy ngàn năm. Khổng Tử chỉ thuật lại mà không sáng tác, Khổng giáo đến nay hãy còn lưu hành. Tư Mã Thiên viết “Sử kí”, học giả xưa nay không ai là không lưu tâm, đó mới gọi là “trường thọ”.


Có con mà không có đức, con cũng bỏ mà đi; có đức mà không có con, tuy không phải là con mà cũng thân cận yêu mến. Cho nên nói: không có con không phải là cô độc; không có đức mới là cô độc.
Dịch giả: Huỳnh Chương Hưng
Nguồn:
VI LÔ DẠ THOẠI
围炉夜话
Tác giả: Vương Vĩnh Bân 王永彬
Thiểm Tây lữ du xuất bản xã, 2002

CÂY VIẾT

Mấy ngày trước tôi có post lại một bài cũ nói về cây và trái Sa Pô. Có mấy bạn có comment là có ăn và thấy qua một loại trái khác, ăn rất ngọt và mùi vị giống như mùi Sa Pô. Đó là trái Viết.


Cây Viết có họ là Sapotaceae, tức họ Hồng Xiêm, mà người miền Bắc gọi là Hồng Xiêm thì người miền Nam gọi là Sa Pô, như vậy 2 loại cây này có bà con rất gần nên trái có mùi giông giống thì không phải là chuyện lạ phải không các bạn.
Trái Viết thì quá nhỏ và không có hiệu quả kinh tế cao nên ít người trồng nó để lấy trái, thường người ta trồng cây Viết như là một loại cây xanh đô thị. Các bạn biết không ở Úc ngày trước mới qua , dọc theo ven đường đều có trồng cây xanh có hoa như cây Đào, nó có hoa và có quả nhưng không nhiều. Người Úc thì không ai thèm để ý hoặc hái trái đào (tôi nghĩ phải gọi là trái mai thì đúng hơn) nhỏ xíu. Còn người mình thì nếu ngay trước nhà có trồng hay lại nhà bạn thấy có trái là hái xuống ăn thử, vị ngọt, hạt to nhưng rồi cũng không ai buồn hái nữa vì trái cây ở Úc thiếu gì. Vài người bạn mua nhà cũ, trong vườn nhà có mấy cây cà phê của chủ cũ trồng, thấy trái cà phê chín đỏ hái ăn thử thì cũng ngọt ngọt nhưng quá nhỏ ăn không đã miệng nên có người còn để đó hay bứng bỏ trồng cây khác.


Cũng như ở VN mình có xoài hòn, xoài cát, xoài tượng, xoài thanh ca....thì ai đi trồng xoài rừng trái nhỏ xíu cho dù trái ngọt và thơm lắm còn hột thì mỏng tanh, nói đến đây phải chảy nước miếng khi đã mấy lần ăn được xoài rừng ở TQ và ĐL.
Nhưng dù sao đi nữa thì, tôi cũng tìm được một ít tài liệu để bạn nào chưa biết thì đọc chơi cho biết nhé. (LKH)

CÂY VIẾT


Cây Viết còn được gọi là Sến xanh hay Sến cát,
Tên khoa học: Mimusops elengi L.
Họ thực vật: Sapotaceae (Hồng Xiêm, Sếu)


Cây Viết được gọi là Pikul(พิกุล) trong tiếng Thái Lan, Munamal trong tiếng Sinhal, Magizham trong tiếng Tamil, Bullet wood trong tiếng Anh, Tanjong trong tiếng Mã Lai, Bakula trong tiếng Phạn, Bakul trong tiếng Hindi và tiếng Bengal, (बकुळ) trong tiếng Marathi, Kha-Yay trong tiếng Myanmar. Còn tiếng Hoa thì gọi: 牛油果、猿喜果、醉花、牛乳木(树), 伊朗紫硬膠.
Cây Viết là một loài cây có nguồn gốc ở các nước Châu Á nhiệt đới. Đây là cây bản địa Việt Nam, được tìm thấy nhiều ở Tây Nguyên trong các khu rừng thường xanh. Ngoài ra, cây Viết còn xuất hiện nhiều ở các nước Lào, Campuchia, Ấn Độ,…
Cây Viết thuộc loài thực vật thân gỗ trung bình, cao từ 10-20m, thân có nhựa mủ trắng, cành nhánh nhiều tán lá sum suê. Cây Viết có lá đơn, mép nguyên mọc cách. Lá có phiến không lông, cứng dài 12cm, rộng 6cm với màu xanh đậm láng bóng ở mặt trên, nhạt màu hơn ở mặt dưới.


Cây Viết có hoa màu trắng mọc ở nách lá, hoa có hương thơm thoang thoảng. Qủa cây Viết thuộc dạng quả mọng hình trứng dài khoảng 2cm mang 1 hạt dẹt bên trong. Qủa có màu xanh bóng, khi chín chuyển sang màu cam, thịt quả có thể ăn được.
Cây Viết có tán lá hình trứng, gọn, xanh quanh năm, rất ít khi rụng lá. Cây đẹp dáng, tốt lá nên thường được sử dụng làm cây công trình tạo cảnh quan đô thị như: trồng từng cá thể đơn lẻ kết hợp với cây có hoa, trồng thành bồn cây, trồng thành cụm 3-5 cây trong công viên, khuôn viên trường học, kí túc xá, khu dân cư, công sở hay trồng thành hàng trên đường phố, dọc bờ sông, trồng sân vườn biệt thự…
Viết có gỗ nặng, tốt, bền nên còn được trồng làm cây lấy gỗ dùng trong xây dựng, làm cầu cống, đóng thuyền, làm sàn nhà hay sử dụng làm các dụng cụ sinh hoạt, nhạc cụ… Ngoài ra, Viết còn là một cây dược liệu rất tốt, chữa được nhiều bệnh như đau đầu, đau răng, tiêu chảy, các vết thương, viêm mắt…hoa của cây Viết còn được chưng cất làm nước hoa và khá được yêu thích.


Cây Viết thường được nhân giống từ hạt, với sức nảy mầm mạnh hạt Viết có thể tạo cây con khỏe mạnh trong vườn ươm, sau đó được nuôi dưỡng tốt và đem trồng ngoài công trình và tạo cảnh quan xanh mát. Cây Viết thích đất ẩm, là loài cây ưa sáng toàn phần nên tránh trồng cây dưới bóng râm để cây Viết phát triển tán lá tốt, cây khỏe, dáng đẹp.
(Sưu tầm trên mạng)


TESSELAAR TULIP FESTIVAL

ĐẮM MÌNH TRONG SẮC MÀU TULIP MÙA XUÂN

Đến nước Úc những ngày này mới chính là thời điểm của những mùa hoa Tulip thật sự. Những cánh hoa chín muộn sặc sỡ màu tự nhiên và văn hóa của người trồng hoa ở đây sẽ thu hút bạn...


Khi tiết trời vào độ sang xuân, nước Úc rất dịu mát và muôn hoa đua nở khắp chốn, lễ hội hoa Tulip Tesselaar cũng đến hẹn lại lên. Thường lễ hội này mở cửa từ 10h sáng đến 5h chiều mỗi ngày tại vùng đồi núi hoang sơ Silvan, cách thành phố Melbourne thủ phủ tiểu bang Victoria chỉ khoảng 1 giờ đi tàu điện và xe buýt.


Ai đó đã truyền rằng trong thế giới các loài hoa thì tulip có màu sắc rực rỡ đa dạng nhất quả không sai. Khi đứng giữa cánh đồng hoa mà sự tuyệt mỹ thể hiện ở những luống hoa thẳng, đều tăm tắp trải dài như vô tận, du khách có cảm giác chìm đắm vào một tác phẩm rực rỡ nhất do người họa sĩ khéo vẽ những nét cọ đa sắc phối hợp tài tình bên nhau. Giữa những rặng hoa tulip muôn màu, khách tham quan còn được thưởng thức sức sáng tạo nghệ thuật của con người qua những tác phẩm sắp đặt được triển lãm đa dạng về chủ đề, chất liệu lẫn hình thức kiểu dáng thể hiện.


Thế nhưng, sẽ đáng tiếc nếu đến cánh đồng tulip mà chỉ ngẩn ngơ với sắc màu. Lễ hội mùa xuân Tesselaar ở Úc có chương trình chủ đề mỗi tuần nhằm thể hiện nhiều nét văn hóa truyền thống và đặc trưng của các dân tộc như "tuần lễ Hà Lan", "tuần lễ Thổ Nhĩ Kỳ", hoặc tuần lễ nhạc Jazz, tuần lễ từ thiện quyên góp cho việc nghiên cứu chữa bệnh ung thư và giúp đỡ bệnh nhân ung thư... Việc tổ chức các chủ đề này tạo nên tính đa dạng cho lễ hội.


Sau khi chiêm ngưỡng cánh đồng hoa tulip, du khách có dịp đi xem cách gieo hạt trồng hoa tulip và chăm sóc trong các láng trại gần kề. Quả là một cách làm du lịch gắn kết tình yêu thiên nhiên của con người khi bạn chứng kiến sự nhọc công tái tạo nét đẹp từ những người vun trồng.


Lễ hội hoa luôn đón du khách đủ mọi thành phần. Từ người địa phương đến du khách quốc tế, từ các gia đình có trẻ em đến các nhóm sinh viên học sinh đi tham quan và học tập dã ngoại tại đây.


Mọi người chiêm ngưỡng nét đẹp mà thiên nhiên ban tặng và cảm nhận về một hình thức văn hóa cư xử nâng niu cái đẹp ấy.

Nganmt - theo Mỹ thuật& Đời sống (24h) 

Link tham khảo:



PHILLIP ISLAND - VICTORIA

Khám phá vẻ đẹp đảo Phillip nước Úc

Đảo Phillip thuộc bang Victoria của nước Úc, nơi đây có không khí thanh bình và cảnh đẹp thiên nhiên hoang dã sẽ mang lại cho du khách những trải nghiệm thật tuyệt vời.



Ngôi nhà chung của những loài động vật hoang dã…

Đảo Phillip là một trong bốn địa điểm gần Nam cực nhất và cách thành phố Melbourne 160km, được mệnh danh là xứ sở của loài chim cánh cụt Penguin Parade ngộ nghĩnh.

Buổi chiều tối xem Penguin về tổ ở Penguin Parade
Khi đến đây du khách sẽ tận mắt chứng kiến cuộc diễu hành ấn tượng của loài chim cánh cụt Penguin Parade bé nhỏ và dễ thương trên bãi biển Summerland. Thời điểm tuyệt vời nhất để ngắm nhìn loài chim đặc biệt này là lúc hoàng hôn buông xuống, khi những con chim cánh cụt trở về tổ ấm sau một ngày miệt mài kiếm ăn ngoài khơi xa. Chúng thường đứng chờ nhau trên bãi biển, cho đến khi đông đủ thì con đầu đàn mới bắt đầu cất bước và cả đoàn lũ lượt theo sau trông như một binh đoàn chỉnh tề và kỷ luật.


Trên đảo còn có công viên Philip Island Wildlife Park, nơi du khách có thể quan sát và chơi đùa với nhiều loại động vật đặc trưng của nước Úc. Điểm nổi trội nhất của đảo Phillip đó là các khu bảo tồn sinh thái, ngôi nhà chung của vô số các loại động vật hoang dã nhưng rất đáng yêu và thân thiện như: gấu túi, chim nước, kanguru, chim cánh cụt… Bạn có thể đến gần và quan sát tất cả các động vật này, tận tay đút thức ăn cho các chú chuột túi, cũng như nhìn ngắm những chú chim cánh cụt lạch bạch đùa giỡn cùng nhau bên bờ biển. Chắc chắn đây sẽ là những trải nghiệm thú vị và đáng nhớ nhất trong cuộc đời của bạn.

Phong cảnh đẹp của Cape Woolamai - Phillip Island
Phong cảnh thiên nhiên hữu tình

Bên cạnh đó, đảo Phillip còn là một trong các điểm tham quan rất thu hút du khách ở Úc, trong đó không chỉ có khách du lịch nước ngoài mà còn có cả người dân Úc từ khắp mọi miền đất nước, hàng năm đều chọn một chuyến đi đến thăm đảo. Du khách đến đây vừa có cơ hội đi dạo và thưởng ngoạn phong cảnh tuyệt đẹp của những bãi biển dài xanh ngát như: Cape Woolamai và Summerland; cùng tắm biển, tắm nắng, nghỉ ngơi hoặc tham gia các môn thể thao trên biển như: bơi lội, lướt sóng, câu cá… được tổ chức mỗi ngày.

Phong cảnh của Summerlands, Phillip Island
Ngoài ra, nếu đặt chân đến đảo nhân dịp diễn ra cuộc đua xe máy Grand Prix công thức một của Úc, bạn sẽ được chứng kiến những màn đua xe hoành tráng và bốc lửa chỉ có trên phim.

Phillip Island Grand Prix Circuit
Có thể nói nếu đã có dịp đặt chân đến nước Úc mà chưa ghé đến đảo Phillip sẽ là một sự tiếc nuối rất lớn. Bởi phong cảnh thiên nhiên hữu tình và hoang dã, chắc chắn sẽ mang lại cho du khách những khoảnh khắc thật đáng giá.

(Sưu tầm trên mạng)


CHƯA LÀ MÙA THU



CHƯA LÀ MÙA THU 
thơ Từ Nguyễn

Chưa phải là mùa thu đâu anh
Dẫu bầu trời đã bềnh bồng màu mây trắng
Đôi khi giữa từng ngày đầy nắng
Lại chen vào mấy buổi chiều mưa!

Chưa phải thu về đâu anh
Lá có vàng cũng vẫn còn thưa thớt
Chỉ như mùa thu rớt
Tình cờ một thoáng, rồi phai...

Có những đêm, cánh cửa sổ quên cài
Gió ghé qua hiên, lùa vào, lật bật
Chút xao xác chợt xới lên rồi vụt mất
Còn đó hạ oi nồng cho đến tận sáng mai!

Chưa phải là thu phải không anh?
Khi chim Quyên còn gọi hè khắc khoải
Nếu đã vào thu, lá trên cành cũng mỏi
Run lòng rụng suốt đêm thâu!

Rồi thu sẽ sớm về thôi
Mặc anh và em có chờ hay chẳng đợi
Một mùa thu rất mới
Ôm trong lòng ngàn triệu hạt mưa Ngâu...

TỪ NGUYỄN


Sơ lược tiểu sử tác giả:

Từ Nguyễn tên thật là Nguyễn Thị Nguyệt, sinh ngày 11-3 ở Huế, hội viên Hội Nhà văn Thừa Thiên Huế. 

Thursday, September 28, 2017

GEN VIP

Sau khi một mệnh phụ phu nhân gần gũi chồng là quan đầu tỉnh, xảy ra cuộc đua tranh quyết liệt của lũ tinh trùng lao tới vây quanh cái trứng đang nằm chờ trong bụng bà mệnh phụ.


Một con đầu to xô văng tất cả, gào lên:
- Tránh ra, chỉ có ta xứng đáng gặp nàng! Chọn ta nhé!
Một con đuôi dài hổn hển theo sát:
- Đừng có mơ, ta mới đủ tiêu chuẩn giúp nàng thụ thai! Chọn ta mới đúng!
Thế là cả lũ chen lấn dẫm đạp, đấm đá nhau túi bụi. Cái trứng ngao ngán tự nhủ “Toàn một lũ trẻ trâu!”, rồi cất tiếng:
- Thưa các chàng tinh trùng. Các chàng đông như quân nguyên, mà em chỉ có một, nên các chàng làm khó em rồi! Các chàng cũng biết, sau khi em chọn được người phối ngẫu thì chúng ta sẽ giao hòa rồi từ đó tượng hình thai nhi. Do thai nhi này đã được quy hoạch một chức quan khá lớn cho tỉnh nhà nên đâu phải em muốn chọn ai cũng được, mong các chàng trật tự cho em chọn lựa...
Nghe thế, cả đám tinh trùng cùng gật gù:
- Phải phải, làm thế là... đúng quy trình!
Dù cả lũ tinh trùng đã cố xếp thành hàng, cái trứng nhìn trước ngó sau mãi vẫn chưa vừa ý ai. Chợt thấy có một chú tinh trùng không lẫn trong đám đông láo nháo mà cứ tà tà quẫy đuôi bơi tới bơi lui ở vòng ngoài, trứng bật hỏi:
- Này chàng kia, sao không xáp vào đây cho em chọn lựa?


Con tinh trùng nọ ung dung trả lời:
- Ta không thấy vui nếu được chọn làm lãnh đạo!
Cái trứng hớn hở reo lên:
- Đúng gien VIP mới phát biểu được như thế! Nào chàng ơi, lại đây với thiếp!
Người già chuyện
Theo: Người Đô Thị Online