Thursday, September 21, 2017

MINH NGUYỆT SƠN ĐẦU KHIẾU

GIAI THOẠI VĂN HỌC:


Vương An Thạch (王安石 18/12/1021 – 21/5/1086), tự Giới Phủ (介甫), hiệu Bán Sơn Lão Nhân (半山老人 ), người ở Phủ Châu – Lâm Xuyên (nay là huyện Đông Hương, tỉnh Giang Tây), là một nhà văn nổi tiếng thời Bắc Tống và cũng là nhà kinh tế, chính trị lỗi lạc trong lịch sử Trung Quốc.
Tô Thức (苏轼, 8/1/1037–24/8/1101), tự Tử Chiêm, hiệu Đông Pha cư sĩ nên còn gọi là Tô Đông Pha, là nhà văn, nhà thơ nổi tiếng Trung Quốc thời Tống. Ông được mệnh danh là một trong Bát đại gia Đường Tống.
Giữa Vương An Thạch và Tô Thức có một giai thoại lý thú. Tô Thức đọc thơ của Vương An Thạch, thấy có hai câu:

Minh nguyệt sơn đầu khiếu (明月山頭叫)
Hoàng khuyển ngọa hoa tâm (黃犬臥花心)
Đông Pha chê là vô lý: trăng sáng sao lại hót ở đầu núi, chó vàng sao lại nằm trong lòng hoa được? Do nghĩ như vậy nên Đông Pha lấy bút sửa chữ khiếu ra chữ chiếu (照 ) , sửa chữ tâm thành chữ âm (陰), thành ra:

Minh nguyệt sơn đầu chiếu (Trăng sáng soi đầu núi)
Hoàng khuyển ngọa hoa âm (Chó vàng nằm dưới hoa)


Tô Đông Pha cả gan tự ý sửa đổi thơ của Thừa Tướng - quan nhất phẩm. Sau đó, Tô Đông Pha bị đổi tới một nơi ở phía nam. Ở đây, Đông Pha thấy một loài chim tên là Minh nguyệt, và một loài sâu tên là Hoàng khuyển. Lúc đó, Đông Pha nhớ lại hai câu thơ của Vương An Thạch, có nghĩa là:

Con chim Minh nguyệt hót ở đầu núi
Con sâu Hoàng khuyển nằm giữa đóa hoa
Lúc ấy mới biết kiến thức của mình còn kém họ Vương nhiều.
Bởi thế, ngôn ngữ luôn đi đôi với văn hóa địa phương, nếu không biết kết hợp chặt chẽ hai mặt này thì việc dạy và học ngôn ngữ sẽ trở nên khô khan và đôi khi bị sai lầm thiếu sót. Đó là điều không tránh được.
(Sưu tầm trên mạng)

No comments: