Sunday, September 24, 2017

HETTY GREEN, PHÙ THỦY PHỐ WALL

Chuyện về Hetty Green, Người Phụ Nữ Giàu Có Mà Keo Kiệt Nhất Nước Hoa Kỳ


Hetty Green là nhân vật nổi tiếng đến độ hình tượng, cuộc đời, cách sống và làm việc của Bà không chỉ được bàn luận trên nhiều trang báo, tạp chí thế giới, websites như trên Forbes.com, Wikipedia, mà đã được đưa vào làm tài liệu, bài đọc hiểu, đề tài thảo luận, trong nhiều quyển sách Tiếng Anh kể cả sách giáo khoa như Life Line…. Nhiều năm về trước, khi các em học sinh, sinh viên đọc bài này bắng Tiếng Anh dưới tựa đề : THE WITCH OF WALL STREET, các em đã cười rất nhiều nhưng khi thảo luận cũng bày tỏ sự không đồng tình thêm chút xót xa cho cách sống quá tằn tiện thành ra bủn xỉn và mất cả yêu thương của người phụ nữ giàu có mà đáng thương này. Thử tưởng tượng bà giàu có đến vậy nhưng ít khi giặt chiếc váy đen, mà khi giặt bà chỉ giặt chỗ gấu váy bị bẩn vì chạm đất, hay khi con trai Ned bị thương gãy chân, bà không muốn chi trả tiền trị thương cho con mà chỉ muốn cậu được điều trị miễn phí như người nghèo. Kết quả sau một thời gian, Ned bị cưa chân…

Công thức làm giàu của bà đơn giản như sau: “All you have to do is buy cheap and sell dear, act with thrift and shrewdness and be persistent.”

“ Tất cả những gì bạn phải làm là mua rẻ bán đắt, sống tiết kiệm khôn ngoan và kiên trì quyết tâm.”

Hetty Green được nhắc đến với cái tên PHÙ THỦY PHỐ WALL .

Chúng ta cùng đọc câu chuyện Tiếng Việt về NỮ PHÙ THỦY PHỐ WALL

Lối sống keo kiệt của“người phụ nữ giàu nhất thế giới


Người phụ nữ yêu tiền và kiếm tiền giỏi nhất nước Mỹ, là người phụ nữ duy nhất trong 200 năm đầu tiên của lịch sử nước Mỹ thành đạt trên phố Wall.

Đó là Hetty Green – người có ảnh hưởng rất lớn đến nền tài chính Mỹ thời cuối thế kỷ XVIII – đầu thế kỷ XIX.Sở hữu một gia tài kếch xù thường được nhắc đến với nhiều tên gọi khác nhau như “người đàn bà kiếm tiền giỏi nhất nước Mỹ”, “mụ phù thủy phố Wall” hay “người phụ nữ giàu nhất thế giới”, nhưng với những giai thoại về lối sống lập dị, keo kiệt bậc nhất, Hetty Green vẫn là một người đàn bà bí ẩn và luôn thu hút được sự chú ý.

Hetty Green, tên khai sinh là Henrietta Howland Robinson (1834 – 1916) sinh ra và lớn lên trong một gia đình thương gia giàu có ở New Bedford, Massachusetts. Lên 2 tuổi, do mẹ quanh năm ốm liệt giường nên Hetty sống cùng bố và ông nội – những nhà đầu tư lớn có tiếng là “yêu tiền” và lạnh lùng đến tàn nhẫn. Dù cực kỳ giàu có nhưng cả gia đình họ sống rất tiết kiệm và hầu như không mấy khi giao du với hàng xóm láng giềng.


“Mụ phù thủy” luôn xuất hiện trước đám đông trong bộ váy đen, áo choàng đen cáu bẩn

Họ ở trong những căn nhà tuềnh toàng, ăn những bữa ăn đạm bạc được chuẩn bị trong căn bếp tối tăm, ẩm thấp. Mùa đông, họ sưởi ấm bằng những lò sưởi đốt củi. Mùa hè đến, cả gia đình dọn tới nông trại ở vùng Round Hill tránh nóng.

Từ nhỏ, cô bé Hetty đã có năng khiếu về tính toán và có niềm đam mê nghiền ngẫm, tìm hiểu về kinh tế, tài chính và thị trường. Thường theo cha đến văn phòng làm việc và được ông nội dìu dắt nên từ năm lên 6 tuổi, Hetty đã có thể đọc và hiểu những bài báo về kinh tế, tài chính. Đến năm 8 tuổi, cô bé đã có một quyển sổ tiết kiệm đầu tiên mang tên mình.

Cũng như bao đứa trẻ khác, Hetty Green được cha đăng ký cho theo học tại những trường học nội trú dành cho nữ sinh. Tuy nhiên, với bản tính khá nhút nhát và ngại giao tiếp, cô bé không hòa hợp được với bất kỳ trường học nào bởi theo cô, đó là một nơi quá nghiêm khắc và trang trọng. Hetty đi làm việc cùng cha và dành nhiều thời gian đọc báo, nghiên cứu về chứng khoán với ông nội. Nhờ tiếp thu nhanh, năm 13 tuổi, cô bé đã phụ trách toàn bộ sổ sách kế toán trong công ty của cha.

Năm 25 tuổi, người mẹ tội nghiệp mất, Hetty theo cha đến New York. Năm 1865, cha và dì ruột của Hetty lại qua đời để lại cho cô gái trẻ một số tài khoản khổng lồ lên tới 7,5 triệu USD. Không nghĩ đến việc tiêu pha cho bản thân, ngay lập tức, Hetty đã lên kế hoạch đầu tư số tiền sẵn có vào thị trường chứng khoán phố Wall, bất động sản, các công ty xe lửa,… với tham vọng sẽ giàu và giàu có hơn nữa.

Nhờ bản tính quyết đoán, khả năng phân tích và phán đoán thiên tài, Green đã chứng minh được rằng những định kiến cho rằng phụ nữ không có khả năng tính toán là hoàn toàn sai lầm khi bà đã không ngừng làm tăng số tài sản của mình lên thông qua những cuộc đầu tư cẩn thận.

Với tư duy “đi ngược với đám đông”, Green thường không mấy để tâm đến những thương vụ hứa hẹn có khả năng thu hồi vốn nhanh chóng vốn là những miếng mồi ngon khiến các nhà đầu tư lao vào giành giật nhau, thay vào đó, bà nghiên cứu, suy đoán rồi đầu tư vào những nơi không ai ngờ tới và chỉ việc chờ đợi cho đến khi thu được kết quả mĩ mãn.

Với phương châm “mua rẻ, bán đắt”, Hetty đã nhanh chóng thành công trên cả thị trường chứng khoán, bất động sản, kinh doanh và trái phiếu. Bà từng chia sẻ kinh nghiệm làm giàu: “Tôi mua vào khi mọi thứ còn rẻ và không ai muốn mua rồi chờ cho đến khi thị trường hồi phục, mọi thứ tăng giá thì tôi lại bán ra khi ai cũng muốn mua chúng”. Nghe có vẻ rất đơn giản nhưng không phải ai cũng có đủ kiên nhẫn và dũng cảm để làm được điều này và đặc biệt là chẳng ai có đủ tài tiên đoán khi nào nên mua vào và khi nào nên bán ra như Hetty Green.


Hình ảnh Phố Wall, nước Mỹ những năm cuối thế kỷ XVIII đầu thế kỷ XIX
Đầu những năm 1900, khi nền kinh tế Mỹ rơi vào tình trạng cực kỳ khó khăn. Khi đó, thu nhập trung bình của các hộ gia đình chỉ ở mức 500 USD/năm nhưng tiền vẫn đều đều chui vào túi của Hetty, bà kiếm được khoảng 7 triệu USD mỗi năm nhờ những kế hoạch đầu tư thông minh và chắc chắn. Thành công của Hetty lớn đến nỗi năm 1907, bà là người phụ nữ duy nhất được J.P. Morgan, đại diện của Công ty tài chính lớn nhất tại New York thời bấy giờ là J. Pierpont Morgan mời đến tham dự cuộc họp tìm kiếm giải pháp để thoát khỏi tình hình hỗn loạn đe dọa thị trường tài chính và toàn bộ nền kinh tế nước Mỹ.

Tính đến thời điểm năm 1916, bà đã sở hữu số tài sản lên tới hơn 100 triệu USD và 6.000 điểm bất động sản rải rác khắp 48 bang trên toàn nước Mỹ. Tháng 7/1916, Hetty Green qua đời tại nhà riêng của con trai sau một cơn đột quỵ và được chôn cất trong khu nghĩa trang nhà chồng ở Bellows Falls.

Bà để lại toàn bộ tài sản cho cậu quý tử. Cậu này sau đó đã chuyển tới Texas, trở thành ông chủ của những chiếc thuyền buồm lớn, những căn nhà sang trọng, nhiều công ty đường sắt và tận hưởng cuộc sống quý tộc xa hoa bậc nhất. Nhiều năm sau khi ông qua đời, tổng số tài sản 125 triệu USD được trao lại cho cô em gái và cuối cùng bà này lại chia cho những người họ hàng gần xa, cho bạn bè và quyên góp từ thiện.

Người phụ nữ ít hạnh phúc nhất thế giới

Là người phụ nữ đam mê kiếm tiền và kiếm được nhiều tiền nhưng với lối sống lập dị và tiết kiệm đến mức bần tiện, cuộc sống cá nhân của Hetty không được viên mãn. Bà từng được ghi danh vào sách kỷ lục Guinness với danh hiệu “người phụ nữ giàu có nhất và bủn xỉn nhất thế giới” và được tạp chí Broadway Magazine của Anh bầu chọn là “người phụ nữ ít hạnh phúc nhất”.


Nữ Phù thủy phố Wall
Thật vậy, lớn lên trong một gia đình chỉ biết… đếm tiền, Hetty không được sống tự do như các bạn cùng trang lứa khác. Dù nhà giàu nhưng hầu như cô bé không được đến các khu vui chơi, không được ăn những món ăn mình yêu thích, không mặc đẹp, không kết bạn, không mua sắm,… Tất cả mọi hoạt động của cô đều diễn ra xung quanh căn nhà tồi tàn với những bộ mặt đăm đăm ít nói và vô cùng nghiêm khắc. Họ luôn thảo luận với nhau về một vấn đề duy nhất đó là “làm thế nào để kiếm được nhiều tiền”.

Lớn lên một chút, khi chưa được tận hưởng những tháng ngày tuổi thơ đúng nghĩa, Green lao vào kiếm tiền như con thiêu thân. Năm 1867, Hetty gặp Edward Henry Green, một triệu phú vùng Bellows Falls, Vermont hơn bà 14 tuổi và kiếm bộn tiền nhờ buôn bán lụa, thuốc lá và chè. Không lâu sau khi kết hôn, bà theo chồng đến London nhưng lại quay về Mỹ vài năm sau đó.

Trái với Hetty luôn ẩn dật, tằn tiện và sống cuộc sống của một phụ nữ nghèo khổ thì Edward lại là một người đàn ông dễ gần và biết cách tiêu tiền để tận hưởng cuộc sống. Điểm chung duy nhất đã đưa họ đến với nhau là cả hai đều rất thích tiền. Sau sáu tháng gặp gỡ, hai người kết hôn và lần lượt cho ra đời hai người con, một trai và một gái.

Khi đã trở thành vợ chồng, ông Green đề nghị vợ cùng mình góp tiền đầu tư vào phố Wall nhưng không được chấp thuận. Bà Green buộc chồng phải ký vào giấy thỏa thuận kiểu “tiền ai nấy giữ”. Dù giàu có như vậy nhưng có lẽ do ảnh hưởng từ lối sống quá tiết kiệm của gia đình ngay từ khi còn rất nhỏ nên Hetty Green tuy biết kiếm tiền nhưng lại không muốn tiêu tiền.

Người ta vẫn thường nhắc tới bà với những giai thoại kể về lối sống quá keo kiệt đến mức khổ sở như chuyện bà thức trắng đêm để tìm một chiếc tem trị giá 2 xu, chuyện bà chỉ dám chi 15 xu cho một bữa ăn chính, uống sữa lạnh để tiết kiệm khí đốt và mặc những bộ đồ đen cáu bẩn cực lỗi mốt rất ít khi được giặt là,… Thậm chí, tại đám tang mẹ chồng, Green vẫn xuất hiện trong bộ quần áo rẻ tiền, bẩn thỉu và đeo cặp kính đen mẻ. Việc này đã làm cho ông chồng rất giận dữ.

Nhưng nào đã nhằm nhò gì. Việc làm gây tai tiếng và phẫn nộ nhất của Hetty là bà không bao giờ chi bất cứ khoản tiền nào cho việc chăm sóc sức khỏe, bởi vậy, bi kịch đã xảy ra. Trong một chuyến trượt tuyết, cậu con trai của bà bị ngã trật chân. Thay vì đưa con đến bệnh viện thì Hetty lại để cậu bé ở nhà, tự băng bó và điều trị theo cách riêng của mình. Một thời gian sau, nhận thấy vết thương ở chân con không những không lành lại mà còn nặng thêm, bà mới chịu đưa con đến các trung tâm y tế từ thiện để chữa trị miễn phí.

Sau khi chẩn đoán, các bác sĩ cho biết cậu bé cần được chăm sóc đặc biệt và sử dụng những dịch vụ tốt nhất, tất nhiên điều này đồng nghĩa với việc bà Green phải chi tiền. Và người mẹ lạnh lùng này đã không chấp nhận điều đó cho đến khi chồng bà biết chuyện và đồng ý trả tiền viện phí, nhưng mọi thứ đã quá muộn. Chân của cậu bé đã bị hoại tử và phải cắt bỏ.

Do lối sống khác nhau quá xa nên vợ chồng họ cứ thế xa nhau dần. Giọt nước tràn ly khi vào đầu những năm 1870, do làm ăn không suy tính cẩn thận nên ông Green mất hết tài sản, thậm chí còn để lại một khoản nợ khổng lồ và bà Green buộc phải chi trả. Hoàn thành khoản nợ, hai vợ chồng họ chính thức ly thân.



Rời bỏ chồng, người phụ nữ giàu nhất nước Mỹ sống cùng cô con gái và còn kiếm được nhiều tiền hơn. Tuy vậy, hai mẹ con họ vẫn sống rất căn cơ và dè chừng với tất cả mọi người. Họ ẩn dật nay đây mai đó, thay đổi nhà liên tục, không giao lưu, tiếp xúc với bất cứ ai vì bà luôn tâm niệm rằng tất cả những người muốn tiến lại gần bà đều vì tiền. Hetty luôn tìm đến các siêu thị tìm mua những hộp bánh quy vỡ vụn giảm giá, chỉ chi tiêu khoảng 5 USD/tuần, đi lại bằng các loại phương tiện công cộng,…

Đến đầu những năm 1900, do biến chứng của bệnh khớp, ông Edward ốm liệt giường. Biết được tin này, bà Green đã từ bỏ mọi việc, chuyển về ở cùng chồng và chăm sóc ông như một cô y tá thực thụ cho đến ngày ông qua đời. Sau này, bà được chôn bên cạnh mộ chồng, trên bia mộ có khắc dòng chữ: “Hetty H. R. Green. Vợ của Edward”.

Theo: Nhật Anh (Nguoiduatin)



No comments: