Thursday, May 31, 2018

NHẬT KÝ "ĐI VỀ TÀU" - NGÀY 7 (TÔ CHÂU - THƯỢNG HẢI)

"Nắng Sài Gòn em đi mà chợt mát
Bởi vì em mặc áo lụa Hà Đông"
(thơ Nguyên Sa)


Lụa Hà Đông như thế nào thì tôi chưa được biết nhưng khi thấy lụa Tô Châu thì quả thật là đẹp choáng ngời. Tôi tìm được trên mạng ít hàng nói về lụa Tô Châu:

Nghề nuôi tằm để lấy tơ dệt lụa đã có ở Trung Hoa đã có cách đây 3000 năm trước Công Nguyên. Ðến đời Ðường và Tống (618-1279), lụa được xem như đơn vị tiền tệ để bán buôn trao đổi giữa các nước. Đồng thời đây cũng là món hàng quý để các nước chư hầu triều cống cho những nước lớn.

Sự phát triển lụa mãi cho đến đời vua Vạn Lịch (Wanli) nhà Minh (1573-1620), vùng ngoại ô Tô Châu toàn là ruộng dâu, trồng để lấy lá nuôi tằm. Lụa Tô Châu đẹp bền lại mềm mát và mịn. Chính vì đặc trưng này, người La Mã Ai Cập Ba Tư Ấn Ðộ biết tiếng và họ đã sang mua. Con Ðường Tơ Lụa (Silk Road) bắt đầu hình thành từ những điều này ở thế kỷ thứ 3 sau Công Nguyên, rất nhộn nhịp những thương buôn.




Lụa Tô Châu mang tính chất mềm mại, mát mẽ (ngay cả ngày hè oi bức), góp phần tôn thêm cho vẻ đẹp quý phái của nữ tính. Đấy là những đặc điểm riêng chỉ có ở lụa Tô Châu, tạo nên nét đặc trưng riêng và quyến rũ đối với khách thương từ các nước trên khắp dọc con đường tơ lụa đi qua. Hiện có tới 179 nhà máy tơ lụa đang hoạt động trong đó ở nhà máy tơ lụa số 1 có bảo tàng về nghề tơ lụa với lịch sử hơn 5000 năm. Các nhà máy tơ lụa bán rất nhiều sản phẩm tơ lụa đẹp và bền như chăn tơ tằm áo tơ tằm lụa tơ tằm mỏng mảnh và sang trọng.




TÔ CHÂU (蘇州) - THƯỢNG HẢI (上海)

Sáng sớm hôm nay chúng tôi được đưa đến một trung tâm buôn bán tơ lụa nổi tiếng nhất Tô Châu, vào cửa là choáng ngợp với cái long bào của nhà vua làm vật "trấn tiệm chi bửu" mà cô hướng dẫn nói là vô giá và không bao giờ bán. Chúng tôi được giới thiệu các công đoạn lấy tơ, se chỉ, rồi chùng nhau kéo cái kén ra và không biết bao nhiêu cái kén mới bệt thành một tấm mền, tơ dệt thành lụa.


Công ty không giới thiệu về vãi lụa mà muốn chúng tôi mua mền, mua ga giường, áo gối trong những package rất mắc tiền. Đẹp thì có đẹp, mát thì có mát, nhẹ thì có nhẹ nhưng giá cả thì nặng quá, mắc quá. Lại kỳ kèo trả giá rồi cũng có người mua. Xong xuôi chưa hết chúng tôi lại qua trung tâm bán lẻ áo quần, khăn, vớ, đồ lót...toàn bằng lụa làm "hầu bao" lại chảy máu. Gần như trong đây là một trung tâm mua sắm và ăn uống. Sau tất cả chúng tôi qua nhà hàng bên cạnh ăn trưa lúc mới 11 giờ. Sau đó ra xe mà trong lòng vừa không biết phải hay không khi những người bán hàng rong chào mời chúng tôi mua khăn, bên trong mấy trăm tệ một cái, cón bán rong 100 tệ 10 cái. Cô bạn đi chung nói chơi 100 tệ 20 cái? Ngần ngừ đôi chút anh bán rong gật đầu. Lụa thật giả không biết nhưng nhìn vào cũng đẹp, đóng bao bì y như trong tiệm.



Chúng tôi lại được đưa vào một trung tâm bán ngọc nữa nhung lần này người dẫn đoàn nói tùy ý vì đây là cửa hàng tư nhân có đóng góp cho công ty của cô nhưng không áp lực bằng những cửa hàng quốc doanh nên thích thì mua, không thích thì thôi.

Vào bên trong cũng trang trí rất sang trọng, dường như có nội ứng nên cửa tiệm cho một cô chào hàng biết nói tiếng Việt Nam, tự giới thiệu cô tên Mỹ người Hoa nhưng có học tiếng Việt và phát âm rặc giọng miền Bắc. Một hồi cô nói có người chủ cửa hàng nghe nói chúng tôi gốc Việt nên muốn đến chào làm bạn. Anh chàng ra sổ tiếng Việt y như người Việt, nói là gốc Hải Phòng qua Hong Kong tị nạn, làm cu li trong xưởng cắt ngọc, sau đó qua Miến Điện làm, dành dụm rồi phát triển từ, anh ta cho chúng tôi vào phòng riêng xem những món mà anh sẽ mang sang triển lãm ở Đài Loan trong một hội nghị quốc tế. Anh ta vừa nói tiếng Việt, vừa nói tiếng Quảng nên ai cũng thích. anh kêu các cô người làm đem tặng cho mỗi người một mặt dây chuyền cẩm thạch mà anh ta nói là loại A (?). Rồi đặc biệt giảm giá các mặt hàng bán cho đồng hương. Lại bị dụ và tuôn thêm một mớ máu "hầu bao".


Trời Tô Châu hôm nay sáng sớm đã 26 độ, bây giờ là 36 độ nóng, từ trong công ty này bước ra chổ để xe mà ai cũng mồ hôi ra như tắm. Lên xe về lại Thượng Hải. Mấy ngày nay một vòng Giang Nam mà nhiệt độ chẳng có ngày nào dưới 26 độ.

Vào đến Thượng Hải chặn đầu tiên là vào một công ty dược phẩm trị theo lối Tây Tạng ngâm và xoa bóp chân tại Trung Sơn Dưỡng Sinh Đường do các em thực tập sinh đến làm. Thấy chân tôi xưng to quá một em đề nghị mời thầy đến khám nhưng tôi từ chối nói là có bác sĩ gia đình ở Úc khám và tôi chỉ theo Tây y. Tôi mua giúp em mấy hộp thuốc dán vì đã dùng qua rất tốt và tip cho em 50 tệ.




Chiều đến chúng tôi ra "the bund" tức bãi Thượng Hải, một nơi nổi tiếng trong phim tập Hong Kong, khi đi ngang qua Peace Hotel (tôi đã ở đây 3 ngày trong tour Thượng Hải đầu tiên mấy mươi năm trước) cô dẫn đoàn nói đây là nơi mà Hứa Văn Cường bị bắn chết trong phim "Máu nhuộm bãi Thượng Hải". Xe đến công viên Hoàng Phố (Huangpu Park) nơi mà trong phim Hoắc Nguyên Giáp, một tấm bảng treo trước công viên ghi "nơi đây cấm người Tàu và chó". Chúng tôi ăn tối ở nhà hàng trong công viên này mà người dẫn đoàn nói rất đắt đỏ khi vào đây.





Đêm nay là một đêm đặc biệt, đêm cuối cùng ở Thượng Hải, đêm kết thúc chuyến du lịch "Cảnh đẹp Giang Nam", chúng tôi được một chuyến thuyền du trên sông Hoàng Phố (Huangpu river 黃浦河).





Phải nói là quá đẹp, cảnh sắc rực rỡ của những ánh đèn màu nhấp nháy theo kỹ thuật 3D, không khí mát hơn một chút nếu ra boong tàu (bên trong tàu có máy lạnh và bar nước & rượu). 45 phút trôi qua thật nhanh, tàu từ từ về bến. Trong các chuyến thuyền du về đêm mà tôi có dịp dạo qua như ở Quảng Châu, Hong Kong thì bến Thượng Hải làm tôi có ấn tượng nhất.




Lên xe về đến khách sạn, mang hành lý lên đến phòng thì cũng gần 12 giở rồi, mệt lã người. Mai không cần thức sớm.

LKH
(còn tiếp - ngày 8)

ÔN CỐ TRI TÂN


“Ôn cố tri tân”: Người Nhật khéo léo vận dụng trí huệ cổ điển Trung Hoa

Rất nhiều người Nhật khi nhìn vào thành ngữ “ôn cố tri tân” có vẻ rất ngạc nhiên: đây chẳng phải thành ngữ Trung Hoa sao? Đúng vậy, có rất nhiều thành ngữ của Nhật đều có nguồn gốc từ Trung Hoa. Vậy rốt cuộc người Nhật lý giải hàm nghĩa của thành ngữ “ôn cố tri tân” và vận dụng nó như thế nào?

Xuất xứ và lý giải giống nhau

Xét về nguồn gốc, người Nhật cũng biết đến thành ngữ này từ cuốn sách “Luận Ngữ” của Khổng Tử. Có một câu trong thiên “Vi Chính” là: “Ôn cố nhi tri tân, khả dĩ vi sư hĩ”(Xem xét việc xưa mà biết việc nay, thì có thể làm thầy vậy). Câu này chính là bắt nguồn của thành ngữ “Ôn cố tri tân”.

Rất nhiều người có thể lý giải đại khái trên bề mặt chữ nghĩa, “ôn cố tri tân” chẳng phải là thường xuyên ôn lại những kiến thức cũ, từ đó đắc được những tri thức và thể hội mới hay sao. Nhưng nếu không thực sự xuất phát từ thực tiễn, thì sẽ không thể nào thực sự hiểu được “ôn cố tri tân”, cũng như niềm vui của việc lĩnh hội được những tri thức cổ uyên thâm này. Khổng Tử rốt cuộc vì sao lại xem trọng “ôn cố tri tân”, thậm chí còn nhấn mạnh điều đó, cho rằng biết “ôn cố tri tân” thì có thể làm bậc thầy trong thiên hạ?
Lý giải của người Nhật Bản


Người Nhật Bản qua nghiên cứu đã minh xác rằng, học vấn mà Khổng Tử dạy chính là học vấn đối nhân xử thế, học vấn làm người. Học điều thiện của người khác mà hành theo, học cách người khác nhìn nhận vấn đề, làm thế nào để suy nghĩ và giải quyết vấn đề một cách chính diện. Không biết thì hỏi, suy nghĩ rõ ràng xem tại sao phải làm người như vậy hay giải quyết việc như vậy mới là đúng, chính là nắm được và đắc được tri thức. Vậy đắc được những điều này rồi có tác dụng gì? Chính là kim chỉ nam cho cuộc sống cũng như công tác của bản thân khi gặp các vấn đề nan giải.

Nếu như là một người mẹ, bạn sẽ biết được cách dùng nhân đức để dạy dỗ con trẻ. Nếu bạn là một bậc quân vương quân chủ, bạn có thể làm được yêu dân như con, dùng lễ nghĩa đối đãi với người dưới, chiêu mộ nhân tài, xử lý chính sự, trị lý quốc gia. Cho dù có sự bất đồng về thân phận hay hoàn cảnh, địa vị, vai trò mình nắm giữ đều có thể học được trí huệ trong đó mà vận dụng, đều có thể giải quyết vấn đề.

Giữa con người với nhau, cho dù là sinh ra trong thời đại nào, sự việc cụ thể khác nhau bao nhiêu, nhưng những nguyên nhân và cách giải quyết mâu thuẫn phát sinh thường có sự tương thông với nhau. Do đó, Khổng Tử ngay từ phần đầu “Vi Chính” phức tạp nhất đã nêu ra đạo lý này, còn nhấn mạnh “ôn cố tri tân”, quan sát những bài học giáo huấn và trí huệ trong lịch sử nhân loại, mà có thể tìm ra những biện pháp và suy nghĩ giải quyết vấn đề. Nếu như có thể lấy những điều uyên bác đó vận dụng vào chỉ đạo những sự việc ngày hôm nay, đồng thời giúp đỡ khai mở con đường đi cho mọi người, vậy chẳng phải chính là trở thành bậc thầy hay sao.

“Cha đẻ của chủ nghĩa tư bản Nhật Bản” và Tể tướng triều Tống

Người Nhật rất biết cách vận dụng những trí huệ cổ điển Trung Hoa vào trị lý quốc gia, chỉ đạo nhân sinh hay là việc kinh doanh công ty. Chẳng hạn như “cha đẻ của chủ nghĩa tư bản Nhật Bản”, ông Shibusawa Eiichi, người đặt định cho mô hình kinh tế tư bản hàng trăm năm qua của Nhật Bản, đã từng đọc qua Tứ Thư, Ngũ Kinh, và lấy “Luận Ngữ” của Khổng Tử làm tư tưởng chỉ đạo kinh doanh cho bản thân. Ông là người khai quốc công thần trong lĩnh vực kinh doanh trong thời Minh Trị và Đại Chính, đã thành lập nên hơn 500 công ty trong các lĩnh vực khác nhau, bao gồm tài chính, sản xuất giấy và dịch vụ vận chuyển….


Năm 88 tuổi, ông viết quyển sách nổi tiếng của mình, “Luận ngữ và Bàn tính”(Analects and the Abacus), đặt định những luân lý đạo đức chỉ đạo cho mô hình kinh tế tư bản của Nhật Bản. Ông đã lấy tiêu chuẩn làm người và kinh doanh kết hợp hoàn mỹ với nhau, học từ tư tưởng Khổng Tử để tìm ra cách đối đãi chính xác với kiếm tiền. Do đó các công ty của Nhật Bản hàng trăm năm qua, cho dù là Mitsubishi, Panasonic hay những tên tuổi khác, đều đưa những giá trị quan như luân lý, thành tính và trung nghĩa dung nhập vào lý niệm của doanh nghiệp, đều đề cao việc cống hiến cho xã hội, tin rằng hoạt động kinh doanh kiếm tiền của họ chính là để dân giàu nước giàu. Chính vì vậy ông được coi là “cha đẻ của chủ nghĩa tư bản Nhật Bản”.

Vào triều Tống Trung Hoa xưa có vị tể tướng tên là Triệu Phủ cũng đã lấy “Luận Ngữ” làm chỉ đạo cho việc đàm luận các vấn đề quốc gia đại sự suốt 20 năm. Hai người này, tuy quốc gia bất đồng, thời đại cũng bất đồng nhưng đều lĩnh hội chân chính giáo đạo của Khổng Tử, đều có thể học được và vận dụng được những đạo lý để truyền cho người khác.

Vận dụng tư tưởng trung dung, vận dụng các bài học giáo huấn lịch sử, vận dụng kinh nghiệm của những người đi trước để chỉ đạo bản thân, đều là thể hiện của “ôn cố tri tân”. Đọc hiểu được những tri thức cổ xưa, không chỉ có thể chỉ đạo người khác, mà còn có thể chỉ đạo chính mình, trở thành người thầy của chính mình. Những lời này của Khổng Tử, kỳ thực vô cùng quan trọng, ý nghĩa vô cùng thâm sâu: Ôn cố tri tân, chính là để bác cổ thông kim, chỉ đạo nhân sinh. Đáng tiếc là ngày nay rất ít người có thể tâm đắc sâu sắc đạo lý này.

Theo Blog Lưu Như

CHIẾC GƯƠNG VÀ CỬA SỔ

Có một người Phú ông tên là Hạo Tường luôn cảm thấy trong cuộc sống của mình thiếu thốn một cái gì đó, thế nên Ông quyết định lên đường tìm Thiền sư để tham hỏi.


Khi gặp Thiền sư : "Thưa Ngài ! Tôi có rất nhiều tiền, muốn thứ gì thì có thứ đó nhưng lại không cảm thấy vui và hạnh phúc được".

Vị thiền sư mời Ông ta đứng trước một cửa sổ được làm bằng kính và hỏi Ông thấy được gì?

- "Dạ con thấy những đoàn người tất bật, hối hả qua lại trên những con đường, có khi là bằng phẳng, có khi gập gềnh, khúc khủy nữa".

Thiền sư chẳng nói gì và mời Ông ta đứng trước một chiến gương soi hỏi Ông thấy được gì?

- "Con thấy chính mình".

Thiền Sư ôn tồn nói : "Chiếc gương được làm bằng kính, cửa sổ cũng được làm bằng kính, nhưng cửa sổ thì trong suốt nên có thể thấy được bên ngoài, có thể nhìn được người, cảnh vật xung quanh ta nhưng chiếc gương thì phủ một lớp son phía sau hoặc một tấm gỗ nên chỉ có thể nhìn được mình mà thôi, khi trong con người mình có thể gỡ bỏ đi lớp sơn hay tấm gỗ kia thì lúc đó con sẽ nhìn thấy người khác, lúc con nhìn thấy người khác con sẽ cãm thấy hạnh phúc với những gì đang có".




Lời bạt :

Bạn là người hạnh phúc không? hay là những người luôn bận rộn với cuộc sống hiện đại này? Hoặc ta cảm nhận cuộc sống mình mỗi ngày một vui hơn? Mỗi ngày chúng ta chạy danh cầu lợi. Chúng ta đâu đó đã có một góc của sự bình yên và hạnh phúc nhưng chưa bao giờ thay đổi góc độ nhìn để dung nạp, tha thứ cho người khác. Chỉ khi nào ta hiểu được hai chữ "dừng bước". Ta đứng lại để tiếp nhận người khác đang tồn tại, họ hiện hữu trong sự tương qua của ta, ta dừng lại để nhìn, để hiểu và để thương. Khi thương được mọi người ta sẽ thương chính mình.

Huệ Thiện dịch
(Sưu tầm trên mạng)


TÔ CHÂU (蘇州)

Tô Châu – “Vùng đất thần tiên”

Tô Châu thuộc tỉnh Giang Tô, Trung Quốc cách Thượng Hải 30 phút tàu cao tốc. Là vùng đất trù phú, nên thơ. Cũng là nói sinh ra nhiều mỹ nhân trong lịch sử Trung Quốc, tương truyền rằng do được sinh ra ở vùng đất thần tiên này mới có được nhan sắc trời cho đến như vậy. Tô Châu thu hút khách du lịch bởi vẻ cổ kính, kênh rạch, những cây cầu đá và cổ trần trăm năm tuổi. Khi du khách đến với Tô Châu nhất định không nên bỏ lỡ:


Nổi tiếng với hệ thống kênh rạch chằng chịt, ngang dọc giao nhau Tô Châu được ví như Venice Trung Quốc. Ngồi thuyền trôi theo những con kênh lãng mạn thì còn gì bằng. Nước kênh có màu xạnh đục, những con kênh nhỏ được lát đá kiên cổ giúp thuyền có thể đi lại dễ dàng.


Khi đêm về, hai bên bở kênh được trang hoàng những lồng đèn sáng rực chiếu xuống mặt kênh, tạo nên một cảnh tượng đẹp như trong phim. Cuộc sống ở đây tuy đông đúc nhưng lại chẳng ồn ào.


Dọc bờ kênh sẽ có những cây cầu đá vắt ngang, cũng chẳng biết là sẽ có bao nhiêu cây cầu và cũng không thể nhớ hết được tên của những cây cầu đá ở Tô Châu. Tất nhiên là sẽ có nhiều hình dáng khác nhau cái cao cao, cái lớn, cái nhỏ, cái dốc, nhưng hầu hết đều có là dạng cây cầu vòm cong cong. Mỗi cây cầu đều chứa đựng những kỉ niệm không thể nào quên của các đôi trai gái hẹn hò mỗi khi trăng lên.


Cổ trấn ở Tô Châu cũng giống như những cổ trấn khác của Trung Quốc, nhưng du khách vẫn muốn đến Tô Châu nhất vì đây là vùng đất của những tuyệt thế giai nhân. Cuộc sống ở đây đông đúc nhưng chẳng quá ồn ào, những con đường đá mấp mô, nhỏ hẹp, ít phương tiện qua lại.


Khi đến Tô Châu, du khách sẽ nghĩ ngay tới con kênh xanh ngắt tới khu vườn cây. Là một thành phố không lớn, tuy nhiên Tô Châu có tới 9 khu vườn được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới, cần được bảo tồn.


Các lâm viên cổ sẽ khiến du khách nhận thấy cảm giác quen thuộc bởi nó đều đã được xuất hiện trong phim cổ trang Trung Quốc. Khu vườn mang vẻ giản vị, tinh tế, vừa tự nhiên mang nét đẹp độc đáo khiến du khách như sống trong chốn thần tiên ở nhân gian.

Nguồn: Viet Sun Travel


Wednesday, May 30, 2018

NHẬT KÝ "ĐI VỀ TÀU" - NGÀY 6 (NAM KINH - TÔ CHÂU)

Nếu các bạn có dịp đi thăm các viện bảo tàng Trung Quốc thường thấy các loại cổ vật làm từ ngọc thạch, người Trung Quốc rất coi trọng ngọc và là món trang sức nói lên đẳng cấp của ngày xưa. Các bạn thấy chữ "quốc" theo tiếng Hán còn một cách viết là 国 với ý nghĩa ngọc là trung tâm, là biểu tượng của đất nước. Ngọc ở Trung Quốc hiện nay rất ít, đa số ngọc có trên thị trường hiện nay đều xuất xứ từ Miến Điện và ngọc được phân thành 3 đẳng cấp A, B và C.



Loại A: Ngọc nguyên thủy, đẹp là đẹp, xấu là xấu như người con gái nõn nà chưa trang điễm.


Loại B: Ngọc có sự nhúng tay của con người để tẩy những chất dơ bên trong bẳng hóa chất làm cho sạch và trong lên như người đàn bà bắt đầu trang điễm cho đẹp.

Loại C: Ngọc được bơm tẩm màu, gia công cho đẹp như người đàn bà qua dao kéo, thêm bớt, độn hút cho đẹp lên.



NAM KINH (南京) - TÔ CHÂU (蘇州)

Sáng hôm nay chúng tôi đến tham quan một trung tâm bán ngọc mà nôm na tiếng Việt thường hay gọi là cẩm thạch, mới bước vào đại sảnh, một con tỳ hưu khổng lồ nằm ngay trên lối đi, ai cũng lại vuốt mà vuốt phải có cách nha. Xòe hay bàn tay chà sát nhau cho ấm rồi vuốt lưng bụng và đuôi rồi nắm lại đút vào túi quần để mang tài lộc cho mình vì đây là một con linh vật "ăn mà không ỉa" chỉ có vô chứ không có ra.



Cũng như bài bản củ, chúng tôi được mời vào phòng, uống nước, nghe nói về các loại ngọc, cách phân biệt lựa chọn. Ngày trước mình thích ngọc có vân xanh lục nhưng ngọc bây giờ là phải trong và mắc tiền nhất là loại ngọc trong gần như thủy tinh. Ngọc trong khi ánh sáng xuyên thầu. Anh chàng giới thiệu luôn nói "ngọc không bao giờ có giá, nó là vô giá và càng lâu càng quý" để nâng cao giá tiền. Màu sắc của ngọc có thể giả nhưng độ trong khi ánh sáng xuyên thấu thì không thể giả được, nó là đỉnh cao của giá trị và cấp bậc của ngọc.



Các bà các cô dính ở đây thật lâu, thử các vòng tay, cái mà ai cũng thích. Trong đoàn có 2 vợ chồng người bạn lần đầu đi Trung Quốc nên mê quá. Người bán hàng mời họ vào phòng vip thuyết phục và vợ chồng anh mua hơn 80 ngàn tệ những mặt dây chuyền và vòng tay. Mấy năm trước chúng tôi đã đến đây rồi, bà xã có mua chiếc vòng tay, người bán thấy cứ khen hoài và nói đó là loại A, nếu thích thì đổi chiếc khác cao cấp hơn vì thấy vợ chồng tôi không muốn mua, họ sẽ mua lại chiếc củ với giá gần 20 ngàn tệ (dụ khị đó) nhưng tôi lắc đầu. Tôi đi xuống lầu, nơi đây bày bán các mặt dây chuyền đủ loại, ngang qua một quầy nọ thấy có bán tỳ hưu, tôi lại lựa mấy con bằng ngọc đen vì tỳ hưu có 5 mầu tượng trưng cho ngũ hành, mua tỳ hưu phải xem mạng mình thích hợp hay được hành nào hổ trợ thì mua con màu đó chớ không chọn đại theo ý. Tôi chọn 1 con ngọc đen và một con ngọc mắt mèo có 2 màu vàng và đen thích hợp cho mạng kim và cần hành thủy hổ trợ. Sau đó thì cũng xong, anh bạn tôi rút tới "cháy" cái visa, ra xe anh ta đánh điện về Úc kêu thằng con bỏ thêm tiền vào.



Chúng tôi tiếp tục cuộc hành trình, bây giờ đi đến một di tích lịch sử, đó là tháp Báo Ân (報恩塔) mà ngày xưa Tôn Quyền đã xây một bảo tháp bằng lưu ly tặng cho mẹ để báo ân sinh thành. Bảo tháp đã đổ nát vì chiến tranh và thời gian bây giờ chỉ còn một nền móng củ nhưng giờ đây người ta đang xây lên một bảo tháp mới bằng thủy tinh. Công trình xây dựng tháp chưa xong nhưng chung quanh khu bảo tàng, triển lãm đã mở cửa cho du khách tham quan. Hoành tráng lắm các bạn ạ.
 


Trong đây có một khu triển lãm và bán các loại nghệ thuật tranh vẻ bên trong cái ve nhỏ, cái chai hay những quả cầu thủy tinh, một nghệ thuật được tôn vinh thành quốc bửu. Bên cạnh đó còn một khu trưng bày các vật dụng về Phật giáo và văn hóa cổ truyền. Khi bạn đi lòng vòng trong đây không cần quay lại vì ngỏ ra là chổ vào và cạnh đó là một nhà hàng rộng lớn với cả trăm bàn, nơi chúng tôi sẽ ăn trưa trước khi đi Tô Châu.



Chúng tôi nghĩ là sẽ đến Tô Châu sớm không ngờ trên đường đi có một tai nạn giao thông làm tắc nghẹn đường cao tốc, chờ thật lâu hoặc bò đi từng bước về đến Tô Châu thì cũng gần 6 giờ chiều. Xe dừng lại bên một công viên, chúng tôi đi bộ xuống bến tàu và bắt đầu chuyến thuyền du "Đại Vận Hà" (大運河), con kinh đào hàng ngàn năm tuổi. Phần cổ xưa nhất của kênh đào này có niên đại thế kỷ 5 TCN.



Trên đường về khách sạn chung tôi ghé qua kiến trúc "tổ chim". Kiến trúc này nguyên thủy được xây dựng tại Tô Châu, sau đó trong thế vận hội Bắc Kinh 2008, kiến trúc này được xây lại ở Bắc Kinh và trở thành trung tâm vận động quốc gia. Ai cũng chụp hình rồi đi ăn tối.


Về đến khách sạn cũng hơn 9 giờ tối, để hành lý xuống ai cũng đi ra phố xem còn tiệm nào mở không vì cô dẫn đoàn nói dân Tô Châu ngủ rất sớm và thức rất sớm để vận động và tập thể dục cho khỏe vì ở Trung Quốc chi phí y tế rất mắc. Quả thật hàng quán đều đóng cửa ngay cả trung tâm thương mại bên cạnh cũng đóng hết trừ trên lầu một căn karaoke còn mở. Chúng tôi đi thêm một đoạn đường thì có một tiệm 7-11 còn mở, tôi vào mua bia, nước suối, bao khoai tây chiên rồi về nhâm nhi và ghi lại những chuyện cần nhớ trong ngày.

LKH
(còn tiếp - ngày 7)


NẾU BÂY GIỜ TÔI CHẾT?

Chúng ta thường hay nghe nói: “Nếu ngày mai tôi chết thì tôi sẽ sử dụng ngày cuối cùng ra sao?” Rồi họ tưởng tượng ra vô số việc cần làm trong cái ngày CUỐI CÙNG thiêng liêng quý giá của họ. Việc gì họ tưởng tượng ra trông cũng có vẻ hay ho và ý nghĩa ra phết. Và rồi họ trông có vẻ được lên tinh thần, được bơm động lực, ưỡn ngực vươn vai, khí thế đằng đằng dường như sắp dời non lấp bể được chứ chẳng chơi.


Và sau đó, đâu lại vào đấy! Họ lại tiếp tục kéo dài đời họ một cách lê thê theo năm tháng sau khi ngọn lửa mới được nhen nhóm đó vụt tắt. Rồi họ chẳng bao giờ còn làm gì ý nghĩa cho cái ngày cuối cùng trọng đại đó nữa. Bởi vì, cái ngày tưởng tượng đó không có thật đối với họ, cho nên nó không đủ lực để tác động và làm một cuộc cách mạng thực sự!
Đối với tôi, đó là cách đặt vấn đề ngu ngốc nhất mà tôi từng được biết. Bởi vì cái chết thật sự sẽ như thế này:
Bạn không thấy tôi ghi cái gì cả đúng không? Bởi vì chẳng có cái gì để mà ghi vào cái chết. Sau cái chết nó là như thế đó! Đơn giản là bạn ở đây hoặc không ở đây. Không thể dự tính gì cả. Nó có thể diễn ra ngay bây giờ, hoặc lát nữa, hoặc ngày mai, hoặc ngày mốt, hoặc thời điểm nào đó, nhưng chắc chắn sẽ xảy ra! Chắc chắn 100%, không có thứ gì tuyệt đối chắc chắn như cái chết cả. Với tôi, sự “tuyệt đối chắc chắn” của cái chết là điều cho tôi nhiều cảm hứng nhất. Nó thật đặc biệt, siêu phàm, thánh thiện và là một ân sủng.


Cái chết là tuyệt đối chắc chắn!
Vậy cái mệnh đề ngu ngốc trên kia nên vứt đi, bởi vì sẽ không có “nếu” chi cả. Thứ chắc chắn xảy ra mà lại “nếu” là sao? Mệnh đề đó cho người ta quá nhiều cơ hội để thoái thác, trì hoãn. Mệnh đề đó tồn tại chỉ với một mục đích duy nhất: Tạm thời cho người ta một thoáng nhìn về thực tại khi người ta còn chìm đắm trong ảo tưởng! Nó không đủ! Bạn phải nhận thức, phải xé toạc ảo tưởng của bạn, để thấm vào máu, vào tim bạn điều này: Cái chết đang luôn luôn ở đó chờ bạn. Tôi không biết lúc nào và bạn cũng không biết lúc nào. Có thể sớm hơn 24h nữa đấy!
Có một số bậc giác ngộ và một số người có khả năng đặc biệt có thể biết chính xác thời điểm họ chết nhưng theo quan điểm của tôi thì đó lại là bi kịch của đời họ! Vì sao ư? Mỗi người sở hữu một lần chết duy nhất. Hãy để cho nó bất ngờ vì chỉ như thế nó mới là cao trào của cuộc đời.


Quan điểm cho rằng cái chết là một bi kịch
Tôi đã thấy và bạn hẳn cũng đã thấy loài người chúng ta sợ cái chết ra sao. Cái chết đã bị xem như một thứ gì đó xấu!
Chắc chắn nó phải xấu thôi! Bởi vì hầu hết loài người đã không được sống tí nào. Chưa được sống thì cái chết sẽ trở thành kẻ cướp, nó cướp đi cơ hội được trải nghiệm cuộc sống. Còn khi bạn đã trải nghiệm và hả hê, sống cách toàn vẹn thì cái chết sẽ là sự hoàn thành mỹ mãn. Và phần lớn chúng ta không được sống cho ra hồn chính vì cái bẫy thời gian trong tâm lý của chúng ta đấy thôi: Lúc nào cũng có cái ngày mai quái quỷ trong tâm trí!
Ngày mai, ngày mai, ngày mai, lại ngày mai… Làm ơn hãy nhớ: Cái chết không chơi trò giờ cao su !
Nếu bây giờ tôi chết?
Khi đặt vấn đề như thế thì chỉ còn một câu hỏi cần trả lời: Tôi đã thực sự sống chưa? Chẳng còn cơ hội nào nữa cả!


Nếu tôi đã sống ngon lành cành đào thì ngay cả bây giờ cái chết có ập tới, tôi cũng vui vẻ mãn nguyện vì mọi thứ đã xong xuôi. Tôi tự hào vì đời mình đã trải qua theo cách đó, đặc biệt! Đỉnh cao và vực sâu đều đã tới. Ngọt ngào và cay đắng đã chạm. Tình yêu và thù hận đã nếm trải. Thiên đường và địa ngục đã dạo qua… Ở giữa những trải nghiệm đó cũng đã được biết: Ở giữa đỉnh cao và vực sâu, ở giữa ngọt ngào và cay đắng, ở giữa tình yêu và thù hận, ở giữa thiên đường và địa ngục. You see?
Đã sống toàn vẹn chưa? Chỉ cần trả lời là Yes hoặc No! Và thứ gì đó sẽ đánh thức bạn một cách mạnh mẽ, như một cái tát trời giáng nếu bạn nhận thức được sâu sắc điều này: Nếu bây giờ bạn chết! Cuộc cách mạng cho đời bạn sẽ bùng phát ngay lập tức, ngay lập tức!
Mr. Bow
(Sưu tầm trên mạng)